“Vũ khí” mới của Tổng thống Putin

19:25 26/05/2024

Việc Tổng thống Vladimir Putin thay đổi nhân sự cấp cao Bộ Quốc phòng Nga sau khi nhậm chức nhiệm kì mới không phải chỉ dấu của những thay đổi mang tính hệ thống với quân đội, nhưng hé mở tính toán của Moscow để đảm bảo nền kinh tế gắn với quốc phòng vận hành bền bỉ khi chiến sự Ukraine kéo dài.

Người mới giải quyết nhiệm vụ mới

Năm 2014, khi cơn bão trừng phạt của phương Tây ập đến, Nga đứng trước thách thức lớn chưa từng có kể từ khi Liên Xô tan rã. Trong khi nhiều chuyên gia lo ngại kinh tế có thể suy sụp, cựu Bộ trưởng Kinh tế Nga Andrei Belousov, khi đó là Trợ lý Tổng thống về các vấn đề kinh tế, bất ngờ khẳng định các gói lệnh cấm vận “không hề hấn gì” với nước Nga. Một thập kỉ sau, kinh tế Nga quả thật trụ vững trước các biến cố.

Ngay khi nhậm chức nhiệm kì tổng thống thứ năm, ông Putin đã chọn nhà kinh tế có phát biểu mạnh mẽ khi xưa cho vị trí mới: Bộ trưởng Quốc phòng Nga, thay Đại tướng Sergei Shoigu, 68 tuổi, người nắm chức vụ này 12 năm liền. Theo sắc lệnh tiếp đó của ông Putin, cựu Bộ trưởng Shoigu trở thành Thư ký Hội đồng An ninh Nga, thay Đại tướng Nikolai Patrushev; còn ông Patrushev nhận chức Trợ lý Tổng thống Nga.

Tổng thống Nga Putin và ông Belousov (khi đó là Phó Thủ tướng Nga) thảo luận tại Điện Kremlin hồi tháng 11/2023. Ảnh: TASS.

Cũng giống ông Shoigu, ông Belousov không xuất thân từ quân đội. Trong khi tướng Shoigu chứng minh vai trò trong nỗ lực hiện đại hóa quân đội Nga; dẫn dắt quân đội Nga đạt các mục tiêu trong chiến dịch ở Syria hay Ukraine. Điện Kremlin mô tả việc lựa chọn ông Belousov thay thế ông Shoigu không phải chỉ dấu của một cuộc cải tổ mang tính hệ thống với quân đội, mà giúp đảm bảo thực hiện nhiệm vụ then chốt mới của quân đội Nga trong bối cảnh chiến sự Ukraine có thể kéo dài, đó là tích hợp ngành công nghiệp quốc phòng vào nền kinh tế tổng thể. Trong khi đó, theo New York Times, những thay đổi nhân sự ở Bộ Quốc phòng Nga cho thấy ông Putin có thể đã tìm thấy một “vũ khí” mới để đảm bảo ưu thế trong xung đột ở Ukraine.

Có nhiều chỉ dấu cho thấy ông Belousov đồng điệu với Tổng thống Nga trong cách tiếp cận các vấn đề kinh tế quốc phòng. Theo New York Times, giai đoạn 6 năm làm cố vấn kinh tế riêng của Tổng thống Putin, ông Belousov đã thúc đẩy vai trò của nhà nước trong nền kinh tế và thúc đẩy chi tiêu công cao. Do chiến sự Ukraine, Nga hiện có mức chi tiêu công rất lớn, trong đó, chi tiêu quốc phòng-an ninh trong năm gần nhất vào khoảng 7,4% GDP. Tổng thống Putin mới đây tiết lộ, ngân sách quốc phòng năm 2024 sẽ đạt mức 8,7% GDP. Con số này chưa bằng mức 13% của quân đội Liên Xô trong giai đoạn cao điểm của Chiến tranh Lạnh hồi thập niên 1980, nhưng ông nhấn mạnh đây vẫn là nguồn lực rất lớn và đòi hỏi Bộ Quốc phòng “sử dụng một cách hiệu quả”. Tổng thống Putin gần đây cũng ban bố một số chính sách mà ông Belousov ủng hộ, chẳng hạn như tăng thuế với các doanh nghiệp lớn và sử dụng hiệu quả khoản ngân sách dự trữ từ hoạt động kinh doanh dầu mỏ của Nga.

