Thị dân, luật pháp và văn chương trước 1945

"Lý Toét ra tỉnh": Khi tòa án mới xuất hiện (bài 1)

21:27 27/09/2022

Tòa án Hà Nội (Palais de Justice à Hanoi) là một thiết chế vừa được xây dựng và vận hành đầu thế kỉ XX, nên mang tính biểu tượng rất cao: mọi cái mới trong xã hội hiện đại bao giờ cũng được đô thị hấp thu và trải nghiệm đầu tiên. Nhưng trước hết, để có cơ sở xem xét vai trò của luật pháp, cần nhìn lại mối quan hệ trên thực tế giữa đô thị, thị dân và tòa án trước khi nó được hiện hữu trong văn chương.

1. Để phác dựng lại gương mặt đô thị hiện đại của Việt Nam đầu thế kỉ XX, ở những nét sơ lược và ngắn ngọn nhất, có thể bắt đầu bằng các con số. Về quy mô chẳng hạn: đô thị hiện đại thường có diện tích lớn, được tập trung xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng tương đối hệ thống. Sau hai cuộc khai thác thuộc địa của Pháp, Sài Gòn - Chợ Lớn, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định,… lần lượt đảm nhận vai trò thành thị mới, với tính chất trung tâm cả về kinh tế, xã hội lẫn các hoạt động văn hóa văn chương.

Trụ sở Tòa án Hà Nội được chụp vào khoảng năm 1910. (Ảnh: Tư liệu)

Tầng lớp dân "hàng tỉnh" cũng bắt đầu gia tăng cho dù chưa áp đảo số lượng dân nông thôn. Vào năm 1936, theo sử gia Nguyễn Thế Anh, Việt Nam có 18 tỉnh lị có trên 10.000 dân, khoảng 800.000 người trên một tổng dân số chừng 19 triệu người sống trong các tỉnh lị đó. Riêng Bắc kỳ, ba tỉnh thành chính ở đây cũng có sự chênh lệch đáng kể: Hà Nội có 125.000 dân trong khi Hải Phòng, Nam Định lần lượt là 80.000 và 30.000 dân.

Với Hà Nội, tỉnh lị được lấy làm thủ đô của toàn Đông Dương vào năm 1902, nhà nghiên cứu Philippe Papin còn cho rằng "đã phát triển hết sức nhanh chóng, dân số tăng từ 50.000 năm 1880 lên 200.000 ngàn vào năm 1940". Sự mở rộng ngày càng khó kiểm soát chặt chẽ của dân cư Hà Nội, đương nhiên chưa tính các làn sóng di cư từ nông thôn diễn ra từ đầu thập niên 1930, là bằng cứ cho thấy sức hút khó cưỡng của thành thị, trước tiên về mặt sinh kế, môi trường sống và lâu dài hơn là cơ hội tiến thân.

Nhưng để thấy đằng sau các con số còn là một chuỗi các chủ trương và sự kiện, tác nhân và hệ quả, cộng sinh và đối kháng, ta nên dừng lại trước cảm nhận của vài ba lữ khách từng đến Hà Nội trong giai đoạn mà nó chuyển từ kinh đô trung đại đến thành thị Pháp thuộc. Vị khách đáng kể đầu tiên, Paul Doumer, người có tham vọng biến Đông Dương thành chính quốc thứ hai, đến sống ở Hà Nội vào tháng 3-1897, nhìn rõ "khu phố An Nam rất kỳ lạ, những đường phố hẹp, những ngôi nhà thấp, những cửa hiệu tràn cả ra đường, người đông nhung nhúc". Khu phố này, theo ông, "mới đích thực là Hà Nội", còn khu phố Tây thì "chẳng có gì đáng kể".

