Trò chuyện với nhà báo Nick Ut – Tác giả bức ảnh “Em bé Napalm”

19:04 18/06/2018
Cũng phải vài lần hẹn, cuối cùng tôi mới gặp được nhà báo, nhiếp ảnh gia người Mỹ, gốc Việt, Nick Ut – tác giả của bức ảnh “Em bé Napalm” từng gây chấn động thế giới 46 năm về trước. 


Nhưng, trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, ông đã kịp chia sẻ nhiều điều hữu ích và ý nghĩa không chỉ với riêng người làm báo.

Phóng viên (PV): Thưa nhà báo Nick Ut, ông về Việt Nam lần này thời gian không ngắn nhưng lúc nào cũng tất bật. Hình như ông đang có rất nhiều kế hoạch tại quê hương?

Nhà báo Nick Ut: Sau khi tham gia lễ trao tặng hiện vật cho Hội Nhà báo Việt Nam, Bảo tàng Báo chí Việt Nam ngày 1-6, tôi rời Hà Nội đi Ninh Bình, thăm lại một số nơi từng tác nghiệp trong thời chiến, thăm trẻ em bị nhiễm chất độc da cam đang được nuôi dưỡng tại làng Hòa Bình trong Bệnh viện Từ Dũ, TP Hồ Chí Minh và một số nơi khác rồi ra Đà Nẵng. 

Trong các chuyến đi, tôi thực hiện được khá nhiều ảnh về đất nước, con người Việt Nam. Tôi thấy đất nước mình đẹp quá, thay đổi nhiều quá, nhất là các khu chiến trường xưa. 

Tôi mới đi Trảng Bàng, Tây Ninh về; đây là nơi tôi chụp bức ảnh “Em bé Napalm” – Phan Thị Kim Phúc. Nhưng nói thật là trừ Trảng Bàng vẫn còn khá nhỏ bé, còn Tây Ninh và TP Hồ Chí Minh phát triển nhanh, lớn, hiện đại khiến tôi rất bất ngờ. 

Dọc đường từ Tây Ninh về TP Hồ Chí Minh san sát các quán ăn. Không giống như xưa, chúng tôi rất khó tìm được quán bán đồ ăn. So với trước đây, TP Hồ Chí Minh rộng lớn quá, nhiều tòa cao ốc, đại lộ, tôi bị lạc giữa mê cung của các công trình. Mà hôm nay cũng đúng là ngày mà 46 năm trước tôi đã chụp “Em bé Napalm” đấy!

Nhà báo Nick Ut trao tặng chiếc máy ảnh đã gắn bó với ông nhiều năm cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam.

PV: Chắc ông khó có thể quên được khoảnh khắc ấy?

Nhà báo Nick Ut: Tôi nhớ rất rõ. Vào sáng ngày 8-6-1972, tôi theo cánh quân của Sư đoàn 25 (Quân đội Việt Nam Cộng hòa – PV) tới Trảng Bàng và thấy hàng ngàn người bỏ chạy vì bom đạn. 

Tôi đã chụp được rất nhiều hình ảnh, thấy rất nhiều người bị thương, bị chết. Tôi đang chuẩn bị lên xe về lại Sài Gòn để gửi hình cho tòa soạn (hãng tin AP) thì ít phút sau máy bay tới thả bom khiến cả lính và các phóng viên khác cũng bỏ chạy. 

Từ trong màn khói dày đặc, tôi thấy rất nhiều người dân chạy ra. Ý nghĩ đầu tiên là “Thôi chết! Trong đó còn dân”. Tôi thấy rất nhiều người hoảng loạn, chạy lại phía mình. Có người già, có trẻ em, có những người  còn bế trên tay các em bé bị thương, một người đàn ông bế một em bé khoảng 3 tuổi, đã chết. 

Sau họ là một bé gái trần truồng vừa chạy vừa gào thét trên đường. Tôi vừa bấm máy ảnh vừa tự hỏi, không biết vì sao cô bé lại không có quần áo. Khi cô bé đến gần, tôi mới thấy cả cánh tay mà cô bé đang giơ lên lẫn phần thân thể khác đều bị bỏng.

Dưới sức nóng hàng trăm độ, người dính bom Napalm sẽ bỏng rất nặng. Tôi đã đi chụp ảnh trực tiếp tại nhiều chiến trường, chứng kiến và chụp rất nhiều hình ảnh về cái chết nhưng nhìn cô bé như thế, tôi rất đau lòng. 

Tôi lấy áo mưa che tạm cho cô bé và gọi lái xe đưa đến bệnh viện gần nhất. Đấy là bệnh viện địa phương, ở Củ Chi. Khi đến nơi, bệnh viện từ chối nhận vì đã quá tải và nguồn thuốc thì cạn kiệt, đề nghị tôi đưa bé về bệnh viện nhi ở Sài Gòn. 

