Nhìn lại 2024

20:10 25/12/2024

LTS: Chào từ biệt 2024, chúng ta cùng nhìn lại một năm đã qua với quá nhiều biến động để nhận diện những sự kiện có thể được xem là điểm nhấn của năm.

10 chữ "chậm" trong phát biểu của Tổng Bí thư

Tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cuối tháng 10/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm có buổi trao đổi chuyên đề về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Chữ "chậm" được nhắc đến như một chướng ngại, tổng cộng 10 lần.

Khởi công từ năm 2014, đến nay cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức vẫn chưa đưa vào hoạt động.

Trong nội dung buổi trao đổi chuyên đề được Tạp chí Cộng sản đăng tải, Tổng Bí thư đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong xây dựng và phát triển xã hội hiện nay. Một trong những tính từ được sử dụng nhiều nhất là "chậm".

Ba lần chữ "chậm" được sử dụng để cho việc sửa đổi, bổ sung hệ thống quy định pháp luật, chính sách. Hai lần "chậm" để mô tả công tác giải ngân (đầu tư công và tín dụng hỗ trợ an sinh). Hai lần "chậm" dành cho các công tác chuyển đổi số (xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và xây dựng hạ tầng số). Cạnh đó, là "chậm" chuyển đổi mô hình kinh tế, "chậm" chỉ đạo điều hành, và "chậm" xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém. Chữ "nhanh" chỉ được sử dụng một lần, nhưng không phải để ngợi ca thực trạng mà nằm trong phần giải pháp cần đạt được. Điều này đến từ kết cấu bài nói chuyện của Tổng Bí thư, khi ông chỉ dành hơn một phần mười thời lượng để bàn về những thành tựu đã đạt được của đất nước trong 40 năm đổi mới. Toàn bộ phần còn lại dành cho các tồn tại, hạn chế và giải pháp.

Trong 10 chữ "chậm" đó đã hàm chứa biên bản của phần lớn những vấn đề thời sự nóng nhất của năm 2024. Trong số báo cuối năm này, nếu phải điểm danh những dự án kinh tế nổi bật, ta sẽ nhìn thấy nhiều chữ "chậm" trong giải ngân và thực thi. Nếu phải điểm danh những văn bản chính sách nổi bật, ta sẽ thấy chữ "chậm" trong việc cập nhật, sửa đổi. Và ngay cả nếu bàn đến triển vọng số rộng mở, lĩnh vực mà Việt Nam mới nhận đầu tư từ tập đoàn công nghệ lớn bậc nhất thế giới là Nvidia, vẫn sẽ nhìn thấy sự "chậm".

Những vị khách ghé thăm Khu Công nghệ cao Hòa Lạc suốt hơn một thập kỷ qua,  sẽ phải tự hỏi rằng đây có thực sự  đang sẵn sàng đón nhận dòng vốn đầu tư công nghệ, sẵn sàng làm chủ khoa học kỹ thuật tiên tiến và tiến vào kỷ nguyên số? Vì nhiều chữ "chậm" khác nhau, mà ở nơi được quy hoạch trở thành thủ phủ công nghệ và tri thức của Việt Nam, suốt hàng thập niên vẫn chỉ có đất trống nhiều hơn dự án. Lác đác trường, lác đác công ty công nghệ. Bức tranh khu công nghệ cao bây giờ được mô tả bằng uyển ngữ là "chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng" (Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội).

Nhìn vào những con đường mênh mông ở khu Hòa Lạc, cả trong khuôn viên khu công nghệ cao sẽ nhận ra rằng chữ "chậm" không chỉ gây tổn hại đến bản thân quá trình phát triển; mà còn gây tổn hại đến những tài sản vô hình, là thương hiệu, uy tín và niềm tin.

Hãy thử hình dung, nếu ai đó phất cờ hô "Xung phong" sau đó lại hạ cờ xuống và nhẩn nha... giở bản đồ ra xem nên đi tiếp như thế nào, đoàn người phía sau sẽ mất động lực. Nhưng thực tế đang diễn ra như thế, những siêu dự án quốc gia động đến là vướng mắc, về vốn, cả về khung pháp lý.

Tôi đã từng đi tham quan khu công nghệ cao với nhiều đối tượng: quản lý cơ quan hành chính, quản lý cơ quan sự nghiệp, quản lý tập đoàn đa quốc gia. Hầu hết đều tỏ một thái độ ngần ngại. Chê bai thì mất lòng các nhà quản lý, mang tiếng không ủng hộ chủ trương. Ca ngợi thì khó tìm thấy “điểm sáng”.