Tổng thể so sánh, ông ấn tượng với Sài Gòn vì là "một thành phố đã thành hình", còn Hà Nội là một thành phố "mới chỉ được phác họa, vẫn còn rất nhiều việc phải làm". Kết quả khối công việc đó của Toàn quyền Doumer cùng những người kế nhiệm là đã làm cho Hà Nội trở nên sôi động, muôn vẻ và về mặt quản trị, đã có hẳn bộ máy chính quyền khá chặt chẽ nằm trong các trụ sở công bề thế, khang trang.

Cảnh tượng "những ngôi nhà lụp xụp cao bốn hoặc năm mét được dựng lên từ gỗ và mái tranh […] Đường sá rộng rãi nhưng không được trải nhựa, đất để làm đường thì thuộc loại đất sét là loại đất mà chỉ mưa to một chút thôi cũng đã rất trơn, dễ trượt ngã" như trong báo cáo về Hà Nội năm 1887 của Francesco Moro Lin, trung úy Hải quân người Ý, chưa hẳn biến mất, song với sự xuất hiện của Dinh Toàn quyền Đông Dương (1907), Dinh Thống sứ Bắc kỳ (1919), Sở Cảnh sát (1915), Sở Bưu điện (1922), Sở Tài chính (1931), hay Ga Hà Nội (1901), Cầu Doumer (1902), Nhà hát Lớn (1912), Bảo tàng Louis Finot (1931)…, đã làm Hà Nội mang dáng vẻ của một Paris thu nhỏ. Thoáng chốc, nghĩa là khoảng hai thập niên đầu XX, theo P. Papin, "chính quyền thuộc địa có mặt ở khắp mọi nơi, đặt dấu ấn của mình không chỉ lên trung tâm thành phố, mà cả ở vùng ngoại vi".

2. Trong mong muốn bứng trồng những giá trị căn bản của nền cộng hòa trên xứ thuộc địa, ngoài trường học, nhà thờ, bệnh viện, khách sạn, người Pháp không quên xây dựng một cơ quan thiết yếu: Tòa án Hà Nội (Palais de Justice à Hanoi). Công trình này do Henri Vildieu thiết kế theo phong cách kiến trúc tân cổ điển, được xây dựng từ năm 1906 đến 1908 trên khu đất giáp đại lộ Carreau (Lý Thường Kiệt), đại lộ Rollandes (Hai Bà Trưng) và phố Fours (Hỏa Lò).

Một cách ẩn ý, Tòa án Hà Nội đập vào mắt người dân bản xứ bởi khối đế nặng nề, hệ cột thông tầng từ giải pháp nâng trụ tròn tạo nên vẻ bề thế, uy nghi cho một cơ quan công quyền. Tòa án Hà Nội, theo nhiều cách, sẽ dần đi vào tâm thức thị dân nơi đây như một biểu tượng thực thi công lý. Đặt trong sự trưởng thành của nhà nước hiện đại, Tòa án Hà Nội, dù với cách thức hoạt động thế nào, cũng là dấu chỉ cho thấy vai trò chủ thể chính quyền đã cụ thể hóa thông qua các thiết chế theo mô hình phương Tây.

Nhạy cảm và hào hứng trước cái mới khiến thị dân không giấu được sự nhập cuộc của mình. "Người đủ hạng người, trò đủ trò/Đua nhau thanh lịch cũng lắm lối" mỗi lúc một cuống cuồng, bát nháo khiến chẳng ai muốn đặng đừng. "Không chỉ người nông dân phá sản chạy ra thành phố - học giả Trần Đình Hượu nhận xét - mà các nhà nho cũng đi ra thành phố. Dần dần họ thành thị hóa, tiểu tư sản hóa".

Tất nhiên quá trình này bắt buộc mỗi cá nhân phải biết tính toán, có mục đích và con đường thực thi, thậm chí bước qua những rào cản đạo đức từng có. Nếu được "tối rượu sâm banh, sáng sữa bò" thì làm ông phán, thầy thông vẫn đáng mặt. Bởi thế, ở đây, tầng lớp trí thức tân học mà phần lớn họ xuất thân hoặc gắn bó với thành thị, trưởng thành và sớm tiếp xúc với môi trường giáo dục-văn hóa Pháp, sẽ là những người cởi mở hơn về mọi thứ.

