Không còn "nói suông" nữa!
Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Và, Tổng Bí thư Tô Lâm đã "xắn tay áo" để làm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Đây thực sự là chuyện chưa từng có trong lịch sử gần 100 năm của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ trước tới nay, Tổng Bí thư rất hiếm khi trực tiếp một cách cụ thể, trực tiếp như khi làm vị trí "Trưởng ban". Và, nếu có là "Trưởng ban" thì cũng là chỉ đạo các chương trình, kế hoạch, chủ trương thuộc các vấn đề tư tưởng, đạo đức.
Nhưng nay Tổng Bí thư Tô Lâm lại trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (KH, CN, ĐMST & CĐS) thì rõ ràng tư duy lãnh đạo đã có những bước đột phá, những thay đổi rất tích cực. Sự thay đổi đó là: Đảng không chỉ lãnh đạo đất nước bằng việc ra những đường lối, chủ trương, vạch con đường đi cho toàn dân tộc mà còn trực tiếp chỉ đạo những việc, những vấn đề cấp thiết, đặc biệt quan trọng.
Việc Tổng Bí thư Tô Lâm là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về KH, CN, ĐMST & CĐS quốc gia lại càng chứng tỏ một điều: Tổng Bí thư Tô Lâm là người rất coi trọng thực tiễn. Điều này cũng có thể thấy dễ dàng là từ khi được tín nhiệm bầu làm người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có một số bài phát biểu, bài trả lời phỏng vấn và những thông điệp. Trong những thông điệp của Tổng Bí thư hầu như không mang tính kinh viện, không mang nặng ngôn từ hoa mĩ, sáo rỗng, giáo điều mà tất cả đều chỉ bám sát thực tế, đi thẳng vào vấn đề. Điều đó càng chứng tỏ ông là con người trưởng thành từ thực tiễn và rất coi trọng thực tiễn.
Trở lại việc tại sao lại phải có Ban Chỉ đạo Trung ương về KH, CN, ĐMST & CĐS quốc gia thì rõ ràng Đảng, Chính phủ đã nhận thấy chuyển đổi số không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là nhu cầu cấp thiết trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Tại Việt Nam, quá trình này đang được coi là động lực quan trọng giúp nền kinh tế tăng trưởng bền vững, nâng cao năng suất lao động và tạo ra những cơ hội phát triển mới.
Trong các phát biểu gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm luôn nhấn mạnh chuyển đổi số là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển của Việt Nam, đóng vai trò là động lực thúc đẩy lực lượng sản xuất và cải thiện quan hệ sản xuất.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh sự cần thiết của việc huy động sức mạnh tổng hợp từ cả hệ thống chính trị, các Bộ, ngành và toàn xã hội để đưa đất nước vào một giai đoạn phát triển mới với nền kinh tế số và xã hội số tiên tiến.
Việc thúc đẩy chuyển đổi số không chỉ giúp tối ưu hóa nguồn lực mà còn mang lại nhiều lợi ích to lớn như nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia: Thông qua việc áp dụng công nghệ số, các doanh nghiệp Việt Nam có thể nâng cao hiệu suất, giảm chi phí sản xuất và cải thiện chất lượng sản phẩm. Điều này không chỉ giúp tăng trưởng kinh tế mà còn tăng cường vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế toàn cầu.
Bộ Chính trị khẳng định phát triển KH, CN, ĐMST & CĐS đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam đạt tiềm lực, trình độ KH, CN, ĐMST & CĐS đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao.
Trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của thế giới; một số lĩnh vực khoa học, công nghệ đạt trình độ quốc tế. Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử; nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, trung tâm phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số mà Việt Nam có lợi thế. Tối thiểu có 5 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến.
Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 55%; tỉ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trên tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt tối thiểu 50%. Quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 30% GDP. Tỉ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp đạt trên 80%; giao dịch không dùng tiền mặt đạt 80%. Tỉ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 40% trong tổng số doanh nghiệp.
Mới đây nhất, tại cuộc gặp gỡ với các trí thức Việt Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: "Chỉ có KH, CN, ĐMST mới là con đường giúp chúng ta bắt kịp, tiến cùng, bứt phá và vượt lên chính chúng ta và thế giới”. Để đạt được yêu cầu này, Tổng Bí thư đề nghị, cấp ủy, chính quyền các cấp cần đổi mới mạnh mẽ việc đào tạo, tuyển chọn, sử dụng, trọng dụng trí thức, nhà khoa học để tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới, đặc biệt trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc mà chặng đường đầu là từ nay tới năm 2045.
Trong Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị yêu cầu 7 nhiệm vụ, giải pháp.
Một là, nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển KH, CN, ĐMST & CĐS quốc gia.
Hai là, khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển KH, CN, ĐMST & CĐS.