Những biểu tượng của sự "chậm" tồn tại khắp nơi trên đất nước trở thành thứ tuyên ngôn đanh thép về những giới hạn không thể vượt qua. "Chán" có lẽ là từ chính xác nhất để mô tả tâm lý của giới tri thức khi nhìn các công trình, các văn bản, các quy trình ấy.

Trong 10 chữ "chậm" của Tổng Bí thư Tô Lâm, vấn đề tồn đọng không chỉ nằm ở kỹ thuật. Nó còn đang mang nặng những vấn đề tâm lý mà chúng ta phải giải quyết. Việc nhìn thẳng vào thực trạng ấy, sẽ là tiền đề để chúng ta bước vào một Kỷ nguyên mới. Vì có lẽ, Kỷ nguyên mới sẽ phải song hành với tâm trạng mới, niềm tin mới, cảm hứng mới.

Đức Hoàng

Làng Nủ - Niềm tin - Sự Hồi sinh

Trong một năm 2024 có quá nhiều sự kiện lớn, việc chọn lựa một sự kiện điểm nhấn tuy dễ mà khó. Trong cái dễ mà khó ấy, tôi hướng về sự hồi sinh của Làng Nủ, sự hồi sinh mà theo tôi, nó còn vượt qua cả giới hạn của một ngôi làng.

Làng Nủ hồi sinh.

Thiên tai vốn dĩ là "khách quen" đối với người Việt Nam năm này qua năm khác nhưng đợt bão Yagi và ngay sau đó là trận lũ lụt kinh hoàng ở các tỉnh phía Bắc đã vượt quá   sức tưởng tượng và chịu đựng của nhiều người. Mất mát quá lớn trải rộng và dài mà trong số những mất mát ấy, mất mát ở Làng Nủ có thể được xem là tang thương nhất.

Nhưng chỉ sau chưa đầy 3 tháng, 40 căn nhà tái định cư mới kèm theo một nhà sinh hoạt cộng đồng, một trường học mới đã được xây dựng hoàn tất và bàn giao cho những người dân Làng Nủ. Tất cả những ngôi nhà đều được thiết kế theo phong cách nhà ở truyền thống của người Tày, nhưng hiện đại hơn, và vững chãi hơn. Tất cả các thiết kế đó đều có tham khảo ý kiến của chính người dân Làng Nủ, của các chuyên gia ngõ hầu nét cổ truyền còn được giữ lại mà tính hiện đại, tiện lợi, an toàn cũng được tích hợp vào.

Để có thể hoàn tất một ngôi làng mới chỉ trong "chớp mắt" có thể xem là một kỷ lục, một kỷ lục đáng giá vô vàn trong một đời sống vốn dĩ quá chuộng những thứ "hoành tráng" kiểu như bánh chưng, bánh tét nặng cả tấn. Nhanh chóng bàn giao nơi ở mới ngày nào là nhanh chóng ổn định đời sống bà con ngày đó, giúp họ vượt qua nỗi đau mất mát một cách kiên cường hơn. Và để có được kỷ lục đó, không chỉ có nỗ lực của những người lính Binh đoàn 12 mà còn là nỗ lực của rất nhiều những cái tên thầm lặng khác nữa. Chính những nỗ lực đó có thể giúp chúng ta nhắc lại với nhau một điểm nhấn rất lớn của năm 2024 về cách chúng ta cùng nhau vượt qua nỗi đau mất mát từ hậu quả thiên tai để lại theo cách nào.

Chúng ta đã vượt qua nỗi đau kia bằng niềm tin.

Sau câu chuyện ồn ào không vui gì lắm suốt những năm qua về việc làm từ thiện tự phát, sau đợt thiên tai kinh hoàng 2024, Quỹ tương trợ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) đã nhận được số tiền kỷ lục từ cộng đồng. Có thể nói, đa phần nguồn lực lá lành đùm lá rách trên khắp mọi miền Tổ quốc đều đã đổ về UBMTTQVN. Việc UBMTTQVN nhạy bén công khai toàn bộ sao kê số tiền thu được, rạch ròi, công bằng trong việc phân phối số tiền ấy về các địa phương chịu hậu quả đã củng cố thêm niềm tin của người dân vào thể chế. Chính niềm tin ấy đã chiến thắng mọi luận điệu bôi nhọ, thù địch, chống đối mà không cần một thông điệp đao to búa lớn nào. Có thể nói, UBMTTQVN đã chọn cách lặng lẽ hành động, và chứng minh kết quả của hành động. Chính hành động đã minh chứng cho độ tin cậy và lòng tin trong dân cũng được thắp lửa trong giai đoạn cả nước gồng mình đối diện thiên tai đầy gian nan.

