Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm - Giọt nước mắt trong veo
Tôi không thân với nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, nhưng từ khi chưa gặp anh, tôi đã nhớ những câu thơ của anh đầy ấn tượng, thân thiết với lứa tuổi học trò:
- "Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay
Tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước
Con ve tiên tri vô tâm báo trước
Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu
...Em đã yêu anh. Anh đã xa rồi
Cây bàng hẹn hò chìa tay vẫy mãi
Anh nhớ quá mà chỉ lo ngoảnh lại
Không thấy trên sân trường chiếc lá buổi đầu tiên".
Có thể nói, lũ học trò thủa ấy rất yêu thích và thuộc thơ của Hoàng Nhuận Cầm, vì nó miêu tả đúng tình cảm chớm nảy nở của tuổi trẻ và tình yêu trong veo, mê hoặc...
Sau này, đôi khi gặp nhau trong các cuộc họp, Hoàng Nhuận Cầm thường rất tếu táo. Anh đùa:
- Chị trẻ cứ như là... có thể đóng vai "người iu" của em đó nha!
Tôi cười:
- Mày yêu toàn em trẻ xinh loại diễn viên điện ảnh với hoa hậu, các chàng khác cứ là MƠ nha!
Mặt Hoàng Nhuận Cầm xa vắng: "Nhưng các nàng bỏ em đi hết chị ơi"...
Hồi tôi làm việc ở Hội Văn Nghệ Hà Nội, đã có lần chúng tôi rủ nhau đến thăm anh ở một căn phòng nhỏ trong khu phố cổ, không nhớ là Hàng Bè hay Hàng Bún. Căn phòng ngập trong khói thuốc và sự luộm thuộm của người đàn ông sống một mình. Vợ con ở đâu không rõ. Chúng tôi cũng không hỏi. Căn phòng ấy luôn ngập tiếng rít thuốc lào và tiếng cười của bạn bè văn chương. Anh quảng giao, được bạn bè yêu quý, thơ hay và có nhiều tài.
Vai Bác sĩ Hoa súng đã đóng đinh vào tên anh. Đi với anh đến đâu mọi người không gọi Hoàng Nhuận Cầm mà reo to: "Bác sĩ Hoa súng đã đến rồi!"... Anh còn tham gia sáng tác nhiều kịch bản phim hay, mà hay nhất theo tôi là “Mùi cỏ cháy”. Khi xem phim này, tôi đã khóc vì nhớ tới em trai mình đã hy sinh cùng bao bạn bè em ở lứa tuổi có thể còn chưa biết yêu đã cầm súng lên đường vì Tổ quốc.
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. |
Năm 1971, Hoàng Nhuận Cầm đang học ở Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp thì lên đường nhập ngũ - thuộc Sư đoàn 325B ở Quảng Trị. Anh đã làm phim “Mùi cỏ cháy” chính là vì đồng đội của anh đã rất nhiều người nằm lại ở Thành cổ Quảng Trị trong cuộc chiến khốc liệt mà anh và em trai tôi đã tham gia.
Hoàng Nhuận Cầm vừa mất ngày 20-4, khi anh đang làm việc. Anh chỉ kịp gọi điện cho con trai báo tin bố mệt không đến được cuộc gặp chiều nay.Và lúc con trai đến đưa bố đi bệnh viện thì anh không qua khỏi vì bị bệnh phổi đã lâu mà không chịu nghỉ ngơi, rèn luyện sức khỏe.
Hoàng Nhuận Cầm là một chàng trai của Thủ đô, nhỏ bé, nhanh nhẹn, hết lòng đam mê cái đẹp, hết lòng với công việc và sáng tác, nhất là anh đã để lại những bài thơ hay, mà theo bạn bè và người đọc, thì mảng thơ viết về lứa tuổi học sinh, sinh viên của anh là đẹp nhất. Nó trong trẻo, đằm thắm, ấn tượng với những ai đã đọc thơ anh. Nhưng có lẽ vì quá mộng mơ nên đời thực của anh hơi vất vả.
Cái đẹp của những mối tình mà Hoàng Nhuận Cầm đã trải qua - những người vợ của anh, theo tôi biết thì họ đều rất yêu anh mà rồi không chịu nổi tính lơ mơ với cuộc đời thực của ông chồng thi sĩ nên đều đã chia tay. Nhưng một điều lạ, là theo lời kể lại của một số người thì các bà vợ của anh vẫn gặp nhau, thăm nhau. Và con cái họ đều yêu quý bố Hoàng Nhuận Cầm. Mọi người trong gia đình vẫn chuyện trò, chia sẻ với nhau về người cha và ông xã đáng yêu như những giọt nước trong veo của bầu trời mơ mộng đã đi qua đời họ.
Tôi chợt nhớ những câu thơ Hoàng Nhuận Cầm bỗng dự báo về cái chết khi anh còn khá trẻ, mà ai cũng có thể thấy như viết cho mình:
"Một mai chết hết hận thù
Mắt chầm chậm khép - tay từ từ xuôi
...Một mai chết tóc phủ dày
Miền tâm tư vỡ tháng ngày thật xa
Một mai nằm với bao la
Buồn ơi chào nhé - khóc òa vầng trăng...".
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm thọ 69 tuổi. Anh đã sống và để lại những giọt lệ trên mi mắt mỗi người yêu quý và xót thương anh. Tôi xin chia sẻ với các chị và các con anh nỗi đau đã mất một nhà thơ tài hoa, đầy ấn tượng. Anh đi qua cuộc đời như một giọt nước mắt trong veo mà phản chiếu nhiều vẻ đẹp long lanh của mặt trời.
Hoàng Nhuận Cầm đã sống, làm việc và yêu hết mình. Anh đã nhận giải thưởng thơ của Hội Nhà Văn Việt Nam, giải Cánh Diều Vàng cho phim “Mùi cỏ cháy” và Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2012. Anh đã để lại những vần thơ trong vắt của tuổi học trò thơ mộng. Anh đã làm lay động bao trái tim và sẽ còn ở lại với những người quý yêu anh.