Tiệp Khắc đã bị xé nát như thế nào?

21:25 29/03/2022

Sở hữu một lực lượng quân sự không thể bị xem thường, song vào ngày 15-3-1939, nước Tiệp Khắc cũ (Czechoslovakia) đã bị xóa tên trên bản đồ châu Âu và thế giới, mà hoàn toàn không có cơ hội chống trả. Cho đến tận hôm nay, cách mà quốc gia đó trở thành "vật tế thần" trên bàn cờ quyền lực của các cường quốc cũng vẫn luôn là một bài học rất đáng tham khảo, cho những nước "nhỏ" kẹt giữa chồng chéo các mâu thuẫn và xung đột địa chính trị.

Ngày định mệnh

6h sáng ngày 15-3-1939, quân Đức Quốc xã tràn qua biên giới vào hai vùng Bohemia (Boehmen) và Moravia (Maehren), mà không gặp phải bất cứ sự kháng cự nào. Đến tối hôm đó, thậm chí Adolf Hitler dẫn đầu đoàn quân tiến vào thủ đô Prague của Tiệp Khắc. Mà thực ra, khi ấy, cũng không còn nước Tiệp Khắc - Czechoslovakia - ra đời sau Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất nữa.

Bởi vì, 24 giờ trước đó (tức ngày 14-3), Slovakia đã tuyên bố độc lập (dĩ nhiên là dưới sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Đệ Tam đế chế Đức), để khai tử cả cái thực thể chính quyền đã bị ép trở thành Czecho-Slovakia (với một dấu gạch nối trên các văn bản chính thức làm hằn rõ những tính toán chia cắt).

Trước khi rời Berlin, nhà độc tài nước Đức, theo thói quen và như một lẽ tất yếu, vẫn kịp đọc "một bản tuyên cáo hùng hồn" (theo sử gia William L.Shirer - cuốn “Sự trỗi dậy và suy tàn của Đế chế thứ ba”) trước quốc dân Đức, trong đó một lần nữa nhấn mạnh những lời dối trá về các hành động "quá trớn man dại" và "khủng bố" mà ông ta bắt buộc phải ra tay chấm dứt trên đất Tiệp Khắc, để rồi chấm dứt bằng một kết luận lạnh lùng: "Tiệp Khắc phải bị xóa sổ".

Đêm 15-3, Hitler nghỉ tại Hradschin - lâu đài của hoàng gia Bohemia. Ngày hôm sau, 16-3, ông ta tuyên bố thành lập Xứ bảo hộ Bohemia và Moravia, tạo dựng chế độ mới "tự trị và tự thành lập". Song, điều cốt lõi ở đây là: Mọi thực quyền đều thuộc về chức danh "Bảo quốc công" (một dạng Toàn quyền như trong chế độ thực dân) của đế chế.

Cùng ngày 16-3 ấy, Đức Quốc xã tuyên bố đặt Slovakia "dưới sự bảo vệ rộng lượng của mình". Quân Đức lập tức tiến sang Slovakia. Nền độc lập của quốc gia hoàn toàn mới này, như vậy, chỉ tồn tại 48 giờ.

Khi quân đội Pháp và quân đội Anh đều không sẵn sàng hành động cứng rắn nhằm thực hiện các cam kết với Tiệp Khắc.

Cuộc đầu hàng ở Munich

Điều đáng nói là chưa đầy nửa năm trước thời điểm bi kịch đó, đầu tháng 10-1938, Hitler còn phải đòi hỏi Tướng Keitel tùy viên những câu hỏi rất nghiêm túc: "Cần chuẩn bị lực lượng thế nào để đập tan mọi sự phản kháng của Tiệp Khắc ở Bohemia và Moravia? Cần thời gian bao nhiêu lâu để điều động và tập hợp các lực lượng? Cần thời gian bao nhiêu lâu cho cùng mục đích ấy, nếu thực hiện sau những biện pháp giải giới? Cần thời gian bao lâu để đạt được trạng tháng sẵn sàng tác chiến, như ngày 1-10?".

Nghĩa là, dù chắc chắn sẽ bằng mọi cách thôn tính Tiệp Khắc, người đứng đầu Đệ Tam Đế chế cũng vẫn đủ tỉnh táo để hiểu rằng đó sẽ không phải là một cuộc duyệt binh, hay một cuộc dạo chơi.

Có điều gì đã xảy ra vào ngày 1-10-1938? Đó là ngày đầu tiên Hiệp ước Munich - văn bản mà theo History.net là điều "định đoạt số phận của Tiệp Khắc, trao nó vào tay nước Đức Quốc xã, nhân danh hòa bình" - có hiệu lực. Hiệp định ấy được ký kết xong xuôi vào ngày 30-9.

Nó được Thủ tướng Anh thời đó - Neville Chamberlain - ca ngợi: "Đây là thứ sẽ đem lại hòa bình cho thời đại của chúng ta!", nhưng lại bị chính người kế nhiệm ông sau này - Winston Churchill - "chỉ mặt": "Chúng ta đã phải nhận một thất bại toàn diện, không gì cứu vãn được". Và tân Thủ tướng Tiệp Khắc - tướng Sirovy - nói với người dân của ông trên sóng phát thanh: "Chúng ta đã bị bỏ rơi. Chúng ta chỉ có một mình".

