Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: “Trưởng thôn” đi tìm Kiều

06:48 08/10/2017
2 năm trở lại đây, đạo diễn Lưu Trọng Ninh đang dồn tâm sức, vật lực gầy dựng Làng Vượt. Anh tự nhận mình là trưởng thôn của làng. Tuy nhiên, ngày 6-10, trưởng thôn làng Vượt tạm xuống núi để công bố dự án phim đã thực hiện từ 4 năm trước – phần 3 của phim truyền hình ăn khách một thời “Hoa cỏ may”. Anh cũng tiết lộ một thông tin rất đặc biệt: dự án phim truyền hình chuyển thể từ Truyện Kiều.

Phóng viên: Phim “Hoa cỏ may” phần 3 quay từ năm 2013, vì sao đến 4 năm bộ phim mới lên sóng?

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Tôi làm phim này rất ngẫu nhiên. Trong 1 lần ngồi với Hải Anh trong 1 quán cà phê, 2 anh em nói sao không làm tiếp phần 3 của “Hoa cỏ may”. Thế là bắt tay vào làm, không có kế hoạch nào trước cả. Vì ra đời hoàn toàn ngẫu nhiên như thế nên chúng tôi cứ làm mà không quan tâm chiếu ở đâu. Một lý do chậm chiếu phim khác nữa là do tôi bị bệnh.

Phóng viên: “Hoa cỏ may” ghi dấu ấn là phim rất lãng mạn nhưng phần 3 là chủ đề “Giông bão”. Anh có sợ đi ngược lại với tiêu chí cũ sẽ khiến khán giả không thích nữa?

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Trong phần 1 của “Hoa cỏ may” là tuổi thơ bình yên của các bạn trẻ, phần 2 là sự trưởng thành của họ nhưng sau đó kẻ vào tù, người ra nước ngoài. Phần 3 là những kẻ cô đơn đến tận cùng. Người ngược dòng từ Sài Gòn ra Hà Nội để tìm lại chính mình. Người mắc bệnh ung thư, kẻ thất bại. Câu chuyện này không thoát khỏi phần 1, phần 2 là sự lãng mạn. Ở phần 3, tôi vẫn mang đến cho mọi người cảm xúc về tình yêu, những vẻ đẹp của con người một cách lãng mạn. Chỉ có điều sự lãng mạn này không nằm trong khoảng trời bình yên mà là nằm trong tâm bão.

Tôi quan niệm, sự lãng mạn trong tâm bão mới là lãng mạn ghê gớm nhất. Khi thoát ra khỏi dáng vẻ mềm mại, ở giữa tâm bão mà vẫn tồn tại những ước mơ đẹp thì đấy mới là lãng mạn thật sự. Đến tuổi này của tôi, sự lãng mạn ấy vẫn chưa hề mất đi. Bão càng mạnh thì sự lãng mạn càng lớn.

Phóng viên: Nếu phim thu hút khán giả, anh có tiếp tục làm phần 4 hay một dự án điện ảnh nào đặc biệt khác không?

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Tôi đang chuẩn bị cho một dự án phim rất lớn, chuyển thể từ Truyện Kiều của Nguyễn Du. Kịch bản do tôi viết. Phim chưa được đưa vào sản xuất nhưng đã được chuẩn bị trong 8 tháng nay. Đây là một câu chuyện của thời trước nhưng chúng ta không thể lấy nguyên câu chuyện như trong Truyện Kiều rồi “bê” vào thời nay.

Phóng viên: Anh đã tìm được nhà đầu tư chưa? Anh có nghĩ đây sẽ là “một bom tấn truyền hình”?

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Tôi đã có nhà đầu tư rồi. Dự kiến phim ra mắt vào cuối năm 2018. Tôi không quan niệm phim bom tấn hay không bom tấn nhưng nó là ước mơ và chắc chắn sẽ đầu tư tất cả trí lực.

Phóng viên: Đầu tư vào phim cổ trang đòi hỏi rất nhiều, kể cả tiềm lực kinh tế. Khi làm dự án như thế này anh có phải tính toán như thế nào cho hợp lý?

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Phải tính toán chứ. Nếu mình làm nhiều quá thì làm sao thu hồi vốn? Nhưng mình sẽ phải có cách làm của mình làm sao cho nó phù hợp, vẫn mãn nhãn người xem, bảo đảm giản dị, tiết kiệm.

Phóng viên: Với Kiều thì khó làm giản dị được?