Bây giờ, khi Làng Nủ bắt đầu hồi sinh chỉ sau 3 tháng tan hoang, niềm tin đó càng vững chắc hơn. Tất cả những ai từng hướng về Làng Nủ nói riêng và các nơi bị hậu quả thiên tai nói chung sẽ càng tin tưởng hơn và nhận thấy rằng mình đã lựa chọn đúng địa chỉ để gửi gắm cả vật chất lẫn tấm lòng.

Câu chuyện niềm tin cũng là câu chuyện xuyên suốt năm 2024 này. Nhìn dòng người đông đảo thương tiếc tiễn biệt cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một nhà lãnh đạo được dân tin, dân yêu mến và kính trọng, cho thấy niềm tin càng là thứ quý giá vô cùng người dân tin vào hành động hơn là lời nói. Họ tin vào sự giản dị, sự liêm chính của một nhân cách. Họ tin vào một lãnh đạo mà trong suốt những năm tại vị của mình, chưa bao giờ họ phải nghe một điều tiếng nào liên quan đến người thân của ông. Thậm chí, đa số còn không biết người thân của ông là ai, đang làm việc gì. Ông chính là một tấm gương để những cán bộ trong bộ máy cần phải hiểu rằng người dân sẽ nể trọng và tin tưởng một lãnh đạo giản dị, trọn đời hiến dâng cho hạnh phúc của nhân dân.

Và khi công cuộc đấu tranh chống tham nhũng vẫn được tiếp tục ở cấp độ quyết liệt hơn sau khi Tổng Bí thư Tô Lâm đảm nhận trọng trách của Đảng, niềm tin đó đã được củng cố hơn nữa. Đi kèm theo đó chính là quyết sách "Tinh - Gọn - Mạnh" cùng mệnh lệnh "không thể chậm trễ hơn nữa" mà Tổng Bí thư Tô Lâm đặt ra. Quần chúng nhìn thấy ở đó một niềm tin vào một tương lai thay đổi mạnh mẽ nhằm tận dụng mọi lợi thế mà Việt Nam sẵn có và triệt tiêu những rào cản đã từng gây khó khăn cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội.

Từ một ngôi làng sau thiên tai bắt đầu chuyển mình, sẽ có những địa phương, những ngành nghề cũng phải chuyển mình để gỡ điểm nghẽn lớn nhất: điểm nghẽn thể chế. Cải cách để thể chế hoàn thiện hơn chính là một hướng đi phù hợp với sự mong mỏi của toàn dân. Và một khi những mong mỏi của người dân được đáp ứng, niềm tin được hình thành sẽ càng lớn mạnh hơn, góp sức tạo nên một sức mạnh toàn dân đúng nghĩa.

Vậy nên, cần phải gọi năm 2024 là năm của niềm tin, và cả sự hồi sinh, với từng sự kiện như sự kiện tái ổn định lại một ngôi làng bé nhỏ ở biên viễn xa xôi sau những đêm thiên tai rã rời.

Hà Quang Minh

Đặt cược vào công nghệ

Trong một quán bia vỉa hè ở "ngã tư quốc tế" Tạ Hiện (thuộc khu vực trung tâm phố cổ Hà Nội), CEO Jensen Huang (Hoàng Nhân Huân) của Nvidia, tập đoàn sản xuất chip lớn nhất thế giới, và Thủ tướng Phạm Minh Chính ngồi rót bia cho nhau, cùng thưởng thức vài món ăn đường phố.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và CEO Jensen Huang uống bia tại phố Tạ Hiện tối 5/12.

Hai ngày trước đó, Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn Nvidia đã cùng ký kết thỏa thuận hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về trí tuệ nhân tạo (AI) của Nvidia và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam.

Đằng sau những cuộc gặp này, dù là trang trọng trong phòng họp hay thân mật ngoài vỉa hè, là những kế hoạch lớn. Theo tiết lộ của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thời gian qua, các cơ quan của Việt Nam đã tiếp xúc và làm việc với một loạt các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Qualcomm, Google, Meta, Qorvo, AIChip và Nvidia. Trong số này, đã có nhiều công ty, tập đoàn muốn dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam.

Với Nvidia, Thủ tướng dành sự quan tâm đặc biệt khi giao cho các cơ quan liên quan thành lập những tổ công tác chuyên trách để xúc tiến hợp tác đầu tư, và chính ông đã ngồi cụng bia vỉa hè với CEO Hoàng Nhân Huân. Nếu lên Linked, mạng xã hội doanh nghiệp lớn nhất thế giới, bạn có thể tìm thấy những bảng mô tả tuyển dụng kỹ sư, quản lý ồ ạt của Nvidia tại Việt Nam trong vài tuần qua.

