NATO và cánh cửa không dễ mở

21:29 13/06/2022

Không ít luồng ý kiến trong giới quan sát quốc tế, suốt 3 tháng qua, nhận định: Chiến dịch quân sự đặc biệt mà nước Nga tiến hành tại Ukraine đã và đang đóng vai trò như một chất xúc tác củng cố lại những mối dây liên kết nội tại khối Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Hơn thế, khi hai quốc gia Bắc Âu là Thụy Điển và Phần Lan nối nhau bày tỏ mong muốn gia nhập liên minh phòng thủ quân sự ấy, trên lý thuyết, NATO đột nhiên đứng trước cơ hội mở rộng phạm vi một cách chóng mặt về phía Đông Bắc cựu lục địa. Tuy nhiên…

Không có bữa trưa nào miễn phí

Ít nhất là cho đến trước Hội nghị thượng đỉnh NATO (dự kiến diễn ra trong 2 ngày 29 và 30-6 tới), sự “bành trướng” này cũng vẫn chỉ là một viễn cảnh... trên lý thuyết, khi tiến trình ấy đang bị ngăn cản quyết liệt bởi tiếng nói từ lợi ích riêng của một thành viên quan trọng khác: Thổ Nhĩ Kỳ.

Thậm chí, “Thổ Nhĩ Kỳ không thấy bị giới hạn về thời gian ra quyết định, như tại Hội nghị thượng đỉnh sắp tới của NATO. Điều quan trọng là Thụy Điển và Phần Lan phải đưa ra một cách công khai, rõ ràng và cụ thể các biện pháp sẽ thực hiện nhằm chống khủng bố!" - nói như cố vấn an ninh cấp cao kiêm người phát ngôn của Tổng thống Tayyip Erdogan, ông Ibrahim Kalin (ngày 4-6, theo hãng thông tấn quốc gia Anadolu).

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg với đơn xin gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan.

Đây là sự lặp lại và nhấn mạnh một lần nữa lập trường cứng rắn của Ankara, mà ông Kalin mới thông báo ngày 24-5: "Mong muốn của chúng tôi là Thụy Điển và Phần Lan có những bước đi cụ thể để giải quyết sự hiện diện của các tổ chức khủng bố. Chúng tôi đã cung cấp thông tin và tài liệu về vấn đề này. Chúng tôi nhấn mạnh rằng, tiến trình xin gia nhập NATO của họ sẽ không thể được chấp nhận, cho tới khi những quan ngại an ninh của Ankara được giải quyết".

Lập trường này đã được làm rõ, kể từ khi hai quốc gia Bắc Âu bày tỏ ý định từ bỏ truyền thống trung lập cố hữu của mình để gia nhập một tổ chức quân sự, hồi trung tuần tháng trước. Ngay khi đó, đích thân Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan - nghĩa là cấp phát ngôn cao nhất ở Ankara - đã “đăng đàn” tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không chấp thuận cho những nước áp đặt trừng phạt với Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập tổ chức an ninh chung NATO".

So với tình trạng lúc ấy thì hiện tại, khi Ankara bắt đầu đề cập đến những điều kiện dành cho Phần Lan cùng Thụy Điển, thậm chí còn có thể nói là Thổ Nhĩ Kỳ đã “chịu khó” thỏa hiệp để đối thoại. Song, những vấn đề cốt lõi vẫn không thay đổi.

Có đi, có lại

Đó có lẽ không chỉ là chuyện Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Thụy Điển và Phần Lan "chứa chấp" những người mà Ankara cho rằng có liên quan tới các tổ chức mà nước này và Liên minh châu Âu (EU) liệt vào danh sách khủng bố, như đảng Công nhân người Kurd (PKK) hay những người theo giáo sĩ Fethullah Gulen - nhân vật mà Ankara cáo buộc đứng sau âm mưu đảo chính hồi năm 2016 hoặc chuyện hai nước Bắc Âu không dẫn độ hàng chục nghi phạm "khủng bố" về Thổ Nhĩ Kỳ theo yêu cầu của Ankara.

