Người tình trong mộng của “Đại hiệp Kim Dung”

10:44 03/11/2017
Tài tử - giai nhân ấy là chuyện nghìn thu, chuyện của Kim Dung cũng không ngoại lệ.Ngày 3-11-2016, nữ minh tinh lừng lẫy một thời ở Hồng Kông là Hạ Mộng đã qua đời ở tuổi 83.

Giới truyền thông và người hâm mộ rất quan tâm đến Hạ Mộng không chỉ vì bà từng là cô đào sắc nước hương trời, một "Audrey Hepburn phương Đông", một "Trường Thành đại công chúa" mà còn là hóa thân của những nhân vật Tiểu Long Nữ, Hoàng Dung, Vương Ngữ Yên dưới ngòi bút Kim Dung.

Kim Dung từng nói: "Tây Thi đẹp như thế nào, chưa ai nhìn thấy qua. Tôi nghĩ Tây Thi phải giống như Hạ Mộng thì mới đúng là danh bất hư truyền".

Hạ Mộng tên thật là Dương Mông, sinh năm 1933 tại Thượng Hải trong một gia đình giàu có. Mẹ của Hạ Mộng là Cát Thị, một người đẹp có tiếng. Đầu năm 1930, Trường Giang xảy ra lũ lụt lớn. Một trong các hoạt động cứu trợ ở Thượng Hải là chọn 10 cô gái đẹp nhất đi bán hoa tươi, giá cả tùy theo người mua. Kết quả là đóa hoa hồng của Cát tiểu thư được mua đến 500 đồng bạc Tây Dương - một số tiền cực lớn thời bấy giờ.

Gia đình Hạ Mộng đều mê âm nhạc, diễn kịch, ai cũng có thể xướng Kinh kịch, chơi nhị hồ, kinh hồ, đàn nguyệt…

Năm 1947, Hạ Mộng theo gia đình định cư Hồng Kông, học trường Anh văn nữ tu Maryknoll College. Hạ Mộng sớm thể hiện tài năng diễn xuất. Vai đầu tiên cô thủ diễn là nhân vật chính trong vở "Thánh nữ Jeaned'Arc" đã ấn chứng tài năng này.

Kim Dung và Hạ Mộng đang làm việc trong Công ty Trường Thành.

Khoảng năm 1950, cô bạn học Mao Muội của Hạ Mộng có cha là Viên Ngưỡng An, đang quản lý Công ty chế tác phim ảnh Trường Thành. Ông Viên lo lắng lớp nữ diễn viên trong công ty không có người kế tiếp, mới tình cờ hỏi con gái là trong lớp có bạn nào đẹp không? Mao Muội hỏi lại rằng thế nào là đẹp, ông Viên nói quan trọng nhất là cao ráo. Mao Muội liền nghĩ ngay đến cô bạn Hạ Mộng.

Nhìn thấy cô gái cao hơn 1,7m, dáng vóc thon thả, dung nhan xinh tươi, thuần khiết thanh nhã, Viên Ngưỡng An và đạo diễn Lý Bình Thanh mừng rỡ như được bảo vật, liền đề nghị được ký hợp đồng. Nhà văn Cao Hùng và đạo diễn Lý Bình Thanh cùng bàn chuyện đặt nghệ danh cho Dương Mông, lúc ấy là mùa hạ, liên tưởng đến vở "Giấc mộng đêm hè" của Shaspears, hài âm hai chữ "mộng" và "mông", quyết định lấy tên cho cô là Hạ Mộng.

Tháng 10-1951, tác phẩm điện ảnh đầu tiên do Hạ Mộng đóng vai chính là "Cấm hôn ký" đã thành công rực rỡ. Tuy vai diễn phức tạp, kể về một thiếu phụ mới thành hôn nhưng vì muốn có công việc đã tìm mọi cách giấu thân phận mình, Hạ Mộng lại không có kinh nghiệm, nhưng nhờ khả năng thiên phú, cô đã thể hiện xuất sắc vai diễn. Đạo diễn Lý Bình Thanh đánh giá rằng: "Khả năng thể hiện trước ống kính của Hạ Mộng là tuyệt vời, đó là một diễn viên thiên tài".

Tiếp đó, hàng loạt bộ phim của Công ty Trường Thành do Hạ Mộng thủ vai chính như  "Đêm tân hôn", “Tỷ muội khúc”, “Nhật xuất”, “Bản giao hưởng đô thị”, “Kim chi ngọc diệp”, “Ngự muội Lưu Kim Đính”, “Vương lão hổ cướp thân”… đã đưa cô trở thành "đại công chúa" trong "Trường Thành tam công chúa"; hai người còn lại là diễn viên nổi tiếng Thạch Tuệ và Trần Tư Tư.

Hạ Mộng thời xuân sắc.

Kim Dung ôm mộng

Kim Dung từ năm 1953, với bút danh Lâm Hoan ông đã viết ít nhất 50 bài về lý luận, phê bình điện ảnh cho Trường Thành họa báo và bắt đầu viết các bộ tiểu thuyết võ hiệp đầu tiên "Thư kiếm giang sơn" (Thư kiếm ân cừu lục); Bích huyết kiếm. Năm 1957, Kim Dung quyết định đầu quân cho Công ty điện ảnh Trường Thành để làm một chân biên kịch, chuyên viết kịch bản điện ảnh. 

