Xưa từ quan, nay từ chức

07:22 29/11/2021

Ngày xưa, dưới chế độ phong kiến, không ít vị quan vì liêm sỉ, vì ngán ngẩm với thời cuộc mà từ bỏ chức tước mình đang có, về quê sống ẩn dật. Nay thời đại mới, từ quan được hiểu theo nghĩa mới là từ chức, một vấn đề đã được cụ thể hóa trong các văn bản của Đảng, Nhà nước. Ngày 3-11-2021, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, thay thế Quy định số 260-QĐ/TW, ngày 2-10-2009 của Bộ Chính trị.

Chiều đầu hè 1-6-2004, quãng thời gian ấy đã lùi 17 năm rồi nhưng với phóng viên báo chí theo dõi, đưa tin về Quốc hội, những sự kiện như vậy vẫn luôn là dấu ấn, kỷ niệm khó phai chốn nghị trường. Ngày đó, Quốc hội họp tại Hội trường Ba Đình cũ, nơi lối vào vẫn còn vườn hồng với dãy bằng lăng và phượng. Trong nghị trường, Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đối với ông Lê Huy Ngọ. Chúng tôi đứng ngoài hành lang, chuẩn bị ghi âm, máy ảnh, đợi giờ giải lao. Nhưng, ông bước ra khỏi hội trường ngay sau khi Quốc hội hoàn tất việc công bố miễn nhiệm mà không đợi đến giờ giải lao. Cả nhóm báo chí bước theo ông, ra tận cổng phía vườn hồng. Nắng chiều chói chang, ông bước chậm rồi đứng lại dưới gốc bằng lăng.

“Thôi, các cậu bỏ máy ghi âm, máy chụp hình đi”, giọng ông trầm xuống, khẽ xua tay. Chúng tôi hiểu tâm trạng của ông và tất thảy đều trầm lại, không ai muốn đặt thêm câu hỏi gì. “Mình thấy miễn nhiệm, từ chức cũng là nét mới trong đời sống văn hóa”, ông nói ngắn gọn và mượn chiếc quẹt lửa của một phóng viên, châm điếu thuốc, rít khói thật sâu rồi nhả cuộn xa, cuộn xa. Rời hội trường khá bất ngờ nên anh lái xe chưa kịp đến, ông lên chiếc xe máy Dream của một phóng viên và bảo “cậu cho tớ về đằng Ngọc Hà” (trụ sở Bộ - PV)...

Là đại biểu Quốc hội nhiều khóa, ông Dương Trung Quốc nhiều lần thảo luận và chất vấn về vấn đề từ chức.

Theo nghị quyết được Quốc hội thông qua, ông Lê Huy Ngọ bị miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng vì buông lỏng quản lý đối với tổ chức và cán bộ dưới quyền, không kiên quyết xử lý sau thanh tra để Lã Thị Kim Oanh lợi dụng vi phạm pháp luật, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm thất thoát lớn tiền, tài sản của Nhà nước, gây ảnh hưởng đến uy tín, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và bản thân. Đáng chú ý, trước thời điểm Quốc hội miễn nhiệm, ông Lê Huy Ngọ đã có đơn xin từ chức Bộ trưởng Bộ NN&PTNT. Như vậy, vấn đề từ chức là thể hiện sự chủ động, tuy nhiên việc từ chức sau khi đã nhận hình thức kỷ luật thì tính chất, ý nghĩa cũng khác.

Ông Lê Viết Chữ (Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi) có đơn xin từ chức hồi giữa năm 2020. Sau đó, Bộ Chính trị đã ra quyết định cho thôi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2015-2020 đối với ông Chữ. Ông có đơn xin từ chức sau khi bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo bởi những vi phạm, khuyết điểm của cá nhân.

