Vấn đề nằm ở... đồng USD

10:25 25/07/2022

Đồng đôla Mỹ (USD) đang tăng mạnh so với các đồng tiền chính trên thế giới, chạm mức chưa từng thấy trong 20 năm qua. Hệ quả của đợt tăng này đang tạo gánh nặng lớn lên nền kinh tế toàn cầu.

“Đồng tiền đắt nhất thế giới”

Trong lần gần nhất thay đổi lãi suất cơ bản hôm 17-6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất thêm 0,75%, từ mức 0,75-1% lên mức 1,5-1,75%. Một quyết định gây bất ngờ với giới tài chính, vì đây là mức điều chỉnh tăng lãi suất mạnh nhất kể từ năm 1994 của FED. Trước đó, giới tài chính nhận định FED sẽ chỉ tăng 0,5% lãi suất, dựa trên lộ trình được đưa ra từ hồi tháng 3 sau khi quyết định đợt tăng lãi suất đầu tiên kể từ tháng 6-2019.

Chủ tịch FED Jerome Powell trước áp lực tăng lãi suất liên tục.

Từ đầu năm 2022 tới nay, đây là lần tăng lãi suất thứ ba của FED, sau đợt tăng 0,25% trong tháng 3 và 0,5% trong tháng 5. Kết quả của 3 đợt tăng lãi suất liên tiếp đã kéo đồng USD tăng giá mạnh so với các đồng tiền quốc tế chính khác, tiêu biểu là đồng euro của Liên minh châu Âu (EU). Trong ngày 12-7, giá trị USD so với đồng euro đã đạt mốc cao nhất trong 20 năm qua, khi được giao dịch ở mức 1,00955 USD đổi 1 euro. Cần nhấn mạnh, kể từ khi được chính thức giới thiệu vào năm 2002, đồng euro luôn có giá trị cao hơn đồng USD và chưa bao giờ tỷ giá quy đổi giữa hai đồng tiền được sử dụng nhiều nhất thế giới này về gần với mức 1 đổi 1 như vậy. Mới hồi tháng 6-2021, tỷ giá quy đổi euro sang USD vẫn còn là 1,25.

Trong một bản báo cáo theo dõi của ngân hàng lớn nhất nước Đức, Deutsche Bank, chỉ trong 1 năm qua, đồng USD đã tăng 15% so với bảng Anh, 16% so với euro và 23% so với yên Nhật. Đây cũng là mức tăng được ghi nhận là cao nhất trong lịch sử của đồng USD, kể từ khi chỉ số đồng USD được sử dụng để theo dõi dòng tiền kể từ năm 1973. Mức tăng này khiến nó trở thành "đồng tiền đắt nhất thế giới hiện tại" - Deutsche Bank đánh giá.

Hệ lụy hiển nhiên

USD từ lâu được coi là loại tiền tệ dự trữ của thế giới, bởi nó được sử dụng trong hầu hết các giao dịch quốc tế. Do đó, những thay đổi trong giá trị của nó sẽ tác động đến toàn bộ nền kinh tế toàn cầu.

Đầu tiên, hàng hóa sẽ đắt đỏ hơn. Ví dụ tiêu biểu là dầu. Nếu trước đây 1 năm, EU chỉ mất 85 euro để mua 1 thùng dầu thì nay con số này đã là 99,9 euro. Khi USD đắt hơn, những mặt hàng này có giá (bằng nội tệ) cao hơn và khiến các nước khác phải bỏ ra nhiều tiền hơn để mua hàng. Đó là lúc lạm phát bắt đầu bùng nổ. Ngoại lệ duy nhất trong trường hợp này là Mỹ, nơi USD mạnh hơn giúp nhập khẩu các sản phẩm tiêu dùng rẻ hơn, do đó có thể giúp kiềm chế lạm phát. Đó cũng chính là mục tiêu của FED khi quyết định tăng lãi suất: Kiềm chế lạm phát tại Mỹ.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là kinh tế Mỹ không thiệt hại. USD tăng khiến sản xuất tại Mỹ trở nên đắt đỏ hơn, các nhà sản xuất sẽ tính đến việc rời bỏ thị trường Mỹ. Việc USD có giá hơn sẽ khiến cho việc gửi tiền vào ngân hàng trở nên có lãi hơn, nguồn tiền đầu tư cho sản xuất, kinh doanh hay chứng khoán có thể sẽ không sôi động nữa. Dòng chảy kinh tế Mỹ có khả năng bị chững lại.

