“Sông rộng, đường dài” chờ nước Pháp

15:15 11/07/2024

Giải tán quốc hội và tiến hành bầu cử với hy vọng cử tri có thể giúp ngăn đà trỗi dậy của phe cực hữu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khó có thể hài lòng với kết quả đảng Tập hợp Quốc gia (RN) cực hữu đã giành tỷ lệ phiếu bầu lịch sử trong vòng đầu tiên cuộc bầu cử lập pháp sớm, bỏ xa liên minh cánh tả Mặt trận bình dân mới (NFP) ở vị trí thứ hai, trong khi liên minh trung dung ủng hộ ông Macron tạm về vị trí thứ ba.

Thế trận định đoạt

Thành tích lịch sử của phe cực hữu diễn ra trong bối cảnh số lượng cử tri đi bỏ phiếu tăng cao, thực tế đã được dự báo trước, lên tới 69,7%, tăng tới hơn 30% so với cuộc bầu cử lập pháp năm 2022, mức cao nhất trong 35 năm trở lại đây.

Vòng 1 cuộc bầu cử Quốc hội Pháp ngày 30/6, gần 10 triệu cử tri đã dồn phiếu cho RN. Một con số đặc biệt ấn tượng với nguyên nhân là cả các yếu tố khách quan và chủ quan. Từ vị thế đáng buồn và bị ruồng bỏ, không quá khi cho rằng RN đã có những thay đổi tích cực và hiệu quả. Lãnh đạo nổi bật của cánh hữu là bà Marine Le Pen đã xây dựng hiệu quả hình ảnh của một chính đảng vốn nổi tiếng với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và bài Do Thái, một chiến thuật đúng đắn trong bối cảnh cử tri phẫn nộ với nhà lãnh đạo Macron về nhiều vấn đề nhức nhối như chi phí sinh hoạt tăng cao và vấn đề nhập cư.

Tổng thống Macron tại một điểm bỏ phiếu ở miền Bắc nước Pháp, ngày 30/6.

Bộ Nội vụ Pháp công bố kết quả cho thấy có 65 ứng cử viên đắc cử ngay từ vòng 1 do có số phiếu bầu hơn 50%, gồm 38 ứng cử viên của phe cực hữu, 21 người của còn liên minh cánh tả và liên minh trung dung của đảng cầm quyền chỉ có 2. Trong tổng số 1.122 ứng cử viên lọt vào vòng 2, có tới 395 ứng cử viên của cánh hữu, 341 ứng cử viên thuộc liên minh cánh tả, 260 người của liên minh cầm quyền và 57 ứng cử viên của đảng cánh hữu Những người Cộng hòa (có 10% phiếu bầu trong vòng 1).

Số ghế còn lại sẽ được quyết định trong vòng 2 vào cuối tuần tới và rõ ràng, từ nay tới sự kiện đó sẽ là rất nhiều các cuộc thương lượng, dàn xếp và các biến số. Những gì sắp diễn ra có thể là một cơn địa chấn trong nền chính trị Pháp.

Về cơ bản, bức tranh chính trị Pháp bị chia rẽ thành 3 khối riêng biệt là cánh tả, trung dung và cánh hữu. Những ứng cử viên vượt qua ngưỡng 12,5% lọt vào vòng 2 cuộc bầu cử và thông thường, hầu hết các khu vực bầu cử sẽ có 2 ứng cử viên đi tiếp. Tuy nhiên, năm nay là một cuộc bầu cử đặc biệt vì sau khi có kết quả vòng 1, người ta đã nhắc đến khả năng vòng 2 là hàng loạt cuộc đua tam mã - lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại của nước Pháp.

Thế trận 3 bên nhìn đơn giản sẽ mang lại lợi ích cho những ứng cử viên đứng đầu ở vòng 1 và lần này là RN ở vị trí dẫn đầu trong hơn một nửa khu vực. Trước tình hình đó, xu hướng vội vã tìm kiếm liên minh và xây dựng chiến lược để ngăn chặn phe cực hữu là điều dễ hiểu. Sau bầu cử vòng 1, không ít ứng cử viên đứng thứ ba đủ điều kiện vào vòng 2 đã được khuyến khích rút lui để củng cố mặt trận phản đối phe cực hữu.

