Khủng hoảng chính trị tại Hàn Quốc: Liệu có chỉ là "cơn bão trong tách trà"

10:30 10/12/2024

Có lẽ, vào thời điểm bài báo này lên khuôn, cũng vẫn còn là quá sớm để đưa ra những nhận định chắc chắn về tương lai gần của chính trường Hàn Quốc, sau một cơn biến động mà ban đầu có vẻ như sẽ tạo nên và để lại những hậu quả ghê gớm. Tuy nhiên, với những gì đã và đang diễn ra, nhiều khả năng cuộc khủng hoảng này cũng sẽ không đủ sức mạnh đẩy chệch Seoul khỏi các quỹ đạo quan trọng nhất.

1. Điều mà cộng đồng quốc tế quan ngại nhiều nhất, trước và sau khi lệnh áp đặt tình trạng thiết quân luật được Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol thực hiện rồi nhanh chóng dỡ bỏ chỉ sau 6 tiếng (từ đêm ngày 3 đến 4h30 sáng 4/12/2024) là những hệ lụy sâu rộng về kinh tế khu vực cũng như thế giới - những cơn "bạo bệnh" hoàn toàn có thể bùng phát từ sự bất ổn của một nền kinh tế phát triển hàng đầu.

Nhiều nhà phân tích cho rằng có lẽ Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã đi một nước cờ sai lầm.

Tuy nhiên, ngay trong ngày 4/12, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã có thông báo gửi tới tất cả các phái đoàn ngoại giao nước ngoài tại thủ đô Seoul, trong đó nêu rõ: Hàn Quốc nhận thức được những lo ngại hiện hữu, liên quan đến những diễn biến tình hình gần đây tại nước này, tuy nhiên tiến trình dân chủ được quy định theo Hiến pháp Hàn Quốc vẫn được bảo đảm. Tình trạng thiết quân luật được dỡ bỏ theo đúng thủ tục quy định của hiến pháp và các luật liên quan mà không có bất kỳ hành vi bạo lực nào xảy ra. Các hoạt động kinh doanh hằng ngày đã trở lại bình thường, hòa bình và trật tự công cộng vẫn được duy trì.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết thêm: Bất chấp những gì đã xảy ra đêm 3/12, các công ty tín dụng quốc tế uy tín - đơn cử như Standard & Poor's (S&P) - vẫn giữ nguyên xếp hạng tín dụng hiện tại của họ đối với Hàn Quốc là AA dài hạn, nhấn mạnh nền tảng thể chế của Hàn Quốc là vững chắc. Mọi chỉ số kinh tế đều hợp lý và mạnh mẽ.

Một ngày sau, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) Rhee Chang-yong cũng khẳng định: Nhờ nền tảng thị trường vững chắc, xếp hạng tín dụng cũng như động lực tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc khó có thể bị tác động bởi các biến động chính trị. Theo ông, việc ban bố thiết quân luật hoàn toàn xuất phát từ lý do chính trị, nên cần tách biệt các sự kiện chính trị như vậy khỏi động lực kinh tế. Ông thừa nhận: Đồng won Hàn Quốc đã có một quãng suy yếu do tin tức tiêu cực, nhưng dự kiến sẽ tăng dần nếu không có cú sốc mới. Theo Cơ quan Giám sát tài chính Hàn Quốc, thị trường chứng khoán và tiền tệ đã có dấu hiệu ổn định từ ngày 4/12, song vẫn cần thêm các biện pháp chủ động đề phòng với các tình huống có thể xảy ra và giảm thiểu hậu quả bắt nguồn từ bất ổn chính trị.

Cộng đồng quốc tế hy vọng cơn biến động này sẽ nhanh chóng lắng xuống.

Cụ thể, theo hãng tin Yonhap, ngay sau thông báo thiết quân luật, thị trường tài chính Hàn Quốc rung chuyển. Đồng won giảm mạnh về mức thấp nhất kể từ tháng 10/2022, khi mở cửa ở mức 1.418,1 won đổi 1 USD. Chỉ số KOSPI giảm hơn 1%, với các cổ phiếu lớn như Samsung Electronics và Hyundai Motor đồng loạt mất giá. Song, Bộ Tài chính Hàn Quốc đã cam kết cung cấp thanh khoản không giới hạn để ổn định thị trường. Một quỹ bình ổn trị giá 10.000 tỷ won đã sẵn sàng được triển khai bất cứ lúc nào, trong khi 40.000 tỷ won khác dự kiến được dùng để hỗ trợ thị trường trái phiếu.

2. Như vậy, trên lĩnh vực kinh tế, cứ cho là Hàn Quốc đủ tiềm lực và khả năng để kiểm soát tình hình, không để mọi chuyện trở nên tồi tệ. Tuy nhiên, ở khía cạnh chính trị và xã hội, những cơn ba đào lại không dễ lắng dịu như vậy. 

