Cần giải pháp lâu dài bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long

09:34 14/12/2015
5 năm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới cũng là chừng ấy năm Hoàng thành Thăng Long đối mặt với những khó khăn trong công tác bảo tồn.


Nhiều công việc đã được khẩn trương thực hiện, từ quy hoạch khu di sản, khảo cổ học, tìm ý tưởng phục dựng không gian điện Kính Thiên, lễ hội đèn Quảng Chiếu… song đó mới chỉ là những bước đi ban đầu. Công tác bảo tồn khu di sản Hoàng thành Thăng Long đang cần những kế hoạch và giải pháp lâu dài.

Các công trình kiến trúc cổ của di sản Hoàng thành Thăng Long còn lại đến ngày nay không nhiều, ngoại trừ Đoan Môn, Kỳ Đài, thềm điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Cửa Bắc. Một trong 8 cam kết của Chính phủ với Ủy ban Di sản thế giới về khu di sản Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khu vực trung tâm. Vì vậy, từ năm 2011 đến nay, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật trên diện tích hơn 2.500m2. Kết quả khai quật đã tìm thấy được hệ thống các di tích kiến trúc từ thời Lý (thế kỷ XI – XIII) đến thời Nguyễn (thế kỷ XIX – XX).

Thời Trần có nhiều kiến trúc quy mô, kích thước nhỏ được xây dựng vào nhiều giai đoạn. Đặc biệt, các nhà khoa học đã xác định được không gian trục trung tâm của Hoàng thành Thăng Long thời Lê sơ (thế kỷ XV – XVI) và Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII – XVIII). Qua các cuộc khảo cổ, các nhà khảo cổ còn phát hiện hàng nghìn di vật gạch ngói, gốm sứ, kim loại, trong đó có những di vật quý góp phần nghiên cứu lịch sử văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, kết quả khai quật cũng đặt ra một số vấn đề lớn cần phải tiếp tục nghiên cứu như: Dấu tích và quy mô đích thực của điện Kính Thiên, dấu tích của điện Càn Nguyên thời Lý, điện Thiên An thời Lý – Trần ở bên dưới điện Kính Thiên, dấu tích của sân Đan Trì…

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam khẳng định: “Hiển nhiên, tất cả đó mới chỉ là dự đoán và cần chờ đợi các kế hoạch nghiên cứu lâu dài, có tính chất “thế kỷ” ở khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Có như thế, chúng ta mới hy vọng hiểu thêm phần nào diện mạo kinh đô Thăng Long hoa lệ nghìn năm”.

Với một khu di sản mà nhiều giá trị quý còn ẩn chứa trong lòng đất, công tác bảo tồn, tôn tạo luôn đặt ra thách thức cho Hà Nội. Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội được coi là cơ sở để tu bổ, tôn tạo vùng lõi của di sản. Đến nay, quy hoạch này đang từng bước được triển khai với nhiều đề án khác nhau.

Cần nhiều giải pháp cụ thể để bảo vệ Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: TTXVN.

Từ năm 2011 đến nay, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội luôn coi trọng bảo tồn các di tích, di vật tại Hoàng thành Thăng Long. Đó là triển khai dự án bảo tồn đối với di tích cách mạng Hầm tác chiến, bảo tồn thường xuyên các di tích khảo cổ học trong khu vực di sản. Tại khu Khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, trên phạm vi các hố khảo cổ bảo tồn nguyên trạng, công tác bảo tồn tiến hành thường niên với các công việc chuyên môn như chống rêu mốc, tiêu thoát nước.

Đồng thời, Trung tâm tiến hành phân tích các điều kiện về môi trường, tính chất cơ lý, cơ hóa và thành phần hóa học nhằm xác định các phương pháp bảo tồn phù hợp với điều kiện tự nhiên và khí hậu tại khu vực. Đặc biệt, khu vực hố khảo cổ Đoan Môn được tiến hành bảo tồn thí điểm bằng phương pháp nano. Thời gian qua, trung tâm cũng nghiên cứu bảo tồn cấp thiết khai quật khảo cổ học khu vực “dòng sông cổ” để phục vụ khách tham quan, bảo tồn, phục chế nhiều di vật khảo cổ học phục vụ công tác trưng bày.

Song theo bà Nguyễn Thị Hương Thơm, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và bà Nguyễn Thị Hương Giang, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, với số lượng lớn di vật đã được đưa lên khỏi hố khai quật, gồm gạch ngói, chân tảng đá đã nhiều năm vẫn được lưu giữ tạm ngoài trời chưa có kho bảo quản. Những di vật này thường xuyên chịu tác động trực tiếp của môi trường tự nhiên, đã và đang tự xuống cấp nghiêm trọng.

