Dấu ấn làng cổ Vạn Phúc - nơi Bác Hồ ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến

18:01 07/12/2020
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông – thơ Nguyên Sa. Câu thơ ấy đưa tôi đến với làng Vạn Phúc một ngày đầu đông 2020 se lạnh. Cách trung tâm Hà Nội 10km, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông, Hà Nội) là một trong hàng trăm làng nghề truyền thống có từ ngàn năm trước.

Trải bao thăng trầm lịch sử, nơi đây vẫn còn lưu giữ được những công trình đậm dấu ấn thời gian như đình, chùa, cổng làng... Đặc biệt, Vạn Phúc có căn nhà Bác Hồ đã ở nhiều ngày cuối tháng 12/1946 và viết Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia.

Đến thăm làng lụa Vạn Phúc, du khách có cảm giác đầy hoài niệm với cây đa, giếng nước, sân đình… mang nét cổ kính của làng quê Việt Nam xưa. Làng gần như tách biệt khỏi sự ồn ào, xô bồ của phố thị. Trong làng, dọc hai bên đường là những hộ kinh doanh vải lụa truyền thống với nhiều chủng loại, màu sắc sặc sỡ.

Chiếc cổng uy nghiêm của làng Vạn Phúc. 

Cổng chính của làng Vạn Phúc là một công trình được phục chế, kiến trúc theo kiểu tam quan, xây bằng gạch đỏ. Chiếc cổng làng uy nghi là niềm thương nhớ của bao kiếp người phải nổi trôi, phiêu bạt mưu sinh.

Qua khỏi cổng làng là phố Lụa và chợ Lụa, có nhiều cửa hiệu, sạp chuyên bán lụa và các loại vải, đũi. Lụa bán khá phong phú về chủng loại và nguồn gốc, nhưng hấp dẫn nhất vẫn là loại lụa, đũi được dệt từ tơ tằm hoặc chất liệu tự nhiên. Tiền nào của ấy, tuy giá bán cao nhưng lụa tơ tằm vẫn là sản vật quý, được du khách lựa chọn sử dụng hoặc làm quà tặng; vừa thể hiện sự trân trọng, thanh tao, vừa hữu dụng bởi lụa, đũi tơ tằm mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông và rất thân thiện với môi trường.

Tam quan trước đình Vạn Phúc.

Qua khỏi chợ Lụa là đến đình làng Vạn Phúc. Có một tấm bình phong chắn trước ao và cổng đình, được chạm khắc tinh xảo trên đá xanh. Ao đình Vạn Phúc hình vuông, nước xanh màu ngọc lam với những đàn cá vàng thảnh thơi lượn lờ. Thi thoảng, vài chú rùa con lại nổi lên thở rồi bơi vào thành ao leo lên nằm trên những gờ đá để sưởi nắng.

Mặt trước đình Vạn Phúc.

Vòng quanh ao có tường bao là những trụ đá và phiến đá vững chắc, bên trên trụ là những búp đa bằng đá chạm, to như bông hoa chuối rừng.

Ao đình xanh biếc có bức tường đá được chạm tinh xảo.

Đình làng Vạn Phúc được dựng từ thế kỷ thứ thứ IX, đến năm 1877 (đời vua Tự Đức) thì được dựng lại theo kiến trúc đặc trưng Triều Nguyễn. Năm 2013, tức là sau 136 năm, đình Vạn Phúc được trùng tu, tôn tạo đại quy mô nhưng vẫn giữ nguyên kiểu dáng, kiến trúc như thời Nguyễn.

 Một chiếc cổng cổ ở hướng Tây Bắc làng Vạn Phúc.

Ngôi đình Vạn Phúc cao ráo, thoáng mát, được dựng bằng những cột lim to và thẳng tắp đặt trên những phiến đá lớn. Kèo, xà ngang, xà dọc được làm bằng gỗ lim, tường xây bằng gạch. Mái đình lợp ngói múi hài. Ở 4 góc mái, có 4 đầu đao cong vút như đuôi chim phượng.

Đình làng Vạn Phúc là công trình văn hóa tâm linh gắn bó mật thiết với người dân nơi đây. Trong Cách mạng tháng Tám, lá cờ đỏ sao vàng đã tung bay trên nóc đình, chứng kiến thời khắc lịch sử đất nước chuyển mình.

 Chiếc cổng cổ của số nhà 33 Phố Lụa.

Tiếp tục hành trình thăm ngôi làng cổ. Chúng tôi bị thu hút mà dừng chân trước sự cổ kính in đậm dấu ấn thời gian của cánh cổng nhà số 48-Phố Lụa. Đây là căn nhà của gia đình ông Nguyễn Văn Minh, năm nay gần 70 tuổi. Ông niềm nở kể về lịch sử cánh cổng của gia đình: “Lúc bình sinh, ông nội của tôi đã kể, chính ông cũng không biết chiếc cổng được xây từ năm nào”.

