Kia
Mobifone

Từ Yukio Mishima đến Ocean Vuong: Sự chống trả của cái đẹp với bạo lực

Thứ Năm, 27/01/2022, 10:33

Trong một bài thơ của tập “Trời đêm những vết thương xuyên thấu”, tên tựa gốc: Night sky with exit wounds, bản dịch được Phanbook và NXB Hội Nhà văn phát hành, Ocean Vuong từng tự nhận mình là “quái thú không mặt bị trục xuất khỏi chiếc rương”.

Đã là một quái vật, lại còn không mặt, lại còn bị trục xuất, một cụm từ không thể hay hơn để mô tả tình thế của một người thiểu số của những người thiểu số, một người ở ngoại biên của những ngoại biên. Vuong là một người da vàng trên đất Mỹ, một người nhập cư, một người đồng tính, một đứa con của người mẹ đơn thân. Người ta vốn dĩ chỉ cần một trong những danh tính ấy là đã được xếp vào kiểu người lệch chuẩn. Vuong cùng một lúc là cả bốn.

Từ Yukio Mishima đến Ocean Vuong: Sự chống trả của cái đẹp với bạo lực -0

Bà ngoại của Vuong là một phụ nữ Việt Nam. Bà kết hôn với một lính Mỹ, “cho nên có mẹ tôi. Cho nên có tôi. Cho nên không bom đạn = không gia đình = không tôi”. Nghịch lý ấy mãi ám ảnh anh. Năm 2019, sau khi đã được công nhận trên tư cách một thi sĩ, Vuong ra mắt tiểu thuyết “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian”, tên tựa gốc: On Earth we are briefly gorgeous, bản dịch được Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn phát hành, một kiểu tự truyện mà trong đó, cái đẹp đi đến tột cùng trong những dư chấn tàn khốc cũng tột cùng của chiến tranh và sự hủy hoại tất yếu mà không ai tránh khỏi. Sự sống ở đó là một kiểu di chứng, tiến hóa từ một viên đạn trong ổ bụng. Ngay cả thơ cũng là một di chứng.

Ở một tiểu đoạn, Vuong chỉ ra sự thật oái oăm rằng, người ta thường dùng thứ ngôn ngữ đầy bạo lực khi nói về văn chương: “Bài thơ của anh hay muốn chết”, “Mình đang vật lộn tìm cảm hứng”, “Cuốn tiểu thuyết của anh sẽ công phá mọi mặt trận”, “Anh đại thắng làng thơ, càn quét mọi bảng xếp hạng”. Cứ như thể văn chương ra đời để chống lại một điều gì đó, như thể văn chương có một kẻ thù, và văn chương phải đẹp nếu không muốn sa lầy vào nỗi đớn đau mà chính nó đang mô tả, nếu không nỗi đau sẽ là bất khả chịu đựng.

Cách anh miêu tả một con khỉ đuôi dài với nắp sọ bị mở toang khiến ta liên tưởng tới màn ảo thuật hô biến ký ức của sinh vật ấy vào hư vô. Anh so sánh cách mà cuộc sống dần rời khỏi cơ thể người bà với khối u xương đã chèn lấn cơ thể như cách Marcel Duchamp dốc ngược một vật và biến nó thành một tác phẩm nghệ thuật. Ly sữa Mỹ đầy mặc cảm mà anh phải uống thời tuổi thơ thì được anh mô tả như ánh sáng, tràn vào khỏa lấp bóng tối lịch sử gia đình anh, bóng tối dòng máu anh. Và khi ai đó đã nổ súng bên một nhà thờ, ngay lập tức mẹ anh đã chỉ về phía đàn chim trên nhành cây cong queo để anh hướng mắt về phía đó, để anh không phải thấy máu đổ trên hè phố. Vuong vin tựa vào cái đẹp để tồn tại. Cái đẹp ấy là khiên chắn của Vuong trước những xung động bạo lực len lỏi bủa vây từ bên ngoài.

Nhưng nó không chỉ là khiên chắn của Vuong. Khi lần lại lịch sử văn học queer, ta sẽ thấy cái khiên ấy là một kiểu bảo vật gia truyền, truyền từ đời này sang đời kia của những nhà văn thuộc cộng đồng LGBTQ+, ngay từ thời cụm từ LGBTQ+ ấy còn chưa hiện diện.

Từ Yukio Mishima đến Ocean Vuong: Sự chống trả của cái đẹp với bạo lực -0

Những năm Chiến tranh thế giới thứ 2, Yukio Mishima làm quen với Yasunari Kawabata, lúc đó đã là một nhà văn lớn. Kawabata khen ngợi và  động viên Mishima xuất bản, và khi chỉ vừa mới 24 tuổi, Mishima trở thành một ngôi sao sáng trên văn đàn với “Lời tự thú của chiếc mặt nạ”, tên tựa gốc: Kamen no kokuhaku, bản dịch mới gần đây được Tao Đàn và NXB Hội Nhà văn phát hành, cuốn tiểu thuyết vĩ đại đầu tiên của ông. Cuốn sách cũng là một bán tự truyện của Mishima, với câu chuyện xoay quanh Kochan, một thiếu niên đồng tính đã sớm nhận ra rằng chỉ có khoác lên mình một chiếc mặt nạ vờ như là một kẻ bình thường thì cậu mới có thể hòa nhập trong vũ hội hóa trang của tất thảy mọi người.