Lúc này Kim Dung đã chia tay người vợ đầu và quyết định lưu lại Trường Thành của ông về sau bị "giải mã" là vì mê Hạ Mộng - người được xem là "Kiệt tác của Thượng đế". Những người bạn thân, đồng nghiệp của Kim Dung thời ấy đều khẳng định Kim Dung dùng tuyệt chiêu này để có thể được gặp gỡ Hạ Mộng mỗi ngày. 

Nghê Khuông, La Phu, Lý Hàn Tường… đều nói Kim Dung từng theo đuổi Hạ Mộng và cho rằng đây là chuyện… không có gì mới. Kim Dung không bình luận về chuyện này, nhưng có câu trả lời hóm hỉnh rằng: "Xưa kia Đường Bá Hổ yêu a hoàn Thu Hương của một phú hào, để gần gũi cô ấy, Bá Hổ không tiếc bán thân vào nhà kia làm nô. Kim Dung tôi so với Bá Hổ còn kém xa lắm".

Nữ nhà văn Tam Mao cũng là một người quen của Kim Dung viết rằng: "Chỗ đặc biệt trong tiểu thuyết Kim Dung là viết về một thứ mà cho đến nay loài người vẫn không nắm bắt được, nó có thể khiến người ta lên thiên đàng hay xuống địa ngục, đó là chữ "tình". Mà nếu không biết được đoạn tình sử của Kim Dung và Hạ Mộng thì sẽ không hiểu được "tình duyên" mà ông miêu tả trong tiểu thuyết".

Sau này, nhà văn, dịch giả Thẩm Tây Thành là người rất thân với Kim Dung, Nghê Khuông, trong cuốn sách "Kim Dung và Nghê Khuông" ông khẳng định lại "thuyết Hạ Mộng" và nói rằng các nhân vật nữ như Hoàng Dung, Tiểu Long Nữ, Vương Ngữ Yên "từ cái liếc nụ cười đều mang bóng dáng của Hạ Mộng".

Đoạn tình sử tài tử - giai nhân này không đi đến đâu, đơn giản vì lúc ấy Hạ Mộng đã là hoa có chủ. Năm 1954, Hạ Mộng kết duyên với thương nhân Lâm Bảo Thành. Hai vợ chồng tuy người làm kinh tế, người làm nghệ thuật nhưng rất đồng cảm, đồng điệu, gắn bó không rời. Kim Dung ngậm ngùi rằng: "Tuy dòng nước có tình nhưng cuối cùng vẫn phải chảy về đông".

Tuy vậy, thời gian ở Trường Thành, Kim Dung đã viết không ít kịch bản như “Tuyệt đại giai nhân”, “Đừng rời xa tôi”, “Hoan hỷ oan gia”, “Cô bồ câu nhỏ”, “Thiếu nữ hoài xuân”, “Ba lần yêu”, “Tiếng đàn đêm”… Đặc biệt là tác phẩm “Tuyệt đại giai nhân” do Hạ Mộng đóng vai Triệu Cơ đã đoạt giải thưởng điện ảnh xuất sắc ở Trung Hoa đại lục, Kim Dung đoạt huy chương Vàng về biên kịch. Còn tác phẩm “Vương lão hổ cướp thân” do Kim Dung và Hồ Tiểu Phong làm đạo diễn, Hạ Mộng đóng vai chính đã trở thành tác phẩm kinh điển phim về Việt kịch.

Năm 1958, Kim Dung rời Công ty Trường Thành, cùng bạn thành lập tờ Minh báo và vừa viết báo vừa viết tiểu thuyết kiếm hiệp. Tuy vậy, "đại hiệp" vẫn luôn theo sát những biến chuyển của Hạ Mộng và cho đăng báo. Như ngay kỳ thứ hai phụ san đã đăng bài "Hạ Mộng luyện  vũ" (ký tên Hoàng Dung) khen Hạ Mộng vừa đẹp vừa dũng. Khi Hạ Mộng đi du lịch châu Âu một thời gian dài, Minh báo liên tục đăng tin tức, bài viết về Hạ Mộng.

Tháng 9-1967, sau khi đóng xong 42 bộ phim, Hạ Mộng quyết định cùng chồng định cư Canada. Ngày 27-9, Minh báo đăng trang bìa bài "Hạ Mộng đã đi Canada" kèm theo 1 bài tống biệt thi vị của chủ bút Kim Dung "Xuân mộng của Hạ Mộng". Sau này còn đăng nhiều bài về sự trở lại Hồng Kông của Hạ Mộng.

Năm 1979, Hạ Mộng quay về Hồng Kông lập Công ty điện ảnh Thanh Điểu làm giám chế và sản xuất một số bộ phim có sự đóng góp ý kiến của Kim Dung như “Lao vào biển dữ”, “Tự thủy niên hoa” đã đoạt giải Kim Tượng về phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất năm 1982 và 1984.

