Phim hoạt hình Việt Nam bao giờ ra rạp?
- Phim hoạt hình cấm trẻ dưới 13 tuổi gây “sốt” phòng vé
- Phim hoạt hình Việt chiếu rạp: Chờ đợi sự bứt phá
Phim hoạt hình nước ngoài được nhập về chiếu phục vụ khán giả trong hệ thống rạp chiếu cả nước khá lớn. Nhiều bộ phim đã trở thành “hiện tượng phòng vé”. Cụ thể, chỉ trong hơn 1 tháng, từ cuối tháng 5-2017 đến cuối tháng 6-2017, riêng hệ thống phát hành của Tập đoàn CJ - CGV tại Việt Nam đã có 3 phim hoạt hình được ra mắt khán giả: Doaremon: Nobita và chuyến thám hiểm nam cực Kachi Kochi, Giải mã giấc mơ, Kẻ trộm mặt trăng 3.
Dự kiến, cuối tháng 7, khán giả trong nước còn có dịp tái ngộ “Shin – Cậu bé bút chì” – nhân vật hoạt hình ăn khách trong nhiều năm trở lại đây với phần phim mới nhất: “Cuộc xâm lăng của người ngoài hành tinh”.
Hầu hết các phim nói trên đều là các phần tiếp theo của chuỗi phim hoạt hình ăn khách của nhiều quốc gia, từng mang về doanh thu rất cao cho nhà sản xuất. Trong đó “Kẻ trộm mặt trăng” – phim hoạt hình bom tấn Mỹ từng thành công ngay từ lần đầu tiên với mức doanh thu hơn 500 triệu USD vào năm 2010. Phần phim tiếp theo được “trình làng” vào 3 năm sau đó cũng thành công vang dội hơn với doanh thu gần 1 tỷ USD.
Năm 2017, “Kẻ trộm mặt trăng 3” tiếp tục được sản xuất, trở thành một trong những tác phẩm phim hoạt hình có nhiều hứa hẹn sẽ “công phá” phòng vé thế giới, trong đó có Việt Nam.
Trước đó, bộ phim hoạt hình Nhật Bản “Your name: Tên cậu là gì” đã trở thành hiện tượng lạ khi dẫn đầu thị trường Việt Nam về doanh thu cho phim hoạt hình. Chỉ trong 3 ngày công chiếu đầu tiên, phim đã thu hút hơn 37.000 lượt người mua vé vào rạp, mang về 3,6 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hoàng Hải- Giám đốc Phát hành Công ty CJ CGV Việt Nam -một trong những hệ thống rạp chiếu phim lớn nhất Việt Nam hiện nay thì thị trường điện ảnh, trong đó có thị trường cho phim hoạt hình rất giàu tiềm năng. Thời gian gần đây, phim hoạt hình luôn nằm trong top phim có doanh thu cao tại Việt Nam. Khán giả mua vé vào rạp đa phần là trẻ hoặc là gia đình trẻ và thể loại phim hoạt hình luôn là lựa chọn số 1 cho cả gia đình trong ngày cuối tuần hoặc ngày lễ.
Dù không phải phim chiếu rạp nhưng “Chat & Bop” – một trong số chuỗi phim hoạt hình Việt Nam được đầu tư công phu đã buộc phải đối diện với vấn nạn ăn cắp bản quyền. |
Tuy nhiên, hiện nay, phim hoạt hình Việt Nam vẫn vắng bóng ngoài hệ thống rạp chiếu. Năm 2016, người yêu điện ảnh Việt từng khấp khởi vui mừng khi dự án sản xuất phim hoạt hình chiếu rạp tựa đề “Dưới bóng cây: Hành trình trở về” rục rịch khởi động. Dự kiến ra rạp vào năm 2016, nhưng đến tận thời điểm này, thông tin về phim vẫn chỉ như “bóng chim tăm cá”.
Năm 2016, dự án phim hoạt hình chiếu rạp của hãng phim hoạt hình Việt Nam: “Tôi là Bê tô” cũng bắt đầu chuyển động, kỳ vọng sẽ làm nên dấu son trong lịch sử phim hoạt hình Việt. Đây là dự án phim được sản xuất theo mô hình Nhà nước và tư nhân cùng làm – mô hình từng được áp dụng rất thành công trong sản xuất phim truyện nhựa.