Có cả một chuỗi những bước lùi của hai đại cường lãnh đạo Tây Âu và cả Hội Quốc Liên ngày ấy, trước sự trỗi dậy hung hăng của nước Đức Quốc xã. Mỗi điểm mốc đều là những câu chuyện xứng đáng được kể lại mãi mãi, như các thí dụ kinh điển về giá trị của sự cứng rắn, cũng như hệ lụy của tư tưởng "hòa bình bằng mọi giá". Nước Đức tái vũ trang, trái với Hiệp ước Versaille kết thúc Đệ nhất Thế chiến, Anh và Pháp làm ngơ. Nước Đức tiến vào Rhineland, Anh và Pháp vẫn không có ý kiến gì. Nước Đức sáp nhập Áo, Anh và Pháp vẫn im lặng. Và, rõ ràng, sau Áo sẽ là Tiệp Khắc.

Vào thời điểm đó, trên lãnh thổ Tiệp Khắc có khoảng nửa triệu người Đông Slave (gần gũi với Nga, Ukraina, Belarus), 1 triệu người Hungary, hơn 2 triệu người Slovakia, và nhất là 3 triệu rưỡi người gốc Đức (trên tổng cơ cấu dân số khoảng hơn 10 triệu người). Đó là những tàn dư mà lịch sử để lại, khi Tiệp Khắc được khai sinh như một mảnh vỡ của đế quốc Áo - Hung/Habsburg cũ, theo Hiệp ước Versaille mà Hitler căm ghét.

Và như thế, cũng đã là quá đủ.

Bởi Tiệp Khắc đã bị "bán đứng" tại Hiệp ước Munich.

Chỉ cần một cái cớ

Vào thời điểm năm 1938, Tiệp Khắc không chỉ là một trong những quốc gia phồn thịnh nhất Trung Âu, mà còn được cả Anh và đặc biệt là Pháp bảo trợ. Với 35 sư đoàn thiện chiến (chưa kể quân trù bị), lại sở hữu một hệ thống lô cốt - hào lũy kiên cố trên sườn núi phía Tây đất nước (được đánh giá là chỉ kém Chiến lũy Maginot lừng danh ở biên giới Pháp - Đức), đó là miếng xương quá "khó nhằn".

Nhưng Hitler nhất định muốn có Tiệp Khắc trong "cương thổ" Đệ Tam đế chế của mình, và ông ta tìm thấy những công cụ khác, bổ trợ cho sức mạnh quân sự.

Về mặt chính trị, từ năm 1933, năm Hitler mới lên nắm quyền, đảng Người Đức ở Sudeten (Sudentenland trong tiếng Anh, nơi tập trung đông người gốc Đức nhất tại Tiệp Khắc) được thành lập, chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ Berlin. Đây là "căn cứ địa", là xuất phát của những cái cớ quan trọng nhất để đến năm 1938, nước Đức Quốc xã liên tục cáo buộc rằng người Đức tại Tiệp Khắc bị phân biệt đối xử, bị đày đọa, và nhiệm vụ của nước Đức là phải cứu vớt đồng hương trước nạn bạo hành.

Về mặt quân sự, tháng 5/1938, Đức điều 12 sư đoàn (gồm 10 sư đoàn bộ binh, 1 sư đoàn thiết giáp, 1 sư đoàn sơn cước áp sát biên giới Tiệp Khắc. Số quân này vẫn ở đó, và liên tục được tăng cường cho đến tận tháng 10-1938.

Về mặt ngoại giao, Hitler chỉ đạo cấp dưới phải bằng mọi cách "chứng tỏ cho các kẻ thù muốn can thiệp thấy rõ tình hình tuyệt vọng của quân đội Tiệp Khắc, và tạo động lực cho những nước có đòi hỏi về lãnh thổ cùng hợp nhất chống Tiệp Khắc.

Về mặt tuyên truyền, Đức Quốc xã liên tục dọa nạt và nỗ lực làm suy yếu ý chí kháng cự của Tiệp Khắc. Trong khi đó, trên mặt trận kinh tế, nước Đức dùng mọi công cụ, mọi nguồn lực để thúc đẩy sự suy sụp của Tiệp Khắc. 

Điều đáng sợ là đây: Trong khi quân đội Tiệp Khắc không hề sợ hãi và quyết tâm chiến đấu, thì chính Anh và Pháp lại nhụt chí. Theo lời kể của Tướng Jodl tại Tòa án Nuremberg sau chiến tranh, cũng như những lần trước, chỉ cần hai cường quốc này có những động thái quyết liệt, sự nghiệp của Hitler có thể sẽ "đi đứt". Nếu 100 sư đoàn Pháp dứt khoát vượt sông Rhine, quân Đức năm 1938 không có cách nào chống đỡ.