Trong 2 năm đại dịch, FED đã giữ lãi suất cơ bản ở mức 0% để kích thích sản xuất Mỹ, điều này có hiệu quả lớn trong việc tạo việc làm, ngăn chặn suy thoái kinh tế Mỹ. Nhưng, với những bước đi như hiện nay, nền kinh tế Mỹ có thể sẽ quay trở lại tình thế nguy hiểm. Thêm nữa, khi USD tăng giá, hàng nhập khẩu rẻ sẽ càng kích thích nhập siêu. Chỉ trong tháng 4-2022, thâm hụt thương mại của Mỹ đã tăng thêm 87,1 tỷ USD và gần cán mốc 1.000 tỷ USD. Điều này tạo nên nguy cơ gia tăng các chủ nợ của Mỹ và là chỉ dấu rõ ràng cho việc sản xuất đang rời bỏ nước Mỹ.

Ở góc độ toàn cầu, việc đồng USD đắt hơn đang tạo nên cơn bão lạm phát mới. Từ châu Á, Mỹ Latin cho đến châu Âu, lạm phát liên tục tạo ra những kỷ lục mới. Vì thế, bất chấp những lợi ích trước mắt là lợi thế xuất khẩu vào Mỹ, các quốc gia cũng không thể yên tâm với tình trạng lạm phát cao đang bào mòn túi tiền của người dân. Cả Ngân hàng Trung ương của Anh lẫn châu Âu mới đây đều đã đánh tín hiệu sẽ sớm xem xét việc nâng giá đồng tiền để chống lạm phát.

Nhưng, nếu những quốc gia giàu có còn sử dụng được công cụ tài chính để cứu đồng tiền của mình thì với những quốc gia nghèo hơn, việc USD tăng giá có thể xem là thảm họa. Hầu hết các nước đang phát triển đều vay nợ bằng USD, nhiều khoản nợ đã diễn ra từ hàng thập niên trước đó. Những khoản nợ này sẽ "đắt đỏ hơn" khi đồng tiền tăng giá. Để trả nợ, các nước này sẽ phải tăng thuế, phát hành tiền lạm phát trong nước hoặc phải đi vay nhiều hơn. Tất cả những biện pháp này đều tồi tệ như nhau và có thể dẫn đến vỡ nợ.

Cuộc khủng hoảng nợ ở Sri Lanka mới đây chỉ là sự khởi đầu. Hàng chục quốc gia khác như Belarus, Lebanon, Argentina, Ai Cập, Ecuador,... đều đã nhận được cảnh báo từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vì những khoản nợ ngày càng trở nên khó thanh toán và điểm đánh giá tín dụng thấp đáng lo ngại. Nguy cơ đổ vỡ dây chuyền của các nền kinh tế yếu kém đã hiện lên rõ rệt.

Không chỉ vậy, chuỗi bùng nổ suy thoái và lạm phát do những cuộc khủng hoảng ở khắp nơi nay lại được "tiếp sức" bởi việc đồng USD tăng giá. Khi các quốc gia đều gặp vấn đề của mình, chủ nghĩa bảo hộ sẽ càng có điều kiện bùng phát, với khả năng các nước sẽ đóng cửa thị trường và tìm cách trả đũa lẫn nhau. Nếu điều đó xảy ra, hệ thống thương mại toàn cầu sẽ bị tổn thương thêm lần nữa. Một kịch bản không mấy tốt đẹp cho nền kinh tế thế giới trong ngắn và trung hạn.

"Đắt" hay "mạnh"?

Ngay chính Chủ tịch FED Jerome Powell cũng thừa nhận: Mức tăng lãi suất thêm 0,75 là “không bình thường”. Nhưng, quyết định này được cho là không thể tránh khỏi, khi nước Mỹ liên tục ghi nhận mức lạm phát mới cao kỷ lục trong hơn 40 năm qua.

USD đang tăng nhanh so với hầu hết các đồng tiền lớn trên thế giới.

Tuy nhiên, khác với những kỳ vọng, thực tế là việc tăng lãi suất cơ bản của FED liên tiếp thời gian qua vẫn chưa đạt được hiệu quả mong muốn. Trong tháng 5-2022, lạm phát Mỹ đã ở mức 8,2%. Nhưng, bản báo cáo mới nhất cho biết lạm phát tháng 6 vẫn tiếp tục tăng lên tới mức 9,1%. Như vậy, công cụ tài chính của FED đã không còn hiệu quả như trước nữa, khi mà thực tế dòng tiền đang chịu nhiều sự chi phối khác.

