EU trước cơn sóng dữ

07:53 14/10/2024

Liên minh châu Âu (EU) từ lâu đã được coi là biểu tượng của sự hợp tác và đoàn kết khu vực, giúp đưa châu Âu từ một lục địa đầy xung đột trở thành một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá toàn cầu. Tuy nhiên, những vấn đề mới đang phát sinh đặt EU trước những thách thức nghiêm trọng về sự tồn tại của mình.

Cực hữu không còn là cảnh báo

Trong nhiều thập kỷ, các phong trào dân tộc cực hữu vẫn tồn tại trên vũ đài chính trị của châu Âu. Nhưng kể từ sau Thế chiến 2, đặc biệt là khi thành lập EU năm 1952, phần lớn các phong trào này đều không tạo được ảnh hưởng đáng kể trong xã hội. Tuy nhiên, xu hướng vươn lên của các phong trào này trong thời gian gần đây là rất đáng lo ngại. Nếu trước năm 2022, chỉ có chính phủ Hungary do Thủ tướng Viktor Orbán lãnh đạo tỏ rõ quan điểm dân tộc bảo thủ và đi ngược lại với nhiều quyết định từ EU thì hiện nay, những tiếng nói chống lại EU đang xuất hiện càng nhiều ngày trong chính nội bộ khối.

Các cuộc bầu cử gần đây tại các quốc gia thành viên EU đã cho thấy sự gia tăng của các đảng phái cực hữu, chống lại sự liên kết chặt chẽ trong EU. Tại Ý, đảng cánh hữu của bà Giorgia Meloni lên nắm quyền từ tháng 10/2022 và thể hiện quan điểm muốn giảm bớt sự can thiệp của EU vào các vấn đề nội bộ của mình.

Brexit là lời cảnh báo nghiêm túc cho sự tồn tại của EU.

Tại Pháp và Đức, những chiến thắng của các lực lượng cực hữu tại các cuộc bầu cử địa phương cho thấy các phong trào này đang lớn mạnh nhanh chóng. Mới nhất, cuộc bầu cử Quốc hội Áo hôm 29/9/2024 đã đem đến chiến thắng cho đảng cực hữu Tự do Áo. Đây là lần đầu tiên một đảng cực hữu giành chiến thắng trong một cuộc tổng tuyển cử tại châu Âu kể từ sau Thế chiến 2.

Các kết quả bầu cử này cho thấy sự chia rẽ trong lòng EU khi các chính trị gia cực hữu, dân túy chiếm ưu thế, thể hiện sự phản đối mạnh mẽ đối với các nguyên tắc nền tảng của EU như tự do di chuyển và hội nhập sâu rộng. Xu hướng này đặt ra một câu hỏi quan trọng: Liệu các quốc gia thành viên có còn cùng nhau xây dựng một tương lai chung, hay mỗi nước sẽ chọn con đường riêng biệt?

Sự thắng thế của lực lượng cực hữu trong EU không chỉ làm ảnh hưởng tới chính sách chung của EU mà còn kéo theo quan điểm nghi ngờ về sự tồn tại của tổ chức này. Theo nhận định của chuyên gia về quan hệ quốc tế Ivan Krastev, đến từ Viện khoa học nhân văn (IWM) tại Vienna, Áo thì:”Nếu chủ nghĩa cực hữu tiếp tục lan rộng, EU có thể đối diện với nguy cơ tan vỡ”.

Ông Krastev cho rằng các chính sách và tư tưởng của chủ nghĩa cực hữu thường đặt nặng vấn đề quốc gia hơn là liên kết khu vực, điều này sẽ đẩy mạnh sự đối nghịch giữa các nước thành viên, đặc biệt là những nước có quan điểm cực hữu mạnh như Hungary và Ba Lan với các quốc gia Tây Âu như Pháp, Đức và Hà Lan. Các chuyên gia cũng đồng quan điểm rằng sự bất đồng này có thể dẫn đến việc một hoặc nhiều quốc gia rời khỏi liên minh, giống như kịch bản của Brexit. Đó có thể chính là kịch bản tồi tệ dẫn đến tận vỡ EU mà chúng ta không muốn chứng kiến.

Chia rẽ trong nhiều vấn đề

Mặc dù sự vươn lên của lực lượng cực hữu là nghiêm trọng, nhưng bản chất của việc này cũng đến từ chính những bất đồng sâu sắc trong EU nhiều năm qua. Trong bối cảnh những thay đổi chính trị mạnh mẽ, EU đang đối mặt với sự chia rẽ ngày càng sâu sắc giữa các quốc gia thành viên. Những vấn đề gây mâu thuẫn bao gồm quản lý di cư, chính sách tài chính, và các chiến lược đối phó với biến đổi khí hậu. Vấn đề di cư là một trong những điểm căng thẳng lớn nhất. Các quốc gia phía Nam như Ý và Hy Lạp yêu cầu chia sẻ trách nhiệm trong việc tiếp nhận người tị nạn và người di cư từ Trung Đông và Bắc Phi.

Trong khi đó, các quốc gia như Hungary và Ba Lan kiên quyết phản đối các chính sách này, tạo ra sự căng thẳng trong nội bộ EU. Giáo sư Krastev cho rằng “sự khác biệt về kinh nghiệm lịch sử và nỗi sợ mất kiểm soát biên giới đã đẩy các quốc gia này vào lập trường cứng rắn hơn”.

Chính sách tài chính cũng là điểm gây tranh cãi khác. Các quốc gia Bắc Âu như Đức và Hà Lan muốn duy trì chính sách thắt chặt ngân sách, trong khi các nước Nam Âu như Ý và Tây Ban Nha đòi hỏi nhiều khoản đầu tư hơn từ ngân sách chung của EU. Sự khác biệt này đã được thể hiện rõ ràng trong các cuộc đàm phán về gói cứu trợ hậu COVID-19, khi mà các quốc gia "thắt lưng buộc bụng" lo ngại về việc chi tiêu công quá mức.

Sự chia rẽ còn lớn hơn kể từ tháng 2/2024 khi Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt vào lãnh thổ Ukraine. Trong khi các quốc gia như Ba Lan và các nước vùng Baltic thúc giục các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn đối với Nga, một số quốc gia khác, đặc biệt là Đức, lại có xu hướng ủng hộ việc duy trì đối thoại và tránh leo thang. Sự khác biệt này đặt EU vào thế khó khăn trong việc đưa ra một phản ứng thống nhất.

Cuộc xung đột Ukraine gây chia rẽ mới trong EU.

Quan hệ căng thẳng giữa Pháp và Đức

Pháp và Đức từ lâu đã được coi là hai trụ cột vững chắc của EU. Sự hợp tác giữa Paris và Berlin đã đặt nền móng cho nhiều chính sách quan trọng của EU, từ kinh tế đến quốc phòng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, mối quan hệ giữa hai quốc gia này đã trở nên căng thẳng, đặc biệt sau khi Olaf Scholz lên nắm quyền Thủ tướng Đức vào năm 2021.

Một trong những điểm mấu chốt dẫn tới căng thẳng là khác biệt về cách tiếp cận chính sách kinh tế. Trong khi Pháp dưới thời Tổng thống Emmanuel Macron thúc đẩy các chính sách chi tiêu công để kích thích tăng trưởng, Đức lại ưu tiên duy trì kỷ luật tài chính, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát gia tăng và khủng hoảng năng lượng hậu chiến tranh Ukraine. Ngoài ra, vấn đề an ninh quốc phòng cũng là một nguyên nhân. Pháp muốn EU tăng cường sự tự chủ về quốc phòng, giảm bớt sự phụ thuộc vào NATO và Mỹ. Trong khi đó, Đức lại thiên về sự hợp tác chặt chẽ hơn với NATO và tiếp tục dựa vào sự bảo trợ của Mỹ trong các vấn đề an ninh. Điều này tạo ra một khoảng cách lớn trong quan điểm chiến lược giữa hai quốc gia, đe dọa tính thống nhất trong chính sách quốc phòng của EU.

Căng thẳng còn được đẩy lên đỉnh điểm trong các cuộc đàm phán về năng lượng và biến đổi khí hậu. Pháp, với nguồn năng lượng hạt nhân dồi dào, muốn EU công nhận đây là một nguồn năng lượng sạch và bền vững. Ngược lại, Đức, sau khi đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân, ủng hộ việc phát triển năng lượng tái tạo và cắt giảm sự phụ thuộc vào hạt nhân. Sự khác biệt này đã dẫn đến nhiều tranh cãi gay gắt tại các cuộc họp cấp cao của EU.

Tương lai của EU?

Sau hơn 60 năm tồn tại, EU đang đứng trước một ngã rẽ quan trọng. Sự phát triển mạnh mẽ của các phong trào chống đối EU tại nhiều quốc gia thành viên, mối quan hệ căng thẳng giữa Pháp và Đức, và sự chia rẽ nội bộ về các vấn đề quan trọng như di cư, tài chính, và quốc phòng đang đặt ra thách thức lớn đối với sự tồn tại của liên minh này. Giáo sư Jean Pisani-Ferry, nhà kinh tế học hàng đầu của nước Pháp, người theo đuổi nhiều nghiên cứu về chính sách EU mới đây đã đưa ra cảnh báo rằng: “Nếu EU không giải quyết được vấn đề bất bình đẳng giữa các nước thành viên và không thể cải cách theo hướng linh hoạt hơn, nguy cơ tan rã sẽ ngày càng tăng”. Quan điểm này cũng đang nhận được nhiều sự ủng hộ.

Tất nhiên, không ai muốn thấy một tổ chức như EU phải tan rã, nhưng để duy trì sự liên kết, EU cần phải thay đổi. EU cần phải có những bước đi chiến lược mới nhằm giảm bớt căng thẳng giữa các quốc gia thành viên và tìm kiếm sự đồng thuận về các chính sách chung. Điều này đòi hỏi sự nhượng bộ từ cả hai phía, đặc biệt là giữa Pháp và Đức, những quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất trong liên minh.

Ngoài ra, EU cần xem xét lại cách tiếp cận của mình đối với các vấn đề nhạy cảm như di cư và chính sách tài chính. Việc điều chỉnh các quy định và chia sẻ trách nhiệm có thể giúp giảm bớt căng thẳng giữa các quốc gia thành viên, tạo điều kiện cho một tương lai ổn định hơn. Các nhà lãnh đạo EU đều đã nhận được cảnh báo và nhìn ra vấn đề, giờ là lúc chúng ta hy vọng họ sẽ đưa ra được những quyết định đúng đắn vì sự tồn tại của chính mình.

Tử Uyên

Hôm 13/12 (giờ địa phương), ông François Bayrou (73 tuổi), lãnh đạo đảng Phong trào Dân chủ Pháp (MoDem), đồng minh của Tổng thống Emmanuel Macron, được bổ nhiệm giữ cương vị thủ tướng Pháp. Theo The Guardian, tân thủ tướng tự nhận mình là "người đàn ông của vùng đồng quê".

“Văn ôn, võ luyện”, hàng năm, dưới sự chỉ đạo của Đảng uỷ, chỉ huy Lữ đoàn đặc công Đặc biệt 1, các đơn vị đều tập trung huấn luyện các nội dung khó và nguy hiểm như kỹ thuật tụt dây chiến thuật, kỹ thuật chiến đấu trong không gian hẹp, nhà cao tầng, hành lang cầu thang…

Hơn 10 năm trước, sông Krông Nô chảy qua địa bàn hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông được ví như một dải lụa uốn lượn thơ mộng êm đềm, cấp nước sinh hoạt cũng như tưới tiêu cho hàng nghìn hộ dân sinh sống ven sông. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, với sự xuất hiện của thuỷ điện và việc khai thác cát quá mức đã khiến dòng sông này đang phải oằn mình “kêu cứu”…

Hai thanh niên ở Tiền Giang do cần tiền trả nợ và tiêu xài đã rủ nhau đi cướp tiệm vàng. Một đối tượng bước vào trong đập tủ kính để cướp vàng rồi ra xe đồng bọn chờ sẵn để tẩu thoát.

Giá rét tê tái vẫn tiếp tục bao trùm khắp các tỉnh thành miền Bắc với nền nhiệt thấp phổ biến từ 10-13 độ, vùng núi 7-10 độ, vùng núi cao có nơi dưới 5 độ. Nhiều nơi tại miền Bắc rét đi kèm với mưa.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文