Bên cạnh đó, ông Belousov có thể đã giành được sự tin tưởng của ông Putin nhờ những đóng góp khi làm Phó Thủ tướng Nga trong chính phủ của Thủ tướng Mikhail Mishustin mà theo đó, nền kinh tế Nga đã chứng minh sức dẻo dai trước áp lực trừng phạt của Mỹ và đồng minh. Vượt qua khó khăn của năm suy thoái 2022, kinh tế Nga tăng trưởng ấn tượng 3,6% vào năm 2023 với công nghiệp quốc phòng có đóng góp lớn nhờ đơn đặt hàng khổng lồ của quân đội Nga. Theo TASS, năm ngoái, ngành công nghiệp quốc phòng đã tăng trưởng cao hơn từ 30-40% so với năm 2021. Viện Hòa bình Stockholm (SIPRI) đánh giá, chi tiêu quân sự của Nga trong năm 2023 đạt 109 tỷ USD, tăng 24%, thấp hơn ước tính 115 tỷ USD của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Ngoài bổ nhiệm ông Belousov, Tổng thống Putin đã thăng chức đối với ông Denis Manturov, Bộ trưởng Công thương Nga, lên chức Phó Thủ tướng thứ nhất, một dấu hiệu khác cho thấy việc mở rộng sản xuất công nghiệp sẽ sớm trở thành ưu tiên của Nga. Ngày 20/5, Tổng thống Putin tiếp tục chọn cựu Thứ trưởng Kinh tế Oleg Savelyev làm Thứ trưởng Quốc phòng. Theo Reuters, ông Savelyev đã có 5 năm gần nhất làm kiểm toán viên cấp cao tại Phòng Kế toán Nga, cơ quan trực thuộc Quốc hội có chức năng giám sát chi tiêu quốc phòng và an ninh.

Sẵn sàng cho một cuộc đối đầu kéo dài?

Trong cùng thông báo về các quyết định thay đổi nhân sự cấp cao, Điện Kremlin hồi giữa tháng 5/2024 nhấn mạnh các mục tiêu của Nga ở Ukraine không thay đổi và các hoạt động tác chiến sẽ vẫn nằm dưới sự chỉ huy của Tổng Tham mưu trưởng quân đội, Đại tướng Valery Gerasimov. Nói cách khác, trong khi ông Gerasimov tập trung đưa ra những chiến lược quân sự phù hợp nhất trên chiến trường, ông Belousov nhận vai trò đảm bảo ngành công nghiệp quốc phòng được tích hợp hài hòa vào nền kinh tế tổng thể, để làm sao vừa đáp ứng tối đa nhu cầu của lực lượng chiến đấu về vũ khí chất lượng cao trong dài hạn, vừa cải thiện sức mạnh tổng thể của quân đội.

Từ trước cuộc thay đổi nhân sự tại Bộ Quốc phòng Nga, giới quan sát đã mô tả xung đột ở Ukraine là một cuộc cạnh tranh giữa ngành công nghiệp quốc phòng của phương Tây, bên cung cấp đạn dược và khí tài quân sự cho Ukraine, và của Nga. Trong bối cảnh Ukraine trông đợi vào sự trợ giúp của phương Tây, triển vọng sớm chấm dứt chiến sự khó diễn ra. Và, khi một cuộc chiến kéo dài, bên nào duy trì được sự bền bỉ của kinh tế và công nghiệp quốc phòng sẽ có cơ hội chiến thắng cao hơn. “Ưu tiên của ông Putin là chiến sự và một bên sẽ chiến thắng chiến tranh tiêu hao nhờ kinh tế”, Alexandra Prokopenko, cựu quan chức Ngân hàng Trung ương Nga hiện làm việc tại Trung tâm nghiên cứu Á-Âu Carnegie Russia ở Berlin, nêu quan điểm.

Ngành công nghiệp quốc phòng Nga đang sản xuất vũ khí với tốc độ rất nhanh. Ảnh: Reuters.

Theo CNN, các quan chức Mỹ và NATO từ lâu thừa nhận Nga đã vượt họ trong lĩnh vực chế tạo một số loại vũ khí, nhất là đạn pháo - nhân tố quyết định trên chiến trường Ukraine hiện nay. Số liệu của CNN cho thấy, Nga có thể sản xuất số đạn pháo mỗi năm gấp 3 lần Mỹ và châu Âu cộng lại. Do nguồn viện trợ vũ khí từ phương Tây sang Ukraine bị thu hẹp đáng kể từ cuối 2023 đến đầu 2024, Nga đã chớp được thời cơ để liên tiếp gặt hái thành công trên chiến trường, cũng như thiết lập tuyến phòng thủ kiên cố tại các khu vực trọng yếu. Tuy nhiên, với việc Hạ viện Mỹ hồi tháng trước khơi thông gói viện trợ hơn 60 tỷ USD và các nước châu Âu gần đây liên tiếp ban bố các gói viện trợ mới trị giá nhiều tỷ USD cho Kiev, Nga thấy được yêu cầu cấp thiết phải tăng cường năng lực quân sự nội tại để duy trì sức mạnh chiến đấu.

CNBC dẫn lời các chuyên gia đánh giá ông Belousov được ca ngợi là “một nhà kĩ trị hiệu quả”, từng tham gia “quản lý nhiều dự án đổi mới cơ sở công nghiệp quốc phòng và máy bay không người lái (UAV) trong nước”. Khi bình luận về đề cử tân Bộ trưởng Quốc phòng Nga của Tổng thống Putin, Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matviyenko tin tưởng ông Belousov là lựa chọn tốt nhất để đảm bảo quân đội Nga có “vũ khí mới, hiện đại, với công nghệ mới và cải tiến mới”. Trong khi đó, nhà lập pháp Nga Sergei Mironov đánh giá: “Các quân nhân ngày nay không phải là những người duy nhất chiến đấu mà cả các nền kinh tế cũng vậy”.

