Việt Nam – điểm sáng trong bức tranh toàn cầu đa sắc màu

11:51 22/01/2024

Thế giới đang ở trạng thái “bất ổn, bất định, bất an” như nhà nghiên cứu Vũ Khoan từng nhận xét. Những biến động trong xu thế toàn cầu, cân bằng lực lượng, trật tự thế giới cùng triển vọng u ám ở nhiều điểm nóng đang khiến tất cả các quốc gia phải điều chỉnh, đảo chiều chính sách. Trong bức tranh ảm đạm đó, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng, phát huy cao độ vị thế với một đường lối đối ngoại chủ động, cởi mở, tự tin và thân thiện.

1. Nhìn lại thập nhiên qua, người ta có lí do để tự hỏi liệu hòa bình, ổn định, hợp tác quốc tế có còn là xu thế chủ đạo không? Đặt ra câu hỏi đó bởi thực tế chủ nghĩa dân túy đã kích hoạt những cuộc chinh phục bằng sức mạnh.

Tiếp theo việc Mỹ rút khỏi TPP, Anh li khai EU là sự trở lại của bóng ma hạt nhân. Năm 2023, Nga rút khỏi Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới với Mỹ và lên kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, rút khỏi Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường tại châu Âu, trong khi Trung Quốc tăng số đầu đạn hạt nhân từ 350 lên 410. Vai trò của Liên hợp quốc và chủ nghĩa đa phương bị thách thức nghiêm trọng trước sự nổi lên của xu thế biệt lập, đơn phương, cường quyền. Một châu Âu yên bình trở thành chiến trường và Phần Lan có lẽ sẽ không phải quốc gia duy nhất từ bỏ hàng trăm năm trung lập, chọn NATO làm sự bảo đảm cho lợi ích quốc gia - dân tộc. Đến cuối năm, xung đột lại bùng phát giữa Palestine và Israel, trở thành một cuộc chiến lớn tại Trung Đông trước sự bất lực của cộng đồng quốc tế.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những đột phá về trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật và công nghệ sinh học đang mở ra cho nhân loại nhiều bí mật của vũ trụ. Sự kết hợp của những tiến bộ này thậm chí đang tạo nên những vật sống mới tưởng như chỉ tồn tại trong phim viễn tưởng của Hollywood hàng chục năm trước: những máy - người có năng lực phi thường, hành động vô thức phục vụ mục tiêu nào đó. Viễn cảnh một cá thể nắm ưu thế về khoa học, công nghệ có thể biến những người khác thành cỗ máy phục vụ mình không còn là xa xôi. Nói rộng ra, một quốc gia nắm được thế mạnh đó cũng có thể khiến những quốc gia tụt hậu phục vụ cho mình. Giờ đây, người ta đã nói tới viễn cảnh thế giới trở về thời đại thuộc địa ở một dạng mới - “thuộc địa số”, vô hình nhưng khốc liệt hơn nhiều.

Sự gia tăng của thách thức an ninh phi truyền thống kiểu như đại dịch COVID-19 để lộ ra một thực tế: Chỉ một số rất ít, có ưu thế về khoa học, công nghệ, nắm quyền chủ động đối phó, còn sự tồn tại của đại đa số thì lệ thuộc vào “lòng tốt của ông chủ”. Sự tồn vong của một quốc gia phụ thuộc không nhỏ vào năng lực khoa học, công nghệ của chính mình. Sẽ khó có nước nào bảo vệ được nền độc lập, chủ quyền nếu lệ thuộc về khoa học, công nghệ vào một nước khác. Họ sẽ ở vị trí “thuộc địa” trong thời đại mới.

Mực nước biển đang dâng đều đặn, dự kiến đến năm 2050 sẽ dâng 0,66 cm/năm. Một kịch bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường dự báo vào năm 2020 là nếu mực nước biển dâng cao 1 mét thì 47,29% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, 17,15% diện tích TP Hồ Chí Minh và 13,20% diện tích Đồng bằng sông Hồng sẽ bị nhấn chìm. Chưa ai hình dung được rằng, nếu điều đó xảy ra sẽ làm biến đổi toàn diện đời sống xã hội của Việt Nam như thế nào.

Việt Nam đã triển khai đồng bộ các hoạt động đối ngoại cấp cao và ở mọi cấp, để tạo ra những khuôn khổ hợp tác lâu dài, ổn định, giữ vững môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển.

