Di tích mà biết nói năng...

12:01 26/04/2023

Phương án thu phí tham quan di sản đô thị cổ Hội An đã được chính quyền tạm dừng để “hạ hồi phân giải” sau một thời gian lắng nghe ý kiến đa chiều, thậm chí có lúc tranh luận nảy lửa của dư luận báo chí và mạng xã hội. Mặc dù câu chuyện trên tạm thời được khép lại để các cơ quan chức năng của chính quyền địa phương nghiên cứu, tính toán lại, nhưng nó cũng đã để lại nhiều dư âm, trong đó đặt ra không ít vấn đề trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản trong bối cảnh mới.

1. Nước ta có hơn 4 vạn di tích cùng nhiều danh lam thắng cảnh. Trải qua thời gian cộng với sự biến thiên của thời cuộc và sự xâm thực nghiệt ngã của thời tiết nên trong một thời gian dài, hàng nghìn di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật bị xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ bị tan vụn theo quá trình đô thị hóa, sự lãng quên của con người, trong khi đó nguồn lực đầu tư của nhà nước còn hạn chế. Vì vậy, việc thu phí tham quan di tích, danh thắng cũng đã được đặt ra từ lâu với mục đích duy nhất lấy nguồn kinh phí đó để góp phần tái đầu tư tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích.

Hiện nay rất nhiều địa phương ra nghị quyết thu phí tham quan di tích, danh thắng, bảo tàng. Mỗi nơi mỗi vẻ, nhưng gần như các địa phương đều thu, thậm chí có địa phương đề ra biện pháp “tận thu” khiến người ta có cảm giác “chặn cổ, vặt lông” làm cho dư luận một thời bất bình. Nói cách khác, như một chủ trương bất thành văn, người ta “lấy di tích nuôi di tích” bằng cách tăng giá tham quan di tích, làng cổ, bảo tàng theo lộ trình, năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, ít khi khoản thu này được công khai, minh bạch. Đây cũng là vấn đề từng gây nhức nhối trong dư luận, khiến cho xã hội mất niềm tin, quay lưng lại với di tích.

Di tích mà biết nói năng... -0
Chùa Cầu Hội An.

Trong khi đó, cách đây hơn thập kỷ, UNESCO đã khuyến cáo các quốc gia thành viên cần cân nhắc trong việc hạn chế thu hút lượng khách đến với di sản, nhất là di sản văn hóa, vì độ kết cấu của di sản có tuổi đời vài trăm năm đến ngàn năm sẽ bị tác động, tuổi thọ của di tích sẽ giảm, môi trường cảnh quan chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Sự khuyến cáo này được nêu ra khi nhiều di sản văn hóa thế giới của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đón một lượng khách quá lớn, sức chịu đựng của di sản ngày càng hạn chế, đó là chưa nói đến vấn đề môi trường, cảnh quan, không gian xung quanh di sản. Vì lẽ đó mà hiện nay nhiều quốc gia có di sản văn hóa thế giới, tạo được sức hút lớn đối với du khách đã đề ra rất nhiều biện pháp nhằm hạn chế người đến tham quan...

Đơn cử như một thành phố nổi tiếng của Italy là Venice cũng từng nhiều lần đề xuất thu phí du khách. Chính quyền thành phố Venice dự kiến từ tháng 1/2023, khách tới đây trong ngày phải trả phí từ 3-10 euro/người (77.000 - 260.000 đồng). Mức phí chênh lệch vào từng mùa cao điểm hay thấp điểm. Việc thu phí được áp dụng với những du khách tham quan trong ngày. Còn với khách lưu trú qua đêm ở Venice lại được miễn phí vé vào thành phố. Trước đại dịch, Venice là một trong những điểm đến rơi vào tình trạng quá tải hàng đầu thế giới. Vì tình trạng quá tải, ô nhiễm môi trường du lịch khiến UNESCO từng đưa ra khuyến nghị sẽ xóa bỏ danh hiệu Di sản thế giới của thành phố này. Để giảm số lượng du khách, giải pháp đưa ra trước mắt là thu phí vào cửa. Tuy nhiên, chính sách này vẫn chưa được Venice áp dụng và thời điểm triển khai chưa được ấn định cụ thể.

