Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018: Vẫn “khát” kịch bản mới

08:11 19/09/2018
Đêm gala bế mạc và trao giải Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018 diễn ra tối 19-9 khép lại một mùa liên hoan sôi động và nhiều ý nghĩa. 32 vở đã ít nhiều phác họa nên bức tranh đời sống cải lương hôm nay với nhiều điều còn đáng lo ngại, đặc biệt là “cơn khát” kịch bản mới.

Kéo dài từ ngày 5 đến ngày 19-9, Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018 diễn ra tại TP Tân An, Long An (Cục Nghệ thuật Biểu diễn phối hợp cùng Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức) có nhiều điểm đổi mới đáng ghi nhận. Năm nay, Ban tổ chức mở rộng đối tượng tham gia, cho phép các đơn vị nghệ thuật cải lương công lập và ngoài công lập có thời gian hoạt động nghệ thuật liên tục từ 12 tháng trở lên được tham dự. 

Do vậy, trong 25 đoàn có đến 8 đoàn cải lương ngoài công lập, tạo thêm sắc màu tươi mới cho liên hoan. Ngoài thử nghiệm các hiệu ứng mới mẻ trên sân khấu như màn hình led, tranh cát,… một số đoàn ngoài công lập còn thử đo thị hiếu khán giả và tìm đầu ra cho tác phẩm bằng cách bán vé như vở “Hồn của đá”, “Tổ quốc nơi cuối con đường”…. 

Bên cạnh đó, liên hoan có nhiều bước tiến như: cho phép các đơn vị được tự do lựa chọn đề tài tác phẩm; ban tổ chức hạn chế duyệt, góp ý để tôn trọng sự sáng tạo, tự nhiên của các đoàn…

Liên hoan hội tụ một lực lượng khá hùng hậu, điểm mặt đủ anh tài của làng cải lương cả nước theo đúng chủ đề “Danh tài hội tụ”. 

Đó là những nghệ sĩ nổi tiếng như NSƯT Minh Vương, Phượng Loan, Kim Tử Long, Trinh Trinh, Vũ Luân, Thoại Miêu…; các đạo diễn “mát tay” tên tuổi: NSND Trần Ngọc Giàu, NSND Giang Mạnh Hà, NSND Hoàng Quỳnh Mai, NSƯT Triệu Trung Kiên; các họa sĩ thiết kế quen thuộc: NSND Doãn Bằng, Lê Văn Định, Văn Tòng…

Một cảnh trong vở “Cuộc đời của mẹ” của Đoàn Cải lương Long An.

Do đó, liên hoan được coi là một cuộc “điểm binh” của sân khấu cải lương, đồng thời là cơ hội nhìn ra những mặt khó khăn, yếu kém để tìm hướng vực dậy loại hình nghệ thuật chạm mốc 100 tuổi này.

Theo NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, xem hết các vở diễn, điều dễ nhận thấy nhất là liên hoan vẫn khát kịch bản mới. Dù Ban tổ chức quy định vở dự thi phải được dàn dựng từ năm 2014 đến nay nhưng gần một nửa là kịch bản cũ và dàn dựng theo kiểu “xào đi nấu lại”, “bình mới rượu cũ”. 

Có thể kể đến một số vở như “Rạng ngọc Côn Sơn” (Công ty TNHH Dịch vụ giải trí Kim Tử Long), “Thái hậu Dương Vân Nga” (Sân khấu Lê Hoàng), “Hồn của đá” (tên mới của vở “Hòn Vọng phu, tác giả Lưu Quang Vũ, chuyển thể cải lương: Mộc Linh, được Công ty TNHH Nguyễn Vĩnh Lộc dựng lại)… 

“Tất nhiên ở bản dựng mới, các nghệ sĩ đã có công sáng tạo để phả vào hơi thở thời đại, tạo sự thú vị, lạ lẫm nhưng việc có quá nhiều kịch bản cũ tại liên hoan là điều đáng báo động. Thậm chí, có những vở diễn cách đây hơn 30 năm vẫn được dàn dựng lại. Nghệ thuật cải lương muốn phát triển thì không thể cứ trông chờ vào các kịch bản cũ. Tôi nghĩ những mùa tới, liên hoan nên thay đổi quy chế nhằm hạn chế kịch bản quá cũ”, NSND Lê Tiến Thọ kiến nghị.

Hiện tượng rất nhiều đoàn hát sử dụng kịch bản cũ là điều dễ hiểu bởi kịch bản cũ từng ghi dấu ấn với khán giả trong khi kịch bản mới vốn hiếm hoi lại không hay. Đạo diễn, NSND Giang Mạnh Hà thừa nhận trong các cuộc thi, liên hoan, hội diễn có đến 70% vở cải lương phải chuyển thể từ kịch nói và các thể loại khác. Đây là nguồn kịch bản mà các đoàn bám víu nếu muốn vở mới và hay hơn một chút. 

