Thế giới cần hành động

11:04 27/09/2022

Những cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ ở quy mô toàn cầu đang kéo lùi sự phát triển của loài người. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có nguy cơ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn hơn nữa nếu không có những hành động cấp thiết để ngăn chặn từ bây giờ.

Khủng hoảng nối tiếp

Hôm 9-9-2022, Báo cáo về Chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2021 được Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố. Đây là bản báo cáo thường niên của tổ chức này, trong đó tổng hợp các tiêu chí về sức khỏe, trình độ giáo dục và mức sống người dân của 191 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, từ đó đưa ra một chỉ số HDI toàn cầu.

Bản báo cáo HDI hằng năm, bắt đầu được UNDP thực hiện từ năm 1990, đã ghi nhận sự gia tăng đều đặn của chỉ số này trong 3 thập kỷ liên tiếp. Điều đó có nghĩa là cuộc sống của con người đã liên tục "tốt hơn". Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây, chỉ số này đã suy giảm đáng kể.

Ông Achim Steiner kêu gọi thế giới hành động trước khi quá muộn.

Theo đó, chỉ trong 2 năm 2020 và 2021, những biến động trên toàn cầu đã xóa sạch nỗ lực phát triển của 5 năm trước đó, đưa chỉ số HDI trở về với mức của năm 2016, cũng có nghĩa là chúng ta đang bị thụt lùi trong việc phát triển con người. Bản báo cáo được công bố hôm 10-9 cho thấy: Hơn 90% các quốc gia ghi nhận mức giảm điểm HDI vào giai đoạn 2020-2021. Trong đó, tỷ lệ các quốc gia có chỉ số HDI giảm liên tiếp 2 năm vừa qua là hơn 40%.

Theo báo cáo này, yếu tố làm giảm chỉ số HDI trong 2 năm qua mạnh nhất là tuổi thọ trung bình người dân toàn cầu, từ mức 73 tuổi năm 2019 xuống còn 71,4 tuổi năm 2021. Có thể thấy, đại dịch COVID-19 là nguyên nhân chính gây ra tình trạng suy giảm chỉ số HDI. Nhưng, các cuộc khủng hoảng nối tiếp về kinh tế, chính trị, năng lượng và khí hậu... cũng đang cản trở quá trình phục hồi sau đại dịch. Những chuyển dịch kinh tế - xã hội đang dẫn đến những thay đổi khó lường cũng như sự phân cực gia tăng giữa các nhóm người giàu và nghèo. Trong khi đó, biến đổi khí hậu tiếp tục tàn phá mùa màng, đồng thời tạo nên khó khăn mới cho cuộc sống của người dân trên khắp thế giới. Đây là một chuỗi khủng hoảng liên tiếp có sức tác động lớn mà dường như thế giới chưa từng gặp phải.

Trong bản báo cáo có tiêu đề: “Thời điểm không chắc chắn, cuộc sống bất ổn: Định hình tương lai của chúng ta trong một thế giới đang biến đổi”, UNDP nhận định: "Xã hội toàn cầu đang luẩn quẩn từ khủng hoảng này sang khủng hoảng khác và có nguy cơ dẫn đến tình trạng thiếu thốn ngày càng gia tăng, cùng với tình trạng bất công". Những làn sóng liên tiếp xuất hiện các biến thể khác nhau của đại dịch COVID-19 đã khiến con người bất an hơn, những cảnh báo mới dễ xảy ra hơn còn những tác động môi trường thì ngày càng lớn. Khủng hoảng liên tiếp đã gây tác động tâm lý xấu khiến nhiều người bắt đầu cảm thấy bất lực, hoảng sợ và lo lắng về tương lai hơn trước. "Thế giới đã hứng chịu nhiều thảm họa, chứng kiến nhiều cuộc xung đột trước đây nhưng những gì đang xảy ra là một bước thụt lùi đáng kể về phát triển con người", Tổng Giám đốc UNDP, ông Achim Steiner nhấn mạnh.