Đó là đề cập ở góc độ quá tải du khách khiến cho di sản bị tổn thương, còn gần đây nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực văn hóa và kinh tế công lại không mấy đồng tình với việc thu phí tham quan di sản nói chung, bởi nếu làm như thế sẽ hạn chế số đông công chúng đến với điểm văn hóa, ảnh hưởng đến việc truyền đi nhiều thông điệp có ý nghĩa.

2. Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội từng không đồng ý với quan điểm hay còn gọi là chủ trương “lấy di tích nuôi di tích”, dù rằng quan điểm lấy di tích nuôi di tích, lấy lễ hội, sự kiện văn hóa nghệ thuật nuôi sự kiện văn hóa nghệ thuật sẽ giúp cho những nhà quản lý di tích, tổ chức các lễ hội, sự kiện phải năng động hơn trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, khiến họ phải lao tâm khổ tứ nhiều hơn trong việc học hỏi những kỹ năng kinh doanh, xây dựng thương hiệu, phát triển khách hàng, khán giả,...

Phố cổ Hội An nhìn từ trên cao.

PGS Bùi Hoài Sơn cho rằng, văn hóa có một logic đặc biệt, đó là khả năng lan tỏa sang các lĩnh vực khác. Đó là lý do nhiều quốc gia trên thế giới rất cân nhắc trong việc thu phí vào các di tích, bảo tàng hay hưởng thụ nghệ thuật công cộng. Như Bảo tàng Anh (British Museum) hay Bảo tàng Tranh quốc gia Anh (National Gallery) đều không thu tiền khách tham quan cho dù ở đó có rất nhiều những bộ sưu tập, tác phẩm quý giá nhất trên thế giới, thậm chí là vô giá. Chính phủ Anh lấy tiền từ khách du lịch chi tiêu cho khách sạn, giao thông, mua đồ lưu niệm, ăn uống... tạo điều kiện hỗ trợ để hình thành nên các quỹ tín thác, quỹ bảo tồn di sản để bảo trợ cho hoạt động của các thiết chế văn hóa này. Như thế, chúng ta cũng cần phải nghĩ rằng, khách đến di sản hay bảo tàng, khi họ ăn, ở, mua hàng hóa, có nghĩa là họ đã tiêu thụ di sản một cách gián tiếp. Tất cả những lợi ích đến từ chi tiêu của du khách phải được tính “thành tích” cho cả di sản. Chúng ta cần có chính sách cân bằng lợi ích của tất cả các bên liên quan để tạo ra nguồn thu cho các di tích, thay vì bắt các di tích phải tự kiếm tiền, dẫn đến việc phải bán vé giá cao để đầu tư trực tiếp cho di tích. Mở rộng ra với các di tích, bảo tàng, thư viện hay các sự kiện văn hóa nghệ thuật cũng phải được xem xét bằng con mắt rộng mở như vậy. Làm được điều đó, chúng ta mới thấy tác động lan tỏa, tích cực của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, từ đó tăng cường đầu tư nhiều hơn cho văn hóa, để văn hóa thực sự vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Cách đây khá lâu, TS Bùi Đại Dũng (Khoa Kinh tế - Phát triển, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) lại có cách tiếp cận rằng, di sản văn hóa cần nhìn nhận như một dạng hàng hóa, dịch vụ công. Theo Joseph Stiglitz, nhà kinh tế học người Mỹ đoạt Giải Nobel Kinh tế năm 2001, hàng hóa công (ngụ ý cả hàng hóa và dịch vụ công, gọi gộp là hàng hóa công) được phân biệt với hàng hóa tư bằng 2 tiêu chí: Tính loại trừ khả dụng trong tiêu dùng và tính loại trừ thụ hưởng trong phân phối.

