“Chiến trường đặc biệt” của các chiến sĩ cách mạng kiên trung trong kháng chiến

11:34 13/07/2020
Hàng loạt địa chỉ khét tiếng, được mệnh danh là “địa ngục trần gian” của những chiến sĩ cộng sản kiên trung trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước sẽ được “tái hiện” trong trưng bày chuyên đề “Lời tri ân”. Đây là hoạt động do Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Quốc gia Côn Đảo thực hiện nhân dịp kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2020), phục vụ du khách tại Di tích Quốc gia Côn Đảo từ ngày 17/7.

Trưng bày chuyên đề bao gồm 2 nội dung chính. Phần thứ nhất có chủ đề “Trọn một lời thề” là những câu chuyện tại một “chiến trường đặc biệt” – hệ thống ngục tù của thực dân, đế quốc. Những nơi này không rền vang tiếng súng nhưng đã cướp đi một phần thân thể và sinh mạng của biết bao người con ưu tú của dân tộc từ những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước. 

Nhà tù Hỏa Lò - ảnh tư liệu

Tại triển lãm, khách tham quan được hiểu về hệ thống nhà tù nhiều hơn trường học dưới bộ máy cai trị của chính quyền thực dân, đế quốc và những chế độ giam cầm hà khắc mà mỗi chiến sỹ yêu nước, cách mạng đã kiên cường vượt qua. Đó là nhà tù Hỏa Lò - Địa ngục trần gian giữa lòng Hà Nội. 

Nơi đây, cuộc sống của các chiến sỹ yêu nước, cách mạng là một cuộc đấu tranh sinh tồn chống lại chế độ lao tù hà khắc. Từ gáo nước, khẩu phần ăn hằng ngày, việc phát thêm chiếu, chăn chống rét… đều phải trải qua những cuộc đấu tranh quyết liệt. 

Nhà tù Sơn La – nơi khắc vào tâm khảm của bao thế hệ người Việt bởi chế độ lao tù khắc nghiệt giữa chốn “rừng thiêng nước độc” với những căn phòng tối bằng gạch và đá kiên cố, hệ thống xà lim ngầm sâu dưới lòng đất 3m. Khi cánh cửa gỗ đóng lại thì mỗi xà lim cá nhân biến thành một hộp kín, tù nhân phải nằm co và khó phân biệt thời gian ngày và đêm. Khu xà lim biệt giam đã từng giam các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu, Tô Hiệu…

Hình ảnh các chiến sĩ cách mạng kiên trung sống, chiến đấu trong ngục thất sẽ được tái hiện trong trưng bày "Lời tri ân"

 Khám Lớn Sài Gòn – “vùng đất dữ” với các khu biệt giam, xà lim án chém, phòng để máy chém và khu hành quyết tù nhân. Đây là khám đường lớn nhất Nam Kỳ lục tỉnh, một trong những “biểu tượng” cho bộ máy thống trị của thực dân Pháp ở Nam kỳ. Trưng bày sẽ đưa người xem khám phá hệ thống nhà tù Côn Đảo – chốn “địa ngục trần gian” cách xa đất liền, nơi những chiến sỹ cộng sản phải đương đầu với bộ máy khủng bố tinh vi và tàn bạo, tù nhân bị bỏ đói, bỏ khát trong các Chuồng cọp...

 Nhiều “địa chỉ” khét tiếng một thời như nhà tù Phú Quốc, nhà lao Tân Hiệp, Khám Chí Hòa…cũng được giới thiệu rộng rãi đến công chúng. Dịp này, Ban tổ chức còn trích, trưng bày nhiều câu nói, lời nhắn đầy tâm huyết của các chiến sỹ cách mạng trước khi ra pháp trường như đồng chí: Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Hoàng Văn Thụ, Võ Văn Tần… 

Nhà truyền thống tại Côn Đảo là nơi các đoàn khách, đặc biệt là các cựu tù năm xưa ghé thăm khi đặt chân đến Côn Đảo