Song, điều đó vĩnh viễn không xảy ra. Điều xảy ra, một cách dễ hiểu nhất, là đây: Nước Pháp không muốn vì Tiệp Khắc mà giao chiến với nước Đức. Nước Anh - sẽ phải tham chiến theo các cam kết hỗ trợ Pháp - lại càng không muốn "vì những chuyện xảy ra ở đâu đâu mà Luân Đôn phải đào hầm tránh bom". Họ không những tuyên bố sẽ không "động binh", mà còn thay Hitler tạo sức ép trên mặt trận ngoại giao, nhằm ép Tiệp Khắc phải nhượng bộ những đòi hỏi vô lý của Đức Quốc xã. Thậm chí, họ để mặc Tổng thống Tiệp Khắc Benes bị lăng nhục, bị mạt sát, bị khủng bố tinh thần, bị đe dọa tính mạng…

Hiệp ước Munich được ký kết như thế, để thực chất không chỉ cướp Sudeteland từ Tiệp Khắc, mà còn giao về cho Đức 66% sản lượng than, 70% sắt thép và 70% năng lượng điện của Tiệp Khắc, chưa kể đến hệ thống lô cốt phòng ngự kể trên. Lý do được đưa ra, thật "nhân văn", là "sự hy sinh vì nền hòa bình của châu Âu và thế giới". Đổi lại, Tiệp Khắc chỉ nhận được những lời hứa hẹn mà thực tế đã chứng tỏ là không có chút giá trị nào.

"Về cơ bản thì chúng ta bị phản bội", như nỗi đắng cay của Benes - người ngay sau đó phải nhường chức cho Emil Hascha để đi tị nạn. Và Tiệp Khắc, không còn khả năng kháng cự, "chỉ có thể trông chờ vào lòng thương xót của chúng ta" - Thống chế đế chế Đức Hermann Goering.

"Nhà tư tưởng hiện đại nổi tiếng người Mỹ Noam Chomsky viết trong cuốn "Tham vọng bá quyền"(Imperials Ambitions, dịch giả Trịnh Lữ): "Khi Hitler chặt chém nước Tiệp, nó được đi kèm với những lời hùng biện tuyệt vời rằng đó là để mang hòa bình đến cho những nhóm sắc tộc đang xung đột, để đảm bảo rằng tất cả những nhóm người này sẽ có thể sống hạnh phúc được với nhau, dưới sự giám sát nhân từ của người Đức". 

"Hiệp ước Munich được ký kết giữa Thủ tướng Anh Neville Chamberlain, Thủ tướng Pháp Edouard Dadalier, nhà độc tài phát-xít Ý Benito Mussolini, và Adolf Hitler. Đại diện Tiệp Khắc không được tham dự, họ chỉ có quyền nghe định đoạt về số phận đất nước mình. Liên Xô cũng bị gạt sang một bên, bởi Josef Stalin trước đó đã tỏ ý sẵn sàng thực hiện các cam kết quân sự - quốc phòng với Tiệp Khắc, nếu nước Pháp cũng thực hiện những cam kết ấy.

Thiên Thư

Từ giữa tháng 11 âm lịch năm nay, nhiều làng nghề truyền thống ở Cố đô Huế đã tất bật vào vụ để sản xuất hàng hóa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Nhờ đôi tay tài hoa, khéo léo của thợ thủ công mà thị trường Tết có thêm nhiều sản phẩm truyền thống độc đáo để người tiêu dùng lựa chọn.

Sau nhiều năm hóa thân vào vai anh hùng quân đội trên màn ảnh, tài tử Hollywood Tom Cruise mới đây được vinh danh với giải thưởng Dịch vụ công xuất sắc (DPS) của lực lượng hải quân, nhằm ghi nhận những cống hiến của nam tài tử cho hải quân Mỹ thông qua các tác phẩm điện ảnh.

Thời tiết các tỉnh thành ở miền Bắc chuyển biến tích cực với nền nhiệt tăng nhẹ, không mưa, trưa chiều nắng ấm, chỉ còn rét về sáng sớm và đêm. Tuy nhiên, vùng núi cao vẫn có nơi rét hại.

Chiều 18/12, Báo Nhân dân đã tổ chức lễ khai mạc Triển lãm tương tác “Những trận đánh nổi tiếng, những vị tướng tài danh”. Với việc quét mã QR được tích hợp trên từng bức tranh và sơ đồ trận đánh, người xem sẽ được trải nghiệm thêm thông tin, hình ảnh trực quan về các trận chiến nổi tiếng cùng dấu ấn của những vị tướng tài danh trong lịch sử dân tộc.

Ngày 18/12, Đoàn công tác của Bộ Công an do Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc thông qua kết quả kiểm tra, đánh giá các mặt công tác Công an và kết quả thực hiện chỉ tiêu công tác năm 2024 của Công an tỉnh Ninh Bình. 

Sáng 18/12, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị trực tuyến thực hiện các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trọng tâm năm 2024 và chủ động khai thác, sử dụng bộ chỉ số đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp của Tổ thường trực cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ. Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị.

Ngày 18/12, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh khám xét chỗ ở, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Tiến Thành (SN 1985, trú thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) về tội “Gây rối trật tự công cộng”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文