Có thể xếp di sản văn hóa là một dạng hàng hóa công bởi 2 lý do: Di sản văn hóa cung cấp lợi ích tinh thần cho nhiều người trong cùng thời điểm; khó có thể loại trừ cá nhân nào đó ra khỏi việc thụ hưởng lợi ích mà di sản văn hóa đem lại. Việc thụ hưởng lợi ích trực tiếp có thể bị loại trừ, như không mua vé thì không được tham quan một di sản. Tuy nhiên, việc thụ hưởng lợi ích tổng thể không thể bị loại trừ, ví dụ sự tác động tích cực của một thắng cảnh nói riêng hoặc du lịch nói chung đối với sự phát triển của nền kinh tế và môi trường xã hội. Ngoài ra, di sản văn hóa cần được Nhà nước chăm lo, tu bổ, quản lý nhằm khuếch trương ảnh hưởng vì di sản văn hóa có thể tạo ra những ngoại ứng tích cực và là một dạng hàng hóa khuyến dụng với vai trò khuyến khích mỗi cá nhân phấn đấu vươn lên trong quá trình học tập, rèn luyện, làm việc...

Theo TS Bùi Đại Dũng, nếu ảnh hưởng tích cực của du lịch đến sự phát triển kinh tế - xã hội được thừa nhận thì việc phát triển ngành du lịch không thể là trách nhiệm riêng của ngành du lịch mà là trách nhiệm của toàn bộ các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Chính phủ với tư cách người điều phối tổng thể. Nguồn lực để đầu tư, nâng cấp, bảo tồn các di tích không thể chỉ nhìn vào khoản thu trực tiếp từ dịch vụ đón tiếp du khách tại chỗ, mà cần được điều phối hợp lý từ nguồn ngân sách đã phân cấp, bản chất là đóng góp của các ngành khác đã gián tiếp nhận được lợi ích từ việc phát triển du lịch.

TS Bùi Đại Dũng cho rằng, đối với các di sản văn hóa, việc Nhà nước hoặc cá nhân đầu tư phục dựng hoặc làm du lịch không phải là nhân tố duy nhất thu hút du khách đến những nơi này. Do đó, quy định mức thu phí đảm bảo thu hồi vốn có thể áp dụng với các điểm du lịch loại hình khác chứ không thể áp dụng cho các di sản văn hóa.

Việc đầu tư, tu bổ di sản văn hóa đem lại lợi ích cho nhiều ngành. Mức thu phí tham quan, nếu đủ bù đắp vốn đầu tư hoặc chi phí bảo tồn, nâng cấp di sản thì có thể cao đến mức không ai đến tham quan nữa. Như vậy, nếu áp dụng mức thu phí tham quan đối với di sản văn hóa “bảo đảm thu hồi vốn” là không hợp lý và gây nhiều tổn thất kinh tế. Việc thu, không thu hoặc thu phí tham quan bao nhiêu là bài toán kinh tế liên quan đến lợi ích tổng thể và lợi ích của bộ phận trực tiếp cung cấp dịch vụ, giữa lợi ích ngắn hạn và dài hạn của địa phương. Nguồn thu trực tiếp dĩ nhiên là có lợi cho bộ phận trực tiếp liên quan nhưng có thể ảnh hưởng tiêu cực tới các nhân tố khác (kể cả việc thu không trái luật). Hoạt động thu phí, nếu có biểu hiện bất thường và thiếu văn hóa có thể còn gây ra những tổn hại khó lường cho môi trường du lịch. Việc từ bỏ lợi ích cục bộ và ngắn hạn này có thể tạo ra những tác động to lớn và dài hạn mang tính toàn cục. Lời giải cho bài toán kinh tế này về mặt học thuật đã rõ ràng. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất nhạy cảm, đòi hỏi các cấp ra quyết định phải quyết đoán và sáng suốt.

Vậy nên ứng xử như thế nào với câu chuyện thu phí tham quan di tích, danh thắng vẫn đang là vấn đề rất cần được thảo luận một cách nghiêm túc từ các chuyên gia, nhà quản lý, để tìm ra được câu trả lời thỏa đáng, trong đó cần thiết phải đề cao tính nguyên vẹn và bền vững cho di sản.

