Châu Âu trong một thế giới đã thay đổi

09:52 14/08/2022

Cuộc xung đột tại Ukraine kéo theo nhiều hệ lụy, đặc biệt là việc khiến châu Âu rơi vào một tình thế bế tắc, khi không thể tự giải quyết vấn đề của mình.

Khủng hoảng của châu Âu

Cuộc xung đột Ukraine nổ ra hơn 5 tháng trước, ở một khía cạnh nào đó, có thể xem là thất bại của châu Âu trong việc duy trì an ninh trên lục địa của mình. Khi cuộc chiến bùng nổ, các nước phương Tây đồng loạt đưa ra những lệnh trừng phạt khắt khe nhằm vào nước Nga. Nhưng, khi những "vũ khí" ấy chưa kịp phát huy tác dụng thì chúng đã kịp quay trở lại, để đẩy chính châu Âu vào nghịch cảnh.

Sau khi giá dầu thế giới tăng gần 30% chỉ trong vài tuần đầu của cuộc xung đột kéo theo lạm phát và những hệ lụy xấu với nền kinh tế, thì lúc này, một cuộc khủng hoảng khí đốt nối tiếp có thể kéo theo những tác động rất xấu đối với Liên minh châu Âu (EU).

Các nhà lãnh đạo châu Âu đang đau đầu với bài toán nước Nga.

Theo Ủy ban châu Âu (EC), 12 quốc gia thành viên đã bị cắt giảm, thậm chí chặn hoàn toàn nguồn cung khí đốt từ cuối tháng 2 tới nay. Thời gian đầu, phần lớn sự suy giảm này là do cuộc xung đột ở Ukraine khiến cho những hệ thống đường ống dẫn khí xuyên lục địa ngưng trệ. Nhưng, khi cuộc xung đột kéo dài, ngay cả hệ thống đường ống trên biển cũng đang bị ảnh hưởng.

Trong tháng 6-2022, công suất của hệ thống đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) đã giảm còn 40% so với trước. Mới nhất, gã khổng lồ dầu khí Gazprom của Nga cho biết sẽ tiếp tục giảm cung cấp khí đốt qua Nord Stream 1 sang châu Âu do những "vấn đề kỹ thuật".

Theo đó, kể từ ngày 27-7-2022, lưu lượng khí đốt được vận chuyển qua đường ống này giảm xuống chỉ còn 20%, tương đương 33 triệu m3 khí một ngày. Các quan chức EU đã cáo buộc Nga đang "vũ khí hóa" nguồn cung khí đốt. Dĩ nhiên, Nga bác bỏ những cáo buộc này.

Tuy nhiên, giới chức EU lo ngại nguồn cung khí đốt từ Nga có thể bị chặn hoàn toàn trong thời gian tới. Đó là một viễn cảnh đáng sợ, khi khí đốt là nguồn cung cấp nhiên liệu chính của châu Âu trong mùa đông.

Yêu cầu tối thiểu của các nước EU là phải dự trữ 80% các kho chứa khí đốt trước mùa đông nhưng hiện mới chỉ đạt 65%. Nguy cơ thiếu hụt khí đốt để sưởi ấm là rất rõ ràng và nó hoàn toàn có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng xã hội, nếu như mùa đông năm nay có những đợt lạnh kéo dài. Tình thế cấp bách bắt buộc các nước EU phải gấp rút tìm kiếm các nguồn cung thay thế.

Nhưng, thực tế, đây là thách thức lớn và không thể thực hiện trong thời gian ngắn.

Thế bế tắc

Ngay từ khi cuộc xung đột Ukraine nổ ra, người ta đã nhìn nhận đây sẽ là vấn đề lớn của châu Âu. Ước tính trong năm 2020, EU phải nhập khẩu khoảng 57% nhu cầu năng lượng của mình. Còn nhà cung cấp lớn nhất cho châu Âu thì chính là Nga.

Những con số thống kê trước năm 2022 cho thấy, EU nhập của Nga hơn 20% lượng uranium, 46% lượng than, gần 30% lượng dầu thô, khoảng 40% lượng khí đốt cần thiết. Đây đều là những nguyên liệu đầu vào thiết yếu của ngành năng lượng EU.

Việc EU theo đuổi chính sách năng lượng xanh, thay thế những nguồn nhiên liệu hóa thạch đã làm gia tăng nhu cầu khí đốt của khu vực này trung bình mỗi năm thêm 7% trong 1 thập kỷ qua.

Những mỏ khí đốt khổng lồ của Nga, thông qua những hệ thống đường ống vận chuyển trực tiếp tới châu Âu, đảm bảo số lượng và cả chất lượng, đã trở thành mặt hàng quen thuộc với người tiêu dùng châu Âu. Điều này dẫn đến việc EU ngày càng bị phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung khí đốt từ nước Nga. Nếu năm 2014, Nga chỉ cung cấp chưa đến 30% lượng khí đốt nhập khẩu của EU thì đến năm 2022, tỷ lệ này đã là 41%.

