Ảo thuật loay hoay tìm lối đi

23:10 03/11/2018
Sau Liên hoan Ảo thuật toàn quốc lần 3 diễn ra tại TP Hồ Chí Minh giữa tháng 10, các ảo thuật gia lại trở về cuộc sống mưu sinh ở những buổi diễn trong nhà hàng, tiệc cưới, hè phố… Nhiều ảo thuật gia cho hay, nhờ danh hiệu và các giải thưởng đạt được trong liên hoan, họ đắt show hơn, được biết đến nhiều hơn.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có được may mắn ấy. Nhiều người vẫn coi ảo thuật là nghề “tay trái”, lâu lâu mới có show diễn cho thỏa đam mê, còn kiếm cơm phải trông vào công việc khác.

Lý giải về điều này, ảo thuật gia KTay thú thật lâu nay, ảo thuật vẫn bị coi là tiết mục tạp kỹ mua vui và đóng vai phụ trong các chương trình nghệ thuật. Cát sê của ảo thuật thường thấp hơn ca nhạc, hài kịch... Tiền cát sê nhiều khi không đủ để mua trang phục, đạo cụ biểu diễn chứ đừng nói là đủ sống.

Ở Việt Nam, ảo thuật vẫn chưa được xem là một môn nghệ thuật huyền bí và sang trọng. Nhiều người mới biết diễn vài trò vặt vãnh thì đã vỗ ngực tự xưng là ảo thuật gia. Trong khi những trò vặt này dễ dàng học được trên mạng. Đáng buồn là ngay tại Liên hoan Ảo thuật toàn quốc lần 3, những trò khéo “xưa như Trái Đất” như biến ra chim bồ câu, chiếc khăn, đóa hoa, tiểu xảo với lá bài… chiếm số lượng áp đảo so với các tiết mục có tính sáng tạo cao, bố cục bài bản. Nhiều khán giả cho rằng nó không xứng tầm để thi thố ở một sân chơi toàn quốc.

Ảo thuật gia Nguyễn Anh Tú, CLB Ảo thuật TP Hồ Chí Minh, cho hay ảo thuật Việt từng phát triển mạnh mẽ và thịnh hành vào thập niên 60, 70 của thế kỷ trước. Nhiều ảo thuật gia lừng danh đã để lại vô số tiết mục ấn tượng trong giai đoạn này. Thế nhưng bây giờ bộ môn ảo thuật lại có vẻ chững lại và loay hoay tìm hướng tiếp cận khán giả.

Tiết mục “Một thoáng hương Chăm” kỳ bí đoạt giải vàng tại Liên hoan Ảo thuật toàn quốc lần 3.

Đi giao lưu với các nước trong khu vực, anh vô cùng kinh ngạc. Các tiết mục ảo thuật của họ không khác gì một tác phẩm nghệ thuật công phu, tuyệt vời từ nội dung kịch bản, trang phục, bố cục, âm nhạc, vũ đạo, diễn xuất…

NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam thẳng thắn: “Khó khăn nhất của ảo thuật Việt Nam hiện nay là việc đầu tư cho những tiết mục mới, có tính sáng tạo cao. Chúng ta đang lặp đi lặp lại cái cũ và chỉ làm được những trò khéo chứ chưa đủ kinh phí, chưa đủ tầm để đầu tư những show diễn lớn như trên quảng trường, nhà hát... Đạo cụ của chúng ta còn khá lạc hậu trong thời đại công nghệ.

Khó khăn thứ hai là sự điêu luyện của nghệ sĩ và độ hoành tráng, thu hút của tiết mục. Ảo thuật gia như một nhà phù thủy, họ biến hóa, tạo ra những cái siêu phàm khiến công chúng phải trầm trồ. Những màn ảo thuật đường phố với lá bài thì chúng ta khá điêu luyện nhưng show ảo thuật lớn thì chúng ta chưa đạt tầm để mang tới hiệu quả thị giác cao”.

Ảo thuật gia Nguyễn Anh Tú cho rằng các ảo thuật gia Việt không hề kém tài so với đồng nghiệp các nước trong khu vực. Qua YouTube, họ học hỏi, cập nhật các xu hướng ảo thuật trên thế giới rất nhanh nhạy. Thậm chí dựa trên bản gốc, họ cải tiến, mày mò thành chiêu trò mới có sức hấp dẫn vượt bậc.

Tại liên hoan lần này, có những tiết mục cho thấy trình độ điêu luyện của giới ảo thuật Việt như màn thôi miên người bay trên cột nước, trói chặt mình và tự giải thoát trước khi bàn chông rơi xuống trong vòng mấy chục giây… Tuy nhiên, nó vẫn mang dáng dấp quen thuộc khi nghệ sĩ học hỏi siêu phẩm của thế giới mà chưa có dấu ấn riêng biệt.

Riêng tiết mục “Một thoáng hương Chăm” của ảo thuật gia Lê Tuấn Anh, Quảng Trị được đánh giá cao vì khéo lồng ghép màn ảo thuật ly kỳ vào những điệu múa Chăm huyền bí. Đây là tiết mục hiếm hoi mang bản sắc Việt đậm nét. Tuy nhiên, vì không được đào tạo bài bản chính quy mà chủ yếu là nghề truyền nghề và mày mò tự học nên giới ảo thuật Việt bao năm qua vẫn chỉ theo sau người ta, học đòi bắt chước khiến tính sáng tạo chưa nhiều.