Nguyễn Thanh Sương

Chưa bao giờ ranh giới giữa "đỉnh cao" và "vực sâu" của các idol mạng lại mong manh đến vậy. Các nền tảng mạng xã hội như TikTok đã tạo ra một "chiếc máy tốc độ" sản sinh người nổi tiếng chỉ sau vài clip viral.

“Chỉ với 4 tài sản là tòa nhà Windsor Plaza, tòa nhà Times Square, chợ Vải và Dự án BĐS Mũi Đèn Đỏ trong vụ án hình sự liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và ngân hàng SCB trong tổng số 726 mã tài sản được Công ty thẩm định giá H định giá, đem so với kết quả thẩm định của Công ty CP giám định và thẩm định tài sản V - một trong 19 công ty thẩm định giá được Bộ Tài chính giới thiệu cho Ngân hàng Nhà nước đã có sự chênh lệch lên tới 193 nghìn tỷ đồng…”. Thông tin trên được TS LS Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nêu ra tại hội thảo “Giải pháp xử lý tài sản trong thi hành án các vụ án kinh tế” do Báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 14/5…

Sau vụ đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an triệt phá, các cơ chuyên môn cũng nhanh chóng siết chặt quản lý. Khi tên mình bị gắn lên các nội dung quảng cáo của sản phẩm sữa lúa mạch Nestlé Milo đóng hộp uống liền của Công ty TNHH Nestlé Việt Nam (Nestlé Việt Nam), Viện Dinh dưỡng đã có văn bản đề nghị Nestlé Việt Nam gỡ bỏ các nội dung quảng cáo không đúng …

Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương tiếp nhận nhiều trẻ em bị đỉa chui vào và ký sinh trong tai, mũi, họng, sau đó xuống đường thở do đi tắm suối, một số trẻ đến viện trong tình trạng ho ra máu tươi, có cảm giác như có con gì bò trong họng.

Ngày 14/5, tại Hà Nội, Cục Kế hoạch và Tài chính tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” giai đoạn 2025 – 2030 và phát động đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống CAND (19/8/1945 – 19/8/2025) và 20 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005 – 19/8/2025).

Tối 13/5, Giám đốc Công an TP Hà Nội đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác đối với 2 cán bộ thuộc Công an TP Hà Nội gồm đồng chí Nguyễn Đức Tâm, cán bộ Công an phường Dương Nội, Hà Đông, liên quan đến vụ phản ánh có hành vi tát người dân và đồng chí Nguyễn Bình An, Trưởng Công an xã Tam Hiệp, Thanh Trì, liên quan vụ va chạm giao thông giữa 1 xe ô tô với 6 xe máy xảy ra tại xã Thanh Liệt, Thanh Trì vào ngày 9/5.

Dịch vụ dưỡng sinh Đông y, phương pháp chăm sóc sức khỏe của y học cổ truyền, từ lâu đã được biết đến với khả năng giúp cơ thể cân bằng và duy trì sức khỏe tốt. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số spa đã biến tướng phương pháp này thành những “bí quyết hồi xuân” thần tốc. Các chuyên gia cảnh báo rằng những quảng cáo thổi phồng này không chỉ làm mất đi giá trị cốt lõi của dưỡng sinh Đông y, mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng đối với sức khỏe nếu không thực hiện đúng cách và bài bản.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang lấy ý kiến dự thảo thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh. Theo đó, học sinh nếu vi phạm Luật Giáo dục, nội quy của trường hoặc cơ quan chức năng, tùy mức độ, các em ở bậc tiểu học bị nhắc nhở hoặc yêu cầu xin lỗi; học sinh cấp THCS, THPT bị nhắc nhở, phê bình hoặc viết bản tự kiểm điểm. Nếu so với quy định hiện hành, dự thảo thông tư mới đã bỏ hình thức kỷ luật “đình chỉ học” đối với học sinh vi phạm.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.