Năm 2014, Hạ Mộng tham gia sự kiện kỷ niệm 65 năm hoạt động nghệ thuật của bà được tổ chức tại Thượng Hải, thu hút đông đảo truyền thông, giới văn nghệ sĩ và người hâm mộ. Khi chia tay, trước khi lên máy bay, bà đọc mấy câu thơ trước ống kính truyền hình: "Tôi đi, rất nhẹ nhàng; cũng như tôi nhẹ nhàng trở lại. Tôi vẫy tay nhẹ nhàng, tạm biệt áng mây màu cuối trời tây". Và giờ đây, bà cũng đã ra đi nhẹ nhàng. Chỉ có điều, việc Hạ Mộng đối như thế nào với "mối tình" của "đại hiệp" Kim Dung thì ít ai tường tận.

Hạ Mộng năm 82 tuổi.

Bí quyết dưỡng nhan của Hạ Mộng

Cho đến những năm cuối đời, Hạ Mộng vẫn giữ được nét thanh xuân tươi trẻ, làn da mịn màng, thân hình thon thả, nhất là đôi chân rất đẹp. Tính tình vẫn như xưa, lúc nào cũng hòa nhã, nhẹ nhàng, ít nói nhưng hóm hỉnh.

Một điểm đặc biệt trong bí quyết dưỡng nhan sắc của Hạ Mộng là từ trẻ đã sắp xếp công việc theo thời khóa, nhất định không thức đêm. Dù đóng phim là công việc bất kể giờ giấc nhưng riêng "đại công chúa" Hạ Mộng thì chỉ làm mọi việc vào buổi sáng, sau 12 giờ trưa là nghỉ ngơi và ngủ bảo đảm 8 tiếng/ngày. Thức đêm được coi là "bùa đoạt mệnh", nhất là đối với giới diễn viên. Châu Nhuận Phát từng nói đóng phim ban đêm là phát phì ngay vì buồn, mệt mỏi, lại hay ăn đêm, uống nước ngọt…

Hạ Mộng tuy là người Thượng Hải nhưng sống lâu ở Hồng Kông nên theo thói quen ăn uống thanh đạm hơn, luôn tránh các món chiên, thường ăn cá chưng, rau xào nhẹ và canh nấu theo kiểu xưa của người Quảng Đông. Buổi chiều, bà uống trà theo kiểu Anh nhưng tránh ăn kèm các loại bánh có bơ, chỉ thuần uống trà hay cà phê. Bà cũng không hay ăn vặt sô cô la hay đồ ngọt, chủ trương "you are what you eat" (bạn ăn gì sẽ ra như thế). Nhưng Hạ Mộng không phải người ăn kiêng, món sườn bà rất thích ăn vào bữa trưa, chỉ là bà chú ý ăn như thế nào, ăn lúc nào và ăn thứ gì để tốt nhất cho cơ thể.

Hạ Mộng cũng tiết lộ rằng mỗi tuần bà ăn yến sào 3 lần vào buổi sáng để dưỡng nhan sắc.

Về vận động thì Hạ Mộng thú nhận là mình rất lười, không ham thể dục thể thao. Sau khi sinh đứa con đầu lòng, bà có tập qua Yoga nhưng không kiên trì. Những loại dược phẩm chức năng, Hạ Mộng cũng cự tuyệt, bà cho rằng ngày 3 bữa đủ dinh dưỡng là tốt rồi. 

Thiên Tường

Đến trưa 27/12, Công an TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) vẫn đang phong tỏa hiện trường vụ cháy xảy ra tại dãy nhà trọ cao 5 tầng trong hẻm 63, đường số 10, phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức để làm rõ nguyên nhân vụ cháy khiến 2 người tử vong, 8 người bị thương.

Ngày 27/12, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, Trường Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (Saigon Star International School) gồm Trường Mẫu giáo Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn và Trường tiểu học Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (phường Thạnh Mỹ Lợi (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) chưa được Sở cấp phép hoạt động giáo dục.

Qua công tác nắm tình hình, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường Công an tỉnh Thanh Hoá đã phối hợp với Công an TP Sầm Sơn phá Chuyên án sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm chức năng, bắt giữ 2 đối tượng: Nguyễn Hữu Nam (SN 2000, ở phường Trung Sơn, TP Sầm Sơn) và Triệu Y Tám (SN 2001, ở xã Hợp Sơn, huyện Ba Vì, TP Hà Nội).

Sự ủng hộ ngày một lớn đến từ giới mộ điệu tiếp thêm niềm tin nơi HLV Kim Sang-sik. Lần đầu tiên trước giới truyền thông, ông nhắc đến 2 từ vô địch cùng ĐT Việt Nam!

Khu đất rộng hơn 53 ha nằm cạnh Khu du lịch Bà Nà Hills được quy hoạch làm khu dân cư phục vụ nhu cầu ở của cán bộ, nhân dân địa phương, song thực tế sau đó lại được bán chác tùy tiện, đi rất xa với mục đích phê duyệt ban đầu của cấp thẩm quyền.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文