Nghệ nhân Phan Thanh Liêm và sáng tạo sân khấu múa rối nước thu nhỏ đậm hồn quê
- Nghệ sĩ múa rối nước: Gian nan tìm “con đường sáng”
- Cơ chế nào cho việc phát triển và gìn giữ nghề múa rối nước?
- Múa rối nước Việt Nam được hưởng ứng tại Chi Lê
Mong muốn gìn giữ và phát huy được nghệ thuật múa rối nước cổ truyền của quê hương, nhiều năm nay, ông không chỉ dành nhiều nỗ lực để đưa rối nước chinh phục khán giả, du khách ghé thăm Thủ đô Hà Nội, mà còn đưa rối nước ra nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Đã từ lâu, ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong phố Chợ Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội đã trở thành địa chỉ quen thuộc của đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế. Những chương trình biểu diễn với các tiết mục múa rối nước dân gian truyền thống sinh động tại sân khấu thu nhỏ trên tầng 4 của ngôi nhà này đã chinh phục người xem.
Đây cũng là sân khấu rối nước thu nhỏ đầu tiên được xây dựng từ ý tưởng khắc phục những nhược điểm về sự cồng kềnh, bất tiện của sân khấu rối nước truyền thống khi đi lưu diễn của nghệ nhân Phan Thanh Liêm khi đưa rối nước Nam Chấn phục vụ khán giả lưu động.
Kể về gốc tích của sân khấu rối nước thu nhỏ, nghệ nhân Phan Thanh Liêm chia sẻ rằng, thành quả ngày hôm nay anh có được, một phần là do được truyền lại từ các thế hệ đi trước.
Ông nội của Phan Thanh Liêm là nghệ nhân Phan Văn Huyên, một trong số các bậc thầy về nghệ thuật điêu khắc, tạo hình rối nước truyền thống. Cha của ông là nghệ nhân Phan Văn Ngải, người đã góp công đào tạo nghệ thuật của rối nước truyền thống cho nhiều thế hệ diễn viên của Nhà hát Múa rối nước Trung ương và của các địa phương.
Từ thuở nhỏ, Phan Thanh Liêm đã được ông nội và cha kèm cặp, dạy bảo những bí quyết tạo hình con rối, kỹ thuật máy rối, cách thức biểu diễn các trò rối nước làm hấp dẫn người xem. Rời làng quê theo cha ra thành phố, cậu bé Liêm mang theo cả tình yêu đối với nghệ thuật rối nước cổ truyền. Những năm tháng tham gia hoạt động cùng đoàn nghệ thuật múa rối nước của gia đình do cha thành lập, Phanh Thanh Liêm sớm nhận ra sự hạn chế của mô hình sân khấu múa rối nước lớn.
Sân khấu này không chỉ cồng kềnh, khó di chuyển mà còn không thích hợp với một đoàn biểu diễn có ít người theo kiểu một gia đình. Vì vậy anh luôn trăn trở và sáng tạo ra một mô hình sân khấu rối nước thu nhỏ. Năm 2000, sân khấu múa rối nước thu nhỏ đầu tiên được giới thiệu lần đầu tại Triển lãm văn hóa nghệ thuật Vân Hồ, Hà Nội.
Bể nước làm sân khấu biểu diễn chỉ dài 80cm, rộng 50cm. Những con rối cũng được tạo tác cực nhỏ. Năm 2001, sân khấu này tiếp tục được cải tiến, có kích cỡ lớn hơn một chút và đã tồn tại đến hôm nay. So với sân khấu truyền thống, mô hình sân khấu múa rối nước thu nhỏ có khá nhiều ưu điểm vì gọn nhẹ, tiện lợi khi di chuyển, phù hợp khi biểu diễn phục vụ khán giả ở những không gian hạn chế, chật hẹp như trong trường học, cơ quan, gia đình…
Không chỉ tích cực hoạt động phục vụ công chúng khán giả ở trong nước, trong những năm qua, nghệ nhân Phan Thanh Liêm đã đưa sân khấu rối nước thu nhỏ đi lưu diễn thành công tại nhiều quốc gia: Hàn Quốc, Ba Lan, Canada, Thái Lan, Cộng hòa Liên bang Đức, Malaysia, Pháp, Nhật, Trung Quốc, Anh. Riêng năm 2017, anh đã có 2 chuyến lưu diễn tại Mỹ và Hàn Quốc. Trong các chuyến lưu diễn này, không ít lần phục vụ các hoạt động ngoại giao.
Nhớ lại những chuyến đi này, nghệ nhân Phan Thanh Liêm nói rằng, điều khiến anh vui nhất không chỉ là sự yêu mến của khán giả mà còn là sự tự hào khi giới thiệu được văn hóa truyền thống của quê hương đến bạn bè quốc tế và phục vụ kiều bào xa Tổ quốc.
Sự động viên, khích lệ của khán giả, của nhiều tổ chức, đặc biệt là sự đồng hành của Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam đã giúp anh có thêm nhiều động lực để đi tiếp con đường mà cha ông đã chọn.
Mới đây, nghệ nhân Phan Thanh Liêm đã mở thêm một điểm diễn mới tại Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội. Sân khấu chỉ rộng 3m, sâu 2,6m, phục vụ khoảng 50 khách xem nhưng từ đường vào đến thiết kế không gian sân khấu, tiết mục biểu diễn đều đậm đặc hồn quê của rối nước Nam Chấn nói riêng, của nông thôn Việt Nam nói chung.