UNDP cũng đánh giá triển vọng của năm 2022 không mấy sáng sủa khi những ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine chưa được tính đến trong tính toán chỉ số HDI 2021. Theo đó, trong khi vẫn chưa thể thoát khỏi khủng hoảng vì đại dịch thì nhiều quốc gia đã phải đối mặt với ảnh hưởng từ cuộc xung đột Ukraine, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh năng lượng và thực phẩm.

Có thể còn tồi tệ hơn

Để giải quyết những vấn đề của thế giới, ông Steiner đã không quên kêu gọi kéo hoạt động hỗ trợ phát triển cho nhóm quốc gia dễ bị tổn thương nhất tăng trở lại, với lời khẳng định rằng "nếu các hỗ trợ tiếp tục xu hướng giảm hiện nay sẽ dẫn tới sai lầm nghiêm trọng". Nhưng, mọi việc không hề dễ dàng như thế.

Lạm phát toàn cầu đã tăng 7,2% trong 2 quý đầu của năm 2022, dự đoán cả năm sẽ tăng 6,5%, mức cao nhất trong 16 năm qua. Chỉ tính riêng giá năng lượng đã tăng hơn 50% còn lương thực, thực phẩm tăng 22,9% trong năm 2022 theo dự báo của Ngân hàng Thế giới.

Đây là áp lực rất lớn đối với kinh tế thế giới, đặc biệt là các nước nghèo, những nước phải nhập khẩu nhiều năng lượng và lương thực.

Chuỗi cung ứng rơi vào tình trạng gián đoạn kể từ năm 2020 nay lại càng trầm trọng khi xung đột nổ ra giữa Nga và Ukraine - hai nước xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới, khiến lạm phát giá lương thực thêm nặng nề. Trong khi đó, biến đổi khí hậu gây mất mùa ở Nam Á đang ảnh hưởng lớn đến nguồn cung gạo, lương thực chủ yếu của hơn 4 tỷ người trên trái đất. Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới đã tuyên bố cắt giảm sản lượng xuất khẩu để đảm bảo nhu cầu trong nước. Đây sẽ là đòn giáng mạnh vào thị trường lương thực toàn cầu trong thời gian tới.

Giám đốc điều hành tổ chức nhân đạo Mercy Corps Tjada D'Oyen McKenna cho biết: “Giá lương thực tăng vọt năm 2022 làm cho khoản hỗ trợ tiền mặt cấp cho các hộ gia đình chẳng thể giúp đỡ được nhiều. Sức mua giảm cùng giá lương thực tăng là hạn chế chính đối với khả năng tiếp cận thực phẩm”.

Mặt hàng năng lượng tiếp tục gặp thách thức khi mùa đông đang đến ở Bắc bán cầu.

Biến đổi khí hậu trở thành vấn đề toàn cầu.

Việc châu Âu tăng cường mua khí đốt những tháng qua đã khiến giá khí đốt khắp thế giới cũng tăng phi mã. Người ta có thể dễ dàng đổ lỗi cho cuộc xung đột Ukraine nhưng thực tế đây chỉ là một trong những lý do khiến cho lạm phát toàn cầu tiếp tục tăng cao. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), 4 động lực chính của sự gia tăng lạm phát hiện nay là:

Thứ nhất, tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng do đại dịch.