Trong đó, Bộ Chính trị nhấn mạnh, khẩn trương sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đồng bộ các quy định pháp luật về khoa học, công nghệ, đầu tư, đầu tư công, mua sắm công, ngân sách nhà nước, tài sản công, sở hữu trí tuệ, thuế... để tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, giải phóng các nguồn lực, khuyến khích, phát triển KH, CN, ĐMST & CĐS quốc gia, phát triển nguồn nhân lực; cải cách phương thức quản lý, triển khai các nhiệm vụ khoa học, công nghệ phù hợp với từng loại hình nghiên cứu; cải cách cơ chế quản lý tài chính trong việc thực hiện nhiệm vụ KH, CN, ĐMST & CĐS, đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính; giao quyền tự chủ trong sử dụng kinh phí nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.
Có cách tiếp cận mở, vận dụng sáng tạo, cho phép thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra. Chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu KH, CN, ĐMST & CĐS.
Có cơ chế thí điểm để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới có sự giám sát của Nhà nước; có chính sách miễn trừ trách nhiệm đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà có thiệt hại về kinh tế do nguyên nhân khách quan. Hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo, ươm tạo công nghệ và chuyển đổi số.
Thống nhất, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về KH, CN, ĐMST & CĐS. Phát triển các viện nghiên cứu, trường đại học trở thành các chủ thể nghiên cứu mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo...
Có cơ chế, chính sách hỗ trợ, phát triển các tổ chức nghiên cứu khoa học, công nghệ công lập hoạt động hiệu quả; giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, cán bộ, tài chính, chuyên môn; được sử dụng ngân sách nhà nước thuê chuyên gia, sử dụng tài sản hữu hình và trí tuệ để liên kết, hợp tác khoa học, công nghệ với các tổ chức, doanh nghiệp. Có cơ chế cho phép và khuyến khích các tổ chức nghiên cứu, nhà khoa học thành lập và tham gia điều hành doanh nghiệp dựa trên kết quả nghiên cứu.
Thu hút, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển KH, CN, ĐMST & CĐS quốc gia. Ngân sách chi cho nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ ưu tiên thực hiện theo cơ chế quỹ, thông qua các quỹ phát triển khoa học, công nghệ. Cơ cấu lại nguồn ngân sách chi sự nghiệp khoa học, công nghệ bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải.
Có cơ chế khuyến khích mua sắm công đối với các sản phẩm, hàng hóa là kết quả nghiên cứu khoa học do doanh nghiệp trong nước tạo ra. Có cơ chế đặc biệt trong nghiên cứu, tiếp cận, mua các bí mật công nghệ, học hỏi, sao chép các công nghệ tiên tiến của nước ngoài.
Ba là, tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho KH, CN, ĐMST & CĐS quốc gia. Trong đó bố trí ít nhất 15% ngân sách nhà nước chi sự nghiệp khoa học phục vụ nghiên cứu công nghệ chiến lược; ban hành cơ chế, chính sách hợp tác công tư để nghiên cứu và phát triển công nghệ chiến lược.
Bốn là, có cơ chế, chính sách hấp dẫn về tín dụng, học bổng và học phí để thu hút học sinh, sinh viên giỏi theo học các lĩnh vực toán học, vật lý, sinh học, hóa học, kỹ thuật và công nghệ then chốt, nhất là ở các trình độ sau đại học. Xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo tài năng trên các lĩnh vực. Ban hành cơ chế đặc thù thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài có trình độ cao về Việt Nam làm việc, sinh sống.
Có cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch, sở hữu nhà, đất, thu nhập, môi trường làm việc nhằm thu hút, trọng dụng, giữ chân các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia, các "tổng công trình sư" trong và ngoài nước có khả năng tổ chức, điều hành, chỉ huy, triển khai các nhiệm vụ trọng điểm quốc gia về KH, CN, ĐMST & CĐS, phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo...
Năm là, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng KH, CN, ĐMST & CĐS trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, bảo đảm quốc phòng và an ninh. Sáu là, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động KH, CN, ĐMST & CĐS trong doanh nghiệp. Cuối cùng là tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển KH, CN, ĐMST & CĐS.
Từ trước tới nay, chúng ta nói rất nhiều về tình trạng "phát" mà không "động", rồi "nghị quyết chỉ có giá trị... trên giấy" hoặc tình trạng "nói theo nghị quyết nhưng không làm theo", rồi là "nói suông" và một vấn đề mà lâu nay được Đảng rất quan tâm đó: Làm thế nào để đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Với sự "ra tay" của Tổng Bí thư Tô Lâm, chúng ta hoàn toàn tin rằng, Ban Chỉ đạo Trung ương về KH, CN, ĐMST & CĐS quốc gia sẽ làm thay đổi diện mạo kinh tế đất nước.