Lo lắng khi sáp nhập, lãng phí công bảo tồn
- “Ký ức Hội An” được tái hiện tại chương trình nghệ thuật biểu diễn thực cảnh lớn nhất Việt Nam
- Cục Nghệ thuật biểu diễn đề nghị hủy kết quả cuộc thi Hoa hậu Đại dương
- Hà Nội phấn đấu đạt 8 triệu USD từ nghệ thuật biểu diễn
- Chấn chỉnh tồn tại trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn
Thực hiện chủ trương tinh giản biên chế và đẩy mạnh xã hội hóa, hàng loạt các đơn vị nghệ thuật kịch hát dân tộc như tuồng, chèo, cải lương… ở các địa phương sẽ sáp nhập vào các Trung tâm văn hóa. Cộng thêm hàng loạt bất cập khác từ quá trình đào tạo cho đến thực tiễn hoạt động tồn tại dai dẳng khiến nghệ sĩ lo lắng bao công sức bảo tồn, phát huy các bộ môn nghệ thuật biểu diễn truyền thống sẽ như “muối đổ biển”.
Đạo diễn, NSƯT Đào Quang, Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tỉnh Nam Định cho hay: Theo chủ trương chung thì mỗi tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ sẽ sẽ giữ lại một loại hình nghệ thuật biểu diễn chủ chốt để giữ lại làm đoàn chuyên nghiệp, song hầu hết đều chọn chèo. Việc lựa chọn này dễ khiến các loại hình sân khấu trở nên kém phong phú.
Tại Nam Định, việc sáp nhập các đơn vị nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp đưa về Trung tâm văn hóa không chỉ gây nên sự xáo trộn về nhân sự, tư tưởng, tình cảm của nghệ sĩ mà còn từng bước nghiệp dư hóa nghệ thuật chuyên nghiệp.
Trong khi đó, nghệ sĩ của đoàn nghệ thuật các tỉnh đã rất khó khăn, chật vật. Đoàn Cải lương Quảng Ninh đã 6 tháng không có lương, nghệ sĩ chạy show biểu diễn phục vụ du lịch. Ngay cả với chèo, mô hình tổ chức cũng tạm thời “án binh bất động”.
Nhiều năm nay, các bộ môn nghệ thuật truyền thống đã thiếu vắng đội ngũ kế cận, khó khuyến khích người trẻ có năng khiếu gắn bó với nghề. Thế nhưng mới đây, Nam Định có 15 sinh viên tốt nghiệp cao đẳng nghệ thuật mà không dám nhận. Điều này không khác gì “gáo nước lạnh dội vào những ngọn lửa mới vừa nhen nhóm lên”…
Thực tế, nỗi lo lắng, bất an của nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật kịch hát dân tộc không chỉ đến từ câu chuyện… biên chế. Thạc sĩ, đạo diễn Đặng Bá Tài chỉ ra khá nhiều bất cập khác ngay từ khâu đào tạo, phục dựng truyền thống.
Một buổi biểu diễn ngoài trời của nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam. |
Cụ thể là với bộ môn nghệ thuật tuồng. Lâu nay, việc khai thác các trích đoạn tuồng hay các vở tuồng truyền thống là công việc thường đặt ra trong các kế hoạch hoạt động của các đơn vị nghệ thuật này. Các tác phẩm kinh điển của tuồng đã xuất hiện cách đây nhiều thập kỷ, nội dung của các vở diễn thường là về trung, hiếu, tiết, nghĩa, đạo tam cương ngũ thường.
Nội dung các vở diễn đã xa lạ với thế hệ trẻ, không gắn liền với giá trị thẩm mỹ cũng như mục tiêu phát triển của xã hội hiện tại. Với hoạt động đào tạo, ngay trong hệ thống các trường đào tạo chuyên nghiệp cũng đang bộc lộ nhiều nhược điểm. Trước đây, thầy tuồng chuyên vai kép thì dạy kép, chuyên đóng tướng dạy tướng, chuyên đóng đào thương, đào võ thì tham gia dạy đào.
