Khi danh tiếng chịu sức ép của quyền lực

08:49 26/04/2025

Nước Mỹ trải qua 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump với những thay đổi căn bản về bộ máy chính quyền cũng như chính sách ngoại giao và thương mại. Mới đây, ông chủ Nhà Trắng mở thêm một “mặt trận mới” nhắm vào nguồn tài trợ liên bang trị giá nhiều tỷ USD dành cho các trường đại học hàng đầu với quyết tâm định hình lại nền giáo dục đại học của Mỹ.

“Mặt trận mới” của Tổng thống Trump

Trong suốt quá trình tranh cử, Tổng thống Trump nhiều lần cáo buộc các trường đại học Mỹ ngày càng trở nên “thù địch với phe bảo thủ”, thúc đẩy chủ nghĩa tự do “cánh tả” quá mức trong sinh viên và xa rời mục tiêu giáo dục truyền thống.

Sau làn sóng biểu tình phản đối Israel tại các trường đại học trên khắp nước Mỹ liên quan đến cuộc xung đột ở Dải Gaza, ông Trump gay gắt cho rằng, nhiều cơ sở giáo dục biến thành “thành trì” dung dưỡng chủ nghĩa bài Do Thái. Nhậm chức 2 tuần, ông Trump thành lập lực lượng đặc nhiệm TFCAS nhắm mục tiêu “xóa bỏ nạn bài Do Thái tại các đại học”. Thành phần của TFCAS là các viên chức Bộ Giáo dục, Bộ Tư pháp, chuyên gia dữ liệu và luật sư.

Khi danh tiếng chịu sức ép của quyền lực -0
Tổng thống Donald Trump gây sức ép với các đại học thông qua nguồn tài trợ liên bang trị giá nhiều tỷ USD.  

Thông qua cuộc điều tra về cáo buộc bài Do Thái do TFCAS thực hiện, với đòn bẩy là nguồn tài trợ 30-40 tỷ USD/năm của Chính phủ Mỹ cho các trường đại học, đội ngũ của Tổng thống Trump gửi loạt khuyến nghị cải cách đến các đại học, gồm các trường nhóm Ivy League (8 đại học nghiên cứu tư nhân danh giá nhất vùng Đông Bắc nước Mỹ) yêu cầu họ thực hiện hoặc đối mặt nguy cơ bị cắt tài trợ. “Những trường đại học này đang nhận tài trợ liên bang. Và, nếu bạn nhận tiền tài trợ liên bang, thì chúng tôi muốn đảm bảo bạn tuân thủ luật liên bang”, Bộ trưởng Giáo dục Linda McMahon giải thích.

Theo truyền thông Mỹ, các khuyến nghị từ chính quyền Tổng thống Trump với các đại học được cho là đã vượt ra ngoài vấn đề bài Do Thái. Trong khi một số trường, bao gồm Đại học Columbia chấp nhận thỏa hiệp để không đánh mất quyền tiếp cận tài trợ liên bang, Đại học Harvard trở thành đại học đầu tiên công khai thách thức ngược chính quyền Tổng thống Trump. Trường này khẳng định, các danh sách yêu cầu của chính quyền bao gồm cả nội dung về cách thức quản trị, thay đổi thủ tục kỷ luật, thay đổi trong tuyển sinh và tuyển dụng, từ bỏ tất cả các chính sách và chương trình liên quan đến tính đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI).

Luật pháp Mỹ cho phép các trường đại học hoạt động khá độc lập. Harvard cam kết tiếp tục chống chủ nghĩa bài Do Thái, nhưng khước từ thực hiện các yêu cầu mà họ cho là có thể dẫn đến việc chính quyền liên bang “kiểm soát cộng đồng Harvard” và đe dọa “các giá trị của trường với tư cách một tổ chức tư nhân”. “Harvard, cũng như bất kỳ trường đại học tư thục nào khác, đều không thể để chính quyền liên bang tiếp quản”, Đại học Harvard nêu trong bài đăng trên mạng xã hội X.

