Các nữ Tổng biên tập “trải lòng” tại Hội Báo toàn quốc 2018

16:57 17/03/2018

Ngày 17-3, trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc năm 2018 đang được tổ chức tại Bảo tàng Hà Nội (từ ngày 16 đến hết ngày 18-3), lần đầu tiên Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức chương trình giao lưu các nữ Tổng biên tập. 

Sự kiện nhằm khẳng định tiếng nói của phụ nữ trong các cơ quan báo chí, những người đang góp phần quan trọng đưa báo chí Việt Nam ngày càng phát triển.

Phát biểu tại chương trình, nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ, nghề báo được coi là nghề vất vả, nhiều vinh quang nhưng đôi khi phải đối mặt với những nguy hiểm, cạm bẫy. Vốn được coi là phái yếu, phụ nữ luôn được nhìn nhận sẽ có nhiều khó khăn để theo đuổi công việc vất vả, áp lực lớn này. Có khi, phụ nữ phải nỗ lực làm việc gấp đôi, gấp ba mới được thừa nhận năng lực so với nam giới.

Nhà báo Hồ Quang Lợi cho biết, tại Việt Nam, số nhà báo, phóng viên, biên tập viên là nữ chiếm một số lượng lớn trong các cơ quan báo chí. Theo thống kê, hiện nay ở Việt Nam có 86 nữ Tổng biên tập và có gần 20 nữ Phó Tổng biên tập phụ trách các cơ quan báo chí. Không chỉ chịu áp lực trong công việc, những nhà báo nữ còn mang trên vai vô vàn trách nhiệm cũng như phải làm tròn những thiên chức của người phụ nữ. Để trở thành người đứng đầu cơ quan báo chí, các nữ Tổng biên tập lại càng phải nỗ lực nhiều hơn, để cân bằng dung hòa giữa công việc và gia đình.

Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại chương trình.

Phát biểu tại chương trình, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Phó cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho rằng các nữ nhà báo ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò và có tiếng nói trong đời sống báo chí hiện nay; đồng thời có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển không ngừng của nền báo chí nước nhà. Trong đó, các nữ Tổng biên tập là những hạt nhân chèo lái con thuyền cơ quan báo chí vững mạnh hơn, góp phần vào sự phát triển của báo chí Cách mạng Việt Nam.

Chia sẻ tại buổi giao lưu, Nhà báo Chu Thu Hằng, Tổng biên tập Báo Văn hóa (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) cho biết: “Cá nhân tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ là lãnh đạo của một cơ quan báo chí, thậm chí cũng không phấn đấu lên vị trí này trong suốt hơn 20 năm cầm bút. Nhưng khi được đặt vào vị trí của người lãnh đạo ở lĩnh vực mà ngay nam giới cũng cảm thấy khó khăn, áp lực, tôi đã phải rất cố gắng và nỗ lực… Tôi đã cố gắng từng bước một. Việc đầu tiên là tạo niềm tin, tiếp đó là truyền cảm hứng. Trong quá trình tự thay đổi bản thân để thích ứng với công việc mới, tôi đã nhận ra phụ nữ sở hữu những phẩm chất quý giá mà nếu biết phát huy sẽ tạo ra hiệu quả tốt trong công việc”.

Nhà báo Nguyễn Thục Hạnh, Tổng biên tập Báo Phụ nữ Việt Nam chia sẻ, trong thời điểm này, dù là nam hay nữ, tổng biên tập vẫn đang gặp thách thức nhiều hơn cơ hội, đặc biệt là với những tòa soạn tự chủ 100%. Ngoài đòi hỏi cập nhật liên tục các dòng thông tin, định vị cách xử lý và triển khai thông tin sao cho phù hợp với tôn chỉ, mục đích mà vẫn hấp dẫn bạn đọc, tổng biên tập còn gặp thách thức khốc liệt trong kỹ năng quản trị kinh doanh, quản trị con người.

Nhà báo Trần Thị Thu Hằng, Tổng biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô chia sẻ tại buổi giao lưu.

Bên cạnh đó, nhà báo Nguyễn Thục Hạnh còn cho rằng, làm báo ngày nay không chỉ là phản ánh, nhà báo còn trực tiếp sáng tạo nên các sản phẩm truyền thông mới mẻ, thu hút; trực tiếp làm thay đổi xã hội theo hướng tích cực và tốt đẹp hơn: “Ví dụ, để tổ chức chương trình “Mottainai, trao yêu thương – nhận hạnh phúc” mùa thứ 6 (quyên góp, đấu giá đồ đã qua sử dụng để hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi tai nạn giao thông), chúng tôi (Báo Phụ nữ Việt Nam – PV) cùng các đối tác Nhật Bản ngồi cùng lúc ở 4 nơi thuộc 3 quốc gia để thảo luận trực tuyến về kế hoạch thực hiện vào tháng 10 năm nay. Khi nghĩ đến nguồn lực, chúng tôi không bị trở ngại cách huy động từ Việt Nam hay Nhật Bản, hay phụ nữ Việt Nam ở nhiều nơi khác trên thế giới. Trở ngại duy nhất là làm sao cho chương trình thật thiết thực, hấp dẫn, mới lạ. Sau 6 năm, Mottainai đã trở thành hoạt động có tầm “xuyên quốc gia”, thu hút khoảng 200 nghìn người tham gia trực tiếp và đang tiếp tục lan tỏa thông điệp nhân ái trong cộng đồng”.

Trong xã hội hiện nay, ít nhiều vẫn còn tồn tại một số quan điểm bất bình đẳng với phụ nữ. Để trở thành nữ Tổng biên tập chèo lái con thuyền của một cơ quan báo chí trong thời đại hội nhập với sự cạnh tranh gay gắt, đòi hỏi các nhà báo nữ phải có niềm đam mê lớn lao, bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng. Nhà báo Nguyễn Thùy Dương, Tổng biên tập Tạp chí Thương gia chạnh lòng: “Nếu các anh làm việc muộn, chắc chắn sẽ nhận được từ người vợ của mình một ly nước cam hoặc một ly sinh tố. Nhưng nếu phụ nữ chúng tôi làm việc muộn, chắc không nhiều người nhận được sự quan tâm như vậy”.

Cùng với đó, buổi giao lưu cũng tập trung trao đổi, thảo luận vào các nội dung quan trọng khác như: Vai trò của nữ lãnh đạo trong xu thế toàn cầu hóa; những cơ hội và thách thức đối với các nữ lãnh đạo trong các cơ quan báo chí; một số đề xuất để tăng cường tiếng nói của phụ nữ trong các cơ quan báo chí…

Cũng tại buổi giao lưu, Ban tổ chức đã tiến hành trao quà cho thân nhân, gia đình các nữ nhà báo, liệt sĩ. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã có hơn 600 nhà báo - liệt sĩ hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, vì độc lập tự do của dân tộc, trong số đó có đến 66 nhà báo nữ đã ngã xuống. Trong cuộc giao lưu, Hội Nhà báo Việt Nam đã trao quà cho thân nhân, gia đình của 8 nữ nhà báo – liệt sĩ.  Việc tri ân các nữ nhà báo – liệt sĩ trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2018 thể hiện lòng biết ơn của thế hệ những người làm báo hôm nay. Ngay tại chương trình, Ban tổ chức cũng đã nhận được sự ủng hộ, đóng góp hỗ trợ của một số cơ quan báo chí, các cá nhân dành cho các nhà báo thương binh và thân nhân cá nhà báo liệt sĩ.
Vũ Cảnh

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文