Hội thảo khoa học quốc tế về di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long
- Tôn vinh giá trị toàn cầu của Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long
- Cần giải pháp lâu dài bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long
Hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo các đại biểu đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Ủy ban Ký ức Thế giới UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương, lãnh đạo thành phố Hà Nội, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học lĩnh vực lịch sử, khảo cổ, Hán Nôm, văn hóa, mỹ thuật, bảo tàng, di sản…
Báo cáo đề dẫn hội thảo, TS. Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội khẳng định: Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long mang trong mình những giá trị nổi bật toàn cầu, không chỉ có giá trị quốc gia, dân tộc mà còn mang tầm vóc của nhân loại.
Đây là trung tâm chính trị, văn hoá quan trọng của nước ta từ thành Vạn Xuân thế kỷ VI, phủ thành Tống Bình, phủ thành An Nam thế kỷ VII - IX, kinh đô của nước Đại Việt qua các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIX.
Hội thảo khoa học quốc tế về di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long |
Bên cạnh những di tích còn hiện hữu trên mặt đất như di tích Cột Cờ, Đoan Môn, Thềm rồng Điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Cửa Bắc..., một số lượng lớn các dấu tích kiến trúc xuất lộ qua khai quật khảo cổ học hiện đang bảo tồn tại chỗ. Các di tích ở các lớp văn hoá khác nhau chồng lên nhau là chứng cứ để xác định niên đại của các di tích. Mục đích nhằm bảo tồn lâu dài các dấu tích kiến trúc, di vật khảo cổ học đã được phát lộ, tôn vinh các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể là công việc đã và đang nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền và các nhà khoa học.
Bảo tồn di sản văn hóa, một di sản vô giá như Hoàng thành Thăng Long mà bao thế hệ tổ tiên đã sáng tạo nên và được giữ gìn trong lòng đất hàng ngàn năm là công việc mà chúng ta cần có những hướng đi đúng, cần có kế hoạch bảo tồn lâu dài và bền vững, phát huy giá trị Di sản và chuyển giao cho các thế hệ nối tiếp.
Di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội |
Tại hội thảo, 40 tham luận đã được các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý di sản trong và ngoài nước được chuyển về cho Ban tổ chức. Các đại biểu cũng đã thảo luận, làm sáng rõ hơn vai trò, giá trị và những thành tựu đạt được trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội.
Nhiều thành tựu trong những năm gần đây về công tác nghiên cứu, hợp tác quốc tế, khai quật khảo cổ học, xây dựng cơ sở dữ liệu và giải pháp, kinh nghiệm quốc tế trong nghiên cứu, bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị của di sản Hoàng thành nói riêng, di sản Việt Nam nói chung đã được các đại biểu bàn thảo dịp này.
Ban tổ chức hội thảo cho biết, kết quả hội thảo sẽ góp phần làm tiền đề cho công tác quản lý và phát triển bền vững di sản Việt Nam, trong đó có Di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội.