Bản gốc “Em ơi! Hà Nội phố” ra mắt sau gần nửa thế kỷ

18:31 27/02/2017

Lần đầu tiên, “Em ơi! Hà Nội phố” được xuất hiện trọn vẹn trong một ấn phẩm đặc biệt, đính kèm một số phụ bản do chính nhà thơ Phan Vũ vẽ. 


Buổi ra mắt và giao lưu nhân dịp ra mắt tập trường ca nổi tiếng về Hà Nội này sẽ được diễn ra vào lúc 19g ngày 4-3 tới tại Petite Note Coffee, số 351/4 Lê Văn Sỹ, P.13, Q.3, TP.HCM. 

Nhà thơ Phan Vũ viết "Em ơi! Hà Nội phố" vào năm 1972, trên một căn gác nhỏ phố Hàng Bún, trong những ngày Hà Nội chìm vào cơn mưa bom B52 xối xả. Hồi đó, nhà thơ thân với họa sỹ Bùi Xuân Phái nên hay đi theo ông Phái. Ông Phái vẽ phố, còn ông nghĩ về phố.

Trường ca “Em ơi! Hà Nội phố” (hay nói chính xác là một bài thơ trường thiên) không chỉ có 21 câu như ca khúc của Phú Quang phổ biến, mà là khúc trữ tình dài 443 câu, được chia thành 24 đoạn.

Theo nhà thơ Du Tử Lê, “mỗi đoạn là một gam màu, một mảnh puzzo (trò ghép tranh – PV), khi ráp lại thành toàn cảnh Hà Nội tháng 12 năm 1972 với những hình ảnh tương phản ngột ngạt, giữa một Hà Nội thanh bình xưa và một Hà Nội trống hoác. Một Hà Nội chết nghẹn. Một Hà Nội chín, nẫu hoang vu”.

Gần nửa thế kỉ đã trôi qua, trường ca này lưu lạc nhân gian, đi qua bao nứt đổ của thời gian, qua bao thời khắc gắn với vận mệnh của Hà Nội, đến bây giờ, vẫn còn nguyên giá trị. Nó như một cách diễn giải “tâm hồn người Hà Nội”. Ca sỹ Giang Trang cho rằng, tập trường ca của Phan Vũ “như một bản tình ca sau cùng dành cho Hà Nội. Một Hà nội loanh quanh, nhỏ hẹp mà bao la quá”.

Còn với nhà văn Trương Quý, tác giả của nhiều tản văn ăn khách viết về Hà Nội, “tập trường ca này dùng nhiều mỹ từ, ở một người sử dụng khác sẽ có thể là thành mòn, nhưng qua tay Phan Vũ, chúng có độ lấp lánh rất hấp dẫn. Chúng như những họa tiết được thêu lên tấm áo dài đẹp đẽ của người thiếu nữ Hà Nội thời xưa cũ, như những diềm mái trang trí vẫn còn hiện diện đầy kiêu hãnh trên những mặt tiền nhà phố cổ sót lại, như những dáng cây đầy ắp vẻ nên thơ bên những mặt hồ. Có chút gì huyền hoặc như sương khói, giống như một sớm mùa đông lạnh giá, đột nhiên vang lên từ môi những câu như tự nhủ, như ngóng chờ… “Ta còn em mùi hoàng lan. Ta còn em mùi hoa sữa. Tiếng giày ai gõ nhịp đường khuya…”.

Bìa tập trường ca "Em ơi! Hà Nội phố" của nhà thơ Phan Vũ. 

Trường ca “Em ơi! Hà Nội phố” có nhiều “tam sao thất bản” vì chủ yếu đến với độc giả qua con đường truyền miệng. Tác phẩm này được in một lần duy nhất vào năm 2008, tuy nhiên, không phổ biến lắm nên ít được bạn đọc biết đến.

Trong lần trở lại mới nhất do NXB Hồng Đức phát hành này, bên cạnh bản “Em ơi! Hà Nội phố” trọn vẹn nhất, còn có 7 phụ bản do nhà thơ Phan Vũ vẽ và 8 bức chân dung tự họa trầm mặc mang tên Phan Vũ. Thơ và tranh, thơ và nhạc, cộng hưởng vào nhau, làm nên một tác phẩm “sống mãi cùng thời gian”, làm nên một tập trường ca giản dị, xúc động về Hà Nội.

Nhà thơ Phan Vũ sinh ở Hải Phòng vào năm 1926. Bên cạnh là nhà thơ, ông còn được biết đến với các vai trò khác như tác giả kịch bản, đạo diễn sân khấu, đạo diễn điện ảnh, họa sỹ.

Trong một lần chia sẻ, ông nói, thơ ông khó phổ nhạc. Đến nay, ngoài “Em ơi! Hà Nội phố” được nhạc sỹ Phú Quang phổ nhạc, Phan Vũ còn là tác giả phần lời của ca khúc “Tình ca cho em” của nhạc sỹ Nguyễn Nam, được biết đến qua tiếng hát Hồng Hạnh - người đàn bà ôm đàn hát tình ca một thời. Đầu những năm 1990, Phan Vũ chuyển qua vẽ tranh, lui về ở ẩn và có một số triển lãm chung và riêng tại TP.HCM.

Đậu Dung

Ngày 26/5, thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước cho biết, đang phối hợp với Công an thị xã Chơn Thành khám nghiệm hiện trường để điều tra làm rõ 2 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng khiến 2 công nhân tử vong.

Những "ông sao khiếm thính" có thể khiến bạn nghĩ đến một khiếm khuyết của cơ thể nhưng thực tế, những "ông sao" của showbiz Việt có khi còn thính tai hơn bất kỳ ai. Nhưng, họ chủ động "khiếm thính" vì sự kiêu ngạo ngông cuồng của chính mình theo kiểu "mục hạ vô nhân". Chính vì thế, thay vì được quý mến như những ngôi sao, họ đã bị cộng đồng gọi là "ông sao" hoặc "sao sao".

Người Toraja là một tộc miền núi đảo Sulawesi, Indonesia. Về nguồn gốc, có quan điểm cho rằng tổ tiên họ vốn là một chủ nhân của văn hóa Đông Sơn ở Bắc Việt Nam đã thiên di bằng đường biển tới vùng đảo cách đây khoảng trên dưới 2.000 năm.

Giữa thung lũng có một “tọa độ chết” được đánh dấu, nơi đó được gọi bằng những cái tên rất hãi hùng như “cái rốn da cam”, “vùng đất chết” khi mang trong đất sự hủy diệt của chiến tranh còn sót lại. Nhưng, nhiều nỗ lực đã giúp hồi sinh vùng đất này tươi xanh như từng có.

Kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình, 75 năm Ngày Quảng Bình quật khởi và 35 năm Ngày tái lập tỉnh, tỉnh Quảng Bình sẽ tổ chức lễ kỷ niệm với chương trình nghệ thuật đặc biệt “Quảng Bình hành trình khát vọng - phát triển” diễn ra tối 2/6, cùng nhiều hoạt động khác.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文