Một phần diện tích của trưng bày “kể” về các cuộc vượt ngục nổi tiếng trong lịch sử. Có cuộc thành công, có cuộc thất bại, bị bắt trở lại, bị dông bão, sóng biển nhấn chìm hay làm mồi cho thú dữ nơi rừng sâu nước độc. Nổi bật trong đó có cuộc vượt ngục ngày 12/12/1952 của 198 tù nhân Côn Đảo. Sóng to, gió dữ đã đánh chìm những chiếc thuyền thô sơ do tù nhân tự tạo. Phát hiện tù nhân vượt ngục, kẻ địch truy đuổi gắt gao. 81 chiến sỹ hy sinh, 117 chiến sỹ bị bắt lại…

Trưng bày "Lời tri ân" sẽ giúp du khách hiểu hơn về các "địa ngục trần gian" năm nào

Phần nội dung trưng bày thứ hai chủ đề “Lời tri ân” là những câu chuyện nhiều day dứt thời hậu chiến. Trong đó, hình ảnh hàng ngàn ngôi mộ không tên ở Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9, Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên, Nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên Phủ… sẽ mãi mãi là những chứng tích lịch sử không thể lãng quên của một thời hoa lửa. Đền, đài, bia tưởng niệm và nghĩa trang liệt sỹ trở thành những địa danh lịch sử, giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho các thế hệ…

Mỗi tư liệu, hiện vật, hình ảnh được thể hiện trong trưng bày chuyên đề “Lời tri ân” sẽ giúp khách tham quan hiểu hơn về những “địa ngục trần gian”, sự hy sinh cao cả của những người con ưu tú đã ngã xuống vì độc lập, tự do cho dân tộc. Hiểu để trân trọng và tự hào, để ý thức sâu sắc hơn: hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc hôm nay phải đổi bằng thanh xuân, xương máu của bao lớp cha anh đi trước; để thế hệ trẻ hôm nay nỗ lực hơn, nhiệt huyết hơn công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước.


N.Hoa

Sáng 3/4, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) Tối cao đã tống đạt quyết định khởi tố và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Lê Thị Phi Khanh, kế toán nghiệp vụ thi hành án thuộc Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP Huế để điều tra tội “Tham ô tài sản” theo Khoản 4, Điều 353 Bộ Luật Hình sự.

Cư dân sống tại khu vực tầng áp với với sân thượng của chung cư Khang Gia ngửi thấy mùi hôi thối bốc lên nồng nặc nhưng tìm mãi không thấy. Cho đến khi lên đến sân thượng, mọi người mới hoảng hốt phát hiện một thi thể đã phân hủy nhiều ngày…

Kể từ năm 2025, các trường đại học (ĐH) phải quy đổi điểm tương đương giữa các phương thức xét tuyển về thang chung. Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu quy tắc quy đổi tương đương phải đơn giản, dễ hiểu, thuận lợi cho việc áp dụng, đồng thời việc quy đổi phải có căn cứ khoa học và thực tiễn.

Từ đầu tháng 3 đến nay, tại sân bay quân sự Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), các phi công lái máy bay trực thăng Mi-8 và Mi-17, Yak-130 và Su-30MK2 đang tích cực luyện tập chuẩn bị cho màn trình diễn đặc biệt trong buổi lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) tại TP Hồ Chí Minh.

Hà Nội là một trong những đô thị đầu tiên áp dụng camera tích hợp AI giám sát, xử phạt hành vi đổ rác không đúng giờ, không đúng nơi quy định. Sau một tháng thực hiện dùng camera giám sát hành vi đổ rác không đúng nơi quy định tại 4 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, người dân đã có biến chuyển ý thức bước đầu. 

Sau 1 tháng tiếp nhận nhiệm vụ mới, với sự nỗ lực học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tận tâm trong công việc, các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Phòng Hồ sơ nghiệp vụ Công an TP Huế đã bắt nhịp và thực hiện tốt công tác giải quyết hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp (LLTP). Nhiều người dân sau khi được tận tình hướng dẫn làm thủ tục đã viết những lá thư cảm ơn gửi đến Phòng Hồ sơ nghiệp vụ Công an TP Huế.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.