Du lịch nội địa là “cứu cánh” cho du lịch Việt Nam năm 2020
Tiến sĩ Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đã trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề này.
Phóng viên: Thưa TS Hà Văn Siêu, hiện tại, nhiều doanh nghiệp, Hiệp hội đã bắt đầu công bố các chương trình nhằm kích cầu du lịch, nỗ lực phục hồi sau dịch. Tổng cục Du lịch Việt Nam có kế hoạch gì để góp phần phục hồi du lịch sau dịch COVID-19?
TS Hà Văn Siêu: Ngày 15-5, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã phối hợp với một số đơn vị, doanh nghiệp phát động cuộc thi clip quảng bá du lịch Việt Nam. Đây là một trong những hoạt động nhằm tạo ra một phong trào quảng bá du lịch trên nền công nghệ mới, phát huy được kho tàng dữ liệu về tài nguyên du lịch về hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam, phong cảnh, di sản Việt Nam. Những khoảnh khắc ấn tượng, nhiều cảm xúc, những câu chuyện về Việt Nam, du lịch Việt Nam từ cuộc thi sẽ là nguồn tư liệu, nguồn lực cho công tác xúc tiến, quảng bá trong thời gian tới. Cuộc thi vừa là hoạt động hưởng ứng kỷ niệm 60 năm ngành du lịch, vừa đồng thời khởi động lại hoạt động du lịch, tạo cảm hứng mới cho người đi du lịch, người làm du lịch và người quảng bá du lịch.
Các địa phương ven biển miền Trung triển khai nhiều chương trình kích cầu du lịch để thu hút khách nội địa. |
Thời điểm phát động cuộc thi đúng vào thời điểm chúng ta kiểm soát tốt dịch COVID-19 và đang vận động kích cầu du lịch nội địa. Chúng ta đang trên con đường phục hồi du lịch. Việc tổ chức cuộc thi sẽ tạo cảm hứng để du lịch vui trở lại.
Trước đó, Tổng cục Du lịch tham mưu cho Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, kêu gọi các bên từ Trung ương đến các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội cùng tham gia. Chúng tôi hy vọng du lịch nội địa sẽ là cứu cánh cho du lịch Việt Nam trong năm 2020.
Phóng viên: Cụ thể là cơ quan quản lý đồng hành như thế nào cùng các đơn vị, doanh nghiệp, người làm du lịch để nắm lấy cơ hội, vượt qua khó khăn, thưa ông?
TS Hà Văn Siêu: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Các địa phương, các tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp cùng tham gia, phát động thị trường ở các vùng trọng điểm. Ví dụ, Cần Thơ có thể đến phát động ở Hà Nội. Đi cùng Cần Thơ sẽ có các tỉnh như Sóc Trăng, Cà Mau….
Các doanh nghiệp bán sản phẩm du lịch ở Đồng Bằng Sông Cửu Long sẽ giới thiệu, trình diễn ở Hà Nội. Các hãng hàng không, lữ hành sẽ bán các sản phẩm, voucher tại các cuộc phát động này. Các phiên chợ du lịch sẽ được tổ chức ở các thị trường nguồn trọng điểm. Ví dụ điểm đến SaPa, Hà Giang, Hòa Bình, Điện Biên cũng về Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh phát động.
Các phiên chợ này, Tổng cục Du lịch sẽ đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp. Khi các hoạt động này đồng loạt tổ chức ở các địa phương sẽ tạo ra các làn sóng, phong trào, cuộc khởi động du lịch trở lại, đặc biệt là mùa hè sắp tới đây. Bắt đầu từ 1-6, một chuỗi các hoạt động như thế sẽ diễn ra.
Tiếp đó là các chương trình kết nối trực tuyến giữa các doanh nghiệp du lịch với các đối tác, khách hàng, giao dịch voucher… Vai trò của các Hiệp hội sẽ được phát huy trong gắn kết các doanh nghiệp, chia sẻ các phần thị trường bằng sự kết nối của công nghệ. Như thế chương trình sẽ được hưởng ứng bởi các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và các cơ sở cung cấp dịch vụ.