Cụ thể, trên cương vị là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, ông Lê Viết Chữ chịu trách nhiệm chính về vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy các nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 và của Ban Cán sự đảng, UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 trong việc cho chủ trương, quyết định điều động, bổ nhiệm, luân chuyển và giới thiệu cán bộ ứng cử, cử cán bộ, công chức, sinh viên tốt nghiệp đại học của tỉnh đi công tác, học tập ở nước ngoài không đúng tiêu chuẩn. Đồng thời, chủ trương đầu tư một số dự án lớn từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, cho thuê đất và giao đất cho doanh nghiệp không qua đấu giá quyền sử dụng đất; ký văn bản và trực tiếp chỉ đạo giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp không đúng thẩm quyền...

Như vậy, dù cá nhân ông Lê Viết Chữ có đơn xin từ chức nhưng sự việc chỉ diễn ra sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra kết luận và Bộ Chính trị thi hành kỷ luật thì việc thôi chức, từ chức thường chỉ mang tính hình thức, bởi hậu quả pháp lý sẽ hoặc đã xảy ra của người vi phạm.

Từ chức vẫn là phạm trù nhạy cảm trong văn hóa người Việt Nam.

Từ chức được hiểu là việc rời bỏ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ. Việc từ chức là quyết định cá nhân của một người giữ chức vụ nào đó, do tự nguyện hoặc do áp lực nào đó từ bên ngoài. Hiện nay, quy định về từ chức đã được thể chế hóa thành các văn bản, chính sách của Đảng và Nhà nước. Quy định số 41 của Bộ Chính trị ghi rõ: “Từ chức là việc cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp thuận”.

Căn cứ xem xét từ chức theo Quy định 41 gồm: Do hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng; có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định; vì lý do chính đáng khác của cá nhân. Còn việc miễn nhiệm, có 6 căn cứ: (1) Bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách nhưng uy tín giảm sút, không thể đảm nhiệm chức vụ được giao; (2) bị kỷ luật khiển trách 2 lần trở lên trong cùng một nhiệm kỳ hoặc trong thời hạn bổ nhiệm; (3) có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định; (4) có 2 năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ; (5) bị cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", vi phạm những điều đảng viên không được làm, vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và cơ quan, đơn vị nơi đang công tác; (6) bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm tiêu chuẩn chính trị theo quy định về bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng đến mức phải miễn nhiệm.

Trên thực tế, ngay từ năm 1997, Nghị quyết Hội nghị Trung ương III, khóa VIII của Đảng đã chỉ ra yêu cầu cần gấp rút “xây dựng và thực hiện tốt chế độ miễn nhiệm, từ chức, cho thôi việc, thay thế cán bộ kém phẩm chất, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ”. Câu chuyện từ chức, xin thôi chức được bàn luận trên diễn đàn báo chí, dư luận xã hội, tuy nhiên thường chỉ hâm nóng lên khi có vụ việc cá nhân nào đó có đơn xin từ chức hay cá nhân sai phạm “quyết giữ ghế”, bị dư luận gây sức ép đề nghị từ chức. Thực tế, tại Quốc hội, nhiều lần đại biểu chất vấn thẳng vấn đề từ chức với thành viên Chính phủ khi xác định sai phạm thuộc trách nhiệm cá nhân hoặc trong lĩnh vực, ngành phụ trách.

Nhiều ý kiến so sánh chuyện xưa, chuyện nay, chuyện ở ta và ở nước ngoài quan niệm, hành xử với vấn đề từ chức như thế nào. Tuy nhiên, việc so sánh từ chức ở nhiều nước tiên tiến với ở ta còn nhiều khác biệt và không dễ để “áp” vào, nhất là văn hóa, quan niệm về chức quyền, công việc của người Việt vốn mang tập quán tự lâu đời. Nhìn lại lịch sử thời phong kiến Việt Nam, chúng ta ấn tượng với những hình ảnh đầy dũng khí “treo ấn, từ quan”, điển hình như các cụ Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Bỉnh Khiêm... thể hiện tiết tháo, dũng khí lưu danh muôn thuở. Tuy nhiên, điểm lại những nhân vật như vậy trong suốt chiều dài hàng nghìn năm phong kiến thì con số đó vẫn quá khiêm tốn. Quan niệm, tư tưởng bao trùm là coi trọng chức vụ, địa vị và chỉ rời vị trí đó khi bị bắt buộc (miễn nhiệm, cách chức) chứ không phải là sự chủ động từ chức khi thấy mình không xứng đáng.