Câu trả lời của Harvard khiến ông Trump tức giận và chính thức châm ngòi cuộc đối đầu giữa một bên là Harvard - trường đại học danh tiếng, lâu đời và giàu có; với bên kia là đương kim Tổng thống Mỹ, người có quyền lực mạnh mẽ và luôn quyết tâm đi xa hơn bất cứ chính quyền nào khác nhằm định hình lại nền giáo dục đại học Mỹ. 

Theo New York Times, để trừng phạt với Harvard, Nhà Trắng tuyên bố đóng băng khoảng 2,2 tỷ USD tài trợ liên bang cho trường. Ngày 15/4, ông Trump tuyên bố tước bỏ tư cách tổ chức giáo dục phi lợi nhuận được miễn thuế của Harvard. “Harvard không còn được xem là nơi đào tạo tốt và không nên được coi là một trong những đại học tuyệt vời nhất thế giới”, ông Trump viết trên TruthSocial, ngày 16/4. “Harvard là một trò đùa, chỉ giảng dạy về sự thù ghét và ngu ngốc. Họ không nên nhận tài trợ liên bang nữa”. Không lâu sau, Bộ An ninh nội địa Mỹ cảnh báo Harvard có thể bị tước quyền tuyển sinh sinh viên quốc tế nếu không đáp ứng các yêu cầu của giới chức Mỹ.

Chưa có dự báo chính thức về việc Harvard ảnh hưởng ra sao khi mất tài trợ liên bang. Những ngày qua, Harvard đang gấp rút lên phương án, bao gồm khả năng khởi động các hành động pháp lí chống lại Nhà Trắng.

Một nhóm giáo sư Harvard đã thông qua Hiệp hội Giáo sư đại học Mỹ đệ đơn kiện chính phủ. New York Times nói rằng, Harvard sở hữu một quỹ hiến tặng trị giá 53 tỷ USD, lớn nhất trong số các trường đại học Mỹ, nhưng việc chi tiêu từ quỹ này không dễ dàng, bởi nó phải tuân thủ các cam kết mà họ đã đưa ra với từng khoản hiến tặng (khoảng 70% quỹ tài trợ đã được phân bổ cho các dự án cụ thể). Giáo sư y khoa David Walt của Đại học Harvard cảnh báo, việc bị cắt giảm nguồn tài trợ sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động nghiên cứu của ngôi trường này. “Nó sẽ làm chậm tiến trình nghiên cứu y khoa và đe dọa sức khỏe cộng đồng”, ông Walt nói. Trường này nhận được 687 triệu USD tài trợ liên bang trong năm tài khóa 2024.

Nước Mỹ thêm một lần “rẽ đôi”

Các trường đại học hàng đầu của Mỹ có hàng trăm năm lịch sử, nhưng mối quan hệ giữa họ và Chính phủ Mỹ chỉ trở nên khăng khít hơn từ thời Thế chiến II. Thời điểm đó, Nhà Trắng chiêu mộ lượng lớn các nhà khoa học tham gia các dự án quốc phòng với kì vọng giúp nước Mỹ chiếm ưu thế về quân sự. Thành công của nhiều nghiên cứu đình đám, gồm Dự án Manhattan phát triển bom nguyên tử đầu tiên thế giới, là minh chứng Washington có thể sử dụng sức mạnh tài chính để tài trợ cho các hoạt động khoa học và thay đổi thế giới.

Những thập niên qua, Mỹ chi hàng tỷ USD/năm tài trợ nghiên cứu tại các đại học, qua đó định hướng các nghiên cứu làm sao phù hợp nhất với ưu tiên của đất nước. Trong khi Chính phủ Mỹ trông cậy vào các trường đại học để đào tạo ra những sinh viên có trình độ và các sáng chế, ý tưởng đột phá; các trường đại học dựa vào nguồn tài trợ để mở rộng hoạt động nghiên cứu, giảng dạy. Số liệu năm 1970 cho thấy, Chính phủ Mỹ đã phân bổ khoảng 3,4 tỷ USD tài trợ giáo dục đại học. Con số này tăng nhanh trong nửa cuối thế kỷ 20, nhất là giai đoạn cao trào Chiến tranh Lạnh. Năm 2024, chỉ riêng 8 trường nhóm Ivy League đã nhận được 6,4 tỷ USD tài trợ.

