Còn lãng phí “kho” phim tài liệu, hoạt hình?!

11:16 22/11/2019
Được sản xuất với số lượng áp đảo và gần như chỉ sử dụng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước nhưng các “kho” phim tài liệu, hoạt hình vẫn như khối di sản đồ sộ chưa được khai thác và phát huy giá trị trong đời sống xã hội.

Theo danh sách công bố của Ban tổ chức Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXI năm 2019 (dự kiến sẽ diễn ra tại Bà Rịa – Vũng Tàu từ ngày  23 đến 27-11), trong tổng số 74 tác phẩm dự thi thì có đến 29 phim tài liệu và 20 phim hoạt hình. Trong đó, nhiều tác phẩm đã được các ê kíp sản xuất dồn nhiều tâm sức trong một khoảng thời gian dài. Không có phim nào do các nhà sản xuất tư nhân đầu tư để thực hiện.

Nhưng, cũng giống như số phận chung của hầu hết phim hoạt hình, phim tài liệu Việt, các tác phẩm này vẫn khá xa lạ với số đông công chúng. Thậm chí, nếu muốn quan tâm, tìm hiểu về phim cũng khó và không phải phim nào cũng được thông tin rộng rãi.

Thực tế, không chỉ với Liên hoan Phim Việt Nam lần này, số lượng phim tài liệu, phim hoạt hình tham gia dự thi mới chiếm số lượng áp đảo. Với nhiều mùa Liên hoan trước và nhiều kỳ cuộc liên hoan khác về điện ảnh, truyền hình, đây cũng là thể loại thường có số lượng phim dự thi vượt trội, dù rằng, không nhiều phim có nhiều thông tin và được nhiều người biết đến.

Theo thông tin từ Cục Điện ảnh, nếu chưa tính phim của các cơ sở sản xuất thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an… và các Đài truyền hình trên cả nước, hàng năm, thông qua Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nhà nước đầu tư sản xuất hơn 20 phim tài liệu, phim khoa học. Phim hoạt hình hàng năm cũng được Chính phủ đầu tư sản xuất hơn 20 phim.

Theo thời gian, đến nay, tổng số phim sản xuất không hề nhỏ. Dù được nhiều đơn vị, hãng phim khác nhau sản xuất nhưng hầu hết các phim này đều có chung “số phận” là ít được số đông công chúng quan tâm. Nếu thể loại phim hoạt hình từng là món ăn tinh thần quen thuộc, được chờ đợi một thời qua các khung giờ phát sóng buổi tối quen thuộc trên truyền hình nhiều chục năm trước, thì đến nay, gần như các bộ phim hoạt hình mới lại gần như “mất hút” trước vô số sản phẩm giải trí khác.

Với phim tài liệu, vài năm gần đây, một số phim hiếm hoi, là công trình tâm huyết của một số nhóm, nhà làm sản xuất phim độc lập thực hiện bằng nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước từng được phát hành ngoài hệ thống rạp chiếu: “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, Lửa Thiện Nhân”… Các phim này đều tạo được sự quan tâm nhất định nhưng vẫn chỉ là hiện tượng nhất thời.

Với các phim tài liệu do có nguồn vốn sản xuất từ ngân sách Nhà nước, tác phẩm “Chuyện ngày hôm qua”, phim tài liệu về ban nhạc Bức Tường là một trong số trường hợp hiếm hoi được nỗ lực đưa ra công chiếu tại rạp. Như chia sẻ của Phó Giám đốc Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương Trịnh Quang Tùng – đơn vị sản xuất “Chuyện ngày hôm qua” thì đây chỉ là bước thử nghiệm trong đưa phim tài liệu ra rạp. Nhưng, đến nay, hoạt động này vẫn chỉ “giẫm chân tại chỗ”. Kho phim tài liệu với hơn 2.000 phim của Hãng vẫn chưa có cơ hội phổ biến rộng rãi hơn, mang lại hiệu quả nhất định nào đó về mặt doanh thu.

Poster phim tài liệu “Đường về” – một trong số tác phẩm được VTV đầu tư sản xuất, dự thi Liên hoan Phim Việt Nam năm 2019.

Về vấn đề này, ông Trần Hoài Sơn, Cục Điện ảnh cho rằng, ở Việt Nam, đã từng có thời gian phim tài liệu, phim hoạt hình được chiếu ở rạp, trước phim truyện. Ngày nay, hoạt động này không còn phù hợp. Hình thức giải trí bằng việc xem phim tài liệu rất gần gũi với hình thức giải trí bằng đọc sách. Khán giả đến với phim tài liệu bởi nhu cầu hiểu rõ hơn, sâu hơn về một vấn đề hoặc sự kiện nào đó trong khoảng thời gian rảnh rỗi của một ngày.

