Cho phép khai quật khảo cổ 150m2 tại Di chỉ Vườn Chuối
- Bảo vệ khẩn cấp 19.000m2 khu vực khảo cổ di chỉ Vườn Chuối
- Hãy cứu di chỉ Vườn Chuối sắp bị “xóa sổ”
- Đề xuất 3 phương án bảo tồn, phát huy giá trị di chỉ Vườn Chuối
Cụ thể, tại quyết định số 825/QĐ-BVHTTDL, Bộ cho phép Ban Quản lý di tích, danh thắng Hà Nội phối hợp Viện Khảo cổ tiếp tục khai quật khảo cổ tại khu di chỉ gò Vườn Chuối, thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội từ ngày 20/3 đến ngày 15/5.Diện tích khai quật là 150m2, do PGS.TS Bùi Văn Liêm, Viện Khảo cổ học thực hiện.
Trong thời gian khai quật, các cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích; có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hoá ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa.
Di chỉ Vườn Chuối trong 1 đợt khai quật |
Những hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật phải được tạm nhập vào Bảo tàng Hà Nội để giữ gìn, bảo quản. Bảo tàng Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và báo cáo Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật này.
Sau khi kết thúc đợt khai quật, chậm nhất ba tháng, Ban Quản lý di tích Danh thắng Hà Nội và Viện Khảo cổ học phải có báo cáo sơ bộ và sau một năm phải có báo cáo khoa học gửi về Cục Di sản văn hóa. Khi công bố kết quả của đợt khai quật, các cơ quan được cấp giấy phép cần trao đổi, thống nhất với Cục Di sản văn hóa. Bộ cũng yêu cầu Cục Di sản văn hóa có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra đợt khai quật này đúng với nội dung của quyết định nêu trên.
Di chỉ Vườn Chuối là một cụm di chỉ cư trú kết hợp mộ táng. Trong đó, di chỉ gò Vườn Chuối phân bổ trên diện tích 12.000m2, gò Dền Rắn phân bổ trên diện tích 3.000m2, gò Mỏ Phượng có diện tích khoảng 2.000 m2.
Sau nhiều đợt khai quật khảo cổ, tại đây đã phát hiện rất nhiều hiện vật góp phần làm rõ hơn giá trị lịch sử văn hóa thời Tiền Sơ sử ở khu vực thành phố Hà Nội và không gian cư trú và lan tỏa của cư dân giai đoạn Tiền Đông Sơn - Đông Sơn trên đất Hoài Đức, Hà Nội ở buổi bình minh lịch sử.
Hiện nay, di chỉ Vườn Chuối nằm trong Dự án khu đô thị mới Kim Chung – Di Trạch của TP Hà Nội. Phía Tây của gò Vườn Chuối nằm trong phạm vi mở đường quy hoạch Vành đai 3.5 của thành phố. Để bảo vệ và phát huy giá trị khu di chỉ, cuối năm 2019, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã kiến nghị UBND thành phố Hà Nội bảo tồn 6.000m2 nửa phía Đông di chỉ, tiến hành khai quật nghiên cứu 6.000m2 nửa phía Tây di chỉ Vườn Chuối…