Giáo dục di sản cho thế hệ trẻ Thủ đô: Lợi ích kép từ cách làm sáng tạo

07:59 19/06/2020
Trong khi nhiều di tích loay hoay tìm cách phát huy giá trị di sản thì tại Hà Nội, nhiều di tích đang thực hiện có hiệu quả việc này thông qua chương trình giáo dục di sản.

Không chỉ lan tỏa những giá trị của di sản đến nhiều người, đặc biệt là học sinh, sinh viên, mà thông qua đó, còn khơi gợi tình yêu lịch sử đối với thế hệ trẻ. Hiện tại, nhiều di tích tại Hà Nội đang đẩy mạnh giáo dục di sản cho học sinh, sinh viên với những cách làm sáng tạo.

Lợi cả đôi đường

Đã gần 10 năm Chương trình giáo dục di sản được thực hiện tại Hà Nội với cách thức: Các di tích liên kết với các trường học tổ chức cuộc thi tìm hiểu về di tích, tổ chức các chương trình trải nghiệm, tổ chức các cuộc trưng bày, triển lãm… 

Tại Di sản Hoàng thành Thăng Long, đơn vị quản lý đang triển khai chương trình “Em làm nhà khảo cổ” và “Em tìm hiểu di sản”; tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò triển khai chương trình “Em học làm thuyết minh”; tại Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám triển khai “Cuộc thi tìm hiểu về Văn Miếu – Quốc Tử Giám và lịch sử Thăng Long – Hà Nội”, tổ chức “Khu trải nghiệm di sản”… Triển khai Chương trình giáo dục di sản, Ban quản lý các di tích nhận được sự hưởng ứng rất cao của các nhà trường cũng như học sinh, sinh viên.

Đơn cử, chỉ trong một năm phối hợp giáo dục di sản giữa Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội với ngành Giáo dục Thủ đô, đã có gần 20.000 học sinh tham gia chương trình tại di tích Hoàng thành Thăng Long và di tích Cổ Loa. 

Bên cạnh đó, số lượng học sinh tham quan tự do cũng rất đông, cả hai khu di sản khoảng 100.000 em. Bà Nguyễn Thị Yến, Trưởng phòng hướng dẫn, thuyết minh tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội cho biết, Chương trình giáo dục di sản góp phần tăng cường mối liên kết giữa di sản với nhà trường, giữa di sản với gia đình, góp phần nâng cao trách nhiệm của cộng đồng và thế hệ trẻ trong việc giữ gìn, bảo tồn những di sản quý của dân tộc.  

Tham gia các hoạt động này, học sinh, sinh viên được làm chủ cuộc chơi, được thỏa sức sáng tạo với các hoạt động hướng về di sản. Để tham gia được các hoạt động, bản thân các em phải chủ động tìm hiểu các thông tin về di sản trước đó. 

Không chỉ các em trực tiếp tham gia mà các hoạt động còn kích thích nhiều bạn trẻ khác khi họ đến với tư cách cổ động viên cho các cuộc chơi. Được tham gia, trải nghiệm chương trình giáo dục di sản, hầu hết các học sinh, sinh viên đều tỏ ra hào hứng, nhiệt tình.

Chương trình giúp học sinh thêm hiểu, thêm yêu di sản, trân trọng các giá trị truyền thống, văn hóa lịch sử của cha ông để lại và bồi đắp lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho các em. 

Các em tiếp thu rất nhiều điều bổ ích, nâng cao tinh thần tập thể, nền nếp, kỷ luật, biết quan sát thế giới chung quanh, có những hiểu biết cơ bản về giá trị di tích văn hóa, rèn luyện nhiều kỹ năng... Sau trải nghiệm thực tế đó, trở về với lớp học, các em thêm yêu lịch sử dân tộc, truyền thống văn hóa của Thủ đô.

Chương trình “Đưa di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò đến gần hơn với công chúng” thu hút sự quan tâm của du khách.

