Những căn nhà chờ sập ở phố cổ Bao Vinh

20:29 08/12/2018
Phố cổ Bao Vinh được xây dựng từ thế kỷ 19, từng là thương cảng sầm uất, nổi tiếng với những căn nhà cổ có kiến trúc độc đáo. Tuy nhiên, trải qua hơn 2 thế kỷ tồn tại, những ngôi nhà cổ ở khu phố cổ này đang bị biến mất dần theo thời gian. 

Từ năm 1991, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế thực hiện công tác khảo sát và năm 2003 tỉnh đã có quy hoạch phát huy đô thị cổ Bao Vinh. Vào thời điểm đó, phố cổ còn tồn tại gần 40 ngôi nhà cổ. 

Theo dự định, những ngôi nhà cổ sẽ được bảo tồn nhằm phát huy giá trị của kiến trúc nhà cổ truyền thống ở Huế, cũng như đưa vào khai thác, phục vụ du lịch. Tuy nhiên, khi dự án còn chưa kịp triển khai thì năm 1996 có 11 ngôi nhà cổ “biến mất” và được thay thế bằng những căn nhà gạch ngói mới. 

Một góc phố cổ Bao Vinh hiện nay.

Đến nay, toàn bộ phố cổ Bao Vinh chỉ còn khoảng 10 ngôi nhà cổ, trong đó có 6 ngôi nhà kiến trúc gỗ, 4 ngôi nhà kiến trúc Pháp đang được các hộ dân sử dụng.

Những căn nhà cổ xuống cấp, hư hại nặng tại phố cổ Bao Vinh.

Theo các hộ dân ở khu phố cổ, công tác bảo tồn phần lớn phụ thuộc vào chủ nhân của nhà cổ bằng cách tự gìn giữ, bảo vệ, không đập phá, không xây mới hoặc thay thế các công trình kiến trúc cổ bên trong nhà cổ. 

Phần lớn những căn nhà cổ ở phố cổ Bao Vinh được người dân tận dụng làm cửa hàng buôn bán các loại hàng hóa.

Ông Lê Quang Chất, chủ nhân căn nhà cổ có tuổi đời trên 100 năm ở phố cổ Bao Vinh bày tỏ: “Do được xây dựng quá lâu nên nhà cổ này bị hư hại nhiều, thấm dột và hiện tại gia đình phải sửa chữa một số hạng mục để vừa làm chỗ ở, vừa bảo vệ căn nhà khỏi bị sập. Trước đây, từng có người đến đặt vấn đề đổi khung gỗ trong ngôi nhà cổ của chúng tôi thay bằng khung gỗ mới và họ sẽ “bù” thêm 12 cây vàng nhưng gia đình tôi đã từ chối để giữ nguyên trạng căn nhà cổ do tổ tiên để lại”.

Những căn nhà cao tầng mọc lên ngay giữa phố cổ Bao Vinh hàng trăm năm tuổi không còn là chuyện lạ đối với người dân địa phương.

Đứng trước những căn nhà cổ đang bị hư hỏng, chờ sập, các hộ dân ở phố cổ Bao Vinh không biết phải làm thế nào khi kinh phí để tu sửa những căn nhà cổ là quá lớn, khoảng từ 100 đến 200 triệu đồng.

Hình ảnh các cột kèo gỗ trong một căn nhà cổ ở phố cổ bị mục ruỗng, hư hại.

Tại kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Thừa Thiên- Huế khóa 7 nhiệm kỳ 2016-2021 diễn ra từ ngày 5 đến 7-12, một lần nữa câu chuyện quy hoạch, bảo tồn phố cổ Bao Vinh lại được nhiều đại biểu quan tâm, đặt vấn đề chất vấn. 

Xen lẫn giữa những căn nhà cổ là mái nhà ngói đỏ tươi do người dân vừa mới tu bổ, xây dựng để chống xuống cấp.

Theo ông Hoàng Hải Minh, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên- Huế, từ năm 2003, phố cổ Bao Vinh đã được quy hoạch. Từ đó, Sở đã xây dựng kế hoạch rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, phân khu phố cổ và hiện thị xã Hương Trà đang triển khai thực hiện, dự kiến hoàn thành vào năm 2019. 

Một đoàn du khách tham quan căn nhà cổ còn giữ được nguyên hiện trạng gốc ở khu phố cổ Bao Vinh.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Ty, Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà, thời gian qua, việc thực hiện quy hoạch phố cổ Bao Vinh gặp rất nhiều khó khăn do không gian phố cổ chật chội, chính sách không có sự tác động hỗ trợ. 

Việc tu bổ, sửa chữa những căn nhà cổ tốn kinh phí từ 100 đến 200 triệu đồng nên nằm ngoài khả năng của các hộ dân ở phố cổ.

“Qua nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân đã nêu ý kiến cần được tạo điều kiện hỗ trợ bảo tồn. Do chờ đợi trong thời gian dài, bức xúc nên có nhiều nhà đã bị tháo dỡ sửa chữa, dẫn đến phố cổ không còn nguyên vẹn như trước. Thị xã cũng đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan chức năng của tỉnh xem xét quy hoạch lại phố cổ Bao Vinh để tôn tạo, bảo tồn nhưng vấn đề này không được giải quyết thấu đáo”, ông Ty nói.

Một ngôi nhà cổ xuống cấp được chủ nhà chắp vá tạm bợ để sinh sống.

Trong khi đó, ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên- Huế cho rằng, tỉnh cần có chính sách ưu đãi đầu tư và kinh doanh cho các chủ căn nhà cổ ở phố cổ Bao Vinh. Bên cạnh đó cần phục hồi phát triển một số ngành nghề truyền thống mới thu hút được khách du lịch. 

Tu bổ, bảo tồn những căn nhà ở phố cổ Bao Vinh là việc làm cần được thực hiện khẩn trương để cứu nguy cho các căn nhà cổ còn sót lại.

Đặc biệt, hiện thị xã Hương Trà đang gặp khó khăn về nguồn ngân sách hỗ trợ nên cũng cần có chính sách ưu đãi bảo tồn phố cổ Bao Vinh như đã thực hiện với các nhà vườn ở làng cổ Phước Tích mới có thể gìn giữ được khu phố cổ Bao Vinh đang bị xuống cấp, hư hại như hiện nay.


Anh Khoa

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文