Độc đáo chợ Tết năm ngàn ở vùng cao Tây Giang

13:16 05/02/2019
Khi trai bản Cơ Tu đã đong đầy từng chai rượu Tà Vạt, Ba Kích; buộc đằng sau lồng heo mọi, lủng lẳng từng buồng chuối treo kèm theo chồng lá dong, dây lạt chất đầy trên xe đạp, xe máy. Còn trên đồi cao, các chị các mế cũng đã trĩu đầy gùi rau, măng rừng… Đó cũng là lúc bà con Cơ Tu dắt nhau theo nắng xuân ấm áp xuôi xuống “chợ chiều 5 nghìn”.

Ngày cận Tết, chợ càng đông khách, đủ màu sắc từ rau màu sản vật cho đến các tấm thổ cẩm, gùi mây được bày bán. Và rất nhiều đoàn khách thập phương cũng thú vị được hòa cùng nét rộn rã của phiên chợ Tết vùng cao Tây Giang độc đáo này mua sắm, chuẩn bị mọi thứ để đón Tết cổ truyền”.

Ngày Tết đi chợ chỉ “5 nghìn”…

Thật đấy, chợ Tết ở đây có một đặc sản mà không có chợ nào, vùng nào có được đó chính là mỗi mặt hàng như rau, củ, quả... đều chung giá... 5 nghìn đồng. Nên cũng từ đó, chợ được gọi là "chợ chiều năm ngàn"...

Nếu ai đã từng đến huyện miền núi Tây Giang, thăm khu làng văn hóa Cơ Tu, thăm nhà Gươl thì nhất định phải ghé “chợ chiều năm ngàn” để cảm nhận được nét văn hóa mộc mạc, bình dị và đầy thú vị của bà con đồng bào Cơ Tu (Quảng Nam)… đó là lời mà những du khách trong nước và cả nước ngoài một lần ghé thăm huyện vùng cao cận biên giới Việt – Lào này đều chia sẻ.

“Chợ chiều 5 nghìn” ở vùng cao này nằm ở đường số 4, thôn A Grồng, xã A Tiêng, cách trung tâm UBND huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) chỉ vài phút chạy xe máy... Nói là "chợ chiều", nhưng chợ bắt đầu từ 11 giờ trưa, các sản phẩm từ rau củ quả cho đến các loại nấm, măng rừng... tất cả đều là “nông sản sạch” của đồng bào địa phương tự canh tác và trao đổi mua bán... Thú vị còn ở, chợ không chỉ “độc quyền” là phụ nữ, mà từ bé gái đến người già, từ các mế đến cụ ông và có cả các thanh niên bản cũng xuôi xuống chợ để làm “tiểu thương”...

Chợ chiều 5 ngàn ra đời đã kích thích sự tò mò của nhiều người và nó đã dần trở thành một thương hiệu riêng của Tây Giang.

Theo chuyến xe trao quà Tết của đoàn công tác từ thiện Báo CAND, chúng tôi vượt những con đường núi dốc cao, đong đầy những chuyến quà chở nặng nghĩa tình để đến với đồng bào vùng cao của tỉnh Quảng Nam. Khi đoàn chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ, trọn vẹn nghĩa tình với người dân cũng đã ngày cận Tết. Chia tay bà con, dọc tuyến đường xuôi về phố cứ từng đoạn chốc chốc chúng tôi lại bắt gặp những phiên chợ “di động” được bày bán với đủ đầy sản vật của vùng núi Quảng Nam, từ chuối, mía, đảng sâm cho đến măng khô, rau rừng, rượu, nếp cẩm…

Nhưng đoàn chúng tôi thật sự bị thu hút và ấn tượng đặc biệt nhất là được ghé thăm chợ chiều 5 nghìn. Chiều cận Tết, chợ mỗi lúc một nhộn nhịp bởi cảnh bán mua, trao đổi hàng hóa giữa đồng bào địa phương với người đi chợ. Ai cũng cố gắng có mặt thật sớm, tìm cho mình vị trí phù hợp để bày bán sản vật cho khách. Phiên chợ vùng cao Tây Giang tấp nập người mua, mặt hàng chủ yếu là các loại rau, củ, quả, các loại nấm mà người dân nơi đây tự trồng hay đi hái trong rừng.

“Thương lái” ở đây là người Cơ Tu xưa nay chân lấm tay bùn. Nhiều người trong họ chưa học hết lớp 5, có người không biết chữ, có người không nói được tiếng phổ thông nhưng họ đã mạnh dạn tự mình đem các sản vật từ rừng đi bán. Lần đầu họ còn bỡ ngỡ nhưng một ngày, hai ngày, ba ngày rồi thành quen. Mỗi mặt hàng họ cho một “quy ước” chung đó là giá chỉ 5 ngàn đồng, không hơn, không kém, không thêm, không bớt... ai có nhu cầu thì mua, không ép... Từ đó khu chợ 5 ngàn bắt đầu hình thành và lan tỏa nhanh.

