Làm sao để có nhân tài và sử dụng nhân tài ra sao?
Nhân tài phải được trọng dụng, họ phải được sự tôn trọng, được đãi ngộ xứng đáng và có điều kiện làm việc đầy đủ. Có như vậy người tài mới yên tâm để tận tâm, tận lực đóng góp cho xã hội...
Mai Tiến Nghị: “Nhân tài”, “nhân tài thật” và sử dụng nhân tài
Xuất phát từ mục tiêu giáo dục: “...Đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” nên Đảng, Chính phủ và ngành Giáo dục đã đầu tư khá lớn về con người, tiền bạc cho mục tiêu “Bồi dưỡng nhân tài”. Chắc ít có quốc gia nào trên thế giới có được hệ thống trường năng khiếu, trường chuyên, trường chất lượng cao có quy mô toàn diện từ cấp huyện đến quốc gia như ở Việt Nam. Nhưng, kết quả thực sự chỉ là những giải địa phương, những tấm huy chương ở các cuộc thi quốc tế.
Có lẽ Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa bao giờ tổng kết xem trong tổng số học sinh giỏi quốc gia của Việt Nam có bao nhiêu phần trăm đã phát triển năng lực để hôm nay trở thành những nhà khoa học giỏi, nhà văn hàng đầu, nhà lãnh đạo giỏi, nhà kinh doanh giỏi. Những “nhân tài thật” như vậy rất ít. Các nhà văn nổi tiếng ở Việt Nam hiện nay gần như không có ai là học sinh giỏi văn cấp quốc gia. Còn những học sinh đạt giải các kỳ thi quốc tế môn toán và các môn khoa học tự nhiên sau khi hoan hỷ vinh quang thì rất ít người trở thành những nhà khoa học thực thụ.
Ngược lại, đa số những nhà khoa học đầu ngành, những nhà văn đầu đàn, những tỷ phú hàng đầu... lại chưa bao giờ là học sinh giỏi quốc gia. Các nhà lãnh đạo hiện nay lại càng không bao giờ có được cái vinh dự là “nhân tài” trong thời học sinh.
Vậy thì chiến lược bồi dưỡng nhân tài và sử dụng nhân tài ở tầm vĩ mô có lẽ cần phải xem xét lại. Có 2 vấn đề cần quan tâm:
1- Phát hiện chưa đúng, bồi dưỡng đào tạo không hiệu quả.
Khâu phát hiện nhân tài chúng ta chỉ mới làm được việc phát hiện học sinh có thành tích học giỏi. (Có thành tích học giỏi chứ không phải là học sinh thông minh). Thành tích chỉ là đánh giá năng lực qua kết quả chứ không đánh giá đúng phẩm chất của nhân tài. Ngoài tiêu chí học tập văn hóa, thể thao để chọn học sinh giỏi..., giáo dục chưa bao giờ và có lẽ không bao giờ phát hiện được nhân tài ở lĩnh vực khoa học kỹ thuật và quản trị kinh doanh.
Vấn đề bồi dưỡng đào tạo cũng cần phải bàn. Ở địa phương, chiến lược bồi dưỡng nhân tài được thể hiện bằng hệ thống trường chuyên, lớp chọn. Các trường năng khiếu được tổ chức ở cấp tiểu học và trung học cơ sở do huyện quản lý. Hệ thống trường chuyên ở phổ thông trung học do cấp tỉnh và các trường đại học quản lý. Để đánh giá chất lượng nhân tài chúng ta cũng không có công cụ nào ngoài tổ chức thi học sinh giỏi. Mà cũng chỉ tập trung ở hai môn văn hóa cơ bản là văn, toán và sau này thêm môn tiếng Anh.
Vì công cuộc bồi dưỡng nhân tài ở địa phương và cả nước chỉ nhằm mục đích thành tích có giải các cuộc thi để xếp loại thi đua nên trước kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh thì các giáo viên “chuyên” tìm mọi cách tiếp cận người ra đề để khoanh vùng kiến thức, dạng đề... Sau đó tập trung học tủ, giải tủ... Nếu “tiếp cận” càng thân mật thì khoanh vùng kiến thức học tủ càng hẹp, càng sát dạng bài, kiểu bài... kết quả thi càng cao. Sự “tiếp cận” này rất đa dạng và có những điều kiện “tế nhị” rất khó mô tả.
Và, kết quả chúng ta đã đào tạo được các thợ giải toán, thợ thuộc lòng văn mẫu. Đội ngũ này không ít người trở thành “gà công nghiệp” khi ra ngoài đời và rất ít người là “nhân tài thật” vì thiếu sức sáng tạo, thiếu sự đột phá, thiếu tư duy độc lập.
