Đìu hiu chợ hoa Tết Bến Bình Đông

07:46 19/01/2020
Mặc dù đã cuối tháng Chạp, nhưng khu vực Bến Bình Đông, quận 8 - nơi hằng năm vào dịp này tấp nập chợ hoa “trên bến dưới thuyền”, nay chỉ lèo tèo vài chiếc ghe của dân thương hồ. Lượng khách tìm đến đây chủ yếu là ngắm, chụp ảnh nên nhiều người bán hoa tỏ ra buồn bã.

Chừng vài ba năm trở lại đây, các chợ hoa bán trong dịp Tết tại TP Hồ Chí Minh được mở ra bán ở nhiều nơi nên lượng khách đổ về chợ hoa tại Bến Bình Đông ngày càng vắng. Ghe thuyền không còn tấp nập như xưa vì nhiều người chọn cách chuyên chở cây cảnh bằng xe ôtô vừa rẻ hơn, rút ngắn thời gian.

Cầm cây sào dài hơn 4m, ông Thanh cố đẩy chiếc ghe chở cả trăm gốc mai từ Bến Tre lên tấp sát vào mé kênh Tàu Hủ. Một nhóm người gần đó nhanh chân chạy đến hỏi có cần người vận chuyển các chậu mai lên không, ông Thanh lắc đầu từ chối. 4 người trong gia đình ông tựa sức nhau khiêng các chậu mai trên bờ.

Nhìn thấy cảnh thuyền ghe cập khu vực này quá ít, người qua lại thưa thớt, ông Thanh lắc đầu ngao ngán. “Rút kinh nghiệm từ mấy năm trước các nhà vườn hay thương lái đến 25-26 âm lịch mới đưa cây lên bán vì lúc này mọi người mới nghỉ tết mới đi mua sắm. Đem lên sớm vừa tốn tiền thuê nhân công vừa không bán được cây nào!”, ông Thanh cho biết.

Dọc theo đường Bến Bình Đông, một số nhà vườn và thương lái cũng bắt đầu đem hoa đến thuê chỗ để buôn bán dịp tết. Tuy nhiên, cây trên bờ nhiều nhưng dưới kênh, không có chiếc ghe nào. Dùng xô múc nước từ dưới kênh lên tưới vào các chậu mai, chị Hằng, quê Tiền Giang cho hay, để giảm chi phí vận chuyển, thời gian kéo dài năm nay ông chủ lái không cho chở hoa kiểng bằng ghe mà thuê xe tải chở lên.

“Nếu đi ghe tốn thời gian di chuyển, thuê ghe cũng 5-7 triệu/ chuyến. Thuê xe tải mỗi chuyến chỉ độ 2 triệu!”, chị Hằng cho biết.

Khung cảnh đìu hiu tại chợ hoa “trên bến dưới thuyền” dù rằng đã 23 tháng Chạp.

Lặt bớt những nụ mai nở sớm, ông Nguyễn Phước Tâm (64 tuổi, quê Bến Tre) mắt đỏ hoe vì thiếu ngủ cho hay, mấy ngày nay ông phải thức trắng để canh mai, hoa kiểng. “Chăm cả năm chỉ chờ dịp tết bán lấy đồng lời lo ba bữa tết cho gia đình. Nhưng mỗi năm sức mua của người dân mỗi giảm. Giá cả cũng không cao hơn năm ngoái là bao nhiêu nhưng mai, chậu kiểng thì phải đẹp hơn! Ba bốn ngày thức trắng đêm rồi mà mới bán được vài chục chậu bông.”, ông Tâm cười gượng.

Bến Bình Đông nhiều nhất vẫn là mai và tắc (quất) kiểng, đến thời điểm hiện tại các ghe tắc vẫn chưa dập dềnh ghé vào chợ hoa “trên bến dưới thuyền” này.

Rút kinh nghiệm từ Tết năm trước, ông Bùi Hiền, một chủ ghe tắc cho biết, năm nay ông đem trước một ghe lên trước, xem sức mua ra sao rồi mới tính tiếp. “Mấy năm nay nhiều người tìm đến đây chủ yếu là để ngắm, gạ giá chờ đến ngày 29-30 tết mới mua. Lúc này những người buôn bán nôn về quê để kịp giao thừa hoặc phải trả mặt bằng đúng thời gian quy định nên bán tháo, người ta mới ào ào vào mua, trả giá, thấy lời được 10-20 ngàn/ gốc chúng tôi cũng bán! Bởi vậy muốn thấy ghe thuyền nhiều trên bến này phải 29-30 mới có!”, ông Hiền bộc bạch.

Một số chủ vườn kiểng tại chợ hoa này cho biết, giá mỗi lô mặt bằng tại chợ hoa “trên bến dưới thuyền” này khoảng 5 triệu đồng. Để tiết kiệm tiền thuê mặt bằng, các chủ vườn từ Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp,… thường chọn những ngày cuối mới đưa ghe lên. “Cứ thuê một điểm tại chợ hoa này rồi cho khách xuống ghe lựa, nếu thấy hợp cạ với cây nào thì nhà vườn sẽ ra giá, khách chịu giá thì khiêng lên xe cho khách đỡ tốn tiền mướn nhiều mặt bằng cùng một lúc!”, một chủ ghe cho biết.