Khuất lấp dưới những lý do bề mặt ấy và có liên hệ chặt chẽ với các diễn biến địa chính trị từng xảy ra trong thập kỷ trước, dường như Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã tính toán đến cả những nước cờ tiếp nối. Suy luận một cách thuần túy, nếu Stockholm và Helsinki đồng ý thực hiện các yêu cầu từ Ankara, cũng có nghĩa là họ gián tiếp thừa nhận: Những đợt sóng chỉ trích, cáo buộc, trừng phạt mà các quốc gia Tây Âu áp đặt lên chính quyền Tổng thống Erdogan (từng bị phương Tây mô tả là độc tài và vi phạm nhân quyền) là không có cơ sở.

Vấn đề này lại còn liên quan đến một câu chuyện khác, mà ở đây hoàn toàn có thể xem là mệnh đề đối trọng với đơn xin gia nhập NATO của các thành viên mới: Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ nguyện vọng gia nhập Liên minh châu Âu (EU) từ năm 1987 và đã chính thức xin gia nhập từ năm 2005, nhưng đến tận bây giờ họ vẫn chưa được kết nạp.

Trong số những lý do mà EU từng đưa ra để trì hoãn (và có cả một thời gian “đóng băng” tiến trình), có những lý do bắt nguồn từ các hành động trấn áp chính trị cứng rắn ngày đó, bên cạnh những nguyên nhân khác: Tranh chấp quyền lợi trên Địa Trung Hải với các thành viên EU như Hy Lạp và Cyprus; hoặc những tiêu chuẩn về mức độ phát triển của nền kinh tế, mà như Brussels từng đánh giá: “Thổ Nhĩ Kỳ có một nền kinh tế bị chi phối bởi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (World Bank)”.  

Đương kim Tổng thống Pháp, trên trang Twitter cá nhân ngày 5-1-2018, từng viết: “Tôi không nghĩ rằng quá trình gia nhập Liên minh châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thành công trong vài năm tới. Nhưng, ý muốn của tôi là duy trì sự gắn kết của Thổ Nhĩ Kỳ và người Thổ Nhĩ Kỳ với châu Âu”. Còn cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel thậm chí từng thẳng thừng phản đối chuyện thúc đẩy tiến trình kết nạp. Song song với sự “lạnh nhạt” ấy, điều đáng chú ý là EU - mà Thụy Điển và Phần Lan là thành viên - vẫn luôn cần Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò “con đê quai” ngăn làn sóng người tị nạn đến từ Trung Đông hay Bắc Phi - cuộc khủng hoảng khiến EU nghiêng ngả cả thập niên trước.

Tháng 3-2022, giữa lúc chiến sự ở miền Đông Ukraine bùng nổ, một lần nữa, Ankara khẳng định họ vẫn quyết tâm gia nhập EU. Còn bây giờ, theo quy định của NATO (bất cứ sự kết nạp thành viên mới nào cũng phải được cả 30 thành viên cũ đồng thuận), Ankara có quyền phủ quyết đơn xin gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển.

Hơn thế, dù vô tình hay hữu ý, Ankara cũng đang nhắc nhở các nước thuộc cả EU lẫn NATO rằng: Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ là một thành viên quan trọng của NATO, với thực lực quân sự hùng hậu cũng như vị trí địa lý huyết mạch, mà còn là một kênh trung gian khó có thể thay thế khi mối quan hệ Nga - phương Tây đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh (dựa trên mối quan hệ tương đối hữu hảo giữa Tổng thống Erdogan với Tổng thống Vladimir Putin, kể từ khi hai nước nhanh chóng bình thường hóa quan hệ năm 2018).

Điều không thể phủ nhận: Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên cực kỳ quan trọng của NATO.

Một cách tự nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ cảm thấy mình xứng đáng với vị thế của một cường quốc khu vực và đòi hỏi được đối xử như một cường quốc khu vực, chứ không phải một “kẻ ngoài rìa”.

Lợi ích trên hết

Bối cảnh này đang dẫn đến những nghịch lý: Trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng việc hai nước Bắc Âu trở thành thành viên NATO “không phải mối đe dọa trực tiếp đối với Nga” và chỉ cảnh báo “việc mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự tới những vùng lãnh thổ này chắc chắn sẽ kích động phản ứng của Moscow”, thì Thụy Điển và Phần Lan vẫn đối diện với một cánh cổng khóa chặt, mà chìa khóa lại nằm ở Tiểu Á.