Cần nhấn mạnh: Việc ban bố tình trạng thiết quân luật là cách tốt nhất để gợi lại những ký ức u ám về một thời kỳ ngột ngạt và thiếu không khí dân chủ, vốn tưởng như đã vĩnh viễn chấm dứt từ năm 1980, sau vụ ám sát Tổng thống Park Chung Hee năm 1979. Ngay sau đó, Thiếu tướng Chun Doo Hwan đảo chính để lên nắm quyền, ban bố thiết quân luật, bắt giữ những người đối lập, đóng cửa các trường đại học, cấm các hoạt động chính trị và bóp nghẹt báo chí. Thậm chí, năm 1980, ông Chun đã cử quân đội đàn áp các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ do sinh viên lãnh đạo nổ ra ở thành phố Gwangju, khiến gần 200 người thiệt mạng. Thời kỳ đen tối này kéo dài đến tận năm 1988, khi ông Chun buộc phải "xuống đài" trước sức ép mạnh mẽ từ dư luận, để Hàn Quốc thực hiện tổng tuyển cử. 

Do đó, ngày 3/12/2024, khi Tổng thống Yoon Suk Yeol ban bố thiết quân luật trên truyền hình trực tiếp, không có gì đáng ngạc nhiên khi phản ứng của tâm trạng xã hội chung là một sự phẫn nộ công khai từ dân chúng. Họ lập tức liên tưởng đến quá khứ, cái quá khứ mà không ai muốn quay lại. Nói như Trung tướng quân đội Hàn Quốc đã nghỉ hưu Chun In Bum: "Ai có thể nghĩ rằng, trong thời đại này, thiết quân luật sẽ được ban bố? Nhưng, điều đó đã xảy ra. Và, đó là một bất ngờ đối với tất cả chúng tôi".

Rút cục, cho dù ngày 4/12, Tổng thống Yoon vẫn tuyên bố rằng quyết định áp đặt thiết quân luật, đồng thời cáo buộc phe đối lập "làm tê liệt hoạt động của chính phủ thông qua các nỗ lực luận tội và thao túng ngân sách" của mình là "không có gì sai trái" và cũng là phản ứng cần thiết đối với sự "lạm dụng quyền luận tội" của đảng đối lập, thì theo nhà phân tích uy tín Sungmin Park, đây vẫn là một quyết định "tự sát về mặt chính trị". Đồng quan điểm, chuyên gia Jenny Town từ Trung tâm Stimson, nhận định: Động thái thiết quân luật là "tuyệt vọng và nguy hiểm", có thể là "giọt nước tràn ly" dẫn đến một tiến trình luận tội.

Người biểu tình Hàn Quốc giương cao biểu ngữ có dòng chữ "chúng tôi lên án lệnh thiết quân luật bất hợp pháp của Tổng thống Yoon Suk Yeol" tại quảng trường Gwanghwamun ở Seoul, ngày 4/12.

Tiến trình ấy ngay lập tức đã diễn ra, bởi lệnh thiết quân luật ngắn ngủi được ban bố cũng như dỡ bỏ một cách đầy kịch tính kia chỉ làm rõ thêm rằng: Ông chủ Nhà Xanh không còn quân bài nào trong tay và ngay cả "nước cờ" gây sốc đó cũng chẳng giúp gì được cho ông, nếu không muốn nói là khiến mọi chuyện còn trở nên tồi tệ hơn (so với những làn sóng phản đối dai dẳng mà ông đã luôn phải đối diện từ đầu nhiệm kỳ), khi nó đẩy những mâu thuẫn trong nội bộ nền chính trị - xã hội Hàn Quốc lên đỉnh điểm. 

Ngay trong đêm 3/12 ấy, Quốc hội Hàn Quốc bỏ phiếu phủ quyết lệnh thiết quân luật, trong khi người dân tràn xuống đường, buộc ông phải thu hồi quyết định. Chưa đầy 24 giờ sau, 6 đảng đối lập đệ trình Quốc hội một kiến nghị luận tội dành cho ông, với chữ ký của 190 nghị sĩ đối lập. Cùng ngày 4/12, Chủ tịch đảng cầm quyền mà ông là thành viên - đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) - Han Dong-hoon cho biết đã chuyển yêu cầu kêu gọi đương kim tổng thống rời đảng, nhằm tránh gây thêm ảnh hưởng tiêu cực. Ngày 5/12, theo Yonhap, cảnh sát Hàn Quốc mở cuộc điều tra cáo buộc Tổng thống Yoon Suk Yeol tội danh "phản quốc", theo đơn tố cáo từ phe đối lập. Lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập Lee Jae Myung thậm chí còn nhắc đến nguy cơ bùng nổ xung đột với CHDCND Triều Tiên...