Một số quan chức Nga tin rằng, với sự xuất hiện của ông Belousov, Nga sẽ cải thiện khả năng sản xuất vũ khí có độ chính xác cao, nhất là UAV, thông qua việc tinh giản các thủ tục hành chính. Reuters dẫn lời nhà phân tích chính trị Sergei Markov tin rằng, một trong những ưu tiên khác của bộ máy lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nga còn là chống tham nhũng. “Chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng trong một cuộc chiến hỗn hợp chống lại toàn bộ phương Tây là thử thách lớn nhất trong đời ông Belousov”, ông Markov đánh giá.

Về phần mình, phát biểu tại Thượng viện Nga, tân Bộ trưởng Quốc phòng Belousov không nhắc nhiều tới những thứ ông có thể làm với ngành công nghiệp quốc phòng, mà đề cập đến một lĩnh vực nhạy cảm nhưng rất được dân chúng Nga quan tâm, đó là nỗ lực cải thiện tiêu chuẩn chăm sóc và sinh hoạt cho binh lính, cựu chiến binh và gia đình họ. Trong một cuộc chiến dài hơi, việc đảm bảo tinh thần của quân nhân có vai trò tối quan trọng. Theo ông Belousov, “nhiệm vụ then chốt là giành được chiến thắng, đảm bảo đạt được các mục tiêu quân sự - chính trị của chiến dịch quân sự đặc biệt mà Tổng thống Putin đề ra”, nhưng với “tổn thất tối thiểu về người”. Đáng chú ý, ông Belousov tin rằng, Nga không cần phải huy động quân thêm một lần nữa. Nga đến nay chỉ tiến hành một đợt huy động 300.000 quân dự bị vào cuối năm 2022.

Có thể thấy, khả năng Nga không có kế hoạch huy động thêm quân là chỉ dấu rằng họ sẽ không mở thêm các đợt tiến công quy mô lớn nào giống như giai đoạn mùa xuân 2022 mà sẽ nỗ lực duy trì các bước tiến nhỏ nhưng vững chắc như hiện nay. Theo nhà cựu ngoại giao Nga Alexander Baunov, hiện cũng là thành viên cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu Á-Âu Carnegie Russia, những tuyên bố của ông Belousov và giới chức Nga chứng minh chiến lược mà Nga trông đợi sẽ giúp họ chiến thắng “không phải huy động và tiến công đột phá” mà “gây sức ép chậm rãi lên Ukraine bằng sức mạnh vượt trội của tổ hợp công nghiệp - quốc phòng Nga và toàn bộ nền kinh tế, vốn được điều chỉnh để hoạt động hiệu quả hơn cho cả tiền tuyến và hậu phương”.

Nguyễn Phùng

Ngày mai 26/6, TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa phúc thẩm xét xử theo kháng cáo của ông Đỗ Hữu Ca trong vụ án mà ông Ca bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có công văn hoả tốc gửi Trường Đại học (ĐH) Luật Hà Nội yêu cầu báo cáo về quá trình tuyển sinh, đào tạo đối với nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt, tức Thượng tọa Thích Chân Quang đang gây xôn xao dư luận. Trong chiều tối ngày 25/6, Trường ĐH Luật Hà Nội cũng đã có thông tin ban đầu gửi cơ quan báo chí về vấn đề này.

UBND TP Đà Nẵng vừa có quyết định phê duyệt giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng (thuê đất) đối với 12 khu đất trên địa bàn với giá khởi điểm thấp nhất 7,4 triệu đồng/m2 theo hình thức thuê đất trả tiền một lần; cao nhất 206.000 đồng/m2/năm theo hình thức thuê đất trả tiền hằng năm.

Ngày 25/6, Công an quận 1, TP Hồ Chí Minh cho biết đã khởi tố, bắt tạm giam Trịnh Thị Hòa (SN 1969) và 2 con trai là Trịnh Bá Hào (SN 1989), Trịnh Bá Hóa (SN 1991) về hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Ngoài ra, 10 người khác cũng bị Cơ quan Công an khởi tố, bắt tạm giam về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy, đáng nói trong số này có “Nam vương Môi trường” Nhikolai Đinh…

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bị can Châu Thị An Bình, nguyên Phó Giám đốc Phòng Sản phẩm dịch vụ Ngân hàng TMCP Đông Á. Tuy nhiên, bị can Bình đã bỏ trốn hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu nên Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra Quyết định truy nã.

Ngày 3/6, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Nguyễn Văn Hùng trình bày tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về "Phát triển Văn hóa giai đoạn 2025-2035". Trong tờ trình này, mục được quan tâm nhất chính là "Tổng các nguồn lực huy động để thực hiện chương trình phát triển văn hóa dự kiến là hơn 256.000 tỷ đồng; trong đó giai đoạn 2025-2030 là 122.250 tỷ đồng, giai đoạn 2031-2035 là 134.000 tỷ đồng". Con số ấy có thể khiến nhiều người bị choáng nhưng nếu nhìn sâu vào nó, chúng ta sẽ nhận ra là "quá ít".

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文