Siết chặt quản lý biểu diễn ca Huế trên sông Hương

10:09 02/01/2021
Ca Huế - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc của vùng đất Cố đô. Tuy nhiên, việc biểu diễn ca Huế trên sông Hương còn tồn tại nhiều bất cập. Vì thế, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm siết chặt công tác quản lý biểu diễn ca Huế, góp phần để di sản ca Huế xứng tầm là một sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có của địa phương.


Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) tỉnh Thừa Thiên-Huế, hiện địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế có 11 doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh tổ chức biểu diễn ca Huế. Các đơn vị này hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, được phép đăng ký kinh doanh, tổ chức biểu diễn ca Huế theo quy định tại Nghị định số 79/2012/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 09/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ngoài ra, còn khoảng 450 diễn viên, nhạc công tham gia biểu diễn ca Huế cùng nhiều nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân có hoạt động liên quan đến nghệ thuật ca Huế.

Mặc dù có nhiều quy định về việc tổ chức biểu diễn ca Huế, song đến nay, việc biểu diễn ca Huế ở thuyền rồng đi trên sông Hương vẫn còn nhiều bất cập cần được chấn chỉnh. Nhiều chủ thuyền tự đứng ra tổ chức xuất diễn, hạ giá cạnh tranh; hoặc mời các nghệ sĩ trẻ chỉ diễn 1 bài để trả thù lao ít hơn khiến chương trình bị cắt xén, chất lượng nghệ thuật ca Huế giảm sút.

Các nghệ sĩ, nhạc công biểu diễn ca Huế tại thuyền rồng trên sông Hương.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ ca Huế thính phòng, ông Võ Quê chia sẻ, hiện nhiều MC giới thiệu về chương trình biểu diễn ca Huế trên sông Hương, nhưng không thực sự hiểu rõ về ca Huế nên không thể quảng bá rộng rãi được loại hình nghệ thuật này. Thậm chí, có chủ thuyền còn đưa con cháu “chen” vào biểu diễn những bài hát trữ tình về Huế. Việc tổ chức như thế khiến chương trình nghệ thuật ca Huế giảm sút, không đạt chất lượng, gây hiểu nhầm cho du khách, làm nhiều nghệ sĩ tên tuổi quay lưng với việc biểu diễn ca Huế trên sông Hương.

“Ca Huế là di sản và cần được khai thác bài bản, tổ chức biểu diễn chuyên nghiệp thì mới thực sự phát huy được giá trị của loại hình nghệ thuật độc đáo này, để nó trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương”, ông Quê nói.

Qua tìm hiểu được biết, ca Huế là một thể loại âm nhạc cổ truyền của xứ Huế, bao gồm ca và đàn với hệ thống bài bản phong phú khoảng 60 tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc, mang đậm sắc thái địa phương. Bài bản ca Huế có cấu trúc chặt chẽ, nghiêm ngặt, trải qua quá trình phát triển lâu dài đã trở thành nhạc cổ điển hoàn chỉnh, mang nhiều yếu tố “chuyên nghiệp” bác học về cấu trúc, ca từ và phong cách biểu diễn.

Đi liền với ca Huế là dàn nhạc Huế với bộ ngũ tuyệt Tranh, Tỳ, Nhị, Nguyệt, Tam xen với Bầu, Sáo và bộ gõ trống Huế, sanh loan, sanh tiền. Với kĩ thuật đàn và hát, ca Huế đặc biệt tinh tế nhưng lại mang đậm sắc thái địa phương, phát sinh từ tiếng nói, giọng nói của người Huế nên gần gũi với hò Huế, lý Huế, là cầu nối giữa nhạc cung đình và âm nhạc dân gian.

Để chấn chỉnh việc biểu diễn bát nháo, nâng cao chất lượng biểu diễn ca Huế, đặc biệt là ca Huế trên sông Hương, tỉnh Thừa Thiên-Huế đang xây dựng đề án “Phát huy giá trị và xây dựng ca Huế trở thành sản phẩm dịch vụ văn hóa đặc sắc giai đoạn 2020 đến 2025”, nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu nghệ thuật ca Huế trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương. Đề án gắn xây dựng sản phẩm du lịch với việc tăng cường các giải pháp quản lý, đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật ca Huế, tạo cơ sở, tiền đề để đưa ca Huế trở thành kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu đại diện của nhân loại.