 Nhiều nhóm giảng viên các đại học lớn đã tuần hành phản đối sự can thiệp của Chính phủ Mỹ.  

Hãng tin PBS cho hay, nguồn tài trợ liên bang rất quan trọng, chiếm trung bình từ 10-13% tổng nguồn thu hằng năm của các trường đại học. Tuy nhiên, với các trường lớn và uy tín, tỷ lệ này thường cao hơn. Một số trường hợp cá biệt như Đại học Johns Hopkins nhận 40% nguồn thu từ ngân sách liên bang, tương đương 4 tỷ USD. Ngoài Đại học Harvard, giữa tháng 4/2025, Nhà Trắng cũng đóng băng hoặc dọa “cắt” tài trợ và hợp đồng của các cơ quan liên bang (Bộ Nông nghiệp, Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục, Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh) với nhiều đại học lớn. Trong đó, Đại học Brown bị đình chỉ tiếp cận khoản tài trợ 510 triệu USD, Đại học Cornell khoảng 1 tỷ USD, Đại học Northwestern 790 triệu USD và Đại học Pennsylvania 175 triệu USD. 

Theo giới quan sát, không đại học nào có vị thế tốt hơn Harvard trong cuộc đối đầu với chính quyền Tổng thống Trump nhờ danh tiếng, đội ngũ cựu sinh viên nắm giữ các vị trí then chốt. Rất nhiều đại học đang chăm chú theo dõi cách Harvard ứng phó với sức ép từ chính quyền Mỹ, trong khi đội ngũ giảng viên Đại học Columbia đang tìm cách yêu cầu lãnh đạo trường này rút lại quyết định nhượng bộ. Nhiều giảng viên các đại học Mỹ cũng tỏ ra bất bình vì cho rằng ông Trump đang tìm cách thách thức các thiết chế có tư tưởng trái ngược khẩu hiệu MAGA (Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại) của ông và việc Nhà Trắng viện dẫn vấn đề bài Do Thái chỉ là cái cớ để can thiệp.

Tờ WashingtonPost cho biết, Hiệu trưởng Đại học Stanford Jonathan Levin đã ca ngợi “phản ứng của Harvard bắt nguồn từ truyền thống tự do của người Mỹ, một truyền thống thiết yếu đối với các trường đại học và đáng được bảo vệ”. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng ủng hộ Harvard, chỉ trích hành động của ông Trump “can thiệp quá mức vào quyền học thuật”. Ông Obama kêu gọi “các tổ chức khác làm theo Harvard”. Sau đó, các giảng viên Đại học Yale ngày 15/4 đã yêu cầu lãnh đạo nhà trường “thách thức mọi yêu cầu đe dọa đến quyền tự do học thuật và quyền tự quản”.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều ý kiến ủng hộ Tổng thống Trump, không chỉ từ phe đảng Cộng hòa mà còn từ các chính trị gia, chuyên gia có khuynh hướng chính trị bảo thủ. Theo New York Times, những người này từ lâu phàn nàn rằng, quan điểm của họ luôn bị gạt ra khỏi các giảng đường và họ coi các trường đại học hàng đầu là lò ấp của cái gọi là “chủ nghĩa thức tỉnh” và các quan điểm thiên tả mà phe Dân chủ ủng hộ.

Trên thực tế, công chúng Mỹ đang mất dần niềm tin vào giáo dục đại học. Kết quả thăm dò dư luận của Gallup cho thấy, từ 2015-2024, tỷ lệ người Mỹ “rất tin tưởng” hoặc “khá tin tưởng” vào giáo dục đại học giảm từ 57% xuống còn 36%. Tỷ lệ người Mỹ phản hồi “rất ít tin tưởng” hoặc “hoàn toàn không tin tưởng” vào giáo dục đại học tăng từ 10% lên khoảng 30%, cao kỷ lục.