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Vẫn làm được. Mình đừng đi vào chuyện cung đình. Đi vào chuyện đời thường thôi. Thực ra câu chuyện của Kiều là chuyện của hàng huyện chứ có phải hàng tỉnh hay câu chuyện của kinh thành. Bối cảnh cũng là các làng quê, kể cả là lầu xanh cũng không cầu kỳ lắm.

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh.

Phóng viên: Anh đã tìm được diễn viên nào cho vai Kiều và phim có sự đặc biệt như thế nào?

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Tôi tìm được thì dự án đã triển khai rồi. Tôi đã cho người đi các làng quê để tìm diễn viên. Phim này không có không gian cụ thể, cũng không khẳng định  nó thuộc quốc gia nào, không thuộc đời nào, để người ta khỏi phán đoán rất bất tiện như phim này quay ở Trung Quốc hay ở Việt Nam, phim này của Việt Nam vì sao có những điểm giống của Trung Quốc…

Để thực hiện bộ phim này tôi đã 3 lần ngồi cùng với ông Trần Bình Minh (Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam). Bên ban biên tập muốn tôi làm phim gần với “Đoạn trường tân thanh”, nếu không thì các nhà sử học sẽ “ném đá”. Tôi nói vui là có khi câu chuyện của tôi lại khởi đầu từ cuộc chiến với các nhà sử học.

Tôi nghĩ nếu để thỏa mãn các nhà sử học thì bộ phim này không nên làm vì không bao giờ mình có thể vươn tới tầm của câu chuyện. Mình phải đi tìm một lối thoát khác. Khi nghe làm phim về Truyện Kiều chắc chắn người ta sẽ có suy nghĩ xem mình làm ăn như thế nào, cô Kiều ra sao? Đây là một sự thách đố.

Phóng viên: Anh có ngại không khi Kiều đã chuyển tải lên sân khấu nhưng không thành công?

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Phải nói thẳng với nhau là chúng ta đang có một nền điện ảnh âm tính. Một tác phẩm như thế mà mấy chục năm mới một người có ý định làm. Nếu thế giới có Kiều, chắc chắn họ đã có mười mấy phim Kiều rồi. Mỗi đạo diễn có một cách làm khác nhau. Đừng bao giờ nghĩ rằng tôi làm Kiều là tôi đang đại diện cho dân tộc này.

Tôi chỉ là một cá nhân Lưu Trọng Ninh, làm phim có thể thất bại, có thể thành công. Đừng khoác lên vai những người đạo diễn trách nhiệm to lớn quá. Tôi làm phim vì thấy hứng thú. Các bạn cứ “ném đá” nếu các bạn xem phim không thấy thích. Biết đâu sau đấy tôi sẽ làm hay hơn? Tôi nghĩ sân khấu khó làm hơn điện ảnh vì chỉ gói gọn trong không gian nhất định. Thực ra phim lịch sử cũng phải nói chuyện hôm nay.

Một tác phẩm điện ảnh không dính đến ngày hôm nay thì không ai xem và mình phải thay đổi quan điểm đi. Anh không thể mô tả thái độ lịch sử của hàng trăm năm trước vì có thể ngày xưa cho là đúng còn bây giờ sẽ cho là vớ vẩn. Kim Trọng cũng phải mạnh mẽ hơn, không thể đến thấy người mình muốn lấy làm vợ biến mất thì cưới cô em.

Xưa nay các bạn vẫn quan niệm Sở Khanh là người xấu nhưng trong phim sẽ không phải như vậy. Sở Khanh hay Mã Giám Sinh phải rất đẹp thì Kiều mới yêu. Nhưng đến một điểm cuối cùng thì họ bỏ chạy. Chứ Kiều tài sắc như thế làm sao mà lừa được.

Còn Thúy Vân không tài sắc lắm mà lấy Kim Trọng, ăn nằm với nhau có đến 3 mặt con rồi Kiều trở về lại đoàn tụ với Kim Trọng thì không ổn. Kể câu chuyện như thế với khán giả bây giờ, đặc biệt là các bạn trẻ, họ sẽ cười cho.

Phóng viên: Cái anh giữ lại gốc văn bản của Truyện Kiều là gì?

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Đấy là văn chương của cụ Nguyễn Du, là nỗi đau đời nhưng vẫn phải có những yếu tố hài hước chứ không chỉ toàn nước mắt.

Phóng viên: Trang phục cho phim cổ trang hiện nay đang là một vấn đề gây tranh cãi. Anh ứng xử như thế nào với phim này?