“Nhân tài” ở nước ta đã được hình thành và bồi dưỡng như vậy. Các lĩnh vực kỹ thuật, quản trị... thì ta gần như bỏ trống, không có bồi dưỡng đào tạo. Khác hẳn với các nước tiên tiến, nhân tài được chọn lọc trên cơ sở tự giác phát hiện, tự phát triển và phát triển toàn diện tuy họ không có nhiều giải cao như nước ta.
Mặt khác nữa, nội dung bồi dưỡng nhân tài của chúng ta chưa ưu việt, chưa phù hợp thực tế phát triển và còn lạc hậu, nặng lý thuyết, nhẹ thực hành thực tế, tư duy theo lối mòn thì lấy đâu ra nhân tài xuất sắc đủ sức sáng tạo và có những đột phá. Minh chứng điều này là việc những nhân tài người Việt được đào tạo bồi dưỡng ở nước ngoài đã tỏ ra rất xuất sắc, nhiều người đạt tới trình độ kiệt xuất trong học tập và phát triển năng lực nghiên cứu độc lập.
2- Nhân tài thực sự không được trọng dụng phù hợp nên không phát huy được tài năng.
Hiện nay phổ biến tình trạng những học sinh đi học ở các nước tiên tiến đều có xu hướng ở lại các nước sở tại để làm việc cống hiến chứ không trở về Việt Nam.
Nếu về Việt Nam thì những nhân vật này thường bị đặt vào vị trí công việc không mấy phù hợp cùng với đồng lương bèo bọt chỉ đủ nuôi bản thân, không thể có điều kiện tiếp tục nghiên cứu sáng tạo, nhân tài chỉ sau mấy tháng đến vài năm sẽ bị mai một, không phát triển được.
Tính phối hợp trong công việc của người Việt rất yếu. Người có năng lực thường khó tìm được sự hỗ trợ trong công việc. Mặt khác, do ganh đua nên người thực tài không phát huy được năng lực do bị số đông những người bình thường bao vây cô lập.
Một quy luật mang tính xã hội ở Việt Nam là chỉ người tài mới biết sử dụng người tài. Nhưng, cơ chế hiện nay thì một quan chức đứng đầu thường trưởng thành từ phong trào chứ rất ít người thăng tiến bằng năng lực chuyên môn. Các quan chức ấy ngại trọng dụng người tài với 2 nhẽ: Người tài khó bảo (vì sống thẳng thắn có chính kiến) và sợ người tài sẽ thăng tiến vượt lên hơn mình.
Người tài thường có cá tính mạnh, phản biện xã hội thẳng thắn, công khai. Họ là những trí thức thực sự. Có lẽ chúng ta cần coi trọng phản biện xã hội hơn nữa, nên lắng nghe và không nên vội vã quy chụp những ý kiến trái với mình thì sẽ tạo được một lực lượng đông đảo nhân tài để đưa đất nước phát triển.
Phát hiện, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài là chiến lược cực kỳ đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, theo quy luật thì người tài không phải dễ tìm dễ kiếm, việc này phụ thuộc vào các điều kiện tự nhiên, xã hội và con người (với yếu tố đột biến, di truyền) cho nên đưa tiêu chí phát hiện bồi dưỡng nhân tài vào đánh giá thành tích thi đua thì vô hình trung chúng ta đã đánh đồng, hạ thấp vị trí của nhân tài ngay từ khâu tuyển chọn. Nhân tài phải được trọng dụng, họ phải được sự tôn trọng, được đãi ngộ xứng đáng và có điều kiện làm việc đầy đủ. Có như vậy người tài mới yên tâm để tận tâm, tận lực đóng góp cho xã hội.
Lương Duy Cường: Thu hút, trọng dụng nhân tài: Vẫn khó?
Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc thu hút, trọng dụng nhân tài. Chỉ riêng từ năm 1986 (khi bước vào thời kỳ đổi mới) đến nay, nhiều chính sách liên quan việc thu hút, trọng dụng nhân tài đã được ban hành.
Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 18/6/1997 của Hội nghị Trung ương lần thứ 3, Khóa VIII đặt ra nhiệm vụ: “Chú trọng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo và quản lý... cán bộ khoa học đầu ngành; cán bộ quản lý kinh doanh các doanh nghiệp lớn”.
Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị Trung ương lần thứ 7, Khóa XII quy định khung cơ chế, chính sách ưu đãi để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài có trọng tâm, trọng điểm phục vụ cho phát triển nhanh, bền vững; xây dựng “Chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài” theo hướng không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài”.
Luật Cán bộ, công chức năm 2008 cũng quy định rõ: “Nhà nước có chính sách để phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trong dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng”, “ưu tiên tuyển chọn người có tài năng”.
