Điều chỉnh xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT nhưng vẫn còn nhiều “điểm nghẽn”

17:53 25/06/2020
Liên tục vướng mắc trong quá trình triển khai xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xét tặng các danh hiệu nói trên. Tuy nhiên, trong buổi lấy ý kiến ngày 25-6 tại Hà Nội, các nghệ sĩ, nhà quản lý, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật chỉ ra nhiều điểm bất cập mà nếu không kịp điều chỉnh thì hoạt động xét tặng danh hiệu cho nghệ sĩ sẽ còn tiếp tục vướng mắc.

Đại diện Nhà hát CAND góp ý về dự thảo Nghị định, Trung tá Phạm Quốc Việt bày tỏ băn khoăn: Ban soạn thảo điều chỉnh giảm mức quy đổi giải thưởng Huy chương Vàng, Giải Nhất, Giải A, Giải Xuất sắc, Cúp Vàng tại Liên hoan, Hội diễn, Cuộc thi về nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp toàn ngành của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an từ 2/3 xuống còn 1/2 Huy chương Vàng Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc.

Trong khi đó, Liên hoan do Bộ Công an tổ chức như Liên hoan nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về hình tượng người chiến sĩ CAND có quy mô lớn,  thu hút đông đảo các đơn vị sân khấu chuyên nghiệp cả nước tham gia, mức giải thưởng cao. Liên hoan do Bộ Công an phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức, cũng có quy mô toàn quốc, dành cho hoạt động biểu diễn chuyên nghiệp, không còn là hoạt động mang tính chất nội bộ của lực lượng. 

NSND, NSƯT là danh hiệu cao quý của Nhà nước dành cho các nghệ sĩ .

Bản soạn thảo bỏ việc quy đổi giải thưởng đối với các thành phần như “Chỉ đạo nghệ thuật”, “Người làm âm nhạc, âm thanh trong sân khấu” nhưng không nêu lý do và cũng chưa sửa nội dung này ở Điểm d Khoản 2 Điều 2 và Điểm c Khoản 2 Điều 2 của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP nên thiếu thống nhất trong nội dung một văn bản. 

Quy định về thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp được tính từ thời điểm cá nhân tốt nghiệp một trường nghệ thuật chuyên nghiệp hoặc thời điểm cá nhân được ký hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động tại một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp đến thời điểm xét hồ sơ tặng danh hiệu NSND, NSƯT tại Hội đồng cấp cơ sở cần quy định chi tiết hơn để tránh việc ban hành Nghị định lại cần đợi Thông tư hoặc các văn bản khác hướng dẫn. 

Ví dụ như Nhà hát CAND thuộc Bộ Công an, người làm nghệ thuật chuyên nghiệp không chỉ có người được ký hợp đồng lao động mà còn có người được tuyển dụng vào biên chế CAND, hoặc cán bộ, chiến sĩ CAND được điều động đến nhận công tác hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp. Nếu không quy định rõ, sau này lại phải có văn bản hướng dẫn thêm.

Vấn đề quy đổi giải thưởng bị cắt giảm, bỏ qua vai trò của người Chỉ đạo nghệ thuật, người làm âm nhạc, âm thanh ánh sáng và nhiều thành phần khác trong nghệ thuật biểu diễn cũng được các đại biểu thảo luận sôi nổi sau đó.

NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho rằng, việc quy đổi, giảm mức quy đổi huy chương, giải thưởng của các Hội chuyên ngành sang huy chương, giải thưởng quốc gia khiến các nghệ sĩ, ban tổ chức các Liên hoan, Hội diễn chuyên ngành “tự ái” nhiều năm nay. Vì nhiều kỳ cuộc do các Hội chuyên ngành tổ chức, chất lượng, tiêu chí còn khắt khe hơn. Chưa kể, các kỳ cuộc cấp quốc gia cũng đều do các nghệ sĩ chuyên ngành chấm chọn nhưng lại hoạt động chuyên ngành lại bị đánh giá thấp hơn. 

Việc bỏ vai trò của chỉ đạo nghệ thuật, âm thanh ánh sáng, người làm âm nhạc, đặc biệt là các nhạc công chính trong sân khấu truyền thống sẽ khiến nhiều nghệ sĩ thiệt thòi. Vì trong một vở diễn, nghệ sĩ biểu diễn còn có thời gian nghỉ, trong khi nhạc công biểu diễn trong suốt 2h đến 2,5h trên sân khấu. Nhạc công chính cũng như người chỉ huy dàn nhạc trong đêm diễn, vai trò rất quan trọng trong quyết định sự thành công của tác phẩm, không nên bỏ qua những đóng góp của đội ngũ này.