3. Chuỗi khủng hoảng vẫn đang tiếp nối. Không thể phủ định, biến cố này làm ảnh hưởng sâu sắc đến hình ảnh và vị thế của đất nước Hàn Quốc nói chung trên trường quốc tế, cũng như tạo nên những xáo trộn không dễ bình ổn trong "ngày một ngày hai", trên thượng tầng kiến trúc. 
Tuy vậy, có lẽ cũng sẽ là cường điệu hóa, nếu chúng ta nhất quyết dự đoán rằng cơn dông tố này sẽ nhấn chìm mọi thứ. Thực chất, quả thật, lệnh ban bố thiết quân luật chưa kịp gây ra những hậu quả sâu rộng cho kết cấu kinh tế - xã hội Hàn Quốc, khi nó chỉ diễn ra vỏn vẹn 6 tiếng đồng hồ. Guồng quay cuộc sống thường nhật sẽ nhanh chóng trở lại, nhất là nếu các nhà quản lý kinh tế Hàn Quốc bảo đảm thực hiện được đúng những biện pháp cần thiết mà họ đã cam kết. 

Về mặt ngoại giao, cho đến ngày 5/12, mọi mối lo của cộng đồng quốc tế, về sự an toàn đối với các công dân nước ngoài sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc, đều xem như đã lắng dịu. Một cách thẳng thắn, đương kim Tổng thống Hàn Quốc cũng không nhận được nhiều sự ủng hộ, đủ để khoét sâu thêm những chia rẽ nguy hiểm trong lòng đất nước. 

Và, trên thượng tầng, xét cho cùng, rất khó để ông Yoon Suk Yeol có thể tiếp tục tại vị. Song, chỉ cần ông ra đi, lộ trình chuyển giao quyền lực nào cũng sẽ là "êm ả" hơn nhiều, so với những kịch bản u tối mà lệnh thiết quân luật "chết yểu" kia vừa làm sống dậy. Hơn thế nữa, Tổng Thư ký Tổ chức Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte cũng đã lên tiếng, với khá nhiều ẩn ý, rằng liên minh quân sự này vẫn đang theo dõi sát sao diễn biến tình hình tại Hàn Quốc, đồng thời khẳng định mối quan hệ then chốt giữa hai bên...

Đông Phong

Bị can Lê Quang Bình (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Trung Hậu 68) bị đề nghị truy tố về ba tội: “Đưa hối lộ”, “Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản” và “Rửa tiền”. Cơ quan điều tra kết luận, Lê Quang Bình đã thu lợi 294 tỷ đồng từ khai thác cát trái phép, sau đó dùng tiền biếu xén một số quan chức tỉnh An Giang và mua sắm hàng loạt bất động sản, xe sang.

Một trong những tổ chức thường xuyên đưa ra các trò lố dịp kỷ niệm Ngày Nhân quyền thế giới để thực hiện các hành động chống phá Việt Nam là Việt Tân. Những hoạt động của tổ chức này dưới vỏ bọc bảo vệ nhân quyền, dân chủ song thực chất là nhằm mục tiêu gây rối an ninh trật tự, phá hoại sự ổn định đất nước, tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.

Tình hình tại Syria có dấu hiệu dần ổn định trở lại sau khi lực lượng nổi dậy do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu khởi động quá trình chuyển giao quyền lực hòa bình thông qua một chính phủ chuyển tiếp, mang đến kì vọng cho nhiều người dân Syria về khả năng chấm dứt chuỗi ngày xung đột triền miên.

Trong những năm gần đây, thuốc lá điện tử đã trở thành trend mới phổ biến trên toàn thế giới, đặc biệt là ở giới trẻ. Dù được quảng bá như một giải pháp thay thế ít độc hại hơn thuốc lá truyền thống, thực tế cho thấy thuốc lá điện tử đang đặt ra nhiều nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là sức khỏe của thanh thiếu niên. Do đó, việc cấm thuốc lá điện tử là một biện pháp cấp thiết để bảo vệ sức khỏe và tương lai của thế hệ trẻ.

Ngày 11/12, HĐND TP Hà Nội đã dành nửa ngày để tiến hành phiên tái chất vấn và chất vấn những nội dung đang được cử tri và nhân dân quan tâm. Đáng chú ý, liên quan đến quản lý tài sản chung, hiện nay vẫn còn hơn 800 tỷ đồng tiền nợ từ quỹ nhà cho thuê chưa thu hồi được gây lãng phí và bức xúc trong dư luận.

Nằm ở phía Bắc của TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), những năm qua, cụm công nghiệp (CCN) An Hòa thu hút nhiều doanh nghiệp vào đây đầu tư xây dựng trụ sở văn phòng, nhà xưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, tình trạng ngập úng thường xuyên xảy ra ở CCN này nhất là sau những trận mưa lớn kéo dài; điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp và người lao động.

Bụi đã lắng xuống ở Dnipro sau đòn tập kích gây sửng sốt của Nga bằng tên lửa đạn đạo tầm trung Oreshnik. Thiệt hại hữu hình mà nó gây ra có thể không lớn, nhưng việc một loại vũ khí khác biệt như Oreshnik tham gia chiến đấu thực tế ngay trên lục địa châu Âu là lời cảnh báo của Moscow về những "lằn ranh đỏ" và có thể sẽ tác động đến cấu trúc an ninh khu vực trong nhiều thập niên tới.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文