NFP theo đường lối cánh tả tuyên bố sẽ rút tất cả các ứng cử viên đứng thứ ba của họ để giúp ngăn cản các ứng cử viên cực hữu đắc cử. Liên minh trung dung tuyên bố sẽ không để “một phiếu bầu nào thuộc về phe cực hữu”, đồng thời nhanh chóng tìm cách hợp tác với cánh tả để đảm bảo RN không giành được 289 số ghế cần thiết nhằm chiếm đa số tuyệt đối tại quốc hội gồm 577 ghế. Thủ tướng Pháp Gabriel Attal thậm chí đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ RN cực hữu giành được đa số ghế tuyệt đối tại quốc hội trong vòng 2 diễn ra ngày 7/7 và cho biết, những ứng cử viên của đảng cầm quyền chỉ đứng thứ ba ở vòng 1 sẽ rút lui trong vòng 2 để ủng hộ ứng cử viên của phe đối lập khác nhằm ngăn chặn phe cực hữu.

Canh bạc mạo hiểm

Kết quả bầu cử ở vòng 1 cho thấy rằng Tổng thống Pháp đã đánh một canh bạc đầy mạo hiểm, thậm chí là “đùa với lửa” khi để mất đa số tại Hạ viện. Nhiều dự đoán cho cuộc bầu cử vòng 2 tỏ ra khá u ám khi cho rằng liên minh trung dung của ông sẽ chỉ giữ được tối đa 100 ghế, thay vì hơn 250 ghế của nhiệm kỳ vừa mãn nhiệm. Nếu nhìn nhận cuộc bầu cử là một cuộc trưng cầu ý dân về ủng hộ hay không với ông Macron, có lẽ đa số người Pháp đã lựa chọn quay lưng với nhà lãnh đạo của mình.

Kêu gọi một cuộc bầu cử với kết quả hoàn toàn có thể đưa phe cực hữu lên nắm quyền, Tổng thống Emmanuel Macron không chỉ đặt ra những biến số cho chính nước Pháp mà còn cho cả châu Âu.

RN lâu nay vẫn là lực lượng nổi tiếng theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu và dù đảng này không còn nói về một “Frexit” toàn diện (Pháp rời khỏi EU), ít nhiều tuyên ngôn của họ đã đặt ra câu hỏi về chính nền tảng của dự án châu Âu. RN thẳng thừng tuyên bố họ muốn thu hẹp ảnh hưởng của liên minh và giành lại nhiều quyền kiểm soát hơn đối với biên giới và chủ quyền cho nước Pháp. Tại châu Âu, những nhà lãnh đạo như Thủ tướng Giorgia Meloni của Italy và Tổng thống Viktor Orban của Hungary có lẽ sẽ đồng tình với đồng minh cực hữu này và các kế hoạch của họ đối với châu Âu cũng có nhiều sức nặng hơn.

Sự nổi lên của một chính phủ và một nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc mới ở Pháp có thể làm đảo lộn các kế hoạch và đường hướng chính sách hiện nay của châu Âu, điều rõ ràng EU không cần và không muốn trước những vận động địa chính trị và công nghệ mạnh mẽ hiện nay.

Những người ủng hộ đảng Tập hợp Quốc gia tại HeninBeaumont, miền Bắc nước Pháp, sau khi biết kết quả sơ bộ vòng bỏ phiếu đầu tiên, tối 30/6.

Nhìn vào kết quả bầu cử và cơ cấu cử tri đi bỏ phiếu, người ta cũng hiểu phần nào tâm ý của các cử tri và lý do màn cược của Tổng thống Macron dường như không mấy thành công. Giới quan sát chỉ ra rằng, dù “tả” hay “hữu” tại Pháp đều có vài “mẫu số” chung.

Thứ nhất, lực lượng này thu hút các cử tri thuộc những nhóm thiếu niềm tin vào các đảng phái truyền thống, bất bình với hiện thực xã hội và có không ít lo ngại cho tương lai.

Thứ hai, đây cũng là lý do vì sao cả hai lực lượng cánh tả và cánh hữu cùng tìm cách lôi kéo cử tri với những lời kêu gọi và hứa hẹn tăng sức mua và phúc lợi xã hội cho người dân. Nhiều phân tích chỉ ra rằng, trong đông đảo các cử tri là giới thợ thuyền bị mất việc khi các nhà máy công nghiệp ở Pháp đóng cửa và chuỗi sản xuất di dời cơ sở sang những khu vực có giá nhân công rẻ; những người chật vật với làn sóng sa thải trong thời đại công nghệ phát triển khiến máy móc có thể làm thay con người; những người có nỗi sợ bị cướp mất công việc, lo sợ vấn đề an ninh và an toàn khi làn sóng nhập cư gia tăng, cùng với đó là cả những người không hẳn đồng tình với các chính sách từ cấp quản lý châu Âu. Những nỗi sợ ấy khiến một bộ phận không nhỏ cử tri Pháp dồn phiếu cho phe cực tả và cực hữu, thay vì lực lượng trung dung, xem các tư tưởng và hứa hẹn của các chính đảng ở hai chiều này là lá chắn cuối cùng trước những nguy cơ mà họ thấp thỏm.