Trong khoảng thời gian đó, không phải EU không muốn giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga nhưng họ đã không thành công. Những mỏ khí đốt ở Na Uy đang dần cạn kiệt và không thể tăng công suất. Nguồn cung từ Trung Á quá xa và thiếu ổn định.

Hiệp định hạt nhân Iran đổ vỡ vào năm 2018 khiến cho dự án Dòng chảy phương Nam đưa khí đốt của Iran đến châu Âu sụp đổ. Trong khi đó, việc sử dụng khí đốt hóa lỏng (LNG) không phát triển do thiếu những cơ sở hạ tầng cần thiết. Hậu quả là khi Nga bắt đầu “phản đòn” thì các nhà lãnh đạo EU phải chạy đôn chạy đáo để tìm nguồn cung thay thế.

Từ cuối tháng 3, Bộ trưởng Kinh tế Đức, đồng thời là Bộ trưởng Bộ Năng lượng, Phó Thủ tướng, ông Robert Habeck, đã tới Qatar và các nước Vùng Vịnh trong một nỗ lực tìm nhà cung cấp mới. Cùng với việc gia tăng nhập khẩu LNG từ Mỹ, mới đây Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula Von Der Leyen đã phải lặn lội tới Azerbaijan để ký những thỏa thuận mới nhằm sớm tăng nguồn nhập khẩu. Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực này đều không thể đem đến hiệu quả ngay lập tức, bởi ước tính EU sẽ cần từ 3 đến 5 năm mới có thể thay thế được nguồn cung khí đốt truyền thống của Nga. Một quãng thời gian quá dài đối với họ khi mà mùa đông đã cận kề.

Thất bại của châu Âu trong cuộc chiến khí đốt phơi bày điểm yếu của mình.

Thực tế, ngoài việc không tìm được nguồn cung thay thế lập tức, hành động "gom hàng" của EU còn kéo theo cuộc chạy đua giá khí đốt trên toàn cầu. Ước tính giá khí đốt nhập khẩu toàn cầu đã tăng hơn 60% trong 3 tháng qua, đe dọa tới đà phục hồi kinh tế thế giới. Ngoài EU, những nhà nhập khẩu khí đốt lớn khác còn có Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và nhiều quốc gia Nam Á, châu Phi và Mỹ Latin. Một cuộc đua không lành mạnh đã diễn ra, khi EU không phải là khách hàng duy nhất “đói hàng”. Ngoài EU, những khách hàng châu Á cũng đã gia tăng lượng nhập khẩu trong những tháng vừa qua. Sự khan hiếm nguồn cung đã khiến giá khí đốt tiêu dùng tại EU tăng 700% so với đầu năm 2021.

Tình thế bế tắc về năng lượng lúc này đang đẩy châu Âu vào thế khó. EU mới đây đã buộc phải thông qua một thỏa thuận giảm 15% nhu cầu tiêu thụ khí đốt của cả khối để đảm bảo lượng dự trữ thiết yếu. Tuy nhiên, không phải quốc gia nào trong EU cũng ủng hộ đề xuất này. Đã có những rạn nứt giữa lòng châu Âu về việc đối đầu với với Nga hay phải đảo ngược tiến trình năng lượng xanh của mình để giải quyết tình thế cấp bách tức thời. Như Thủ tướng Hungary, ông Viktor Orbán tuyên bố: "EU tự bắn vào chân mình khi đưa ra lệnh trừng phạt Nga" và "giờ đây rõ ràng là nền kinh tế châu Âu đang thở hổn hển".

Vị trí của EU đã thay đổi

8 năm sau khi sáp nhập Crimea vào lãnh thổ của mình, người Nga đã biết cách thích nghi với những lệnh trừng phạt của phương Tây. Ngược lại, EU không rút ra được bài học gì, họ đã không chuẩn bị đủ tốt cho tình huống hiện tại.

Cuộc khủng hoảng khí đốt tại châu Âu đang vẽ lại bản đồ năng lượng và kinh tế thế giới. Niềm tin tuyệt đối rằng châu Âu ở vị thế không thể thay thế trên bản đồ tiêu thụ đã trở nên sai lầm. Lúc này, để có thể gom được nguồn nhiên liệu cần thiết, châu Âu cũng phải tham gia vào cuộc cạnh tranh giá cả như bất kỳ khách hàng nào khác. Cuộc cạnh tranh này sẽ khiến giá cả năng lượng thế giới tiếp tục tăng cao và gây thiệt hại cho tất cả. Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), đến năm 2040, lượng tiêu thụ khí đốt sẽ cao hơn 40% so với hiện nay. Nhưng, các khách hàng ở những khu vực khác, với kinh tế phát triển, dân số ngày càng tăng mới là những “Thượng đế” tiềm năng của loại nguyên liệu này. Khi dòng chảy khí đốt từ Nga sang châu Âu bị đóng, họ đơn giản chỉ cần mở một đường ống mới theo hướng ngược lại.

