Gỡ khó cho nghệ thuật biểu diễn thời COVID-19
Theo thông tin từ Cục Nghệ thuật biểu diễn, 2 chương trình, vở diễn đầu tiên được chọn phát trên sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam gồm: Vở tuồng “Trung thần” của Nhà hát Tuồng Việt Nam và chương trình “Những ngôi sao bất tử” của Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc. Vở tuồng “Trung thần” do NSND Hoàng Quỳnh Mai đạo diễn, từng giành Huy chương Bạc tại Liên hoan Tuồng và dân ca kịch toàn quốc 2019, dự kiến phát trong chuyên đề Nhà hát Truyền hình trên VTV1.
Chương trình “Những ngôi sao bất tử” dự kiến sẽ truyền hình trực tiếp vào 20h30 ngày 27/7 trên VTV2, nhân dịp kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ.
Thực tế, hình thức nhà hát truyền hình, nhà hát online đến thời điểm này không hẳn hoàn toàn mới. Từ cuối năm 2019, Hải Phòng đã triển khai đề án “Sân khấu truyền hình Hải Phòng”. Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng, trong khuôn khổ đề án này có 24 chương trình, vở diễn được tổ chức sản xuất, biểu diễn, ghi hình phát sóng, livestream.
Vở tuồng “Trung thần” của Nhà hát Tuồng Việt Nam. |
Trong khoảng thời gian nghệ thuật biểu diễn khủng hoảng vì dịch bệnh do COVID-19 thì đề án này có ý nghĩa thiết thực. Nghệ sĩ có điều kiện lao động sáng tạo. Khán giả vẫn có những chương trình, vở diễn chất lượng cao để thưởng thức. Thống kê cũng cho thấy, các chương trình sau có số lượng người theo dõi các buổi phát sóng hoặc livestream, lượt like, chia sẻ các chương trình, vở diễn phát sau cao hơn. Ước tính, mỗi chương trình, vở diễn thu hút trên 10.000 lượt xem. Hiện tại, đề án “Sân khấu truyền hình Hải Phòng” vẫn đang được triển khai, dự kiến kéo dài đến tháng 10-2021.
Việc triển khai nhà hát truyền hình, nhà hát online đang được gửi gắm nhiều kỳ vọng giúp nghệ sĩ biểu diễn, đơn vị nghệ thuật giảm bớt khó khăn hiện nay. Như chia sẻ của lãnh đạo nhiều nhà hát, gần hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, các đơn vị nghệ thuật biểu diễn không thể tổ chức biểu diễn, đồng nghĩa không có doanh thu. Lãnh đạo các nhà hát phải gồng mình lo cho các khoản chi trả nội bộ, vừa phải tìm hướng hoạt động để nghệ sĩ duy trì tiếp cận, tương tác với khán giả.
Trong đợt sơ kết 6 tháng đầu năm mới đây của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Thứ trưởng Đoàn Văn Việt thông tin, nửa đầu năm 2021, các đơn vị nghệ thuật trung ương tổ chức dàn dựng 5 chương trình, phục dựng 5 chương trình, tổ cức 186 buổi biểu diễn, phục vụ 1.329.000 lượt người xem. Số kinh phí ước tính từ các buổi biểu diễn có bán vé đạt 1.981.762.000 đồng.
Được biết, để tháo gỡ khó khăn của các đơn vị, các nghệ sĩ biểu diễn trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ VHTTDL cũng đã từng có nhiều giải pháp, trong đó có kiến nghị hỗ trợ các nghệ sĩ khó khăn, bước đầu triển khai phát trực tuyến một số cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp toàn quốc, bàn thảo về ý tưởng về nhà hát truyền hình, nhà hát online. Theo ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, từ tháng 6, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo triển khai hình thức thu phát, ghi hình các chương trình nghệ thuật đặc sắc để phát online và trên các kênh truyền hình.
Cục Nghệ thuật biểu diễn đã làm việc với các nhà hát trực thuộc Bộ lựa chọn những tác phẩm nghệ thuật chất lượng để ghi hình phát sóng trên các kênh truyền hình. Bộ VHTTDL cũng đã có những cuộc trao đổi làm việc, đề nghị một số đài truyền hình trung ương và địa phương phối hợp phát sóng các chương trình biểu diễn của các nhà hát và nhận được sự đồng tình ủng hộ.
Theo đó, cơ quan quản lý ngành sẽ chịu trách nhiệm về phần lựa chọn cung cấp những chương trình, tác phẩm nghệ thuật có chất lượng. Các đài truyền hình sẽ chịu trách nhiệm biên tập, dàn dựng các chương trình nghệ thuật này để phát sóng. Nhà hát truyền hình, nhà hát online cũng là mong muốn của nhiều quản lý nhà hát.
Như chia sẻ của NSND Nguyễn Thị Bích Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam và một số nghệ sĩ khác như NSND Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam thì đây là giải pháp cần kíp trước mắt. Các đơn vị nghệ thuật vẫn có các chương trình, vở diễn mới, có kinh phí hoạt động. Nghệ sĩ vẫn được diễn, được làm nghề, luyện nghề và đỡ nhớ nghề. Kể cả sau này, khi dịch bệnh tạm lắng, khán giả còn tâm lý e ngại, kinh tế khó khăn hơn nên chưa chắc đã đến rạp ngay thì nhà hát truyền hình, nhà hát online vẫn là giải pháp hữu hiệu. Dù rằng, với các nghệ sĩ, Nhà hát online thì không thể lý tưởng bằng biểu diễn trực tiếp.
Về vấn đề này, ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn lại cho rằng, việc xây dựng nhà hát truyền hình, nhà hát online không chỉ là giải pháp tình thế khi sân khấu trực tiếp “đóng băng” do COVID-19 mà là xu thế của thời đại mới. Nhà hát truyền hình, nhà hát online sẽ không loại trừ nhà hát truyền thống, nhưng nó sẽ tồn tại song song, phục vụ đồng thời cả hai đối tượng: Khán giả trực tiếp đến sân khấu và khán giả qua màn ảnh nhỏ.
Nhà hát truyền hình tạo điểm nhấn, tính chuyên nghiệp và sự lan tỏa cho chương trình, vở diễn. Hoạt động này đòi hỏi việc luyện tập, biểu diễn của các diễn viên phải bài bản, công phu, chỉn chu, đồng thời đặt ra cho diễn viên và cả êkíp hậu trường những thách thức về bản lĩnh, trình độ diễn xuất, cập nhật ứng dụng khoa học công nghệ…
Tuy nhiên, nhà hát truyền hình, nhà hát online có đem lại hiệu quả, trở thành cứu cánh cho sân khấu trong thời đại 4.0 hay không thì hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng của chính các chương trình sân khấu, sau đó là cách thức quảng bá tới đông đảo công chúng. Bên cạnh đó, "nhà đài" cũng cần cân nhắc để ưu tiên cho những khung giờ đẹp để các chương trình, vở diễn được lựa chọn phát thực sự đến với đông đảo khán giả.