Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu: Thời gian đã hết
Mức độ và tần suất của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt ngày càng gia tăng là dấu hiệu cảnh báo: Dường như loài người đang thất bại trong cuộc chiến lớn nhất của mình.
"Chúng ta đã hết thời gian"
Khi các đại biểu tập trung tại Bonn, Đức đầu tháng 6/2023 để chuẩn bị cho cuộc đàm phán về khí hậu hằng năm vào tháng 11, nhiệt độ không khí bề mặt trung bình toàn cầu đã cao hơn 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, theo một báo cáo của Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) thuộc Liên minh châu Âu (EU). Mặc dù trước đây, nhiệt độ trung bình tạm thời đã từng vượt ngưỡng 1,5°C vài lần trong lịch sử, nhưng đây là lần đầu tiên hiện tượng này được ghi nhận "trong vài ngày", bắt đầu từ ngày 1/6/2023.
Trong một bản báo cáo cũng được công bố ngay trước Hội nghị Bonn, Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết: Nhiệt độ bề mặt nước biển trung bình toàn cầu đạt 21°C vào cuối tháng 3 và duy trì mức nhiệt này trong suốt tháng 4 và tháng 5 vừa qua. Đây là mức nhiệt cao kỷ lục chưa từng được ghi nhận trước đó. Kèm theo thông tin này, các thống kê từ những dòng sông băng tại Bắc bán cầu đều suy giảm
Bà Annalisa Bracco, nhà khí hậu học tại Viện Công nghệ Georgia, giải thích thêm: "Đại dương có phản ứng rất chậm, vì nó tích tụ từ từ, nhưng cũng giữ nhiệt rất lâu". Khi biển ấm hơn, gió và mưa sẽ ít hơn, nhưng những trận bão sẽ mạnh hơn do chênh lệch nhiệt độ, những tác động sinh thái sẽ kéo dài. Thông tin rõ ràng như vậy cho thấy: Không phải những kỷ lục, mà điều xảy ra tiếp theo mới đáng sợ. Ngay trong nửa đầu năm 2023, chúng ta đã chứng kiến lũ lụt và hạn hán nghiêm trọng đồng thời tại nhiều khu vực trên thế giới. Còn "nhiệt độ kỷ lục" trở thành một cụm từ quen thuộc trên các bản tin thời tiết khắp nơi.
Năm 2015, các quốc gia trên thế giới đã đồng ý với mục tiêu cố gắng giữ mức tăng nhiệt độ trung bình dài hạn trong khoảng 1,5°C cho tới tới cuối thế kỷ này. Nhưng, với những số liệu mới nhất thu được, hiện có 66% khả năng nhiệt độ trung bình hằng năm sẽ vượt ngưỡng 1,5°C trong ít nhất một năm từ nay đến 2027, theo dự đoán của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO). Một dự đoán tương tự năm 2016 (năm nóng nhất từng được ghi nhận trong lịch sử) thì khả năng này chỉ là dưới 33%. Những con số đơn giản cho thấy chúng ta đang "thua" trong nỗ lực làm chậm lại mức tăng nhiệt chung toàn cầu. Giáo sư Sarah Perkins-Kirkpatrick, nhà khí hậu học tại Đại học New South Wales của Australia, khẳng định: "Chúng ta đã hết thời gian".
Những cuộc họp và những lời hứa...
Hơn 5.000 đại biểu từ 200 quốc gia đã tập trung tại Bonn, Đức trong thời gian từ ngày 5 đến 15/6, tại Hội nghị tham vấn thường niên của Liên hợp quốc về khí hậu. Đây được coi là "phép thử" về khả năng thành công của các cuộc đàm phán ở Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) sẽ diễn ra cuối năm nay tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Thế nhưng, màn chào hỏi hoành tráng của ông Sultan Al Jaber, người sẽ dẫn dắt các cuộc đàm phán về khí hậu với vai trò là chủ tịch của COP28 lại trở thành tâm điểm tranh cãi đầu tiên, khi ông này đồng thời giữ vai trò giám đốc điều hành của Công ty Dầu mỏ quốc gia Abu Dhabi (ADNOC). Một công việc xung đột lợi ích với vị trí ở COP28 mà ông sẽ đảm nhiệm.
Hội nghị tại Bonn cũng mất định hướng ngay từ đầu, khi "không diễn ra theo bất kỳ chương trình nghị sự nào được các cơ quan thường trực của COP đề xuất trước đó, mặc dù các bên đã có nhiều tháng thảo luận kể từ COP27 ở Ai Cập", trích nguyên văn bài phát biểu khai mạc hội nghị của ông Nabeel Munir, Chủ tịch Ban Bổ trợ về thực hiện của Liên hợp quốc.
Ông Simon Stiell, Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) cố gắng "giảm nhẹ" mức độ nghiêm trọng khi cho rằng "đây là điều không mong muốn, nhưng không phải hiếm xảy ra".