Nhiều cách làm hay

Không chỉ thực hiện tốt công tác phát huy giá trị di sản, làm sống động hơn các di sản mà điều không thể phủ nhận, chương trình giáo dục di sản bồi đắp tình yêu lịch sử cho thế hệ trẻ. Chính vì vậy, việc đổi mới hướng giáo dục di sản luôn được các trung tâm, ban quản lý di tích tìm tòi, áp dụng.

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết: Các hoạt động giáo dục di sản theo phương pháp mới tại di tích được đẩy mạnh, trong đó chú trọng tăng cường các hoạt động trải nghiệm, tương tác tạo sự thích thú cho học sinh khi tham gia. 

Điều này có thể giúp các em học sinh đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám hiểu hơn về di sản và nhận thức được các giá trị đa dạng của Văn Miếu – Quốc Tử Giám, phát triển được nhiều kỹ năng thông qua các hoạt động trải nghiệm chủ động, tích cực, sáng tạo.

Các chủ đề giáo dục di sản trong đó có sự kết hợp các yếu tố dân gian với các phương tiện công nghệ hiện đại tiếp tục được xây dựng, phát huy hiệu quả hoạt động tại "Khu trải nghiệm di sản", đem đến nhiều hoạt động trải nghiệm phong phú và hấp dẫn. 

Các bài thuyết minh được xây dựng theo chủ đề đáp ứng yêu cầu đa dạng của khách tham quan. Các trưng bày triển lãm được nâng cao chất lượng, được thực hiện bằng những thủ pháp trưng bày khoa học, hiện đại góp phần nâng cao sức hấp dẫn của Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Còn tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, bên cạnh chương trình “Em học làm thuyết minh” được Ban quản lý di tích thực hiện từ nhiều năm nay vào mỗi dịp hè, bắt đầu từ đầu tháng 6-2020, Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò thực hiện chương trình “Đưa di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò đến gần hơn với công chúng” tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm trong các ngày cuối tuần. Hoạt động này nằm trong mục tiêu, nhiệm vụ đơn vị đang thực hiện là giáo dục lịch sử, khơi dậy sự yêu thích tìm hiểu lịch sử với mọi đối tượng và phát huy giá trị di tích.

Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò phối hợp với Thành đoàn Hà Nội, các trường đại học, trường trung học phổ thông, trung học cơ sở, các đơn vị trong và ngoài thành phố… thực hiện nhiều hoạt động tham quan, tìm hiểu, giao lưu tại đơn vị. 

Từ thực tế, rất nhiều du khách chưa biết đến Di tích Nhà tù Hỏa Lò hay có tâm lý e ngại khi quyết định đến tham quan, đơn vị đã mạnh dạn tiếp cận trực tiếp với du khách. Bằng những thông tin, các hình thức hoạt động, trải nghiệm được giải đáp chính xác, đầy đủ, du khách đã có cái nhìn mới lạ và hấp dẫn về những hoạt động đang diễn ra tại di tích. 

Theo ông Đặng Văn Biểu, Phó Trưởng Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò: Đây là hướng đi mới của đơn vị, thể hiện sự chủ động của Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò trong việc đưa di sản đến gần hơn với công chúng.

Không thể phủ nhận những kết quả mà chương trình giáo dục di sản đã mang lại trong thời gian qua. Giáo dục di sản là một trong những giải pháp quan trọng trong nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản, bổ trợ hiệu quả cho công tác giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử tại các nhà trường. Bởi vậy, để phát huy tốt hơn nữa chương trình này, cần sự chung tay hơn nữa cả phía các trung tâm, ban quản lý di tích và các nhà trường.

Đinh Thuận

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường tại một số gói thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP Nha Trang do Ban Quản lý Dịch vụ Công ích TP Nha Trang làm chủ đầu tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam hai cán bộ nhà nước và hai giám đốc doanh nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文