Chiếc cổng đã gắn bó với bao đời với gia đình mình, nên được ông Minh coi là “bảo vật” đem lại sự bình yên, may mắn cho cả nhà. Ông thường nói với con cháu “Làm gì thì làm, phải giữ nguyên cái cổng”…

Một người bạn thân thiết của ông Minh đã tặng câu đối đặt ở 2 bên cổng nhà: “Trời nào đóng cửa ai đâu mãi/ Hỡi khách qua đường ngoảnh lại trông”.

Ông Minh (gần 70 tuổi) nhớ lại: "Ông nội tôi kể, chính ông cũng không biết chiếc cổng xây năm nào".

Ở cuối phố Lụa, là chiếc cổng to cổ kính, sừng sững như người lính canh gác ở cuối làng. Bà Lê Thị Tuyết, người dân phố Lụa cho hay, chiếc cổng này không biết đã có tự bao giờ và tuổi thơ của nhiều “ông già bà cả” nơi đây đều gắn liền với nó.

Bà Tuyết kể, khi bà còn bé chiếc cổng chỉ có 4 trụ, sau này được xây thêm vách. “Kỷ niệm thì nhiều lắm nhưng cái mà bà nhớ nhất là tuổi thơ cùng những người bạn đồng trang lứa thường trèo lên cổng chơi, nhất là xem đốt pháo vào dịp Tết đến, xuân về”.

Cùng tôi rảo bước qua những con ngõ nhỏ quanh làng Vạn Phúc, bà Tuyết kể về những cổng nhà cổ rêu phong, trầm mặc đã đi qua biết bao đời người. Trước cánh cổng ngõ 33 phố Lụa, bà Tuyết nói đây là một trong những cánh cổng lâu đời nhất.

Đó là cánh cổng từ bao đời của dòng họ Lê, cô Nguyễn Thị Toán (con dâu họ Lê) nhiệt tình kể về cánh cổng này. Từ thời xa xưa, ông cụ họ Lê là một chức sắc trong làng. Gia đình có mảnh đất gần với đình Vạn Phúc. Chiếc cổng cổ, có lẽ được xây cách đây 150 năm từ loại gạch thủ công nung kỹ lưỡng bằng rơm rạ, chất vữa dùng để gắn kết là hỗn hợp giữa vôi, bã mía và muối.

Từ thời xa xưa, cổng có 3 bậc nhưng cách đây 40 năm đã tôn đường lên. Cô Toán nói rằng dù cổng đã bị bong tróc, nứt nẻ, tuy nhiên gia đình không sửa chữa mà muốn giữ gìn nguyên trạng nét cổ kính…  

 Nhà lưu niệm Bác Hồ. Nơi đây, Bác đã viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

Du khách đến thăm Vạn Phúc không thể không thăm căn nhà của cụ Nguyễn Văn Dương, nơi Bác Hồ sống và làm việc 16 ngày cuối tháng 12/1946 (từ ngày 3/12/1946 đến 19/12/1946). Cụ Nguyễn Văn Dương là tiểu chủ có nghề dệt nổi tiếng trong làng.

Căn nhà có chiếc cổng khá cổ đắp nổi dòng chữ số “1935”. Đi qua cổng là khoảnh vườn rộng có ngôi nhà ba gian, hai tầng xây từ những năm 1941-1942, được giữ nguyên trạng làm Nhà lưu niệm Bác Hồ. Tại phòng chính ở tầng 2 có đặt bàn thờ và bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phía bên phải tầng 2 từ cầu thang lên là căn phòng nơi Bác Hồ đã lưu lại nhiều ngày. Tại căn phòng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự thảo Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến và chủ trì cuộc họp Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng quyết nghị thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện…

Những góc nhìn khác về căn nhà lịch sử.

Theo tài liệu được lưu giữ, trước lúc từ biệt gia đình cụ Nguyễn Văn Dương tối 19/12/1946, Bác Hồ đã gặp cụ Dương để cảm ơn gia đình đã giúp đỡ Chính phủ trong những ngày nước sôi lửa bỏng. Cụ Dương rất xúc động và mạnh dạn hỏi Bác về ngày thắng lợi cuộc kháng chiến. Bác khẳng định: “Nhất định là đánh được, còn lâu hay chóng là do ta. Nếu nhân dân ta ai cũng đồng lòng gắng sức thì dù giặc Pháp có máy bay, đại bác mạnh đến mấy cũng phải thua. Ta nhất định thắng!”.

Tạm biệt làng Vạn Phúc, vẫn thấy bâng khuâng, lưu luyến vẻ đẹp cổ kính, bình yên và lòng hiếu khách của người dân ngôi làng cổ hơn ngàn năm tuổi...

 
Thu Hà

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文