Bà Karin Kneissl, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Áo giai đoạn 2017-2019, một chuyên gia về địa chính trị và kinh tế năng lượng nhận định: Những sai lầm của châu Âu đến từ việc "Chủ nghĩa trung tâm châu Âu đã ăn sâu". Theo bà Karin: "Chúng tôi (châu Âu) tin rằng chúng tôi tuyệt vời đến nỗi không ai có thể làm được gì nếu không có chúng tôi. Thật đáng tiếc khi quan sát thấy rằng sự kiêu ngạo này vẫn tồn tại".

Châu Âu đã quá chủ quan vào sức mạnh kinh tế của mình mà quên mất thế giới đã thay đổi. Họ có thể sẽ vượt qua được mùa đông năm nay nhưng chắc chắn sẽ phải chấp nhận một cái giá không hề rẻ. Và, khi nguy cơ về những cuộc khủng hoảng còn kéo dài, đã đến lúc châu Âu phải chấp nhận một vị thế mới, “bình đẳng” hơn xưa.

Tử Uyên

Hơn 40 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Nam Trung bộ đã nỗ lực dập tắt đám cháy tại nơi tập kết vật liệu tranh tre trong xưởng chế biến gỗ của doanh nghiệp ở TP Nha Trang (Khánh Hòa).

Chỉ cách đây ba năm, nickel còn được coi là “ngôi sao” của ngành khoáng sản toàn cầu. Nickel, một thứ kim loại trước đây chỉ được dùng trong luyện thép không gỉ, bất ngờ tìm được vị thế mới khi thế giới đổ dồn sự chú ý vào những chiếc pin nickel-lithi (Ni-Li).

An toàn vệ sinh lao động đang là câu chuyện rất nóng và nhận được sự quan tâm lớn của dư luận sau vụ việc 7 công nhân tử vong và 3 người bị thương do tai nạn lao động tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái. Đây chỉ là một trong những vụ việc điển hình liên quan đến tai nạn lao động, khi từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra không ít tai nạn lao động nghiệp trọng. Theo thống kê 3 năm gần đây, có khoảng trên dưới 7.000 vụ tai nạn lao động/năm, làm khoảng 700 người chết/năm và hàng nghìn người khác bị thương. Có thể nói, tai nạn lao động để lại không ít hậu quả đau lòng. Pháp luật về an toàn vệ sinh lao động có rất nhiều quy định chặt chẽ, vấn đề an toàn vệ sinh lao động cũng được tuyên truyền thường xuyên vậy tại sao vẫn có những vụ việc thương tâm xảy ra, chúng ta cần thêm những giải pháp gì để bảo vệ sức khoẻ, an toàn cho người lao động? Xung quanh câu chuyện này, PV đã có cuộc trao đổi cùng TS Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động.     

Sáng 28/4, Công an huyện Phước Sơn (Quảng Nam) cho biết, vừa phối hợp lực lượng Công an xã, Dân quân, Xã đội xã Phước Thành, huyện Phước Sơn và cán bộ chuyên trách bảo vệ rừng kiểm tra, truy quét tình trạng khai thác vàng trái phép tại bãi 5A, xã Phước Thành.

Sáng 28/4, Thượng tá Võ Văn Thái - Phó Trưởng Công an TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sau thời gian củng cố tài liệu, chứng cứ, Cơ quan CSĐT Công an thành phố, đã khởi tố 11 đối tượng về tội “Gây rối trật tự công cộng” và tội “Cố ý gây thương tích”.

Sáng 28/4, trên đường dẫn cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, đoạn qua xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, xảy ra ùn ứ ở nhiều hướng, do gần trăm két bia trên xe đầu kéo rơi xuống đường.

Chỉ ít ngày nữa, chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên” sẽ chính thức diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội. Với gần 300 nghệ sĩ tham gia biểu diễn, chương trình được kỳ vọng sẽ tái hiện Chiến thắng Điện Biên Phủ đầy sống động qua ngôn ngữ âm nhạc, đồng thời tiếp tục khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử, tri ân, tôn vinh những cống hiến, đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong chiến thắng này.

Tối 27/4, Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT Hà Nội) triển khai tổ công tác lập chốt đảm bảo TTATGT, kiểm soát các phương tiện lưu thông trên đường mà người điều khiển phương tiện có sử dụng bia rượu tại khu vực đường Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) theo hướng đi Nguyễn Khoái.

Giữa những ngày tháng tư lịch sử, về vùng căn cứ U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang - "chiếc nôi" cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, nơi ra đời chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Kiên Giang, chúng tôi cảm thấy tự hào về những đổi thay, phát triển của vùng đất anh hùng. Trong kháng chiến, lực lượng cách mạng đã cùng nhân dân kiên trì bám đất, đấu tranh diệt ác, phá kìm, phá cơ sở của địch, xây dựng lực lượng cách mạng và xây dựng chính quyền cơ sở, bảo vệ Khu ủy, lập nên nhiều chiến công xuất sắc. Trong thời bình, kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng, nhân dân vùng căn cứ U Minh Thượng đã và đang thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng đời sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文