2. Cán cân lực lượng nước lớn cũng có những thay đổi căn bản. Nga hồi phục mạnh mẽ, ráo riết áp đặt ảnh hưởng tại khu vực cận biên và không giấu giếm tham vọng giành lại vị thế của Liên Xô ở châu Âu bằng mọi nguồn lực hiện có. Tuy nhiên, có vẻ như Nga đã lâm vào tình thế đơn độc khi gặp phải sự ghẻ lạnh của châu Âu và phương Tây trong khi không có được một đồng minh thực sự nào bên mình ngoài Belarus. Nền kinh tế khoảng 2.000 tỷ USD (2022) liệu có gánh được cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine, một liên minh NATO được mở rộng và cuộc chạy đua vũ trang mới hay không - điều từng xảy ra với Liên Xô trong thế kỷ XX?

Trung Quốc đã tạo được sức hút to lớn nhờ những thành tựu kỳ vĩ của công cuộc cải cách, đặt nước này vào một “thời đại lịch sử mới”, theo đuổi “giấc mơ Trung Hoa”. GDP của Trung Quốc năm 2022 xấp xỉ 18.000 tỷ USD (gấp 120 lần năm 1978), chiếm 19% tổng GDP và đóng góp 30% tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu. Đến năm 2011, số lượng bằng sáng chế về khoa học, công nghệ của Trung Quốc đã vượt qua Mỹ và Nhật Bản đồng thời đạt nhiều thành tựu đáng kinh ngạc, ngang bằng, thậm chí vượt Mỹ trên một số lĩnh vực tiên tiến như siêu máy tính lượng tử, vũ khí siêu thanh và một số lĩnh vực nhạy cảm khác...

Mỹ tiếp tục là siêu cường số 1 xét về các chỉ số tổng lực quốc gia, sức mạnh kinh tế, ảnh hưởng chính trị, tiềm lực quốc phòng và ưu thế khoa học, công nghệ. Năm 2022, GDP của Mỹ là 23.000 tỷ USD, chiếm 23% GDP thế giới. Trên lĩnh vực khoa học, từ năm 1901 đến 2020, Mỹ đoạt 393/1.139 giải Nobel, cao gấp hơn 2 lần nước đứng thứ hai là Anh. Mỹ có mạng lưới liên minh, đồng minh đông đảo nhất về cả chính trị lẫn quân sự trên toàn cầu và những tập hợp này đang được củng cố, mở rộng, đáng chú ý là sự ra đời của Bộ tứ Mỹ - Nhật - Australia - Ấn Độ hay Bộ tam Mỹ - Anh - Australia. Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cùng nhiều chiến lược khác ra đời. Những sáng kiến của Mỹ thiên về an ninh, quốc phòng hơn nên các nước nhỏ trong khu vực nhìn chung e dè, song chúng cũng có sức hút nhờ vào mối lo ngại khá bao trùm về một môi trường an ninh bất ổn, bất định tại châu Á - Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, sự ì ạch của nền kinh tế kết hợp với sự thiếu nhất quán trong chính sách của Mỹ trong 2 thập niên qua cũng khiến “hệ giá trị Mỹ” giảm dần sức hấp dẫn. Trước tình thế bị dàn trải nguồn lực, mấy đời Tổng thống Mỹ gần đây đều tìm cách hòa hoãn hoặc với Nga hoặc với Trung Quốc để dồn sức chiến thắng một trong 2 “đối thủ chiến lược”, song mưu sự tại nhân, còn thành sự là tại thiên.

3. Trật tự “hai cực” hay “đơn cực” của thế kỷ XX đều đã qua, trật tự mới chưa định hình, thế giới rơi vào bất ổn. Tam giác chiến lược Mỹ - Nga - Trung Quốc vẫn chi phối đời sống quan hệ quốc tế, tuy nhiên đã thay đổi căn bản trạng thái với việc Trung Quốc thay thế vị trí của Liên Xô trước đây và nay là Nga, trở thành nhân tố giữ thăng bằng. Thế giới đang phân tuyến giữa một bên là Mỹ - đồng minh và bên kia là Trung Quốc - Nga dẫn dắt. Môi trường an ninh ngày càng phức tạp, thường trực nguy cơ bùng phát xung đột... Trong bức tranh đó, châu Á - Thái Bình Dương là mảng màu hỗn độn ở trung tâm và Đông Nam Á nằm ở giữa mảng màu đó.