Theo kế hoạch dự kiến ban đầu, “Tôi là Bê tô” có độ dài 60 phút. Kinh phí làm phim do Cục Điện ảnh cấp. Nếu không đủ, đơn vị sản xuất sẽ tìm nguồn xã hội hóa và sẽ được công chiếu vào năm 2017. Thế nhưng, hiện tại, kịch bản phim vẫn đang trong quá trình trình duyệt. Lý do là Hội đồng duyệt phim yêu cầu tiếp tục chỉnh sửa, kéo dài thời lượng phim lên từ 80 phút đến 90 phút. Nếu mọi chuyện suôn sẻ, năm 2018 phim mới có thể được “trình làng”.
Trao đổi với chúng tôi quanh câu chuyện phim hoạt hình Việt Nam đang vắng bóng ngoài hệ thống rạp chiếu, bà Lương Minh Phương, Tổng Giám đốc Hãng phim hoạt hình Việt Nam cho biết, người làm phim không thể chỉ nhìn vào lượng khách ùn ùn đến rạp mà… sốt ruột vì biết chắc chắn chưa thể cạnh tranh được với phim nước ngoài.
Công nghệ làm phim của thế giới mỗi ngày mỗi hiện đại hơn, trong khi cơ sở vật chất làm phim của Việt Nam vẫn rất ít thay đổi. Phim nước ngoài được đầu tư hàng triệu USD, trong khi phim Việt chỉ đầu tư từ 10 triệu đồng đến vài chục triệu/1 tập. Trình độ đội ngũ làm phim hoạt hình Việt Nam còn hạn chế, nhiều người theo đuổi chỉ vì đam mê, chưa có điều kiện đào tạo thực sự bài bản.
Cũng theo bà Lương Minh Phương thì người làm phim hoạt hình đều biết, ở nước ngoài, các hoạt động “ăn theo” mỗi bộ phim, từ sản xuất đồ chơi, cho thuê tạo hình nhân vật để quảng cáo, tổ chức các mô hình phục vụ du lịch… là một nguồn thu đáng kể. Nhưng ở Việt Nam, vấn nạn ăn cắp bản quyền khiến người làm phim hoạt hình Việt càng chật vật hơn. Nhiều phim mới phát hành đã bị các trang web ngang nhiên lấy đăng tải.
Mới đây nhất, chuỗi phim hoạt hình thiếu nhi “Chat & Bop” vừa công bố sản xuất, phát hành đã bị một cơ sở tư nhân lấy ngay tạo hình nhân vật làm đồ chơi để bán và công khai quảng cáo trên Internet. Đối tượng vi phạm là các công ty, tổ chức thì nhà sản xuất còn có thể khiếu nại, đòi quyền lợi, nhưng các cá nhân thì không thể đủ thì giờ và nhân lực để “đuổi theo” vi phạm mà đòi quyền lợi.
Thực tế hiện nay, hằng năm, Việt Nam vẫn một cơ số phim hoạt hình được sản xuất. Riêng hãng phim hoạt hình Việt Nam có khoảng 10 phim được sản xuất theo đơn đặt hàng của nhà nước. Một số phim khác, hãng thực hiện theo yêu cầu của tư nhân. Các phim này chưa thể phát hành bán vé ngoài hệ thống rạp chiếu vì chưa đáp ứng được về mặt công nghệ lẫn thời lượng phim. Muốn chiếu rạp, phim phải có tối thiểu 60 phút. Kinh phí sản xuất phim chiếu rạp vẫn phải trông chờ vào nhà nước vì với các nhà sản xuất phim Việt Nam, làm phim hoạt hình chiếu rạp vẫn là một cuộc phiêu lưu nhiều rủi ro và không nhiều người dám chấp nhận dấn thân.
Dự án phim “Tôi là Bê tô” mới chỉ là một trong những bước thử nghiệm nhằm thăm dò thị trường. Nếu chất lượng phim tốt, được khán giả đón nhận thì phim hoạt hình Việt chiếu rạp mới được xem xét để quyết định đầu tư sản xuất tiếp hay không…