Từ quan hay từ chức là hai cách gọi khác nhau trong các thời kỳ lịch sử. Từ quan là khái niệm được sử dụng trong thời kỳ phong kiến khi quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước phong kiến nằm trong tay vua chúa, quan lại. Trong xã hội ngày nay, khái niệm từ quan được thay bằng từ chức bởi bộ máy quan lại ngày xưa với bộ máy lãnh đạo trong xã hội chúng ta hiện nay khác nhau về bản chất. Xưa treo ấn từ quan vì không muốn làm trong bộ máy cai trị thực dân, phong kiến, vì không muốn những hành động của mình gián tiếp hay trực tiếp làm khổ dân. Ngày nay, từ chức vì những vi phạm bản thân hoặc thuộc trách nhiệm quản lý, từ chức vì không còn xứng đáng đứng trong bộ máy công quyền phục vụ nhân dân, từ chức vì nhân dân không còn tin tưởng nữa. Điểm chung là từ chức ngày nay hay từ bỏ quan trường ngày xưa đều thể hiện yếu tố chủ quan, sự chủ động của bản thân mà xin rời vị trí đang nắm giữ. Như thế, hành động đó thể  hiện được lòng tự trọng, danh dự cá nhân hay nói cách khác là “giữ liêm sỉ”, nó khác với việc bị áp dụng biện pháp cách chức, buộc thôi việc. Bởi thế, thời kỳ nào thì hành động chủ động rời bỏ địa vị, chức quyền khi nhận thấy mình không còn xứng đáng nữa, vẫn luôn là hành động được đề cao, ngợi ca. 

Tuy nhiên, tự mình nhận thức “thấy không còn xứng đáng” để chủ động từ chức là một vấn đề lớn. Quan niệm chức tước ở nước ta được xem là mẫu số đánh giá sự thành đạt, địa vị không chỉ với cá nhân trong xã hội mà còn là gia đình, dòng họ và rộng hơn là cả địa phương. Người ta phấn đấu có thể cả đời người, cả sự nghiệp để đạt được vị trí đó bằng nhiều con đường, kể cả đường sáng và đường tối thì không dễ gì họ chủ động từ bỏ mà chỉ chấp nhận khi bị bắt buộc. Quy định 41 đã thể hiện những điểm mới theo hướng rõ hơn, cụ thể hơn trong xử lý với người từ chức, người bị miễn nhiệm và đó là căn cứ để vận dụng trong thực tiễn được nề nếp, bài bản hơn. Tuy nhiên, để thay đổi một tập quán, một nếp nghĩ vốn có tiềm thức tự lâu đời hẳn phải là sự vận động từng bước của đời sống xã hội.

Đăng Trường

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

Mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra một tuyên bố cho biết, Kiev đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình cho Ukraine, được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 6 tới tại Thụy Sĩ.

Cả nước ghi nhận 207 ca mắc sởi, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nếu như 4 tháng đầu năm ngoái, Hà Nội không ghi nhận ca ho gà nào thì năm nay số mắc tăng 8 lần. Theo nhận định của chuyên gia dịch tễ, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ có nguy cơ tăng cao.

Nhà đầu tư cho rằng do địa phương chưa được Thủ tướng phê duyệt dự án này vào trong danh mục dự án ưu tiên đầu tư thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; trong khi chính quyền thì báo cáo do nhà đầu tư chưa hoàn thành thủ tục bổ sung mục tiêu hoạt động kinh doanh đặt cược đua chó. Do vậy, từ năm 2016 đến nay, trường đua chó trị giá 300 tỷ vẫn phơi sương cùng tuế nguyệt.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文