Có những gói sản phẩm dịch vụ, các điều kiện, cam kết, khuyến mãi được tung ra, hợp sức với các doanh nghiệp khác sẽ tạo ra các gói sản phẩm hấp dẫn. Chúng tôi cũng tạo các sân chơi để các doanh nghiệp cùng ngồi lại với nhau để xây dựng nên các gói khuyến mãi này. Anh này giảm cái này, anh khác giảm cái kia và giảm vào thời điểm nào, giảm cùng với nhau thì sẽ tạo ra hiệu ứng tổng thể, đồng bộ.
Tích cực quảng bá hình ảnh đất nước, hỗ trợ du lịch phục hồi sau dịch. |
Sự kết nối giữa các nhà làm du lịch, cung cấp dịch vụ du lịch sẽ tạo nên những gói sản phẩm hấp dẫn nhất. Khách du lịch sẽ được hưởng lợi và yên tâm là giảm giá nhưng không giảm chất lượng phục vụ. Đây là thời điểm vàng dành cho người đi du lịch.
Phóng viên: Tham gia kích cầu du lịch nội địa có rất nhiều địa phương, doanh nghiệp, Tổng cục Du lịch tính toán như thế nào để đảm bảo an toàn cho du khách, đảm bảo chất lượng cho chương trình, dịch vụ, sản phẩm trong chương trình?
TS Hà Văn Siêu: Ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã ban hành bộ tiêu chí cho các doanh nghiệp du lịch, địa phương để thực hiện du lịch an toàn đồng thời phát động chương trình truyền thông về du lịch Việt Nam an toàn. Ngoài an toàn về kỹ thuật như y tế thì tâm lý e ngại du lịch sau dịch là trở ngại lớn. Vì vậy, các hoạt động truyền thông vô cùng quan trọng trong việc tạo nên hình ảnh về điểm đến an toàn, cơ sở, dịch vụ du lịch an toàn và các hoạt động du lịch an toàn.
Tiêu chí đã ban hành, các địa phương đã vào cuộc. Vấn đề là bây giờ chúng ta phải truyền thông cho thật tốt. Đặc biệt, việc chỉ đạo các cơ sở dịch vụ trong ngành phải triển khai một cách chặt chẽ, kỹ lưỡng các tiêu chí, đồng thời tạo bầu không khí thân thiện, an toàn, để người làm du lịch, đi du lịch cảm thấy an tâm.
Phóng viên: Hiện nay, ngành du lịch vẫn chưa thay đổi mục tiêu đặt ra ban đầu về thu hút lượng khách du lịch đến Việt Nam, doanh thu du lịch năm 2020. Tổng cục Du lịch kỳ vọng có sự bứt phá ngoạn mục của du lịch sau dịch để đạt mục tiêu ban đầu hay có lý do nào khác?
TS Hà Văn Siêu: Chúng tôi đang tập trung phát động thị trường nội địa và chuẩn bị các điều kiện về nghiên cứu thị trường, kế hoạch để đón khách quốc tế sau khi thế giới hết dịch, làm sao để giảm thiệt hại đến mức tối đa và phục hồi du lịch sớm nhất. Việc điều chỉnh mục tiêu, kế hoạch, chúng tôi chưa đặt ra nhưng cũng xác định sẽ có những ảnh hưởng đến kế hoạch, hoạt động, kết quả từ nay đến cuối năm.
Chúng ta phải xác định, dịch bệnh do COVID-19 gây thiệt hại rất lớn đối với nhiều ngành nhưng ngành du lịch là ngành đầu tiên chịu ảnh hưởng, cần được phục hồi sớm, nhưng việc phục hồi sẽ có những độ trễ về mặt thời gian vì tâm lý e ngại của du khách. Vì vậy, chúng ta phải làm tốt công tác truyền thông qua các chương trình như là Việt Nam an toàn, chương trình khuyến mãi, vận động “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”…
Để du lịch phục hồi sớm, cần có sự quan tâm của cấp trên, của Đảng, Nhà nước, các cấp các ngành nhưng người làm du lịch cũng phải tư duy mới để tạo ra những sản phẩm dịch vụ mới đáp ứng yêu cầu của các nhóm khách. Sau khi có COVID-19, hành vi tiêu dùng, lựa chọn của người ta có thay đổi như thế nào thì phải thích ứng.
Chất lượng sản phẩm, dịch vụ cũng phải được đảm bảo theo cam kết của nhà cung cấp và phải thông tin quảng bá thật tốt để khách lựa chọn đúng các sản phẩm phù hợp và mình đạt được mục đích của mình.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!