Thống nhất quản lý khu di sản là một trong những nội dung Chính phủ cam kết với Ủy ban Di sản thế giới về khu di sản trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Tuy nhiên, đến thời điểm này, cam kết trên vẫn chưa thực hiện tốt. Cụ thể, diện tích khu di sản mà Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội chưa được bàn giao để thống nhất quản lý là 4,6ha trong tổng số 18,39ha diện tích đất di sản. Khu vực chưa được bàn giao gồm: Khu nhà khách Bộ Quốc phòng (Trạm T66 số 51 Phan Đình Phùng), khu biệt thự của gia đình bà Nguyễn Thị Phương và các con cháu. Một mặt, sau gần 13 năm khai quật tại khu Khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội chưa được tiếp nhận, bàn giao số lượng di vật và hồ sơ khoa học từ Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khiến công tác nghiên cứu, quản lý và bảo tồn giá trị di sản gặp nhiều khó khăn. Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng cho rằng: Những vướng mắc này dẫn tới nhận định, đánh giá không có lợi của UNESCO, có thể dẫn tới việc UNESCO cảnh báo đối với khu di sản Hoàng thành Thăng Long.

Hà Nội đã đưa ra nhiều chương trình hành động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long. Mặc dù còn nhiều thách thức nhưng chúng ta kỳ vọng khu di sản này sẽ được quan tâm một cách xứng đáng như Giáo sư Nobuo Kamei, Viện Nghiên cứu văn hóa quốc gia Tokyo, Nhật Bản từng chia sẻ: "Tôi rất mong khu di sản có giá trị lịch sử bậc nhất này được bảo tồn và khai thác tốt trong tương lai. Tôi hy vọng rằng một kế hoạch bảo tồn di sản này trong tất cả các hoàn cảnh sẽ được xây dựng và triển khai trên thực tế".

Đinh Thị Thuận

Sau hơn 6 giờ nỗ lực tìm kiếm, lực lượng chức năng cùng người dân đã phát hiện, vớt thành công thi thể của 2 mẹ con nhảy cầu tự tử vào trưa cùng ngày.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mới đây đã cáo buộc Panama tính phí quá cao khi sử dụng kênh đào Panama và cho biết nếu Panama không quản lý kênh đào theo cách chấp nhận được, ông sẽ yêu cầu đồng minh này của Mỹ giao lại kênh đào.

Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, nhiều loại vũ khí trang bị hiện đại của QĐND Việt Nam đã được trưng bày, nổi bật là vũ khí lục quân đã thu hút sự quan tâm của các đoàn khách quốc tế và đông đảo người dân.

Sáng 22/12, cầu thủ Văn Toàn đã được đưa đi kiểm tra y tế sau chấn thương gặp phải trong trận đấu với đội tuyển Myanmar. Kết quả kiểm tra cho thấy cầu thủ này có thể phải ngồi ngoài sân trong các trận đấu còn lại của ASEAN Cup 2024.

Sau 12 năm kể từ ngày được khởi công và 17 năm kể từ ngày dự án được phê duyệt, lúc 10h sáng ngày 22/12, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TP Hồ Chí Minh đã chính thức vận hành thương mại để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân…

Sau cơn lũ dữ, làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) đang dần hồi sinh với những đổi thay tích cực. Trong khung cảnh núi rừng xanh thẳm, tiếng cười nói hồn nhiên của trẻ thơ vang lên từ những điểm trường nhỏ, như khúc nhạc vui thổi bừng sức sống mới. Những mái trường giản dị nay trở thành nơi khơi dậy hy vọng, nơi ươm mầm tri thức cho thế hệ tương lai của làng Nủ – một biểu tượng cho sự kiên cường và tinh thần vượt khó của bà con nơi đây.

Thời tiết tại các tỉnh thành miền Bắc tiếp tục duy trì giá rét với nền nhiệt đêm và sáng sớm ở mức thấp 11-13 độ C, trong ngày tăng lên mức 18-22 độ. Một số nơi có thể có mưa bất chợt.

Quân đội Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu có liên quan đến phiến quân Houthi tại thủ đô Sanaa của Yemen, bao gồm một cơ sở lưu trữ tên lửa và một địa điểm "chỉ huy và kiểm soát".

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文