Ông cho rằng cuộc gặp tại Bonn sẽ thiết lập nền tảng kỹ thuật cho các quyết định chính trị về khí hậu tại COP28.
Song, chính tại COP27, khi hơn 80 quốc gia trên thế giới nhất trí kêu gọi loại bỏ dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, lại có những quốc gia khác như Saudi Arabia và Trung Quốc hối thúc Ai Cập loại bỏ đề xuất trên khỏi văn kiện cuối cùng. Những xung đột như vậy đã khiến cho các thỏa thuận toàn cầu đi vào bế tắc.
Ở góc nhìn khác, Quỹ bồi thường tổn thất và thiệt hại, một sáng kiến của Liên minh châu Âu (EU) - từng được ca ngợi khi ra mắt tại COP27 - sau nửa năm vẫn chưa thể hoạt động vì thiếu những "điều khoản chi tiết". Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây đã phải đứng ra điều hành Hội nghị thượng đỉnh về Hiệp ước tài chính toàn cầu mới" tại thủ đô Paris trong ngày 22 và 23/6, với mong muốn mở được nút thắt cho bản kế hoạch này. Nhưng, lại một lần nữa tất cả những gì thu được sau cuộc gặp vẫn chỉ là "những lời hứa".
Khi những bản báo cáo, những hội nghị diễn ra "đều như cơm bữa", chúng ta có thể thấy được sức ép từ quá trình biến đổi khí hậu đã lớn đến mức nào. Tuy nhiên, vấn đề muôn thuở vẫn đang lặp lại: Lời nói và hành động, đáng tiếc, không phải lúc nào cũng đi liền với nhau.
Và hy vọng?
Theo thời gian, khi biến đổi khí hậu ngày càng trở nên nghiêm trọng, giới nghiên cứu đã lên tiếng. Theo đó "sự thiếu động lực đáng lo ngại" trong các cuộc đàm phán trở thành mối lo lớn nhất trong cả hai vấn đề chính: Nhiên liệu hóa thạch và tài chính.
Cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra khiến cho các chính phủ trên thế giới trở nên dè dặt hơn với những sự chuyển đổi. Những loại năng lượng hóa thạch chính như dầu mỏ hay than đá đã được sử dụng nhiều hơn trong thời gian gần đây, vì giá thành rẻ. Những tiến bộ khoa học, những cuộc chuyển đổi cũng như sự hợp tác hoàn cầu thiếu đồng bộ khiến quá trình loại bỏ năng lượng hóa thạch trở nên đầy trắc trở. Cuộc khủng hoảng năng lượng ở các nước đang phát triển gần đây cho thấy sự thất bại của các quốc gia này, khi không thể gánh được chi phí trong công cuộc chuyển đổi. Trong khi đó, những "cam kết khổng lồ" đến từ các nước giàu bị trì hoãn liên tục.
Nhiệm vụ giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu luôn phức tạp bởi sự chia rẽ về địa chính trị và kinh tế. Khi Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) họp mặt ở Hiroshima, Nhật Bản vào giữa tháng 5/2023, một tuyên bố kêu gọi đẩy mạnh chuyển sang năng lượng tái tạo, không carbon, bảo vệ môi trường... đã được đưa ra rất "hoành tráng". Nhưng, nguồn tài chính trị giá 100 tỷ USD mà các quốc gia G7 đã hứa từ COP27 vẫn chưa được các chính phủ này phê duyệt. Cuộc đàm phán về khí hậu giữa Mỹ và Trung Quốc - hai quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới - vẫn bị trì hoãn...
Ông Li Shuo, cố vấn chính sách toàn cầu tại Tổ chức Hòa bình xanh, một trong những diễn giả tham gia tại Bonn, nhận xét: "Những cuộc đàm phán rất tách biệt với những gì đang diễn ra bên ngoài tòa nhà hội nghị ở Bonn và tôi rất thất vọng vì điều đó". Chính ông Li, khi được hỏi về COP28, cũng chia sẻ: "Chúng ta đang thực sự đi đến thời điểm của sự thật... Tôi hy vọng rằng sự thật tuyệt đối sẽ giúp chúng ta thay đổi". Sự thật thì vẫn diễn ra hằng ngày, trên nhiệt kế, nhưng các nhà lãnh đạo thế giới thì đang quên mất hoặc... lờ đi.
Mới đây, ông John Kerry, đặc phái viên về khí hậu của Chính phủ Mỹ thông báo sẽ đến Trung Quốc để khởi động lại quá trình đối thoại song phương vào cuối tháng 7. Chúng ta hy vọng trong cuộc gặp, đại diện hai nước sẽ mang theo bản cập nhập nhiệt độ kỷ lục trong tháng 6 tại chính thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc và những đợt nắng nóng khắc nghiệt ập đến Mỹ thời gian qua, để đặt chúng vào chương trình nghị sự...