Những cường quốc lãnh đạo NATO - Mỹ và Anh - rõ ràng là có lý do để cảm thấy “nóng ruột”. Theo tờ Tờ Hurriyet của Thổ Nhĩ Kỳ: Ngày 2-6, Mỹ và Anh tiến hành đàm phán hậu trường, đồng thời kêu gọi Thụy Điển và Phần Lan giải quyết những lo ngại của Ankara. Trước đó, từ ngày 21-5, các nhà lãnh đạo hai nước Bắc Âu - Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto cùng Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson - đã gấp rút điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Và, ngày 29-5, như ông Ibrahim Kalin tiết lộ: "Tổng Thư ký NATO có một số sáng kiến và ý định, và cũng mong muốn tổ chức một cuộc họp trong khuôn khổ NATO (về vấn đề này)”.

Vấn đề là, như đã đề cập, Thổ Nhĩ Kỳ không cảm thấy phải chịu sức ép nào về thời gian. Ankara đang sở hữu nhiều “vốn liếng” để “ra giá” và chờ đợi các đối tác “mặc cả”. Trong lúc đó, họ cũng đang có một kế hoạch hành động quân sự của riêng mình, nhắm vào các lực lượng người Kurd ở miền Bắc Syria. Năm 2019, một chiến dịch như thế đã dẫn tới việc hai nước Bắc Âu áp đặt lệnh cấm xuất khẩu vũ khí lên Thổ Nhĩ Kỳ.

NATO vẫn đang mở rộng, nhờ các diễn biến thời cuộc. Nhưng, cũng chính bởi các diễn biến thời cuộc - ta có thể nhắc đến cả chuyện EU vẫn theo đuổi kế hoạch mang tên La bàn chiến lược (Strategic Compass, nghĩa là kế hoạch thành lập quân đội châu Âu riêng biệt và độc lập với NATO) - sự gắn kết nội khối dường như lại đang bị bao trùm bởi rất nhiều hoài nghi.

Đông Phong

Quyết tâm duy trì mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" hiệu quả, thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô, lực lượng CSGT xử lý nghiêm tất cả những tài xế xe máy và ô tô có thói quen đứng đè vạch dừng hoặc đè vạch sang đường của người đi bộ, khi bị xử lý lại đổ lỗi do đường đông và đi vội.

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024; Số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ; Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên trách về an ninh mạng; Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hoá dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất; Tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” còn rất khiêm tốn, chỉ 24,77%; Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng.

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Có thể khẳng định rằng, với Đề án 06 và ứng dụng VNeID do Bộ Công an chủ công xây dựng đã được phát triển mạnh mẽ, trở nên quen thuộc, thiết yếu trong công cuộc chuyển đổi số của người dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Năm 2024, thành phố đã triển khai ứng dụng hiệu quả VNeID trong chuyển đổi số, góp phần phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam Defence Expo 2024) là một sự kiện quy mô lớn, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ giới chuyên gia và truyền thông quốc tế. Đây không chỉ là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế trong hợp tác quốc phòng toàn cầu mà còn là dịp để giới thiệu các thành tựu quốc phòng cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Một cây cầu nối hai tiểu bang ở phía Bắc và Đông Bắc Brazil đã bị sập ngày 22/12 (giờ địa phương) khi các phương tiện đang băng qua, khiến ít nhất một người tử vong và làm đổ axit sunfuric vào sông Tocantins.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng và chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm 5 bị cáo gồm: Mai Thị Thanh Thủy (SN 1964, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tài Thắng - Công ty Tài Thắng); Lê Tuấn Tú (SN 1987, con trai bị cáo Thủy, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Quốc tế Tuấn Phát - Công ty Tuấn Phát); 2 nhân viên kế toán 2 công ty gồm: Đinh Thị Lan Hương (SN 1980), Nguyễn Thị Phương (SN 1987); Trịnh Thị Thanh Hòa (SN 1984, thủ kho kiêm thủ quỹ 2 công ty) về tội "Vi phạm các quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 221, khoản 1, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.

Không thụ động chờ các chính sách ưu đãi từ Trung ương, ngày càng nhiều tỉnh, thành phố chủ động thu hút các đoàn làm phim nhằm tích cực đẩy mạnh quảng bá địa phương, thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại từng điểm đến. Đây là động thái cần thiết, không chỉ có lợi cho điện ảnh mà còn có lợi cho các địa phương, mặc dù, việc triển khai này bị cho là khá muộn so với nhiều quốc gia khác.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文