Hàng nghìn tỷ USD đã được tung ra trong 2 năm trước đó để giải cứu nền kinh tế Mỹ đã và đang không có công cụ hữu hiệu để thu về. Trước đây, khi phần lớn hàng hóa được giao dịch bằng đồng USD, nước Mỹ có thể "xuất khẩu lạm phát" này sang các nước khác thông qua nhu cầu mua USD để nhập khẩu của thế giới. Nhưng, hiện nay, với việc ngày càng nhiều các quốc gia đang tự giao dịch với nhau bằng đồng nội tệ, lượng USD dư thừa này rất khó bị thu lại. Thêm vào đó, bối cảnh chính trị thế giới đang vô cùng phức tạp, với tranh chấp, bệnh dịch và xung đột nổ ra khắp nơi. Hệ thống thương mại thế giới bị ách tắc, hàng hóa và nhân lực thiếu thốn đang ngáng trở mọi nỗ lực của các ngân hàng trung ương.

Có thể nói, những quyết định của FED đưa ra lúc này chỉ là biện pháp tạm thời để giải cứu nền tài chính của nước Mỹ, chứ không chắc đã là giải pháp hữu hiệu và bền vững cho cả nền kinh tế. Càng tăng lãi suất, kinh tế Mỹ dường như cũng càng dễ bị tổn thương.

Khi lạm phát vẫn tăng cao, sức ép dành cho FED cũng không hề nhỏ. Cũng có khả năng ngay trong tháng 7 này, FED lại phải tiếp tục nâng lãi suất cơ bản một lần nữa. Ông Michael Feroli - chuyên gia kinh tế cấp cao tại JPMorgan - mới đây đã khẳng định: “FED có đủ thời gian để thay đổi thị trường từ mức tăng 75 thành 100 điểm cơ bản. Tôi không nghĩ FED có bất kỳ lý do nào để hành động chậm chạp hay từ tốn vào lúc này".

Chỉ có điều, những tác động phía sau đó nữa thì vẫn chưa ai có thể hình dung một cách rõ ràng.

Tử Uyên

Nguyễn Quốc Quân, còn gọi Quân “Idol”, khét tiếng là tay anh chị ở phố núi Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Trong thời gian dài, đối tượng này nổi lên với nhiều hoạt động làm ăn có dấu hiệu bất minh. Đặc biệt, Quân thường lên mạng xã hội đăng tải nhiều hình ảnh đe dọa, chửi bới người khác do chính y tổ chức, khiến dư luận bất bình. Quân “Idol” sau đó đã bị Cơ quan Công an bắt giữ, khởi tố với nhiều tội danh khác nhau.

Ngày 21/5, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội đã có báo cáo gửi UBND TP Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải và Sở Xây dựng về nguyên nhân và biện pháp xử lý khả năng thoát nước mặt cầu thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2.

Liên quan đến vụ án đưa, nhận hối lộ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hoá), sáng 21/5, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã thi hành Lệnh khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam thêm 3 bị can có liên quan, gồm: Nguyễn Thế Hùng (SN 1979), nguyên Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Sầm Sơn; Lê Huy Hoàng (SN 1986), Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Sầm Sơn; Cao Xuân Hiệp (SN 1984), cán bộ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Sầm Sơn.

Đánh giá sơ bộ cho thấy, tại khu vực xã Phong Vân (huyện Ba Vì), việc nạo vét, hút cát trái phép, không đúng kỹ thuật, hút cát sát bờ sông, thềm sông tạo ra các hố xói, vực sâu cục bộ gây biến đổi đột ngột địa hình lòng dẫn, thay đổi dòng chảy, làm suy kiệt mực nước ngầm và hậu quả là sụt lún, nứt đất.

Ra thăm vườn, người phụ nữ tá hỏa khi phát hiện 56 gốc với hơn 1.500 quả sầu riêng non chăm sóc bấy lâu đã bị kẻ gian chặt phá không thương tiếc. Quá sốc, người nông dân này đã khóc ngất tại khu vườn.

Gần đây, sau khi đánh giá tác động môi trường và các thủ tục pháp lý, một số doanh nghiệp đã được các bộ, ngành liên quan và tỉnh Quảng Bình cấp phép khai thác cát để thi công Dự án cao tốc Bắc - Nam. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện một số đối tượng lấy lý do doanh nghiệp khai thác cát sẽ làm sạt lở bờ sông, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân…

Nắm được nhu cầu nhiều công dân có nguyện vọng đi xuất khẩu lao động, Trần Thị Hằng Nga đã đưa ra các thông tin tuyển dụng lao động nước ngoài, nhận hồ sơ và tiền, từ đó lừa đảo, chiếm đoạt tiền của các nạn nhân. Đối tượng này vừa bị Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An khởi tố.

Sáng 21/5, thông tin từ Sở GTVT tỉnh Quảng Trị cho biết đang phối hợp, chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan khẩn trương giải quyết vụ lật xe trên Quốc lộ 15D đi cửa khẩu quốc tế La Lay, đảm bảo thông tuyến trong thời gian sớm, hạn chế thiệt hại phát sinh do tuyến đường bị ùn tắc giao thông.  

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文