Tuy nhiên, bức tranh cũng nổi lên những điểm sáng. Kết quả của Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đã chứng kiến sự đồng thuận chưa từng có trước số phận chung của nhân loại. Các tập hợp lực lượng lớn, cho dù có triệt tiêu nhau, nhưng vẫn để không gian cho hợp tác quốc tế. Sự đan xen lợi ích đã tạo nên gắn kết đủ mức để các quốc gia hiểu được hợp tác là con đường tốt nhất. Bức tranh đó cũng để không gian cho các quốc gia nhỏ và vừa xác lập vị thế, góp phần xây dựng một trật tự mới. Vị trí “trọng điểm” của Đông Nam Á tạo cơ hội để ASEAN đóng vài trò trung tâm thực sự.

Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 193/200 quốc gia, là nước duy nhất có quan hệ đối tác chiến lược với cả 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trong bối cảnh toàn cầu bị tác động bởi trào lưu “hướng nội” và “biệt lập”, chỉ tính riêng năm 2023 Việt Nam nâng cấp và/hoặc mở rộng quan hệ đối tác chiến lược với nhiều cường quốc, đáng chú ý là với cả Mỹ và Trung Quốc. Cho đến nay, Việt Nam có quan hệ hợp tác chiến lược chặt chẽ với 30 nước. Là thành viên đầy đủ trong 16 hiệp định tự do thương mại, Việt Nam đã tô một điểm sáng hiếm hoi trong mảng màu ảm đạm của liên kết kinh tế quốc tế.

Vị thế địa - chiến lược là một tài sản quan trọng hàng đầu của một quốc gia vào lúc này. Ở Đông Nam Á, Việt Nam nằm ở vị trí đắc địa “tựa sơn - hướng thủy”, có ưu thế đặc thù về “thế”. “Thế” có thể giúp đổi vận của một quốc gia ngay cả khi “lực” còn chưa đủ. Việt Nam đã và đang làm được những điều mà không mấy nước có địa thế tương tự làm được.

Trung tướng, Tiến sĩ Đỗ Lê Chi

Thời tiết tại các tỉnh thành miền Bắc tiếp tục duy trì giá rét với nền nhiệt đêm và sáng sớm ở mức thấp 11-13 độ C, trong ngày tăng lên mức 18-22 độ. Một số nơi có thể có mưa bất chợt.

Quân đội Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu có liên quan đến phiến quân Houthi tại thủ đô Sanaa của Yemen, bao gồm một cơ sở lưu trữ tên lửa và một địa điểm "chỉ huy và kiểm soát".

Máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công các tòa nhà dân cư tại thành phố Kazan của Nga, cách tiền tuyến hơn 1.000 km, đồng nghĩa với việc Kiev đưa cuộc chiến vào sâu trong lãnh thổ của Nga.

Sáng 21/12, nhận được thông tin bệnh nhân Đào Thị S (SN 1991, trú xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) bị băng huyết sau sinh tại Bệnh viện Phụ sản nhi Đà Nẵng cần gấp lượng lớn máu để phục vụ cấp cứu, Ban Chấp hành Chi đoàn Công an huyện Duy Xuyên đã thông báo huy động đoàn viên trong "Ngân hàng máu sống", sau đó Đại úy Trần Duy cùng 2 đoàn viên khác xung phong lên đường ra Đà Nẵng để hiến máu cứu người.

14 trường hợp nghi ngờ ngộ độc thực phẩm sau bữa tiệc tại quận Long Biên (Hà Nội) đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, có 5 bệnh nhân có biểu hiện sốc nhiễm trùng nhiễm độc phải hồi sức tích cực, lọc máu, thậm chí đặt ống nội khí quản, thở máy. 

Ngày 21/12, Công an tỉnh Thanh Hoá thông tin, Phòng Cảnh sát hình sự vừa triệt xoá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua tham gia đầu tư sàn giao dịch chứng khoán. Đây là đường dây do các đối tượng người nước ngoài, câu kết với các đối tượng người Việt Nam thực hiện.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, TP ven biển từ Phú Yên đến Cà Mau theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới; thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh.

Đã gần 10 ngày trôi qua nhưng đến nay, người dân thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) chưa hết bàng hoàng trước cái chết của bà Sử Thu Nga (SN 1954), mà hung thủ là hai thiếu niên 13 tuổi ngụ cùng địa phương với nạn nhân.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文