NSƯT Nguyễn Quang Thập, Giám đốc Nhà hát Chèo Ninh Bình cho rằng, trong bản quy đổi huy chương, giải thưởng để xét tặng danh hiệu bỏ đi một số chức danh là không hợp lý. Trong thời đại công nghệ hiện nay, vai trò của của âm thanh, ánh sáng đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Hiện nay, đạo diễn âm thanh, ánh sáng đã được trường Đại học Sân khấu Điện ảnh đưa vào ngành học chính thức nhưng ban soạn thảo lại bỏ chức danh này. 

Với việc bỏ chức danh chỉ đạo nghệ thuật của ban soạn thảo, NSƯT Nguyễn Quang Thập cho rằng ông rất “sốc”. Bởi lẽ, với sân khấu truyền thống, chỉ đạo nghệ thuật là người đầu tiên tiếp cận với kịch bản, với tác phẩm. Họ là người lựa chọn, vạch ra đường hướng và tác phẩm đó có đến được đích hay không phải có sự kết nối của người chỉ đạo nghệ thuật. Vì vậy, ban soạn thảo nên cân nhắc vai trò của của chỉ đạo nghệ thuật trong việc xét tặng danh hiệu.

Nếu việc quy đổi Huy chương vàng không tương đương tỷ lệ 1-1 thì cũng phải bằng 3/4 chứ không phải là 1/3 như hiện nay hoặc bỏ hẳn. Với chức danh chỉ huy biểu diễn sân khấu cũng tương tự. Người chỉ huy biểu diễn phải nghệ sĩ có tên tuổi, chuyên môn cao, họ giống như chỉ huy của từng “trận đánh”. Nếu bỏ qua chức danh này là bất công với nghệ sĩ đảm nhận vị trí này.

NSND Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng chỉ ra rằng, chỉ huy hợp xướng, chỉ huy giao hưởng nhạc vũ kịch trong âm nhạc có một vai trò vô cùng quan trọng. Họ đóng vai trò vừa là đạo diễn, vừa là nghệ sĩ trong mỗi chương trình. Nhưng hiện nay, không có các cuộc thi hoặc các cuộc thi không có giải cho các nghệ sĩ trong hoạt động nên họ không có giải thưởng, có huy chương để mà được xét tặng danh hiệu theo tiêu chí quy định. Tài năng của họ chỉ được đánh giá thông qua các đồng nghiệp, khán giả và các lãnh đạo nhưng nếu xét về những yêu cầu về danh hiệu hay giải thưởng thì hoàn toàn "bế tắc".

NSND Phạm Ngọc Khôi cũng dẫn chứng trường hợp của NSƯT Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Vũ kịch TP. Hồ Chí Minh nhiều lần đưa hồ sơ xét tặng danh hiệu NSND đều bị gạt đi bởi nguyên tắc nếu không có đủ huy chương thì không xét.

Tuy nhiên, hầu hết các nghệ sĩ cũng cho rằng việc quy đổi giải thưởng, huy chương trong xét tặng danh hiệu nghệ sĩ, đặc biệt là danh hiệu NSND thì cần tăng cao hơn để tôn vinh những nghệ sĩ xứng đáng. Với NSND, nên giữ tiêu chí phải có huy chương vàng, thậm chí không nên quy đổi huy chương bạc ra huy chương vàng. 

Theo NSƯT Xuân Bắc, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Kịch Việt Nam thì NSND, NSƯT là danh hiệu cao quý của nhà nước trao tặng, chỉ nên dành cho các nghệ sĩ xuất sắc. Không nên tính tới việc quy đổi huy chương với xét tặng danh hiệu cao quý này vì “cái gì khó, đắt thì mới quý".  

Trong trường hợp sau khi được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT, nghệ sĩ có các vi phạm, sai phạm mà phải xử lý hình sự hoặc có những hành động, việc làm gây ảnh hưởng xấu ở phạm vi rộng đến cộng đồng xã hội cũng cần thu hồi danh hiệu. Tuy nhiên, để mọi việc được minh bạch, rõ ràng thì cần có hội đồng thẩm định trước khi đưa ra quyết định đối với việc thu hồi.


Hoa Nguyễn

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

Để chứng minh năng lực kinh nghiệm của mình, Liên danh Công ty cổ phần Xây lắp Thủy sản II và Công ty cổ phần Xây dựng vận tải đầu tư kinh doanh nhà Hải Đăng đã “phù phép” biến dự án xây dựng mà liên doanh đã thực hiện có tổng trị giá khoảng 59 tỷ đồng thành dự án 147 tỷ đồng để đủ điều kiện dự thầu và sau đó trúng thầu dự án có tổng trị giá hơn 190 tỷ đồng ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 21/11 đã đề cử cựu Tổng chưởng lý bang Florida Pam Bondi, 59 tuổi, làm Tổng chưởng lý Mỹ, nhanh chóng thay thế cựu ứng cử viên Matt Gaetz sau khi ông này rút lui.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文