Nghị quyết số 30c/NQ-CP ban hành ngày 8/11/2011 có một nội dung rất quan trọng: “Tuyển dụng, bố trí, phân công nhiệm vụ phù hợp với trình độ, năng lực của công chức; thực hiện chế độ thi nâng ngạch theo nguyên tắc cạnh tranh; thi tuyển cạnh tranh để bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý”. Đây là mục tiêu liên quan đến chính sách trọng dụng và đãi ngộ nhân tài trong nền công vụ.
Nghị định số 140/2017/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 5/12/2017 cũng quy định rất rõ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ làm việc tại các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội; các đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang.
Đại hội XIII của Đảng xác định một trong 3 khâu đột phá chiến lược là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Muốn phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực cao, đương nhiên phải thu hút được người tài.
Gần đây nữa, chúng ta đã biết đến dự thảo “Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài” mà Bộ Nội vụ xây dựng với phương châm 4 tốt, gồm: Đãi ngộ tốt, cơ hội thăng tiến tốt, môi trường làm việc tốt, sáng tạo tốt. Dự thảo yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải ban hành và triển khai thực hiện chính sách cụ thể thu hút, trọng dụng nhân tài phục vụ cho phát triển nhanh, bền vững.
Kể ra như thế là để thấy: Đảng và Nhà nước ta nhận thức rất đầy đủ về vai trò của nhân tài và sự cần thiết phải thu hút, trọng dụng nhân tài trong công cuộc xây dựng đất nước và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong thực tiễn, việc thu hút nhân tài vào khu vực công cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Dù vậy, vẫn còn tình trạng một số công chức, viên chức sau khi được thu hút đã xin chuyển công tác khi hết thời gian phục vụ, hoặc nghỉ việc chấp nhận bồi hoàn chế độ thu hút nhân tài để tìm kiếm công việc khác với mức lương cao hơn.
Việc ngày 2/3/2023, Sở Y tế tỉnh Bình Dương đề nghị các cơ sở y tế không tiếp nhận, tuyển dụng, đào tạo đối với 6 bác sĩ vi phạm cam kết đối với tỉnh này, là ví dụ. Số người này được thu hút tuyển dụng theo Nghị quyết số 05/2019 của HĐND tỉnh Bình Dương. Cụ thể, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II, bác sĩ nội trú được hỗ trợ là 600 triệu đồng; thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I là 500 triệu đồng... Ngoài ra, còn được hưởng thêm nhiều sự hỗ trợ khác.
Chuyện tương tự cũng xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố khác, cho thấy việc thu hút, sử dụng nhân tài là vấn đề khó.
Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng trên là do chênh lệch về mức độ cạnh tranh trong thu hút, trọng dụng nhân tài giữa khu vực công và khu vực tư; cơ chế, chính sách chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, nguồn lực đầu tư còn hạn chế; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý còn thiếu quyết liệt; cán bộ, công chức, viên chức và xã hội chưa thực sự hiểu, tin vào chính sách nhân tài...
Cân phân mà nói, chính sách có đủ nhưng thực tiễn lại cần sự thấu hiểu từ phía cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng nhân tài và nhân sự được thu hút. Người tài mà làm việc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của người kém tài, lại không biết trọng dụng người tài, thì đúng là bi kịch. Nhưng, người tài mà yêu sách, đòi hỏi đãi ngộ quá mức quy định của chính sách thì khu vực công khó đáp ứng.
Nhưng, phải phân biệt rõ người tài cần thu hút khác với người tài mà ngân sách bỏ ra để đào tạo phục vụ sự phát triển của đất nước. Được ngân sách bỏ ra để đào tạo mà chỉ phục vụ cho đủ nghĩa vụ hoặc chấp nhận bồi hoàn để đi vì lợi ích cho bản thân thì dẫu không sai về lý thì cũng rõ là bội bạc.
“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh, nguyên khí kém thì thế nước kém và suy”. Bài học này cha ông ta đã làm được từ cách đây nhiều thế kỷ, nay vẫn còn nguyên giá trị.
Nguyễn Hiệp: Người tài và nghịch cảnh
Thông thường khi con người đối mặt với nghịch cảnh thì hoặc chạy trốn, cố quên đi hoặc nhìn thẳng vào khó khăn và chống chọi. Tôi rất thích câu nói của Mike Leavitt, Bộ trưởng Bộ Y tế Mỹ: “Một khó khăn rồi cũng có lúc đủ lớn để có thể nhìn rõ nó và cũng đủ nhỏ để có thể giải quyết nó”. Nếu nghĩ tích cực như vậy thì rõ ràng khó khăn cũng là cơ hội cho những người biết kiên nhẫn, biết đột phá ngay trong chính nghịch cảnh của mình để tạo ra những giá trị sống, giá trị sáng tạo lớn lao. Ta gọi đó là những người tài.
