Phát lộ nhiều dấu tích tại 2 nhà che Cửu vị thần công
07:27 02/07/2021
Ngày 1/7, Trung tâm Bảo tồn di tích (BTDT) Cố đô Huế cho biết, vừa hoàn thành việc khảo cổ học tại Tả, Hữu Pháo xưởng (2 nhà che Cửu vị thần công) được đặt 2 cửa Thể Nhơn (cửa Ngăn) và Quảng Đức (cửa Sập) của Kinh thành Huế. Đợt khảo cổ nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu và bổ sung hồ sơ dự án bảo tồn, phục hồi thích nghi hai nhà Cửu vị thần công.
Quá trình khảo cổ trên diện tích 60m2 ở 2 nhà che Cửu vị thần công đã phát lộ các lớp móng gạch vồ ở Tả Pháo xưởng, chân táng và gia cố bằng bê tông ở Đông Bắc Hữu Pháo xưởng, kết cấu móng gạch dọc nền móng phía Tây Hữu Pháo xưởng, kết cấu gia cố chân táng cột dọc nền móng phía Tây Tả Pháo xưởng…
Kết cấu gia cố chân táng cột ở hố khảo cổ dọc nền móng phía Tây Tả Pháo xưởng. |
Trung tâm BTDT Cố đô Huế sẽ có báo cáo sơ bộ và đề xuất phương án quản lý, bảo vệ khu vực đã khảo cổ và báo cáo khoa học gửi về Bộ VH,TT&DL.
Được biết, Cửu vị thần công được đúc tại Huế trong thời gian 12 tháng (từ năm 1803- 1804) do lính thợ ở bộ Công và binh sĩ ở bộ Binh thực hiện. Cửu vị thần công được đặt tên theo “Tứ thời” (Xuân, Hạ, Thu, Đông) và “Ngũ hành” (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ). Năm 1816, 9 khẩu súng còn được triều Gia Long đặt tên mới là Thần Oai Vô Địch Thượng Tướng Công Cửu Vị. Trong Cửu vị thần công, khẩu nặng nhất nặng là 18.400kg, khẩu nhẹ nhất là 17.200kg. Đây là những khẩu thần công lớn nhất Việt Nam, một trong những bộ tác phẩm mỹ thuật bằng đồng có giá trị nhất của dân tộc…
Hải Lan