Có 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, một là công chúng phàn nàn các trường đại học quá tập trung thúc đẩy các chương trình nghị sự chính trị, hai là đào tạo các kĩ năng không phù hợp thị trường lao động và ba là chi phí học đại học cao. Nhiều người cho rằng, các trường đại học cần tập trung hơn vào chương trình học thuật và tránh xa chính trị để đào tạo sinh viên phù hợp cho thị trường lao động.

Nguyễn Viết

Thông tin từ Bộ Xây dựng, trong 3 năm 2022, 2023, 2024 Bộ này đã hoàn thành thủ tục để khởi công 59 dự án, hoàn thành thi công đưa vào khai thác 55 dự án. Kế hoạch năm 2025 dự kiến khởi công 21 dự án và hoàn thành 42 dự án, đến nay đã khởi công 6/21 dự án, đang tập trung triển khai để hoàn thành trong tháng 4/2025 là 8/42 dự án đáp ứng kế hoạch yêu cầu.

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (gọi tắt là Nghị quyết số 18), CAND là lực lượng tiên phong, gương mẫu đi đầu, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, đạt kết quả toàn diện. Thế nhưng các thế lực thù địch, phản động luôn tìm cách phủ nhận, chống phá hòng làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và lực lượng CAND.

Lúc 3h ngày 13/5, một vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra trên tuyến đường giao thông thuộc khu vực Long Định, phường Long Hưng, quận Ô Môn, TP Cần Thơ. Điểm sạt lở nằm cặp bờ trái sông Bằng Tăng, cách cầu Mương Khai khoảng 400 mét về hướng QL91.

Đại diện Cục Thể dục thể thao Việt Nam mới đây đã đề cập đến mục tiêu giành ít nhất 1 HCV tại SEA Games 33 vào cuối năm nay tại Thái Lan. Nhưng không đơn giản để thực hiện mục tiêu này khi các tay vợt vẫn cần những chuyến tập huấn, thi đấu quốc tế.

Liên quan vụ án “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” xảy ra tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) thuộc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là Sở KH&CN TP Huế), hôm nay (14/5), Cơ quan CSĐT Công an TP Huế đã thực hiện khám xét trụ sở Công ty Cổ phần dịch vụ tư vấn môi trường (DVTVMT) Hải Âu tại số 3 Tân Thới Nhất 20, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP Hồ Chí Minh.

Thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, đêm qua (14/5), khu vực Tây Bắc, Việt Bắc đã có mưa rào và dông, cục bộ có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa nhiều nơi trên 60mm như: Tả Lèng (Lai Châu) 138.2mm, thị trấn Sa Pa (Lào Cai) 68.6mm, Cảm Nhân (Yên Bái) 77.6mm, Thái Hòa (Tuyên Quang) 63.4mm…

Trong khuôn khổ chuyến công du kéo dài bốn ngày tới ba nước vùng Vịnh, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 13/5 (giờ địa phương) đã đặt chân tới Arab Saudi đầu tiên. Tại đây, Riyadh đã ký các thỏa thuận trị giá hơn 300 tỉ USD với Washington và cam kết đầu tư 600 tỉ USD vào nền kinh tế lớn nhất thế giới thông qua các lĩnh vực hợp tác, từ quốc phòng, công nghệ, tới động vật học.

Công ty TNHH Godwaypharma mới bị UBND TP Hồ Chí Minh quyết định xử phạt vi phạm hành chính hơn 2,9 tỷ đồng do sử dụng hàng tấn nguyên liệu hết hạn để sản xuất bột đạm hương socola, nhưng trên trang web của công ty này quảng cáo và cam kết 100% chữa khỏi bệnh ung thư.

Với hành vi chỉ đạo kế toán trưởng và thủ quỹ bỏ ngoài sổ sách tài chính kế toán nhiều nguồn thu dịch vụ và một số hoạt động sự nghiệp khác để sử dụng trái quy định pháp luật, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công thương miền Trung đã bị khởi tố, bắt tạm giam.

Sáng 14/5, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Tháng Công nhân trong CAND năm 2025. Lễ phát động được truyền trực tuyến từ điểm cầu Bộ Công an tại Hà Nội đến điểm cầu Công an các địa phương.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.