Tự trong tim óc, họ không còn chung nhịp đập với giới Nho sĩ cuối mùa. Không chỉ về học vấn kiến thức, ngay cả những sinh hoạt thường ngày, từ ăn mặc trang phục, phương tiện đi lại, ngôn ngữ giao tiếp, đến các thú tiêu khiển, vui chơi, tầng lớp này, bao gồm cả trung và thượng lưu, cũng có nhiều khác biệt. Họ có mặt, tham dự và tiến đến là chủ thể trong tất cả những hoạt động kinh tế lẫn văn chương nghệ thuật bấy giờ. Họ chấp nhận tiếng xấu "tham đồng bạc trắng con cò/bỏ cha bỏ mẹ đi phò Lang Sa" để bước chân vào chốn sự vụ công chức hưởng lương.

Khi Vũ Đình Liên thảng thốt "Những người muôn năm cũ/hồn ở đâu bây giờ" (1936) thì chí ít tại Hà Nội, một thế hệ tân học đã kịp giành lấy vai trò kiến tạo tâm tính và hành vi của thời đại. Nhưng cũng cần lưu ý rằng, giới trí thức này cho dù có bằng cấp, vẫn không dễ dàng để tiến cao trong thang bậc chính quyền nên để mưu sinh, duy trì tối thiểu thế tồn tại, họ vẫn phải tiếp nối hai công việc "gia truyền" của Nho sĩ trước đây là dạy học và viết (văn). Nghề mới triển vọng nhất, đương nhiên đòi hỏi hiểu biết và cách thực hành mới, mà họ dần chiếm số đông chính là làm báo, trở thành kí giả.

Tự lực văn đoàn, xét trên khía cạnh nghề nghiệp, chính là sự tập hợp của những người viết báo, dưới định hướng chuyên nghiệp hóa của người có am hiểu sâu về nghề này là Nhất Linh. Và việc họ chủ yếu viết về văn hóa trên hai tờ báo của mình, Phong Hóa và Ngày Nay, thực chất cũng là lĩnh vực đang có lượng độc giả ổn định, một điều kiện then chốt để duy trì nguồn tài chính giữa thời điểm các tờ báo cạnh tranh khá gay gắt. Một nghề mới có vị trí tiên phong như thế, không ít thì nhiều, mang lại sự tự tin cho nhóm người trong cuộc.

Ngay lập tức, họ tìm cách chế giễu, châm biếm những nghề nghiệp vốn dựa trên cơ tầng xã hội thuần nông tự trị, thiếu minh bạch, đậm chất cơ hội. Trong số các sở trường làm nên sức hấp dẫn của hai tờ báo, Tự lực văn đoàn đầu tư dài hơi cho việc vẽ tranh châm biếm, trào phúng và nhân vật Lý Toét thuộc hàng biếm họa bất tử. Một Lý Toét tay cắp ô, chân đi guốc, đầu vấn khăn là ảnh xạ của hầu hết chân dung quan quyền hạng địa phương thôn xã, cũng là hiện thân của cái cũ kĩ, lạc hậu, ngớ ngẩn nhưng chưa muốn từ bỏ quyền uy, qua nét biếm họa, đã thành sự khôi hài, thê thảm.

Biếm họa một lần Lý Toét bị phạt tù (ảnh cắt từ báo Phong Hóa, số 85, ra ngày 11-2-1934).

3. Sau lần xuất hiện đầu tiên, "Lý Toét ra tỉnh" trên Phong Hóa số 48, ra ngày 26-5-1933, những tình huống va chạm với văn minh đô thị của Lý Toét đều bị bóc mẽ, phơi trần bản chất thủ cựu, hợm hĩnh, dốt nát. "Ra tỉnh", rõ ràng, là thử thách của lối sống mới dựa trên điều kiện vật chất và nếp nghĩ thị dân mà Tự lực văn đoàn muốn đặt ra để trêu ngươi, hạ nhục những gì bị coi là ao tù nước đọng của xã hội nông nghiệp truyền thống. Trong vô số các chuyến "ra tỉnh" oái oăm ấy, đáng chú ý có tình huống Lý Toét bị quan tòa phạt: Lý Toét có cô con gái lớn tên là Ba Vành nhưng đã bỏ nhà theo Tây, sinh sống ở vùng mỏ. Hai cha con vẫn thường thư từ cho nhau.