Xin có vài điều ngẫm ngợi về hai chữ “người tài” nhân một sự kiện văn học gần đây là việc trao giải thưởng “Nhà văn nữ ấn tượng năm 2022” cho nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa (Ninh Thuận) và nhà văn Nguyễn Bích Lan (Hà Nội), cả hai đều đã nỗ lực vượt lên nghịch cảnh, cống hiến cho đời những trang viết giá trị, có sức lan tỏa.
Hòa bị sốt bại liệt năm 2 tuổi. Di chứng nặng nề liệt tay phải và nửa tay trái, di chứng tiến triển thành bệnh cột sống, ảnh hưởng đến vận động. Chỉ viết bằng 3 ngón tay còn lại trong tư thế nằm nghiêng nhưng Hòa đã in 14 cuốn sách, trong đó có 7 cuốn cho thiếu nhi, 7 cuốn truyện ngắn và tản văn. Giải Nhất cuộc thi Truyện ngắn Văn nghệ quân đội (2013- 2014), giải Nhất cuộc Vận động sáng tác văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch (2013-2015), giải Tư cuộc Vận động sáng tác văn học tuổi 20 lần 6 (2015-2018)..., đó là nhưng giải thưởng danh giá nhiều người mơ ước.
Bích Lan mắc chứng bệnh loạn dưỡng cơ vào năm 14 tuổi. Đời sống bình thường thôi đã khó nhọc nhưng Lan là dịch giả của nhiều đầu sách nổi tiếng như: “Cây cam ngọt của tôi”, “Được học”, “Triệu phú khu ổ chuột”, “Lời nguyện cầu từ Chernobyl” và khoảng 40 đầu sách dịch khác. Năm 2010, Lan nhận giải thưởng dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam cho tác phẩm “Triệu phú khu ổ chuột” và trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 2020, cuốn sách “Được học” - tự truyện của Tara Westover, do Lan dịch đoạt giải C sách quốc gia.
Khách quan mà nói, sự thể hiện tài năng ở đây là tác phẩm, là sản phẩm lao động đạt chất lượng cao. Thừa nhận được điều đó trong suy xét, đánh giá bình thường, bởi những người đủ uy tín về chuyên môn, chúng ta mới trả được sự công bằng cho họ. Nhưng, vấn đề tôi ngẫm ngợi nhiều hơn là những khó khăn cùng cực đã thúc đẩy sự tập trung cao độ, thúc đẩy sáng tạo của họ. Khi trò chuyện, phỏng vấn hai nhà văn tài năng này, tôi đã nhận ra một điều chung ở họ đó là thái độ thức tỉnh và tiến về phía trước bằng chính sự khác biệt của mình. Chính động lực lớn lao trong các yếu tố đời sống khác biệt đã tạo nên nhà văn Kim Hòa, Bích Lan và vô vàn người tài khác.
Ở miền Nam, trước năm 1975, dường như ai cũng biết đến hiện tượng Nguyễn Hiến Lê - Lộc Đình. Ông đã viết và xuất bản hơn 90 quyển sách trong nhiều lĩnh vực như văn học, ngôn ngữ học, triết học, sử học, gương danh nhân, giáo dục, tự luyện trí đức, cảo luận, du ký, ông cũng đã có hàng chục công trình dịch thuật đáng giá, trong đó có tác phẩm đồ sộ và nổi tiếng “Chiến tranh và hòa bình”... Có riêng đủ một tủ sách Nguyễn Hiến Lê, từ người ít học cho đến dân trí thức miền Nam đều chịu ảnh hưởng ít nhiều từ những quyển sách ông viết ra.
Sự nghiệp đồ sộ là vậy, tài năng xuất chúng ở nhiều lĩnh vực là vậy nhưng ít ai biết được ông là người tự học cả đời, cái bằng tốt nghiệp Cao đẳng Công chánh là nền móng cơ bản để ông dấn sâu vào con đường tự học gian nan của mình. Ông đã “viết để học và học để viết”, học đến thông thạo Hán ngữ, Anh ngữ, uyên thâm nhiều lĩnh vực, vừa đi làm kiếm sống vừa học với những khó khăn vô vàn từ dọc đường mưu sinh.
Chính cuộc đời phấn đấu vươn lên, cống hiến không biết mệt mỏi của những con người tài năng ấy đã nêu gương, đã gửi đến chúng ta bài học sâu sắc: Nếu nghịch cảnh trở nên tệ hại thì đừng tệ hại theo chúng, đó là cách biến thái độ thành nhân tố tạo nên sự khác biệt.