Lực lượng tác giả am hiểu chuyên sâu viết về cải lương đang thiếu, mỏng là thực trạng đáng lo cho tương lai. Dù thường niên, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam vẫn tổ chức trại sáng tác cho tác giả ba miền nhưng kịch bản cho cải lương 30 năm qua chưa có sự đột phá về thi pháp kịch, chưa phát hiện được tác giả trẻ, mới viết kịch bản cải lương.

Yêu cải lương nhưng công chúng luôn bị bắt “ăn” lại món cũ (dù ngon) hoặc “ăn” món mới nhưng nặng nề tuyên truyền, hô hào khẩu hiệu khô khan nên lượng khán giả đến với liên hoan không như mong đợi. 

Ngoài sự cạnh tranh khốc liệt của các loại hình nghệ thuật giải trí khác, cải lương rơi vào ảm đạm chợ chiều phần lớn do khâu kịch bản. Vở hay và mới quá ít khiến khán giả dần rời bỏ loại hình nghệ thuật từng ở đỉnh hoàng kim.

Theo Thạc sĩ Phạm Thái Bình, Trung tâm Văn hóa TP Hồ Chí Minh, việc thiếu vắng tác giả kịch bản trẻ tuổi và mới lạ vô tình biến Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018 trở thành nơi thi thố của bậc lão làng. 

Điều này làm giảm sự thú vị vì hầu như khán giả, ban giám khảo đã quá biết sở trường của những gương mặt quen thuộc này. Mục đích tìm kiếm, bồi dưỡng gương mặt trẻ và mới của liên hoan gần như phá sản.

Viết kịch bản cải lương rất khó trong khi chế độ nhuận bút quá thấp. Tác giả Vương Huyền Cơ cho biết: “Nhà đài (Đài Truyền hình) trả tiền tác quyền cho một kịch bản cải lương là 7 triệu. Tác giả đóng thuế thu nhập thì chỉ còn hơn 6 triệu thì có đủ hấp dẫn cho họ vắt tim óc sáng tạo". 

Theo bà, cần phải tăng chế độ đãi ngộ, nhuận bút cho tác giả, soạn giả, có vậy họ mới tâm huyết dành hàng tháng trời để chăm bẵm cho đứa con tinh thần của mình.  

Ngoài ra, mỗi năm, các sân khấu cải lương chuyên nghiệp chỉ cần làm hai vở nhưng phải là tuyệt phẩm. Mỗi lần công diễn tuyệt phẩm đó là một sự kiện văn hóa, là ngày hội của khán giả để nhiều năm sau khán giả còn nhắc nhớ.

QUỲNH NGA

Theo một số nguồn tin quân sự, kể từ tuần trước, các lực lượng Nga đã tăng gấp đôi cường độ tấn công của họ trên một số mặt trận, trong bối cảnh ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ và thời gian tới có khả năng sẽ diễn ra các cuộc đàm phán hòa bình. Đặc biệt, việc Nga nối lại các hoạt động quân sự ở Zaporizhzhia từ đầu tháng 10 cho thấy khả năng Moscow sẽ mở đợt tấn công lớn nhằm vào khu vực này.

Đại úy Lê Thị Hồng Lụa là cô giáo ở Trường Giáo dưỡng số 2, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an. Ngoài truyền đạt kiến thức văn hóa cho học sinh, Đại úy Lê Thị Hồng Lụa còn uốn nắn, dạy dỗ, giáo dục những học sinh từ lầm lì, khép kín, ngỗ nghịch đi vào nền nếp, kỷ cương, trở thành người lương thiện để khi hết thời hạn, các em về với gia đình, trở thành người có ích cho xã hội. Nhiều năm miệt mài làm người “chở đò”, với biết bao tâm huyết, công sức, những kỷ niệm về sự hướng thiện của các em học sinh ở ngôi trường “đặc biệt” vẫn luôn là động lực để Đại úy Lê Thị Hồng Lụa thêm say mê, yêu quý nghề. 

Ông Ngô Văn Tuấn, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) mới đây đã có báo cáo về kế hoạch kiểm toán năm 2025 gửi tới Quốc hội. Theo đó, tổng số nhiệm vụ kiểm toán năm 2025 là 116 nhiệm vụ (giảm 5 nhiệm vụ so với năm 2024). 

Liên tiếp trong thời gian gần đây, lực lượng Công an xã tại Hà Tĩnh đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ việc lừa đảo qua mạng, trong đó phổ biến vẫn là chiêu thức mạo danh người có công quyền đề nghị chuyển tiền qua tài khoản.

Trong 11 tháng đầu năm 2024, số ca chết não hiến tạng ở Việt Nam tăng gấp đôi năm 2023. Kể từ ca hiến tạng từ người cho chết não đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam vào năm 2008, đây là năm đạt kỷ lục cao nhất về số người chết não hiến tạng.

Chiều 15/11, Công an huyện Thăng Bình (Quảng Nam) cho biết, đã chuyển hồ sơ cùng 2 đối tượng Hồ Xuân Tâm (SN 1998) và Bùi Vinh Quang (SN 1993, cùng trú xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình) đến Phòng ANĐT Công an tỉnh Quảng Nam để tiếp tục điều tra, làm rõ về hành vi tàng trữ tiền giả.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文