Một lần Lý Toét bị phạt 3 tháng tù vì tội gửi thư bằng con tem đã đóng dấu. Lý Toét tự biện hộ trước ông án: "Bẩm ngài xét xử cho chứ lần nào con nhận được thư của cái Ba Vành gửi về là cũng thấy tem có đóng dấu!". Bức vẽ châm biếm này khía vào mức độ ngớ ngẩn của cựu chức sắc địa phương. Nhưng đáng nói hơn, nguyên cớ anh ta phạm luật dường như quá sơ đẳng trong khi hình phạt (mới) thì không hề dễ chịu. Tự lực văn đoàn đang muốn cảnh báo lớp người cũ không thể trượt theo quán tính luật lệ cũ một khi pháp luật và tòa án đã được chính quyền thực dân thiết lập từ lâu?

(Còn nữa)

Mai Anh Tuấn

Ngày 6/1, tại Hà Nội, Đảng ủy Công an Trung ương đã có buổi khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII và công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp trong CAND nhiệm kỳ 2025-2030 tại Đảng bộ Cục An ninh chính trị nội bộ (ANCTNB).

Ngày 5/1, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Điện Biên chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ thành công 1 đối tượng về hành vi Mua bán trái phép chất ma túy, tang vật thu giữ 6 bánh heroin và 12 nghìn viên ma túy tổng hợp.

Chiều 6/1, đoàn xe đón đội tuyển bóng đá Việt Nam đã về đến sân bay Nội Bài, sau đó di chuyển qua nhiều tuyến phố, rất đông người hâm mộ đón chào thầy trò HLV Kim Sang Sik. Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chức năng bảo đảm an ninh trật tự và TTATGT cho lộ trình đón đoàn từ sân bay Nội Bài về Văn phòng Chính phủ.

Năm 2025, các ngân hàng và các chuyên gia kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động sẽ ổn định đi ngang do quá trình hạ lãi suất, nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương đang bắt đầu và sẽ tiếp diễn; mặt bằng lãi suất cho vay duy trì ở ngưỡng thấp, tuy nhiên, vẫn có sự phân hóa.

Ngày 6/1, Cơ quan CSĐT Công an huyện Phú Hòa (Phú Yên) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh tạm giam 10 đối tượng trong một đường dây tội phạm. Các đối tượng không chỉ cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, mà còn tổ chức đánh bạc, đánh bạc dưới hình thức cá cược bóng đá, ghi số lô đề với tổng số tiền hơn 100 tỷ đồng.

Đêm 5/1, sau khi trận bóng đá chung kết lượt về ASEAN Cup 2024 với chiến thắng thuyết phục của đội tuyển Việt Nam trước Thái Lan và lên ngôi vô địch, hàng chục vạn người Hải Phòng đã xuống đường ăn mừng. Tuy nhiên có một bộ phận quá khích gây ảnh hưởng đến ANTT, TTATGT đã bị lượng Công an kịp thời ngăn chặn, kiên quyết xử lý.

Ngày 6/1, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Việt Cường (SN 2005, ở huyện Thường Tín, Hà Nội) và tuyên phạt bị cáo 13 năm tù về tội giết người. Tổng hợp với bản án 20 tháng tù treo về tội gây rối trật tự công cộng trước đó, Cường phải thi hành hình phạt chung là 14 năm 8 tháng tù. Bị hại trong vụ án là đồng chí Đ.V.N, công tác tại Công an huyện Thanh Trì, Hà Nội.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文