Ngoài ra, điều kiện làm nghề ở nước ta còn khá khó khăn. Các nghệ sĩ không có môi trường làm nghề thường xuyên để biểu diễn phục vụ công chúng, nhất là sân khấu chuyên nghiệp có thể dựng trò lớn.

Mấy năm gần đây, đài truyền hình bắt đầu dành nhiều “đất” cho ảo thuật như chương trình “Kỳ tài lộ diện”, “Ảo thuật siêu phàm”, “Tìm kiếm tài năng Việt Nam”… Các chương trình này phần nào giúp nghệ sĩ quảng bá tài năng nhưng nó vẫn nặng tính giải trí, giật gân chứ không hướng nhiều về chuyên môn. Riêng Liên hoan Ảo thuật toàn quốc vẫn là sân chơi duy nhất để nghệ sĩ giao lưu, trau dồi chuyên môn.

Đáng tiếc, liên hoan lại không có kế hoạch tổ chức định kỳ thường xuyên mà khoảng 5, 6 năm mới trở lại một lần khi có điều kiện. Để khắc phục, thời gian tới, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam sẽ cố gắng đưa liên hoan thành một hoạt động định kỳ hai năm một lần.

NSND Lê Tiến Thọ đề xuất ngoài liên hoan do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức, cần phải có nhiều cuộc liên hoan, hội diễn khác để nghệ sĩ ảo thuật có nhiều cơ hội cọ xát, rèn luyện tài năng.  Từ đó chúng ta mới có thể  tiến tới các cuộc liên hoan ảo thuật ở khu vực và thế giới, thúc đẩy ảo thuật nước nhà phát triển.

Quỳnh Nga

Căn cứ hợp đồng của dự án đã ký giữa UBND thành phố và doanh nghiệp dự án là Công ty Trung Nam, thì lịch thu hồi nợ vay của BIDV với Công ty Trung Nam và lịch thu hồi nợ tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với BIDV được xác định tương ứng theo lịch thanh toán của UBND thành phố theo quy định tại hợp đồng BT của dự án. Thực chất đây là khoản cho vay ứng trước cho nhà đầu tư khi ngân sách thành phố chưa bố trí được nguồn vốn thanh toán cho nhà đầu tư.

Những năm trở lại đây, song song với sự phát triển, thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam cũng trở thành mảnh đất “màu mỡ” để các đối tượng sử dụng công nghệ cao lợi dụng, trục lợi từ các hành vi buôn lậu, trốn thuế, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, lừa đảo, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp về thương mại điện tử… với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi. Từ thực tiễn tình hình cho thấy, ngoài việc tạo môi trường thuận lợi để thương mại điện tử phát triển cũng cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước, nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh trên không gian mạng.

Hai đối tượng gồm Đào Văn Nhật Tùng (SN 1985) và Lê Văn Minh (SN 1984, cùng trú tại thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Bị phát hiện đang khai thác cát trái phép, Tùng và Minh đã điều khiển tàu tháo chạy rồi dùng ống xịt áp suất lớn phun nước về phía phương tiện của lực lượng chức năng.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát phát hiện một chiếc xe ô tô đầu kéo gặp sự cố khiến hàng trăm lít dầu nhớt đổ ra đường, Đội CSGT Công an huyện Nghi Lộc phối hợp Tổ công tác Trạm CSGT Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đã nhanh chóng triển khai thu dọn vết dầu tránh gây nguy hiểm cho người, phương tiện tham gia giao thông.

Văn phòng Đăng ký liên bang Mỹ ngày 9/5 (giờ địa phương) cho biết chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã bổ sung 37 thực thể Trung Quốc vào danh sách hạn chế thương mại do có những hành động được cho là “gây phương hại an ninh quốc gia hoặc lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ”.

Thông qua việc thường xuyên đi lễ chùa, Bùi Thị Ninh đã tạo mối quan hệ thân thiết với nhiều người ở trong và ngoài tỉnh rồi kêu gọi họ góp vốn để đầu tư kinh doanh. Sau khi nhận tiền, Ninh không sử dụng đúng mục đích đã thỏa thuận mà dùng cho mục đích cá nhân, chiếm đoạt gần 300 tỉ đồng rồi bỏ trốn khỏi địa phương.

Tỉnh Thừa Thiên Huế có đầm phá nước lợ Tam Giang - Cầu Hai lớn nhất Đông Nam Á với chiều dài hơn 70km, rộng trên 22.000ha. Nhiều năm qua, người dân tỉnh Thừa Thiên Huế sống ven vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai đã tận dụng diện tích mặt nước rộng lớn này để nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế. Để đảm bảo ANTT vùng đầm phá, Công an các xã ven đầm phá đã tăng cường tuần tra, thực hiện nhiều biện pháp giúp ngư dân chống nạn khai thác, đánh bắt tận diệt và trộm cắp thủy sản.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文