Đến nay, một thầy dạy nhiều vai, thậm chí, có thầy không có nổi một vai tuồng truyền thống hay nhưng gắn thêm mác đạo diễn, NSND nên được phép dạy tất cả các vai.
Chưa kể, tuồng Bắc khác tuồng Nam. Nghệ sĩ tuồng Bắc không thể dạy tuồng Nam. Vì cơ chế đào tạo nói trên nên năm 2017 đã xảy ra một “tai nạn” đáng tiếc là các tỉnh, thành phía Nam gửi học trò ra học nghề thì được dạy tuồng Bắc và ngược lại.
Mặc dù sự việc sau đó đã được phát hiện, điều chỉnh kịp thời nhưng nếu vẫn giữ cơ chế đào tạo như thế sẽ rất khó khẳng định sẽ không còn các “tai nạn” tương tự như thế trong quá trình truyền nghề.
Đại tá, đạo diễn, NSND Quốc Trượng, Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội cũng cho biết, nhiều năm nay nhà hát luôn luôn cố gắng và rất mạnh dạn trong dàn dựng các vở diễn về đề tài hiện đại. Nhưng, làm cách nào để thực sự có những vở hay, làm thế nào để các nghệ sĩ nhận được tiếng nói chung cũng như những đánh giá xác đáng từ giới chuyện môn thì nhà hát bất lực.
Để các bộ môn nghệ thuật truyền thống thuộc kịch hát dân tộc không bị nghiệp dư hóa và phát huy được đúng giá trị của chúng trong đời sống xã hội hiện tại đang là vấn đề còn nhiều trăn trở. Về vấn đề này, NSND Quốc Trượng chia sẻ, sở dĩ chèo nói riêng, kịch hát dân tộc nói chung bị lép vế trước nhiều bộ môn nghệ thuật khác là do chính những người làm nghề.
Cả nghệ sĩ, người quản lý đừng đổ lỗi cho ai, cho điều gì đó về sự thiếu thốn vật chất hay tinh thần khi bản thân người trong nghề vẫn “người đánh trống xuôi, kẻ kèn thổi ngược”. Để gìn giữ nghệ thuật này, hơn bao giờ hết, người làm nghề phải biết cùng nhau đoàn kết, hợp sức, tìm lối đi đúng đắn hơn.
Đạo diễn, NSƯT Đào Quang thì cho rằng Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nên có những kiến nghị với Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng cùng tháo gỡ và nếu có sáp nhập thì cũng nên bảo đảm tính đặc thù, tính chuyên nghiệp của nghệ thuật sân khấu. Người làm nghề cũng phải xác định, công chúng sẽ là thước đo cho sự tồn tại của sân khấu. Tránh tình trạng vở diễn dựng rồi… cất kho. Như thế, từ hoạt động quảng bá, giới thiệu đến biểu diễn phải phong phú, nhiều màu sắc hơn.
Hoạt động xã hội hóa là cần thiết. Cơ chế tự chủ cho các đơn vị hoạt động nghệ thuật là cần thiết nhưng cần phải có lộ trình. Nếu sáp nhập, xã hội hóa theo kiểu “ném ào” một cái xuống biển sẽ dễ chết đuối hết. Với việc sáp nhập, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cũng nên có ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước, đừng để mất đi các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp đã dày công xây dựng một cách không thương tiếc...
Đạo diễn Đặng Bá Tài cũng khẳng định: Người làm nghề phải thực tâm xem xét, thay đổi cả trong quan điểm, cách làm. Nếu xác định cái gì cần bảo tồn thì phải bảo tồn đến nơi đến chốn. Muốn phát huy hay phát triển cũng phải xác định đúng nội hàm của từng thuật ngữ để thực hiện. Khi xác định đúng, rõ mục đích rồi thì phải tìm mọi cách thực hiện, không nên đại khái, có khi không thể nghĩ, tính đến thời gian, tiền bạc. Bởi, nghề chơi cũng lắm công phu…