Chợ hoa “trên bến dưới thuyền” tại Bến Bình Đông, quận 8 như một nét xưa giữa lòng đô thị. Tuy nhiên, dưới sự phát triển của kinh tế thị trường, chợ hoa “trên bến dưới thuyền” này dần co hẹp lại.

“Chợ hoa này tồn tại mấy chục năm nay nhưng giờ thì ngày một đìu hiu. Trước đây, vào dịp tết, cả thành phố, chỉ có chợ hoa Bến Bình Đông, chợ hoa ở Công viên 23-9, chợ mai ở Thủ Đức, quận 12. Nay, nhiều tuyến đường tại các quận, có chợ hoa riêng. Người dân có nhiều lựa chọn. Nhiều người còn tìm đến Bến Bình Đông mua hoa, mua mai kiểng đa phần là do gần nhà, tiện đường; một số ít hoài niệm không khí của chợ Tết xưa!”, ông Hai Tân, nhà ở trên Bến Bình Đông cho hay.

Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, người trồng hoa kiểng cả năm chăm chút cho những sản phẩm của mình, mong hoa kiểng đem lại niềm vui cho những người thưởng lãm. Giá cả bất ổn trong khi thời tiết ngày một khắc nghiệt, nhiều chủ vườn luôn lo tình trạng hoa kiểng rớt giá.

“Nhiều năm rồi, gia đình tôi phải chia ra, mỗi người đánh ghe đi một điểm khác nhau bán chứ không tập trung ở Bến Bình Đông nữa. Thật ra, nhiều năm đến đây, khi trừ chi phí đi rồi, chẳng còn bao nhiêu. Mong sao năm nay người mua hoa đừng chờ đến ngày cận tết, đừng o ép giá để chúng tôi còn có tết!”, một chủ ghe mai đến từ Tiền Giang, tâm sự.

Chợ hoa “trên bến dưới thuyền” ở Bến Bình Đông trải dài trên đoạn đường khoảng 2km, nằm qua nhiều phường ở quận 8. Nhiều năm nay, thương lái không phàn nàn với chính quyền về việc bị mất trộm cây kiểng bị trộm hay cướp giật tài sản của những khách tìm đến đây mua hoa về chưng tết. Bởi dọc tuyến này ngoài Công an các phường thì còn có lực lượng Bảo vệ dân phố luôn túc trực.

“Mỗi năm chỉ có 1-2 trường hợp đến báo bị mất trộm điện thoại bởi Công an phường và Bảo vệ dân phố, dân phòng đi tuần thường xuyên. Đa phần là nhắc nhở những người buôn bán sắp xếp cây cảnh đúng vị trí, không lấn chiếm lòng đường, nhắc nhở người mua hoa dừng xe sát lề để tránh ùn ứ giao thông hay đêm đến nhắc nhở người bán hoa cẩn thận trong giữ tài xác, lâu lâu mới có chuyện phải cử cả tổ bảo vệ dân phố xuống giải quyết những người buôn bán hoa hay những người làm công việc bốc hàng thuê nhậu nhẹt la ó!”, một nhân viên bảo vệ dân phố phường 14, quận 8 cho biết.

Anh Thư

Chiều 15/4, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam (diễn ra từ ngày 14 đến ngày 15/4/2025). Chuyến thăm Việt Nam lần này của đồng chí Tập Cận Bình có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ giữa hai nước láng giềng, đặc biệt khi năm 2025 là năm đánh dấu 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc (18/1/1950 - 18/1/2025).

Điều này nhằm quy định rõ trách nhiệm của Cơ quan Trung ương về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù và khắc phục "khoảng trống" của Luật Tương trợ tư pháp (TTTP) năm 2007 khi không quy định về cơ quan có trách nhiệm lập yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, dẫn đến việc Việt Nam không thể chủ động trong vấn đề này.

Sau nhiều năm dồn phần lớn lượng rác thải sinh hoạt về Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (bãi rác Đa Phước) để chôn lấp, tháng 3 vừa qua TP Hồ Chí Minh đã cho khởi công nhà máy rác điện với công suất 2.000 tấn/ngày. Đây mới chỉ là nhà máy rác điện thứ 2 trong khi từ lâu lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày tại thành phố đã ở mức 8.000 - 9.000 tấn...

Sau hai ngày TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 8 bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ Tổng Công ty Chè Việt Nam (Vinatea) trong vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Vinatea, gây thiệt hại của Nhà nước số tiền hơn 38 tỷ đồng, chiều 15/4, đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã nêu quan điểm giải quyết vụ án và đề nghị mức án đối với các bị cáo.  

Ngày 15/4, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Trần Thị Minh Huệ (SN 1980, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hành vi của Huệ thể hiện qua việc chị ta khoe quen biết ngân hàng thu gom USD giá rẻ, sau đó lừa những người nhiều tiền để chiếm đoạt hơn 140 tỷ đồng.

Ngày 15/4, thông tin từ Công an phường Nam Sơn (quận An Dương, TP Hải Phòng) cho biết, đơn vị vừa phát đi thông báo đề nghị cung cấp thông tin, hình ảnh liên quan đến vụ việc cháu bé sơ sinh bị bỏ rơi tử vong trước công chùa trên địa bàn, để phục vụ công tác điều tra.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文