Đáng chú ý hơn, từ ngày 25-12-2020, quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức dịch vụ biểu diễn ca Huế do UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế ban hành tại Quyết định số 62/2020/QĐ-UBND chính thức có hiệu lực. Theo quyết định này, đối với chương trình biểu diễn ca Huế, chương trình phải là các bài bản ca Huế, có thể kết hợp một số làn điệu dân ca, ngâm thơ, hò vè Huế, nhạc mới có nội dung về Huế.

Một chương trình biểu diễn phải có thời lượng từ 60 phút trở lên và có ít nhất 7 diễn viên và nhạc công khi biểu diễn trên thuyền đơn; 8 diễn viên và nhạc công khi biểu diễn trên thuyền đôi; có ít nhất 3 đến 4 loại nhạc cụ như đàn tranh, đàn Tỳ bà, đàn Nhị, đàn Nguyệt; ngoài ra có thể có thêm nhạc cụ đàn Bầu, Sáo, Phách.

Nhằm siết chặt quản lý biểu diễn ca Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế còn quy định, các chương trình biểu diễn ca Huế phải được Sở VH-TT thẩm định, cấp giấy phép tổ chức biểu diễn; niêm yết công khai tại các địa điểm kinh doanh dịch vụ tổ chức biểu diễn ca Huế và giới thiệu cho khách trong quá trình biểu diễn. Diễn viên, nhạc công, người điều hành chương trình trongquá trình tham gia biểu diễn ca Huế phải mang bảng tên, trang phục truyền thống.

Thời gian hoạt động biểu diễn ca Huế từ 8 đến 24h hàng ngày; không gian phục vụ biểu diễn ca Huế trên sông Hương là khúc sông đoạn từ cầu Trường Tiền đến cầu Dã Viên; các thuyền du lịch có hoạt động biểu diễn ca Huế phải lắp đặt từ 1 đến 2 camera giám sát kết nối với cơ quan quản lý.

Ông Nguyễn Thiên Bình, Phó Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên-Huế cho hay, hoạt động biểu diễn ca Huế trên sông Hương khó quản lý vì liên quan đến nhiều ngành như: văn hóa, du lịch, GTVT… Thậm chí, cùng một lúc có nhiều thuyền rồng hoạt động du lịch nên không đủ nhân lực kiểm tra thường xuyên. Ngoài ra, việc kiểm tra dễ gây phản cảm đối với du khách đang thưởng thức dịch vụ ca Huế. Vì thế việc lắp camera, ứng dụng công nghệ thông tin kiểm tra, giám sát chất lượng biểu diễn ca Huế trên sông Hương là rất cần thiết.

Theo ông Bình, hiện có 134 thuyền du lịch tham gia hoạt động tổ chức biểu diễn ca Huế trên sông Hương. Việc quy định lắp đặt camera đồng bộ ở các thuyền không chỉ góp phần giám sát hoạt động tổ chức biểu diễn ca Huế trên sông Hương, mà còn theo dõi, quản lý được nhiều vấn đề xã hội khác, trong đó có nạn xả rác xuống sông. Các buổi biểu diễn được camera ghi lại và sau đó đơn vị sẽ mở xem kiểm tra. Nếu chương trình biểu diễn ca Huế không đảm bảo về thời lượng, số lượng diễn viên, nhạc công hay không tuân thủ các quy định thì sẽ có biện pháp xử phạt, xử lý theo đúng quy định...

Anh Khoa

Thi hành kỷ luật bằng hình thức Xóa tư cách chức vụ Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh với bà Nguyễn Thị Hồng do vi phạm trong công tác và Ban Chấp hành Trung ương đã thi hành kỷ luật về Đảng.

Ngày 31/10, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh tạm giam đối với Hoàng Thị Kim Châu (SN 1973, trú phường Thạch Thang, quận Hải Châu, Đà Nẵng), nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Bách Đạt An về hành vi tham ô tài sản.

Ngày 31/10, ở Quảng Trị bắt đầu nắng ráo. Tuy nhiên, một số địa phương ở các khu vực hạ nguồn, thấp trũng và gần sông, suối vẫn còn bị ngập lũ cục bộ, có nơi sâu hơn 1m. Trong đó, 2 thôn rẻo cao Cát, Trỉa thuộc xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa đến cuối buổi chiều cùng ngày vẫn còn bị chia cắt, cô lập bởi nước lũ và sạt lở đường đi.

Ngày 31/10, cơ quan chức năng TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã kiểm tra quy trình chế biến thực phẩm của một khách sạn 4 sao để làm rõ phản ánh về việc rau sống có ốc sên đang bò và một số món ăn có dấu hiệu hư hỏng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文