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Trang phục trong phim cổ trang của chúng ta “đang rất Tuồng”, nó lóng lánh kim tuyến, cầu kỳ. Trang phục trong phim Kiều giản dị hơn, ít đường khâu thôi, không theo thời gian, không gian nào cả..

Phóng viên: Tác phẩm của Nguyễn Du đầy chất thơ, họa, anh có nghĩ sẽ khó chuyển tải lên phim?

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Thực ra hội họa trong Truyện Kiều là cảm xúc. Ngôn ngữ của điện ảnh có thể diễn đạt rất thuận lợi, không như sân khấu. Khi dẫn dắt đến khung hình là dẫn dắt đến tâm lý, số phận của nhân vật. Chất thơ trong điện ảnh có thể rất nhẹ nhàng. Ví dụ nhiệm vụ của chúng tôi là quay cảnh một cô gái và một ông già trong bệnh viện. Làm sao để lột tả nỗi cô đơn của ông già?

Tất cả các đạo diễn đều quay xung quanh cô gái có rất nhiều người thăm, nhận nào hoa, nào quà. Ông già nằm một mình thấy thương. Nhưng sẽ rất đẹp nếu trong những người đến thăm cô gái có bé con 3 tuổi không biết gì nỗi cô đơn nhưng nó lẫm chẫm lấy quả táo sang đặt cạnh má ông già và người ta thấy trên má ông là một giọt nước mắt. Người ta thấy nỗi cô đơn ấy chính là một bài thơ. Nó đẹp. Chúng ta cảm nhận sự cô đơn đến tận cùng bằng giọt nước mắt. Kiều cũng thế.

Phóng viên: Anh nói anh làm trưởng thôn? Làng này ở đâu? Anh có định đưa Kiều về làng không?

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Tôi sắp xuống núi rồi. Tôi không muốn mọi người đến thăm nên không nói. Làng cách Hà Nội 70km. Làng rộng khoảng 20ha trong một cái hồ 80ha, bao bọc bởi những dãy núi. Hàng ngày tôi ngồi thiền ở đây. Hiện nay làng có khoảng 20 nóc nhà và tôi vẫn đang đi tuyển dân. Tôi muốn dân phải đáp ứng được các tiêu chí khắt khe của làng: không hóa chất, đánh răng không bằng kem đánh răng thông thường, không nilon, không chửi bậy, không đánh nhau. Tôi đã tuyển một số người nhưng đuổi ra đi cũng nhiều. Những người đáp ứng được tiêu chí của tôi cực kỳ khó.

Phóng viên: Anh sống trong làng cùng ai?

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Họ là nông dân và một số người muốn trốn tránh cuộc sống hiện đại. Tôi cho mỗi người 1 cái nhà, 5.000m đất và hỗ trợ họ sinh sống trong 6 tháng đầu. Tôi hỗ trợ họ bán sản phẩm. Nếu các bạn muốn ăn rau tuyệt sạch thì gọi cho tôi.

Phóng viên: Làng của anh tên là gì?Vì sao anh lập làng và việc này có bị gia đình phản đối không?

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Làng tên là Vượt. Với điện ảnh, tôi nghĩ mình không đóng góp được gì nhiều nên muốn đóng góp cho xã hội bằng hình thức này. Tôi muốn tạo đường rút cho mình và muốn về đấy sinh sống.

Phóng viên: Xin cảm ơn đạo diễn.

Hoa Nguyễn

Để xử lý dứt điểm hơn 300 dự án, công trình chậm tiến độ kéo dài, tỉnh Hà Tĩnh sẽ kiên quyết thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, chậm trễ và không đáp ứng yêu cầu công việc được giao trong giải quyết các vấn đề liên quan.

Liên quan đến vụ huy động hơn 3.700 tỷ đồng và mất khả năng thanh toán xảy ra tại Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư GFDI, chiều nay (18/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Quang Hoàng (SN 1988, Tổng Giám đốc), và Trần Thị Mỹ Hạnh (SN 1992, Trưởng phòng ngân quỹ công ty) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Dù liên tục lao dốc trong 2 tuần qua, nhưng vàng vẫn chưa từng đánh mất sức hấp dẫn của mình. Mỗi khi giá kim loại quý tăng hoặc giảm mạnh, thị trường đều "dậy sóng", người người nhà nhà nhộn nhịp giao dịch. Cơ quan điều hành khẳng định sẽ đưa ra các giải pháp khiến vàng không trở thành mặt hàng hấp dẫn để đầu cơ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文