Từ Củ Chi về đến Sài Gòn phải chạy xe hết cả tiếng đồng hồ. Như thế, cô bé sẽ không thể chịu nổi. Tôi phải nói rất gay gắt, lấy thẻ nhà báo, nói tôi là phóng viên của một hãng quốc tế lớn chứ không phải báo địa phương. 

Nếu bác sĩ không tiếp nhận nạn nhân, ngày mai, hình ảnh cô bé và lời từ chối của bệnh viện sẽ được đăng tải cho cả thế giới biết. Có lẽ họ sợ bị đăng báo nên đã đồng ý. Sau đó tôi về Sài Gòn, rửa ảnh, gửi cho tòa soạn. Thực ra, tôi đã nghĩ, cô bé sẽ không qua khỏi.

PV: Nhiệm vụ chính của phóng viên, nhất là phóng viên chiến trường là thu thập thông tin và đưa về tòa soạn càng nhanh càng tốt. Trong bối cảnh đó, động cơ nào mà ông vẫn quyết liệt giúp đỡ cứu chữa cô bé bị bỏng Kim Phúc rồi mới làm tiếp nhiệm vụ của mình với tòa soạn?

Nhà báo Nick Ut: Tôi là con thứ 11 trong gia đình có 12 người con ở Long An. Anh Huỳnh Thanh Mỹ là người anh thứ 7 của tôi và cũng từng là phóng viên chiến trường, làm việc cho hãng tin AP. 

Tôi thường được anh cho xem những bức ảnh anh chụp sau mỗi chuyến đi, trong đó có rất nhiều hình ảnh ghi lại cảnh tượng khủng khiếp của chiến tranh. 

Anh nói với tôi, anh rất buồn khi hàng ngày phải chứng kiến cảnh chiến tranh, chết chóc. Anh chỉ mong muốn có cuộc sống hòa bình, cố gắng chụp càng nhiều hình ảnh về chiến tranh để nhiều người cùng hiểu, đấu tranh cho hòa bình. 

Mong ước ấy dang dở vì năm 27 tuổi, anh mất trong một lần đi chụp ảnh ngoài chiến trường. Tôi tự nguyện thực hiện tiếp mong muốn ấy của anh. 

Cảnh tượng tại Trảng Bàng ngày 8-6-1972 chỉ là một phần rất nhỏ những hình ảnh kinh khủng về chiến tranh mà tôi từng chứng kiến. Lúc ấy tôi còn rất trẻ, mới 21 tuổi. Khi hành động như thế, tôi không kịp suy tính nhiều. 

Nhưng sau này nghĩ lại, tôi thấy mình vô cùng may mắn khi đã chụp bức ảnh và hành động như thế. 

Chắc là bạn biết câu chuyện về nhiếp ảnh gia Kevin Carter và bức ảnh “Kền kền chờ đợi” ghi lại khoảnh khắc em bé đói khát đang lê trên nền đất, đằng sau là con kền kền chực chờ em gục xuống để xông lên rỉa xác. 

Bức ảnh lột tả nỗi đau đớn ám ảnh nhân loại về nạn đói ở châu Phi, sau khi được đăng tải đã gây chấn động toàn thế giới. Kevin Carter vinh dự được trao giải Pulitzer nhưng sau đó anh đã phải tự tử vì bị dư luận lên án, cho rằng anh chỉ chăm chú chụp ảnh đăng báo mà không giúp đỡ nạn nhân. 

Thực tế, sự khủng khiếp của nạn đói với nỗi ám ảnh về cái chết ở châu Phi năm ấy cũng tương tự như sự khủng khiếp ở chiến trường Việt Nam những năm 1972.

Tôi đoán, sau khi chụp ảnh, Kevin Carter đã nghĩ, em bé ấy không thể cứu được. Nếu sau khi tôi chụp ảnh bé Kim Phúc mà không cứu giúp cô bé, có lẽ tôi cũng không thể sống tiếp được. 

Sau này, cách lựa chọn của tôi đã được rất nhiều nhà báo hưởng ứng: giúp đỡ người lúc cần thiết trước, hoàn thành công việc sau.

“Em bé Napalm” – bức ảnh khiến nhiều người thay đổi cách nhìn về chiến tranh Việt Nam năm 1972.

PV: Ông từng nói đây là bức ảnh đã thay đổi cả cuộc đời ông và nhân vật. Với Kim Phúc, có thể thấy sự thay đổi ấy rất rõ ràng là cô ấy đã thoát khỏi bàn tay tử thần, nổi tiếng và sống hạnh phúc. Với ông, sự tác động từ bức ảnh như thế nào?

Nhà báo Nick Ut: Bức ảnh mang lại cho tôi nhiều may mắn và cho cả Kim Phúc nữa. Sau khi đăng tải, bức ảnh đã gây chấn động dư luận. Nhiều người bắt đầu có cái nhìn thay đổi về cuộc chiến. 

Tôi được biết, Tổng thống Mỹ Nixon khi ấy đã nghi ngờ mức độ chân thực của hình ảnh. Có lẽ cũng vì thế nên chính quyền Mỹ không muốn Kim Phúc chết. Họ muốn cô sống để điều tra sự thật về bức ảnh. 