Thứ hai, sự dịch chuyển nhu cầu từ dịch vụ sang hàng hóa. Chi tiêu cho hàng hóa đã tăng đáng kể do đại dịch, hiệu ứng này tiếp tục kéo dài do những tâm lý lo lắng của người tiêu dùng. Thứ ba, mở rộng tài khóa với khoảng 16,9 nghìn tỷ USD đã được các chính phủ bơm vào nền kinh tế trong năm 2020. Thứ tư, thiếu hụt lao động khi số lao động tham gia vào thị trường vẫn ít hơn trước đại dịch. Ví dụ, ở Mỹ số lao động đang làm việc hiện vẫn thấp hơn thời điểm năm 2019 là 1,5%, tương đương 4 triệu lao động. Tất cả các yếu tố này tạo ra rủi ro đáng kể, làm lạm phát tiếp tục tăng và kéo dài hơn dự báo hoặc duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn. Nó dẫn đến chính sách tiền tệ thắt chặt ở các quốc gia trong thời gian qua làm cho việc huy động các nguồn lực của các tổ chức quốc tế đối với những vấn đề toàn cầu trở nên khó khăn hơn.

Sự thực, thế giới của năm 2022 đang quay trở lại với giai đoạn trước khi những bản báo cáo toàn cầu của UNDP được đưa ra. Cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc đang phá vỡ những kết nối mà thế giới từng có trong một giai đoạn bùng nổ liên kết. Vì thế, trong buổi lễ công bố bản báo cáo này, ông Achim Steiner đã kêu gọi một ý thức mới về tình đoàn kết toàn cầu để giải quyết “những thách thức chung" bằng cách "liên kết với nhau”, nhưng ông cũng thừa nhận rằng cộng đồng quốc tế hiện đang “tê liệt trong việc thực hiện những thay đổi này”.

Dẫu vậy, không có cách nào, loài người vẫn phải hành động. Báo cáo của UNDP, chính vì thế, khuyến cáo thế giới cần tăng gấp đôi phát triển con người và bảo vệ hành tinh, cung cấp cho mọi người những công cụ cần thiết để họ cảm thấy an toàn hơn, lấy lại cảm giác kiểm soát cuộc sống của mình và có hy vọng trong tương lai. Chúng ta có thể hy vọng, từ bản báo cáo này, các nhà hoạch định chính sách thế giới sẽ ngồi lại với nhau để có thể tìm ta một giải pháp, ít nhất là dừng đà thụt lùi hiện tại.

Tử Uyên

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an vừa phối hợp Công an tỉnh Nam Định triệt xóa thành công nhóm đối tượng sản xuất, phát tán mã độc trên không gian mạng nhằm mục đích chiếm đoạt tài khoản cá nhân, dữ liệu người dùng trên địa bàn toàn quốc và các quốc gia trên thế giới, bắt giữ 22 đối tượng.

Hội Cựu CAND Việt Nam vạch ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm thống nhất trong toàn thể hội viên về nhận thức và hành động, phấn đấu thực hiện mục tiêu giữ gìn và phát huy bản chất tốt đẹp của CAND Việt Nam; đồng thời phát huy nhiệt huyết, trí tuệ, kinh nghiệm, tích cực tham gia các phong trào ở cơ sở, nhất là phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Ngày 6/5, ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Ninh Thuận cho biết, cơ quan này đang phối hợp UBND, Công an huyện Ninh Hải và Đồn biên phòng Vĩnh Hải tiến hành kiểm tra, xác minh, xử lý vụ việc nữ du khách đến từ Hà Nội bị hành hung tại bãi Kinh ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.

Trong lúc đang đánh cá trên biển, do lốc xoáy, sóng to đã làm 4 tàu cá ở Quảng Bình gặp tai nạn, trong đó có 3 tàu bị chìm, 1 tàu mất liên lạc. Hiện 11 ngư dân vẫn còn mất tích. Công tác tìm kiếm, cứu nạn các ngư dân mất tích đang được triển khai rất khẩn trương

Ngày 7/5, tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sỹ), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham gia phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Ngày 5/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du châu Âu, với các chặng dừng chân ở Pháp, Serbia và Hungary. Chuyến đi được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tổng thể mối quan hệ giữa Trung Quốc với 3 nước nói riêng cũng như với Liên minh châu Âu (EU) nói chung phát triển ổn định và lành mạnh, góp phần củng cố sự ổn định trong một thế giới đầy biến động.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文