Di sản vinh quang của ông Joko Widodo

08:09 26/10/2024

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã để lại một dấu ấn đáng kể sau gần một thập kỷ tại vị. Khi nhiệm kỳ của ông chuẩn bị kết thúc vào cuối tháng 10 này, Indonesia không chỉ trở nên ổn định hơn về chính trị mà còn phát triển mạnh mẽ về kinh tế, cơ sở hạ tầng và vị thế quốc tế. Đó cũng sẽ là thách thức lớn dành cho người kế nhiệm ông.

Những thành tựu nổi bật

Là vị tổng thống thứ 7 của Indonesia và là nhà lãnh đạo đất nước đầu tiên có xuất thân từ tầng lớp bình dân, ngay từ đầu ông Widodo đã dành được nhiều thiện cảm của cử tri với phong cách giản dị, gần gũi của mình. Các cử tri Indonesia vẫn thường gọi ông với cái tên thân mật là Jokowi. 

Trong 10 năm lãnh đạo đất nước Indonesia, ông Widodo đã làm thay đổi bộ mặt đất nước với những thành tựu rất đáng ghi nhận. Một trong những thành công nổi bật nhất của Jokowi chính là chương trình phát triển cơ sở hạ tầng quy mô lớn, được khởi động từ khi ông nhậm chức vào tháng 10/2014. Từ việc xây dựng các đường cao tốc, cầu và sân bay cho đến việc phát triển mạng lưới tàu điện và đường sắt, chính quyền của ông đã tạo ra sự thay đổi lớn trong cách di chuyển của người dân. 

Tổng thống Joko Widodo kết thúc thập kỷ lãnh đạo của mình với những thành tựu nổi bật.

Theo Bộ Giao thông - Vận tải Indonesia, từ năm 2014 đến 2023, tổng cộng 4.600 km đường cao tốc mới đã được xây dựng. Một trong những dự án đáng chú ý nhất là khu công nghiệp mới tại đảo Sulawesi, giúp thúc đẩy phát triển khu vực miền Đông. Ông Widodo còn ghi dấu ấn với dự án chuyển thủ đô từ Jakarta đến thành phố Nusantara, một dự án đầy tham vọng thể hiện tầm nhìn chiến lược của ông.

Theo các chuyên gia, cơ sở hạ tầng tốt không chỉ cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân mà còn giúp Indonesia thu hút đầu tư nước ngoài và tăng cường vị thế kinh tế khu vực. Chuyên gia kinh tế của Indonesia, tiến sĩ Faisal Basri nhận định rằng: “Các dự án này đã giúp cải thiện năng suất kinh tế trong tương lai dài hạn, nhưng việc duy trì và mở rộng cần phải có chiến lược dài hạn”.

Dưới sự lãnh đạo của chính phủ do ông Widodo dẫn đầu, Indonesia đã đạt được tăng trưởng kinh tế ổn định trong 10 năm qua, với mức tăng trưởng GDP hằng năm trung bình khoảng 5%. Chính sách tập trung vào phát triển công nghiệp và cải cách thuế đã giúp cải thiện môi trường kinh doanh và giảm tỷ lệ thất nghiệp từ 6,1% vào năm 2014 xuống 4,5% vào năm 2023. Đặc biệt, những nỗ lực của chính phủ sau giai đoạn đại dịch COVID-19 đã đưa Indonesia sớm thoát khỏi trì trệ và trở thành một điểm sáng tăng trưởng của khu vực trong những năm qua. Các sáng kiến giảm nghèo cũng ghi nhận thành công, với tỷ lệ nghèo giảm từ 11,3% vào năm 2014 xuống còn 9,5%, theo số liệu của Cơ quan Thống kê Trung ương Indonesia. 

Ông Joko Widodo cũng thành công trong việc nâng cao vai trò của Indonesia trên trường quốc tế, đặc biệt thông qua vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2023. Chính phủ của ông đã đặt nền tảng cho Indonesia trở thành một cầu nối quan trọng giữa các quốc gia lớn như Trung Quốc và Mỹ, đồng thời duy trì sự trung lập chiến lược trong khu vực Đông Nam Á. Nhà ngoại giao người Úc Richard Heydarian nhận định rằng: "Ông Jokowi đã nâng tầm Indonesia như một nước dẫn đầu khu vực và điều này sẽ đặt ra kỳ vọng cao cho người kế nhiệm trong việc tiếp tục đóng vai trò trung gian hòa giải giữa các xung đột và tranh chấp lãnh thổ".