 Nvidia là ai? CEO Hoàng Nhân Huân từng kể lại rằng công ty của ông gần như đã phá sản đến 3 lần chỉ trong giai đoạn từ 1993-1997. Nvidia chao đảo lần thứ hai khi lên sàn chứng khoán vào đầu năm 1999, với hai lần cận kề phá sản khác trong 10 năm tiếp theo vì bong bóng dot-com và khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Hai năm trước, họ công bố H100 - chip đồ họa GPU mạnh nhất từng thấy, nhưng thời điểm ấy, không ai quan tâm nhiều đến siêu chip này. Phải đến khi ChatGPT tạo ra một cơn sốt trên toàn cầu khiến cho nhu cầu tính toán được đẩy lên cao chưa từng có, H100 đã nhanh chóng đẩy vốn hóa của Nvidia lên đỉnh cao mọi thời: 3.300 tỷ USD, sánh ngang những gã khổng lồ Google, Microsoft…

 Điều kinh khủng là mọi chuyện diễn ra cực nhanh: Nvidia chỉ cần hai năm để thoát khỏi vị trí làng nhàng, và mất đúng 96 ngày để tăng trưởng vốn hóa từ mốc 2.000 tỷ lên 3.000 tỷ USD. Microsoft cần 945 ngày còn Apple là 1.044 ngày để làm điều này. Một sự tăng trưởng thần kỳ ngoài tưởng tượng.

Trong một lần trò chuyện với một số đồng nghiệp, tôi chú ý đến một nhận xét: thu nhập của nhà báo sau 20 năm gần như vẫn… y nguyên, mà thật ra là thụt lùi, vì tốc độ lạm phát. Một tờ báo giờ bán vẫn chỉ vài ngàn đồng, còn nhuận bút thì vài trăm ngàn đã là cao. 20 năm trước, khoản nhuận bút ấy có thể mua được khoảng nửa chỉ vàng, nhưng giờ thì vô phương: giá vàng đã tăng đến 13 lần từ đó đến nay.

Không chỉ có chúng tôi, rất nhiều ngành nghề đã gặp phải tình trạng này. Ví dụ như trong lĩnh vực xuất khẩu gạo, Việt Nam đang nằm trong top đầu thế giới, nhưng sau 20 năm, giá 1 tấn gạo xuất khẩu chỉ tăng khoảng gần 3 lần (626 USD năm 2024 so với khoảng 224 USD năm 2002), dù máy móc hiện đại hơn và nhân lực trình độ tốt hơn.

Phân tích dữ liệu 124 quốc gia trong giai đoạn 1950-2010 cho thấy một đất nước có thu nhập trung bình cao thường sẽ ở trong tình trạng này 14 năm trở lên, tức mắc bẫy thu nhập trung bình. Đó là cái bẫy khiến một quốc gia đã thoát nghèo nhưng vẫn không thể vươn lên nhóm có thu nhập cao thực sự (khoảng trên 13.000 USD/người/năm).

Tốc độ tăng trưởng của Nvidia có thể là một sự gợi ý: trong lịch sử, chúng ta chưa từng thấy cuộc lột xác nào chóng vánh và với cấp số nhân như vậy. Vào đỉnh điểm cơn sốt chip, một con chip H100 có kích thước chỉ bằng một phong thư được bán với giá tương đương một chiếc BMW X3 bản năm 2025, khoảng gần 50.000 USD.

Đặt cược vào Nvidia là đặt cược vào cuộc chơi chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), và nói ngắn gọn hơn, vào CÔNG NGHỆ. Cùng với Nvidia, chatbot của OpenAI đã thu hút 100 triệu người dùng chỉ trong vòng vài tuần, nhanh hơn bất kỳ sản phẩm nào trong lịch sử. Chi tiêu cho các trung tâm dữ liệu AI trong khoảng thời gian từ 2024 đến 2027 dự kiến cũng sẽ vượt quá 1.400 tỷ USD.

Trên một bàn bia vỉa hè vào cuối năm 2024, Việt Nam đã đặt cược vào một thứ quyền lực có thể thay đổi kinh tế quốc gia có thể không phải bằng năm, tháng nữa mà thậm chí tính bằng… tuần. Vì thế với tôi, cuộc hợp tác diễn ra vào thời điểm cuối năm này, chính là sự kiện đáng để lưu ý nhất của Việt Nam năm 2024.

Phạm An

Ngày 25/12, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2). Sang ngày xét xử thứ hai, Hội đồng xét xử dành thời gian cho các bị cáo và luật sư bào chữa cho các bị cáo tranh luận với đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

Sáng mai (26/12), TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) về việc xin giảm nhẹ hình phạt tù và xin giảm trách nhiệm bồi thường dân sự trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.

Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng đã được Chính phủ ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 25/12. Một trong những điểm mới của Nghị định này là quy định về việc người dùng mạng xã hội phải xác thực tài khoản bằng số điện thoại di động tại Việt Nam.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文