Khu di tích Bạch Đằng Giang - nơi giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ
- Cuốn sách có nhiều chi tiết sai sự thật về các nhân vật lịch sử
- Những nữ tướng lừng danh trong lịch sử thế giới
Trong khi nhiều điểm di tích, văn hóa tâm linh đang lộn xộn thì đây là một điểm sáng về công tác quản lý với tôn chỉ "3 không" (không mất tiền dịch vụ, không rác thải, không hàng quán).
Trong tiết trời ngày xuân, chúng tôi đến khu di tích Bạch Đằng Giang và nhận thấy, công tác tổ chức rất khoa học, không có việc chen lấn, xô đẩy, ồn ào.
Theo bạn Phạm Bình Chung, trú tại xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy cho biết, đây là lần thứ 2 đến tham quan, vãn cảnh tại di tích Bạch Đằng Giang. Khác với các địa danh, di tích, lịch sử văn hóa khác, nơi đây không thu phí gửi xe, không có hàng quán, không có rác thải. Trong không gian văn hóa, mọi du khách đều chấp hành nghiêm nội quy của Ban Quản lý. Du khách không phải "bức xúc" vì vấn đề thu phí dịch vụ.
Khu di tích Bạch Đằng Giang. |
Theo ông Lê Văn Đức, Trưởng ban Quản lý, khu Di tích Bạch Đằng trải dài trên diện tích 20ha, được xây dựng bởi các nhà hảo tâm. Nơi đây nằm trong quần thể danh thắng Tràng Kênh, được Nhà nước công nhận năm 1962. Tại đây có ngôi miếu cổ thờ các vong linh tử sĩ chiến đấu, hy sinh trên sông Bạch Đằng. Sau đó, được doanh nghiệp và các nhà hảo tâm nâng cấp, tôn tạo.
Từ cổng vào, một vườn đá cuội và một trụ đá cao chừng 5m, mặt trước có 7 chữ “Giang san vượng khí Bạch Đằng thâu”. Ba mặt trái, phải, sau khắc công lao và thần tích của vua Ngô Quyền, vua Lê Đại Hành và đại vương Trần Hưng Đạo. Đi sâu vào trong là các dãy bonsai, cây cổ thụ. Ngôi đền đầu tiên trong di tích là Tràng Kênh Vọng Đế, thờ vua Lê Đại Hành. Tiếp đó là Linh từ Tràng Kênh thờ Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, người chỉ huy chiến thắng Bạch Đằng năm 1288, rồi đến đền Bạch Đằng Giang thời Ngô Quyền, đánh thắng quân Nam Hán năm 938.
Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh là địa điểm cuối cùng trong tứ linh từ của di tích. Ngoài tứ linh từ, khu di tích Bạch Đằng Giang còn có: đền thờ Thánh Mẫu, khu nhà bảo tàng trưng bày hiện vật cọc Bạch Đằng được bảo tồn nguyên trạng trong bể thủy tinh. Từ ngôi chùa phỏng theo chùa Đồng (Yên Tử, Quảng Ninh) được xây trên núi Tràng Kênh, du khách sẽ bao quát được toàn cảnh vẻ đẹp của cả vùng Tràng Kênh.
Mới đây, khu di tích xây thêm 3 pho tượng đồng tạc Ngô Quyền, Lê Đại Hành và Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, mỗi pho tượng cao 11m, đặt trên một quảng trường nổi, hướng ra sông Bạch Đằng, xung quanh là một bãi cọc mô phỏng bãi cọc Bạch Đằng xưa kia…
Trong đó, việc duy trì các hoạt động như: trông xe, dọn dẹp vệ sinh đều do người dân tự nguyện tham gia, như một hình thức công đức cho khu di tích. Do đó, Ban Quản lý không phải trả công nên không đặt nặng vấn đề kinh doanh. Mọi người đều rất tự nguyện, tự giác, mỗi người làm một phần việc. Khác biệt lớn nhất của khu di tích này so với nhiều điểm văn hóa tâm linh khác là tôn chỉ “3 không”: không mất tiền, không rác thải, không hàng quán. Đến đây tham quan, vãn cảnh, du khách sẽ cảm nhận được thanh tịnh, trang nghiêm và trật tự...
Khu vực nhà khách khang trang, rộng rãi với sức chứa 1.000 người, có nước uống miễn phí; khu vực vệ sinh sạch sẽ, có nhân viên dọn dẹp thường xuyên. Khu vực bãi gửi xe rộng 2.000m2, có người trông coi miễn phí. Ngoài ra, khu di tích Bạch Đằng Giang còn là điểm tham quan lịch sử tích hợp trải nghiệm đối với các du khách, nhất là các bạn trẻ và học sinh các cấp.
Từ đầu năm 2017 đến nay, khu di tích đón hàng chục đoàn học sinh của các trường học trong và ngoài thành phố đến tham quan, sinh hoạt ngoại khóa, tìm hiểu lịch sử dân tộc. Đây là phương pháp giáo dục lịch sử kết hợp giữa lý thuyết và thực tế nên thu hút rất đông các thầy, cô giáo, các bậc phụ huynh và học sinh nhiệt tình tham gia.
Theo Ban quản lý di tích, hàng ngày, khu di tích mở cửa từ 7 - 19h. Các lễ hội chính tại đây gồm có: mùng 6 tháng giêng: khai hội. 14 - 15 tháng giêng: khai ấn. 18 tháng giêng: giỗ vua Ngô Quyền. 8-3 âm lịch: giỗ vua Lê Đại Hành và giỗ trận Bạch Đằng. 15-4 âm lịch: đại lễ Phật đản. 15.7 âm lịch: lễ Vu lan. 20-8 âm lịch: giỗ Đức thánh Trần (đại vương Trần Quốc Tuấn).
Trong 10 ngày đầu năm Đinh Dậu, khu di tích đón trên 11 vạn du khách (tăng 1,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái), giữ miễn phí trên 6.000 ôtô, hơn 4 vạn xe máy. Từ năm 2008, đền Trần Hưng Đạo trong di tích phát ấn đền Trần theo quy trình ở Nam Định không lộn xộn mà nghiêm trang, trật tự. Từ đầu năm đến nay, khu di tích Bạch Đằng Giang đón trên 20 vạn lượt du khách từ các địa phương trong cả nước đến tham quan.