Những vấn đề còn để lại

Không thể phủ nhận thành công của ông Widodo trong thập kỷ lãnh đạo của mình, nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả mọi thứ đều tốt đẹp. Những dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ đã mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng để lại gánh nặng nợ công. Nợ công của Indonesia tăng từ 24,8% GDP năm 2014 lên 40,3% vào năm 2023. Đây là một thách thức lớn đối với chính quyền tiếp theo, đặc biệt khi đối mặt với áp lực cắt giảm thâm hụt ngân sách và duy trì các cam kết phát triển. Chuyên gia tài chính quốc tế, tiến sĩ Karen Brooks đánh giá: "Những yếu tố này đã gây áp lực lên nền kinh tế và khiến Indonesia phải điều chỉnh các chính sách tài khóa, điều mà người kế nhiệm sẽ phải đặc biệt chú ý".

Indonesia, với vai trò là một trong những quốc gia có rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới cũng đang phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu và nạn phá rừng. Ông Widodo đã khởi động nhiều sáng kiến bảo vệ môi trường, nhưng tiến độ còn chậm. Theo Báo cáo khí hậu Indonesia 2023, lượng phát thải carbon của nước này vẫn tiếp tục tăng. Chuyên gia môi trường Emma Collett cảnh báo: “Nhà lãnh đạo tiếp theo sẽ phải đưa ra những biện pháp quyết liệt hơn nếu muốn duy trì cam kết của Indonesia về giảm phát thải theo Hiệp định Paris”.

Mặc dù thành công trong việc giảm nghèo, sự bất bình đẳng về thu nhập vẫn là vấn đề lớn, đặc biệt là tại các vùng nông thôn và khu vực hẻo lánh. Bên cạnh đó, tham nhũng trong hệ thống hành chính và chính trị Indonesia vẫn là một trở ngại lớn cho phát triển bền vững. Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Indonesia chỉ xếp hạng 96 trên 180 quốc gia về chỉ số nhận thức tham nhũng năm 2023.

Một lo lắng khác đã được nhắc tới từ lâu chính là sau cuộc bầu cử vào tháng 2/2024 thì ông Widodo sẽ không còn được giữ cương vị lãnh đạo đất nước nữa do Hiến pháp Indonesia chỉ cho phép tổng thống cầm quyền tối đa 2 nhiệm kỳ. Vậy, ai sẽ thay thế ông Widodo để lãnh đạo đất nước trong khi công trình ông để lại vẫn còn bề bộn? Nhưng, câu hỏi đó đã có câu trả lời.

Chiến thắng của ông Subianto khi liên danh tranh cử với con trai ông Widodo.

Tiếp tục ảnh hưởng lâu dài

Trong cuộc bầu cử hôm 14/2/2024, người giành chiến thắng là một cái tên hết sức quen thuộc, ông Prabowo Subianto, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Indonesia suốt 10 năm qua trong chính phủ của ông Widodo.

Mối quan hệ của ông Widodo và ông Subianto có thể nói là vô cùng đặc biệt. Họ đến từ hai chính đảng khác nhau và là đối thủ trong hai cuộc bầu cử tổng thống trước đó mà ông Widodo đều dành chiến thắng. Tuy nhiên, ông Subianto với xuất thân quân đội lại trở thành người bảo vệ vững chắc cho chính quyền của ông Widodo trong thời gian qua nhờ vị thế của ông trong giới quân sự. Ở kỳ bầu cử năm 2024 này, khi ông Widodo không thể tranh cử nữa thì ông Subianto lại tiếp tục ứng cử với cam kết “tiếp tục các chính sách lớn của Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo”.

Và, trong cuộc đua lên chiếc ghế tổng thống lần thứ ba của mình, thật bất ngờ khi ông Subianto lại liên danh tranh cử với chính trị gia trẻ tuổi Gibran Rakabuming Raka, nguyên là Thị trưởng thành phố Surakarta và là con trai cả của Tổng thống đương nhiệm Widodo. Điều đó cho thấy giữa ông Widodo và ông Subianto đã có một mối liên hệ chặt chẽ tương trợ bền lâu. Chính sự tương trợ đó đang giúp cho Indonesia có một quá trình chuyển giao chính trị êm đẹp, được giới chuyên môn đánh giá cao.

Bản thân ông Widodo đã chuẩn bị sẵn cho quá trình chuyển giao chính trị bằng cách tiến hành cuộc bầu cử năm 2024 từ rất sớm. Trong thời gian suốt từ tháng 2 đến tháng 10/2024, khi ông Subianto đã thắng cử thì ông Widodo gần như lùi về hậu trường trong các hoạt động ngoại giao để người kế nhiệm của mình xuất hiện thay thế. Trong khi đó ông Widodo cũng âm thầm thực hiện cải cách chính phủ chỉ vài tuần trước khi rời nhiệm sở vào giữa tháng 9/2024 để dọn đường cho người kế nhiệm thực hiện nhiệm vụ của mình. 

Trong chính phủ mới, ông Dadan Hindayana, một giáo sư nông nghiệp và là thành viên trong nhóm vận động tranh cử của ông Subianto được chỉ định làm Giám đốc Cơ quan định dưỡng quốc gia mới thành lập. Còn người phát ngôn Hasan Nasbi của ông Subianto được chọn làm người đứng đầu Cơ quan truyền thông phủ tổng thống. Có thể nói, đây chính là những bước đi dọn đường để ông Subianto tiếp quản công việc dễ dàng hơn. Điều đó cũng có nghĩa là ông Widodo vẫn duy trì được ảnh hưởng trong chính phủ kế nhiệm, thậm chí là còn lâu hơn nữa khi người con trai cả của mình hiện đã là phó tổng thống tiếp theo của đất nước.

Một thập kỷ lãnh đạo Indonesia của ông Widodo sắp kết thúc. Thập kỷ đó đã gây dựng ông Widodo như một tượng đài chính trị đáng ngưỡng mộ tại đất nước của mình, nhưng với những nước đi khôn ngoan trong năm cuối cùng của nhiệm kỳ, ông Widodo đã khẳng định một lần nữa rằng, di sản của ông vẫn chưa kết thúc. 

Tử Uyên

Kiểm toán nhà nước (KTNN) vừa công bố kết quả kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách năm 2023; chuyên đề việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2023; chuyên đề công tác quản lý và sử dụng nguồn kinh phí hoạt động giai đoạn 2021-2023 của các cơ sở y tế công lập tỉnh Khánh Hòa.

Tối 4/1, tại Quảng trường 10-3, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Bộ Công an, UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp cùng Trung tâm Truyền hình Việt Nam khu vực miền Trung - Tây Nguyên (VTV8) - Đài truyền hình Việt Nam (VTV) tổ chức Chương trình “Người truyền lửa” năm 2025 với chủ đề “Lửa ấm Cao Nguyên”.

Sau hơn 1 tháng trao đổi với chúng tôi về những vụ việc có dấu hiệu sai phạm xảy ra tại Phân hiệu Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh (Phân hiệu) thuộc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, ngày 30/12/2024 ông Hà Tài Sáu, Giám đốc Phân hiệu đã có văn bản trả lời xung quanh những vấn đề này…  

Ngày 4/1, Cục CSGT cho biết, kể từ ngày 1/1/2025, lực lượng CSGT được giao nhiệm vụ quản lý, vận hành, sử dụng hệ thống quản lý dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe. Nội dung này được căn cứ theo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Nghị định 151/2024/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư 71/2024/TT-BCA của Bộ Công an.

Ít nhất 8 người đã thiệt mạng và nhiều người khác bị thương trong vụ hoả hoạn nghiêm trọng tại chợ dân sinh ở thành phố Trương Gia Khẩu thuộc tỉnh Hà Bắc của Trung Quốc.

* Thu giữ 10 bánh heroin và 15kg nghi là ma tuý tổng hợp dạng đá

Ngày 4/1, thông tin từ Công an tỉnh Quảng Trị cho biết vừa tổ chức khen thưởng Phòng CSĐT tội phạm về ma túy vì đã có thành tích xuất sắc trong đấu tranh, truy xét và làm rõ đối tượng liên quan vụ phát hiện số lượng lớn ma túy trên xe ô tô khách bị TNGT.

Ngày 4/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Bùi Thanh Tùng và Phan Văn Tiến, là phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”, quy định tại Điều 170 BLHS.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文