Phim truyền hình Việt nóng hơn nhờ… Facebook
Nói gì thì nói, việc được công chúng quan tâm như vậy là dấu hiệu đáng mừng cho phim truyền hình Việt Nam. Nó cho thấy, thay vì trước đây công chúng háo hức đợi đến sau giờ ăn cơm tối để ngồi trước tivi xem phim Hàn Quốc hay nước mắt ngắn dài khi thương xót cô dâu Anandi trong bộ phim truyền hình dài kỷ lục - “Cô dâu tám tuổi”, nay họ đã ngồi xem phim Việt.
Điều gì đã kéo khán giả trở lại với phim truyền hình Việt Nam? Đó không phải là những câu chuyện Lọ Lem, hoàng tử hay trai đẹp, gái xinh nhưng gặp cảnh ngang trái như môtip của phim Hàn; đó cũng chẳng phải những câu chuyện bi tình đẫm lệ một thời của Quỳnh Dao…, mà đề tài phim truyền hình Việt hiện nay gần gũi với cuộc sống hơn.
Các diễn viên trong phim "Người phán xử". |
Trong bài viết nhỏ này, tôi xin nêu ra đây ba bộ phim truyền hình "hót" nhất thời gian gần đây: “Sống chung với mẹ chồng”; “Người phán xử”; “Những người nhiều chuyện”. Hai trong số 3 bộ phim này là “Sống chung với mẹ chồng”, “Những người nhiều chuyện” xoay quanh những câu chuyện rất cụ thể trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Nó gần gũi đến mức, người xem có thể nhận ra mình trong đó.
Đề tài mẹ chồng nàng dâu là chuyện muôn thuở trong xã hội ta từ xưa đến nay. Xã hội ngày càng phát triển, tân tiến nhưng mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu thì thời nào cũng… nhiều chuyện. Có lẽ khai thác đúng gót chân Asin của đời sống xã hội, lại chọc đúng chỗ cần chọc nên “Sống chung với mẹ chồng” đã nhận được sự quan tâm không chỉ các bà mẹ chồng, các nàng dâu mà cả những cô gái, chàng trai rồi đây sẽ trở thành những người vợ, người chồng quan tâm.
Đấy còn chưa kể, diễn xuất rất đạt của các diễn viên là hai nghệ sỹ Lan Hương, Bảo Thanh, Thu Nguyệt… gây rất nhiều thiện cảm cho người xem. Khi bộ phim mới phát sóng vài tập, những dòng chia sẻ trên Facebook đã tác động rất lớn đến những người chơi Facebook.
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin - Truyền thông trả lời trên báo chí, hiện chúng ta có 48 triệu tài khoản Facebook. Thế nên, chỉ cần một phần nhỏ số người trên quan tâm thôi thì vấn đề đã được thổi nóng lên rồi, đằng này tỷ lệ đó ngày càng lớn theo cao trào mâu thuẫn giữa nàng dâu Minh Vân và bà Phương mẹ chồng. Người ta bàn tán, người ta so sánh giữa bà mẹ chồng trên phim và bà mẹ chồng ở đời thực…
Rồi người đem anh chồng trẻ tên Thanh ra để xăm soi. Chính vì sự quan tâm đặc biệt của công chúng đối với những nhân vật trong phim mà các diễn viên chính cũng được các nhãn hàng, các đơn vị tổ chức sự kiện săn lùng.
Cư dân mạng vì đang thương cảm với cô dâu Minh Vân do Bảo Thanh đóng nên cũng rất quan tâm đến sản phẩm mà cô diễn viên này giới thiệu. Mạng xã hội đã làm nóng bộ phim, làm nóng tên tuổi diễn viên và cũng làm nóng luôn thị trường tiêu dùng.
Khác với diễn tiến trong mối quan hệ gia đình của “Sống chung với mẹ chồng”, “Người phán xử” là bộ phim mang tính hình sự cao. Rất nhiều người từng đọc, từng xem “Bố già”, “Hai số phận” đã quan tâm đến bộ phim này. Phần vì đây là bộ phim được mua bản quyền của Israel và được Việt hóa. Bộ phim được xây dựng trên đất nước Do Thái khiến người xem tò mò về những bộ óc Do Thái của nhân vật "ông trùm" cùng đội ngũ tay chân trung thành.
Vấn đề Việt hóa cũng được quan tâm, bởi nếu bê nguyên lối sống, văn hóa, câu thoại của kịch bản nguyên gốc thì khán giả Việt rất khó… nuốt. Nhà biên kịch đã Việt hóa khá thành công bộ phim này ngay ở những cái tên có đuôi của các nhân vật như Thế chột, Phúc rô, Lân sứa, Bảo ngậu, Lương Bổng…
Cùng với việc phát sóng bộ phim, nhà đài đã lập hẳn fanpage về bộ phim đã tạo ra tính tương tác với khán giả rất tốt. Không chỉ vậy, các diễn viên trong phim cũng chính là chủ các trang mạng cá nhân nên khán giả càng có cơ hội được “tiếp cận” họ.
Sự tương tác này đã thỏa mãn phần nào sự tò mò của công chúng và cũng hối thúc họ bám theo diễn tiến của bộ phim. Các trang giải trí của báo điện tử đã chớp lấy cơ hội tăng view khi liên tục có bài viết về các diễn viên đang thủ các vai hot trong phim như Việt Anh (Phan Hải); Bảo Anh (Bảo ngậu); Hoàng Dũng (Phan Quân); Trung Anh (Lương Bổng)…
Sự tương tác giữa khán giả - nhà đài – diễn viên qua mạng xã hội đã đóng vai trò rất quan trọng để đẩy lượng người xem tăng cao, chẳng thế mà các nhãn hàng đua nhau quảng cáo khi bộ phim phát sóng.
Không thể phủ nhận vai trò của mạng xã hội trong việc làm nóng các phim truyền hình trong thời gian qua. Vấn đề là không phải bộ phim nào cũng được mạng xã hội quan tâm bởi, “có thực mới vực được đạo”. Chỉ những bộ phim có nội dung tốt, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng và bắt nhịp được xu thế xã hội mới được quan tâm.
Bộ phim “Những người nhiều chuyện” đang phát sóng trên VTV1 vào thứ 5, thứ 6 hăâng tuần còn đưa luôn vấn đề “thời sự” nóng hổi là “ăn Facebook, ngủ Facebook” của một bộ phận người Việt hiện nay vào nội dung phim nên cũng rất gần với đời sống. Bộ phim có yếu tố hài, xoay quanh không gian sống hẹp là cuộc sống của cư dân trong một tòa nhà chung cư.
Mặc dù chưa tạo ra được những cái tên diễn viên “hót” như trong “Sống chung với mẹ chồng”, “Người phán xử” nhưng bộ phim này cũng được xếp là phim nắm bắt đúng thị hiếu người xem, có yếu tố giải trí cao.
Sự khởi sắc của phim truyền hình Việt phụ thuộc vào chính chất lượng phim. Tuy nhiên, không thể phủ nhận vai trò của mạng xã hội khi lôi kéo sự quan tâm của công chúng. Thông qua đây, các nhà làm phim, nhà đài sẽ nắm bắt thị hiếu công chúng, để quảng bá sản phẩm của mình tốt hơn và tiếp tục cho ra đời những sản phẩm phù hợp hơn.