Phát triển, làm mới, làm giàu tiếng Việt một cách chọn lọc
- Vì sao phải học tiếng Việt?
- Thi nhân đắm đuối tiếng Việt
- Tình tự tiếng Việt
- Nhà thơ tiếng Việt vĩ đại nhất
- Đầu năm nghĩ đôi điều về tiếng Việt1
Đây là một hoạt động thiết thực, ý nghĩa kỷ niệm 50 năm Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát động phong trào "Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt".
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, sau ba mươi năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, cùng với sự thay đổi mọi mặt của đời sống xã hội, tiếng Việt cũng có những bước phát triển, giàu có hơn, phong phú hơn.
Đặc biệt trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, tiếng Việt là công cụ hữu hiệu nhất để thông tin. Báo chí và công chúng báo chí cũng có đóng góp to lớn, quan trọng vào sự phát triển của tiếng Việt hiện đại.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Vũ Toàn |
Nhắc lại tư tưởng rất sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cách nói, cách viết tiếng Việt sao cho ngắn gọn, trong sáng, giản dị, dễ hiểu đi đôi với phát triển, làm mới, làm giàu tiếng Việt một cách chọn lọc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ:
“Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã nói rất rõ ràng về trong và sáng trong tiếng Việt. Tôi luôn nhớ yêu cầu là phải trong trẻo, không có tạp chất, phải trung thành, sáng tỏ được ý muốn viết, muốn nói. Tôi nghĩ rằng các nhà báo càng phải thấm thía, phải rèn các kỹ năng để thực hiện những yêu cầu này, mỗi phát ngôn, câu văn của nhà báo có tính định hướng và lan tỏa rất sâu rộng trong xã hội và lan tỏa rất nhanh trong môi trường mạng”.
Bên cạnh ưu điểm và thành tích đó, có một thực tế cần quan tâm là việc sử dụng tiếng Việt cũng bộc lộ những hạn chế, yếu kém đó là sự thiếu trong sáng, thậm chí lệch chuẩn, lai căng, hỗn tạp. Một số cơ quan, tổ chức, cá nhân còn cẩu thả, dễ dãi khi dùng ngôn từ, vay mượn một số từ nước ngoài trong khi tiếng ta có sẵn.
Phó Thủ tướng đề nghị các nhà báo cần rèn luyện, trau dồi kiến thức, tìm tòi, tích lũy vốn từ vựng trên nhiều lĩnh vực ngành nghề, học hỏi cách diễn đạt nhuần nhị mà sâu sắc trong vốn văn hóa dân gian trong đời sống, trong hoạt động báo chí.
Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Vũ Toàn |
Các cơ quan nghiên cứu văn hoá ngôn ngữ, các cơ quan báo chí và các nhà báo cần quan tâm hơn nữa, có hành động thiết thực hơn nữa trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt ở đơn vị mình, để mỗi sản phẩm làm ra đạt được chuẩn mực về ngôn ngữ, về tiếng Việt.
Đại diện cơ quan chủ trì Hội thảo, PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng,Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam cho biết Hội thảo lần này có thể coi là hội thảo lớn thứ 3 về công cuộc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Vũ Toàn |
Các cơ quan thông tin đại chúng, đặc biệt là các đài phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử - nơi sử dụng tiếng Việt nhiều nhất, có tác động lớn đến công chúng thì càng cần gương mẫu trong việc sử dụng tiếng Việt cần hướng dẫn để mọi người biết giữ gìn sự trong sáng tiếng mẹ đẻ của mình.
Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cơ quan, các nhà nghiên cứu. Sau 3 tháng phát động, đã có khoảng 300 báo cáo khoa học, gần 100 bài viết, ý kiến từ khắp cả nước gửi về.
Sau phần hội thảo chung, phần tham luận được chia làm các tiểu ban: Tiếng Việt trên báo viết (báo giấy và báo điện tử); Tiếng Việt trên sóng phát thanh và Truyền hình...