Còn với tôi, bức ảnh đó là sự thật không thể thật hơn về chiến tranh tại Việt Nam. Mọi nghi ngờ cũng đã được giải tỏa sau đó, khi một video do một người khác quay lại về cảnh máy bay ném bom được đăng tải. 

Tôi vinh dự được trao giải Pulitzer. Bức ảnh còn mang đến cho tôi rất nhiều thuận lợi trong công việc. Đi đến đâu tôi cũng được chào đón. Ngay cả sau này, khi làm việc tại Mỹ, bức ảnh đã giúp tôi tiếp cận với rất nhiều ngôi sao nổi tiếng. 

Ở Mỹ, việc gặp gỡ các ngôi sao này không dễ nhưng khi  biết tôi, ai cũng vui vẻ, gọi Nick Nick… Máy ảnh tôi sử dụng chụp “Em bé Napalm”, nhiều nơi đề nghị tôi chuyển nhượng cho họ mà tôi không đồng ý.

PV: Nhưng mới đây ông đã tặng lại cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam kèm theo một số hiện vật khác. Vì sao ông lại chọn nghĩa cử như thế?

Nhà báo Nick Ut: Tôi muốn mọi người, nhất là các em hiểu về lịch sử, về vai trò thực sự của báo chí và trân trọng cuộc sống hòa bình.

PV: Xin cảm ơn ông và chúc ông thành công với các dự định của mình!

Hoa Nguyễn (thực hiện)

Từ 15h ngày 2/5, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng giảm không đáng kể, theo đó, giá xăng E5RON92 giảm 8 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 40 đồng/lít; giá dầu giảm 110 đồng- 142 đồng/lít.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Thái Nguyên đã triển khai kế hoạch cao điểm cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chip, đến ngày 27/5/2023 đã hoàn thành cấp 100% CCCD gắn chip cho những người đủ điều kiện (sớm hơn 65 ngày so với chỉ đạo của Bộ). Qua "mục sở thị" những mô hình điểm về chuyển đổi số tại Thái Nguyên, tôi nhận thấy CCCD gắn chip đã trở thành một phần tất yếu, thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp, mà hai mô hình điểm thể hiện rõ nhất là: "Khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và VNeID" và "Triển khai tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT".

Đồng chí Đại tá Đậu Bá Thư, sinh ngày 26/3/1935, nguyên Trưởng phòng 2, Cục A14, Tổng cục An ninh (nay là Cục An ninh đối ngoại - Bộ Công an); huy hiệu 60 năm tuổi đảng; được tặng thưởng Huy chương chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba...

17 xe chữa cháy và hơn 100 cán bộ chiến sĩ tham gia dập tắt đám cháy tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu King Fish (phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Trong lúc dập lửa, 2 cán bộ chiến sĩ chữa cháy bị ngạt khói, được đưa vào viện cấp cứu, hiện tình trạng đã ổn định…

Ngày 2/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tống đạt các quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với ông Phạm Minh An (SN 1964, Giám đốc Sở Y tế tỉnh) về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu qua nghiêm trọng". 

Do lâm bệnh nặng, mặc dù đã được các bác sỹ tận tình cứu chữa, gia đình quan tâm chăm sóc nhưng đồng chí Đặng Thị Cẩm Thúy đã từ trần hồi 15h 20 ngày 01/5/2024 (nhằm ngày 23 tháng 3 năm Giáp Thìn) tại Bệnh viện 198 - Bộ Công an.

Vào khoảng 2h30 ngày 2/5, một vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi hoàn toàn một kho chứa phế liệu rộng khoảng 500 m2 tại ấp An Hoà, xã An Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.

Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (TMĐT&KTS, Bộ Công Thương) đề nghị người dùng phát hiện website bán sản phẩm Detox Táo hỗ trợ giảm cân thì thông báo cho Cục TMĐT&KTS để Cục có biện pháp xử lý.

Công an các đơn vị, địa phương đã tập trung triển khai phương án bảo đảm ANTT các hoạt động kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ngày Quốc tế lao động và các hoạt động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5), chấp hành nghiêm túc chế độ trực ban, trực chiến bảo đảm quân số ứng trực, nắm chắc tình hình, triển khai thực hiện có hiệu quả các phương án bảo đảm ANTT, TTATGT, phòng, chống cháy, nổ...

Dưới cái nắng oi bức của mùa hè cộng thêm gió Lào khô rát khiến người ta ở trong nhà hay dưới bóng râm vẫn cảm thấy khó chịu, thế nhưng hơn 1 tháng nay, CBCS Công an Điện Biên vẫn luôn thường trực 24/24 tại các nút giao thông, các điểm di tích lịch sử và nơi diễn ra các hoạt động, sự kiện hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Những việc làm của các anh góp phần quan trọng đảm bảo an ninh, an toàn cho các đồng chí lãnh đảo Đảng, Nhà nước, các sự kiện và du khách thập phương đến với Điện Biên.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文