Cái đẹp và bạo lực cùng song hành trong những cảm thức của Kochan. Một trong những phân đoạn nổi tiếng thường xuyên được mổ xẻ nhất chính là khi Kochan chiêm ngưỡng một bức tranh về vị Thánh Sebastian, một hộ vệ trưởng trong quân đội La Mã, với những mũi tên cắm sâu hoắm trên xác thịt thanh xuân của chàng. Cảnh tượng không những không khiến Kochan kinh hãi, mà cậu còn mô tả những mũi tên ấy “đổ bóng tĩnh lặng yêu kiều xuống làn da như cẩm thạch,  giống như bóng của cành cây đổ xuống bậc đá”. Vẻ đẹp rạng ngời trong phút quằn quại của Thánh Sebastian dâng lên trong Kochan một niềm khoái lạc dục tính chưa từng có, và từ đó cậu thiếu niên trở nên mê muội với hình ảnh những võ sĩ trẻ tuổi hiến mình bằng những hung khí nguyên thủy gây nên bi thống tột cùng.

Nếu như với Ocean Vuong – bạo lực như một con nòng nọc đi vào buồng trứng cái đẹp và thúc đẩy sự thụ thai tạo nên anh, dù anh không muốn nhưng bạo lực luôn săn đuổi anh nên anh mãi loay hoay với nó, thì ở Yukio Mishima, bạo lực là một phần sinh ra từ cái đẹp, ông không thể nắm giữ cái này mà ruồng bỏ cái kia, tự cái đẹp là một sự mâu thuẫn, một cuộc vật lộn với những bông hoa ác nảy nở từ nó.

Sau khi “Lời thú tội của chiếc mặt nạ” ra đời không lâu, ở bên kia bán cầu, James Baldwin can đảm đặt nền móng cho tiểu thuyết queer hiện đại với “Hãy đi kể nó trên núi”, tên tựa gốc: Go tell it on the mountain và “Căn phòng của Giovanni”, tên tựa gốc: Giovannis Room, đã được Tao Đàn và NXB Hội Nhà văn dịch và phát hành - một trong 100 tiểu thuyết tiếng Anh định hình thế giới do BBC bầu chọn. Gọi là can đảm, bởi như “Căn phòng của Giovanni” ban đầu đã gây chia rẽ tới mức nhà xuất bản đã đề nghị Baldwin hãy đem đốt bản thảo ấy đi. Cuốn tiểu thuyết đồng tính này một lần nữa cũng cho thấy cái đẹp bị quấy rầy bởi bạo lực ra sao, và sự phóng khoáng bị đeo bám bởi nỗi thống khổ thế nào. Giovanni, từ một chàng trai nhuốm ánh sáng và nhục dục khi cùng người đàn ông mình yêu nằm trong căn phòng ở một góc Paris đã dần sa ngã trở thành một phạm nhân bị hành hình. Việc bị chối bỏ tình yêu đã là nhát đâm khiến cho cái đẹp bị hoại thư và trở thành một tội ác.

Queer cũng có trăm nghìn kiểu queer. Yukio Mishima là một người cực hữu tôn thờ tinh thần võ sĩ đạo, luôn sẵn sàng tuốt gươm phụng sự tổ quốc. James Baldwin là một trí thức gốc Phi. Còn Ocean Vuong là một chàng trai da vàng thuộc thế hệ millenial. Dẫu vậy, văn chương của họ đều tựa vào một trục quay của vẻ đẹp ngôn ngữ.

Thậm chí, Ocean Vuong còn được ngợi ca như một thi sĩ “không những biến tiếng Anh trở thành ngôn ngữ của mình mà còn khiến nó trở nên hay hơn”. Văn hào Yukio Mishima thì không phải chứng minh thêm nữa, ông hiển nhiên là một nhà điêu khắc ngôn từ với ngữ vực rộng mênh mông, người mà, khi thực hiện nghi thức tuẫn đạo của một samurai chân chính, ông không chỉ mang theo cả linh hồn mình, còn một phần linh hồn ngôn ngữ Nhật.

Nhưng như bản chất của cái đẹp, cái đẹp trong ngôn từ của họ đều không đi đường thẳng mà đi theo đường vòng. Khi dùng từ thẳng, tôi muốn nhấn mạnh vào từ “straight” – thẳng - mà trong ngôn ngữ giới, cũng có nghĩa là dị giới, là chuẩn.

Vì thế vẻ đẹp ngôn từ không chỉ là một lựa chọn văn chương thuần túy của những nhà văn như thế, mà dường như nó cũng là một thái độ sống của những người đã phải che giấu cuộc đời thật của mình trong bóng tối rất dài trước khi có thể “come out” – bước ra ánh sáng. Cái đẹp lúc này không chỉ còn mang ý nghĩa của một khiên chắn, mà còn là một mặt nạ.

Hiền Trang

.
.