Vì lý do này, nhiều kênh truyền hình như Discovery, National Geographic hoặc các website như pbs.org, snagfilms.com trở thành những địa chỉ quen thuộc cho khán giả yêu thích phim tài liệu khắp thế giới. Với phim hoạt hình, theo Statista.com, thị trường phim hoạt hình thế giới năm 2018 có giá trị khoảng 29 tỷ USD và sẽ tăng lên khoảng 270 tỷ USD vào năm 2020. Trong danh sách 20 phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại, phim hoạt hình đóng góp 6 phim, trong đó có Avatar, Minion, Frozen, The Lion King…

Với Việt Nam, mặc dù các Đài truyền hình đều sản xuất một lượng phim tài liệu lớn hàng năm nhưng đầu ra chính là các kênh của họ. Thực tế, kinh phí đầu tư cho một bộ phim tài liệu có độ dài 30 phút do Nhà nước đặt hàng lớn hơn nhiều so với đầu tư của các Đài Truyền hình nhưng chưa chú trọng tới đầu ra cho sản phẩm. Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương có kênh Youtube riêng của đơn vị để quảng bá phim của Hãng nhưng chưa phải là một kế hoạch phát triển bền vững. Phim hoạt hình cũng tương tự.

Với khoảng 20 chỉ tiêu phim hoạt hình/năm, mỗi chỉ tiêu tương đương với 1 tập phim, có độ dài 10 phút, thị trường phim hoạt hình Việt Nam còn quá bé nhỏ. Nếu đưa ra rạp lại càng khó vì phim phát hành ngoài rạp cần có độ dài từ 90 phút trở lên, cần được đầu tư như một dự án phim điện ảnh thực thụ.

Chưa kể, phần lớn phim hoạt hình do Nhà nước đặt hàng là những câu chuyện nhỏ, phim dài tập không nhiều, trong khi truyền hình thế giới hiện nay có những phim hoạt hình dài hàng trăm tập. Phim hoạt hình Việt chưa xây dựng được nhân vật hấp dẫn nên phần lớn phim hoạt hình chiếu trên truyền hình, internet ở Việt Nam là của nước ngoài.

N.Hoa

Ngày 12/7, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã kết luận điều tra đề nghị truy tố đối với các bị can: Huỳnh Thế Năng (SN 1959, cựu Tổng giám đốc Vinafood II), Đinh Trường Chinh (SN 1974, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển và kinh doanh nhà) và Nguyễn Thọ Trí (SN 1961, cựu Phó Tổng giám đốc Vinafood II) về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Ngày 10/7, trên trang Facebook "Tin Nóng Việt Nam" đăng tải 1 video clip có lời bình tiêu đề "Chấn động: CSGT dừng xe tang giữa đường, bé gái bất ngờ chui ra từ quan tài" xảy ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Ngay sau khi xuất hiện, video clip này đã lan truyền trên mạng xã hội với nhiều lượt chia sẻ, bình luận, gây tâm lý hoang mang trong quần chúng nhân dân...

Ngày 12/7, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, tình hình dịch sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn đang ở mức báo động. Tính tích lũy trong 27 tuần đầu năm 2025, thành phố ghi nhận 14.370 ca bệnh, tăng đột biến 153,3% so với cùng kỳ năm 2024 (8,696 ca).  

Theo các quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mạng lưới đường sắt đô thị (ĐSĐT) của TP Hồ Chí Minh sau sáp nhập sẽ có chiều dài lên đến 1.012 km. Trong đó, địa bàn thành phố trước khi sáp nhập có 12 tuyến, tổng chiều dài khoảng 582km; tỉnh Bình Dương trước sáp nhập có 12 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài 305km và trong số này có 6 tuyến kết nối với TP Hồ Chí Minh. Riêng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trước sáp nhập có 3 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài 125km.

Nhiều ngày qua, tiết trời nắng nóng như trút lửa xuống dải đất miền Trung. Trong cái nắng nóng oi ả giữa trưa hè tháng 7, những CBCS Công an tỉnh Thanh Hóa vẫn căng mình “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để vận động, đưa đón những thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính đến các điểm thu nhận mẫu ADN…

Những khu dân cư hiện hữu với đường hẻm nhỏ hẹp ở khu vực nội thành TP Hồ Chí Minh là do lịch sử để lại, nếu muốn cải tạo, chỉnh trang đòi hỏi phải có nhiều thời gian, công sức. Vì vậy công tác phòng cháy hiệu quả nhất vẫn là ý thức của mỗi hộ gia đình, phải biết cứu lấy sinh mạng, tài sản của mình trước vì “giặc lửa” cũng như cơn cuồng phong, chỉ trong chớp mắt đã cuốn phăng tất cả nên không thể chủ quan chờ lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp.

Dẫu nắng hay mưa, dẫu ngày hay đêm, khó khăn vất vả, 2.233 tổ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Sơn La thời gian qua vẫn luôn cần mẫn, năng nổ, nhiệt tình cùng lực lượng Công an cơ sở hàng ngày góp sức mình giữ gìn an ninh trật tự tại địa bàn, vì sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.