Đây sẽ là cái giá phải trả cho Tổng thống Macron hay sẽ là minh chứng cho lời hiệu triệu mạnh mẽ chống lại phe cực hữu, rằng người dân Pháp vẫn chưa hoàn toàn tán thành những tư tưởng này? Đảng Phục hưng của Tổng thống Macron đang nắm quyền tại Hạ viện mà không có đa số sau khi thể hiện kém hơn mong đợi trong cuộc bầu cử lập pháp năm 2022, buộc họ phải tìm kiếm liên minh hoặc sử dụng một công cụ hiến pháp để thông qua các luật mới. Tình thế khó khăn hiện nay cho thấy, thực tế việc ngả sang cánh tả hoặc cánh hữu cũng đều là điều đáng báo động, thậm chí là buộc ông Macron phải khép lại chương trình nghị sự của mình.

Dù có thể đứng chung chiến tuyến trước làn sóng cực hữu, có điều gì đủ đảm bảo để khối trung dung và cánh tả tiếp tục kề vai sát cánh trong việc hoạch định chính sách - trong trường hợp họ giành được chiến thắng đa số? Các định chế có thể bị tê liệt bởi thực tế 3 khối ở quốc hội - cực hữu, cực tả và trung dung có nhiều quan điểm khác biệt, nếu không muốn nói là hoàn toàn đối chọi. Một thất bại cay đắng hơn sẽ buộc ông Macron phải đề cử thủ tướng từ bất kỳ chính đảng nào chiến thắng, đồng nghĩa với khả năng đưa một đối thủ chính trị lên nắm quyền điều hành chính phủ.

Tờ New York Times bình luận: “Rất có thể sắp tới sẽ là những bế tắc chính trị tại Pháp và cả một cuộc khủng hoảng đối với Tổng thống Macron, điều do chính ông tạo ra”.

Thái Hân

Đội tuyển Việt Nam lên ngôi vô địch sau chiến thắng thuyết phục trước Thái Lan. Sau giải đấu này, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cũng như cá nhân huấn luyện viên Kim Sang-sik sẽ có thêm nhiều sự gợi ý, định hướng về định hướng chiến lược cho năm 2025 và xa hơn nữa.

Ngày 6/1, tại Hà Nội, Đảng ủy Công an Trung ương đã có buổi khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII và công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp trong CAND nhiệm kỳ 2025-2030 tại Đảng bộ Cục An ninh chính trị nội bộ (ANCTNB).

Từ năm 2023 đến khi bị bắt, những kẻ phạm tội đã câu kết với nhau thành lập các hội nhóm trên mạng xã hội để tạo lập, thu thập và mua bán thông tin tài khoản ngân hàng trái phép của hàng nghìn người trên địa bàn huyện Thạch Thành, Thanh Hóa và các tỉnh thành trên cả nước, sau đó bán lại cho người khác, thu lời bất chính hàng trăm triệu đồng.

Ngày 5/1, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Điện Biên chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ thành công 1 đối tượng về hành vi Mua bán trái phép chất ma túy, tang vật thu giữ 6 bánh heroin và 12 nghìn viên ma túy tổng hợp.

Chiều 6/1, đoàn xe đón đội tuyển bóng đá Việt Nam đã về đến sân bay Nội Bài, sau đó di chuyển qua nhiều tuyến phố, rất đông người hâm mộ đón chào thầy trò HLV Kim Sang Sik. Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chức năng bảo đảm an ninh trật tự và TTATGT cho lộ trình đón đoàn từ sân bay Nội Bài về Văn phòng Chính phủ.

Năm 2025, các ngân hàng và các chuyên gia kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động sẽ ổn định đi ngang do quá trình hạ lãi suất, nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương đang bắt đầu và sẽ tiếp diễn; mặt bằng lãi suất cho vay duy trì ở ngưỡng thấp, tuy nhiên, vẫn có sự phân hóa.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文