32 nhà thiết kế Bắc – Trung - Nam tụ hội trong Festival “Tinh hoa áo dài Việt”
Theo đó, họa tiết tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, gốm Hà Nội, hình ảnh Hà Nội với những khung cửa sổ cũ, với hương cốm mới, bánh cốm làng Vòng,… được 32 nhà thiết kế “gói ghém” mang vào tà áo dài truyền thống,
Theo đó, Festival Áo dài Hà Nội năm 2016 với chủ đề “Tinh hoa Áo dài Việt Nam” là sự kiện lớn với sự tham gia của 32 NTK, trong đó có rất nhiều NTK trẻ đã tham dự nhiều festival áo dài trước như Hoa hậu Ngọc Hân, nhiều NTK lần đầu tiên tham gia như CCCD; cùng với rất rất nhiều NTK gạo cội của Hà Nội như áo dài Lan Hương, Chula, NTK Minh Hạnh...
Cụ thể, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam sẽ giới thiệu 2 BST, trong đó một BST lấy ý tưởng từ gốm Hà Nội. Những hoạ tiết gốm kèm theo đó là các hoa văn gắn liền với Hà Nội xưa được dát thành vàng đính kết để tạo nên sự lấp lánh của bộ trang phục. Và BST thứ 2 lấy ý tưởng từ cờ của các nước kết hợp cùng các di sản, kiến trúc đặc trưng của mỗi đất nước.
Hoa hậu, NTK Ngọc Hân khơi gợi cảm hứng từ tranh Hàng Trống và Hà Nội trong mắt em (những bức tranh do các em nhỏ thực hiện). NTK Xuân Hảo đưa tranh phố cổ Hà Nội của cố họa sĩ Bùi Xuân Phái và tranh trên con đường gốm sứ Hà Nội vào những thiết kế áo dài.
NTK Cao Minh Tiến ký họa Hà Nội trên nền áo dài trắng với phom dáng cổ điển cùng ký họa về những danh lam thắng cảnh của Hà Nội cùng với chuyển động - những hình ảnh của Hà Nội dưới góc nhìn từ phong cách popart.
NTK Lan Hương lấy ý tưởng từ tranh Đông Hồ và cổng làng Hà Nội thêu trên lụa. NTK trẻ Duy Nguyễn thể hiện tình yêu với Hà Nội thông qua BST lấy cảm hứng từ cốm, bánh cốm. Vũ Việt Hà sáng tạo với những ô cửa sổ cũ Hà Nội. Còn Quang Tân sẽ mang những gánh hàng hoa lên áo dài…
Festival Áo dài Hà Nội năm 2016 nằm trong hoạt động chào mừng Kỷ niệm 62 năm ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội (10/10/1954 – 10/10/2016) và 86 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2016), do Sở Du lịch, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, Báo Dân trí, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố và Công ty TNHH Vietmode phối hợp tổ chức.
Tại đây, ngoài màn tụ hội của 32 NTK, còn có các hoạt động trưng bày bộ sưu tập trang phục áo dài xưa độc đáo của nhà sưu tầm Trần Đình Sơn và nghệ nhân Vũ Giỏi, trưng bày nguyên vật liệu, khung dệt, vải của làng lụa Vạn Phúc, làng lụa Hội An, dệt lanh của người H’Mong – Hà Giang, dệt zeeng của người Catu Aluoi – Huế;
Giới thiệu thông tin bằng hình ảnh và tư liệu về quá trình phát triển của áo dài Việt Nam, khu trưng bày các mẫu áo dài phục vụ trong ngành du lịch, khu vực ẩm thực ba miền do top 3 Vua đầu bếp MasterChef năm đảm nhận, khu gian hàng du lịch với sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch, khách sạn trên địa bàn, đặc biệt các nhà thiết kế thời trang sẽ trình diễn thiết kế và thao diễn may áo dài.
Đây là một hoạt động khơi gợi giá trị truyền thống, đặc biệt gắn kết du lịch với sự tôn vinh truyền thống dân tộc. Trong 3 ngày diễn ra chương trình, người dân Hà Nội, khách du lịch trong nước và quốc tế sẽ được tham gia, được trải nghiệm, được hòa mình vào không gian nghệ thuật thiết kế cũng như cảm nhận sự tinh tế, chau chuốt với mỗi công đoạn làm nên một tác phẩm áo dài hoàn chỉnh đến tay người sử dụng.
Chương trình bao gồm 3 phần chính: Hoạt động triển lãm, trưng bày, giới thiệu sản phẩm; hoạt động trang trí mỹ thuật, nghệ thuật sắp đặt; hoạt động văn hóa nghệ thuật và chuyên đề về Áo dài.
Festival Áo Dài Hà Nội không phải là chương trình thời trang áo dài đơn thuần mà là chương trình văn hóa, là nơi kể về lịch sử phát triển của áo dài, là nơi để tôn vinh các nghệ nhân, các nhà thiết kế, những người có công trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Việt qua tà áo dài truyền thống.
Festival Áo dài Hà Nội năm 2016 là một hoạt động văn hóa – du lịch được mong chờ của thành phố Hà Nội năm 2016, là sự kiện hứa hẹn sự thu hút của đông đảo người dân Hà Nội, du khách trong nước và quốc tế; đồng thời là một khởi đầu cho chuỗi các hoạt động gắn kết thời trang với du lịch, là sự tiếp nối những câu chuyện về văn hóa Hà Nội, văn hóa Việt Nam trên tà áo dài dân tộc.