Mế A Nêm (ở thôn Agrồng, xã A Tiêng) nay đã gần 80 tuổi nhưng mấy ngày ni vẫn đều đặn theo con cháu đến phiên chợ có khi chỉ để bán vài bó sả, vài củ sắn, nải chuối hay các loại nông sản được mang về từ rẫy. Xưa nay bà con mình làm chỉ biết buôn bán, làm ra hạt lúa, củ sắn, bó rau là để ăn, nhiều thì đem biếu bà con, họ hàng. Nay người Cơ Tu mình học theo Atụt (người Kinh), sản phẩm làm ra nhiều mình đem ra chợ đổi tiền mua sắm thứ khác trang trải cuộc sống gia đình.

Mế A Nêm nói, số tiền bán được sẽ dành dụm để phụ giúp con cái sắm sửa Tết và trang trải cuộc sống. “Mùa xuân, rau rừng nhiều nên mế vẫn tranh thủ hái về mang ra chợ bán. Đi rẫy xong là đến chợ, cũng kiếm được ít tiền mua mắm, muối, đổi được tấm áo cho các cháu nội ngoại. Bên góc chợ, xin xít những gian hàng khác những phụ nữ Cơ Tu, các anh trai bản vẫn tiếp tục xếp ngay ngắn từng sản vật theo dãy hàng, nhộn nhịp bước chân người đến, tìm mua…

Là khách hàng của phiên chợ chiều này, anh Trần Hải Nam (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) chia sẻ: Tuy ở Tam Kỳ, nhưng Nam lại đang làm một dự án xây dựng tại huyện Tây Giang, bởi vậy trước khi về Tam Kỳ ăn Tết với gia đình, vợ con, Nam đã ra khu chợ chiều 5 nghìn để mua sắm một số đồ nông sản sạch, vài cân thịt heo rừng để làm quà. Anh Nam còn tiết lộ, sau lần biết “chợ 5 nghìn”, anh thường xuyên đến đây mua vì giá rẻ hơn ngoài chợ huyện, các mặt hàng nông sản của đồng bào Cơ Tu ở đây đảm bảo sạch, không hóa chất. Ngoài mua về dùng, Nam còn được bạn bè ở phố “nhờ vả” mua đặc sản vùng cao rau, sắn, măng rừng vì lạ và rất ngon.

Nét văn hóa cộng đồng mới của đồng bào Cơ Tu

Ở chợ chiều ngày Tết, chúng tôi còn gặp Alăng Tối, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tây Giang, Tối chính là “đồng tác giả” của khu chợ chiều 5 nghìn này.  Alăng Tối chia sẻ với chúng tôi: Chợ chiều này ra đời cách đây 2 năm. Bà con ở xung quanh vùng tới buôn bán rất đông từ 12h trưa tới 17h.

Đặc biệt là ngày giáp Tết như mấy hôm nay, người dân địa phương, bên cạnh không gian các sản vật của đồng bào miền núi, phiên chợ này còn dành riêng khu vực bày bán các mặt hàng ẩm thực, hoa quả, quần áo… phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân. Vì thế, những ngày cuối năm, phiên chợ càng trở nên nhộn nhịp hơn, với hàng trăm người tìm đến mua bán, trao đổi hàng hóa, nông sản.

Bên góc chợ Tết 5 nghìn của bà con Cơ Tu.

Anh A Lăng Tối còn tiết lộ: Chợ chiều 5 ngàn này không bao giờ có chuyện “chặt chém, nâng giá cho dù là ngày Tết. Ở chợ này 100% là nông sản, sản vật của địa phường chính tay đồng bào Cơ Tu sản xuất và đều đồng giá 5 ngàn đồng không hơn không kém, ai mua thì bán, không ép... Nhờ độc đáo vậy, chợ rất thu hút người dân đến mua và tạo nên một nét văn hóa mới trong mua bán ở huyện miền núi Tây Giang, Quảng Nam.

Trước nhu cầu buôn bán ngày càng nhiều của bà con, phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tây Giang đã tham mưu cho huyện chọn vị trí, mặt bằng thuận lợi để xây chợ nhằm khuyến khích bà con mình tiếp cận dần với nghề mới, tăng thu nhập. Giúp đồng bào Cơ Tu ở huyện thay đổi tư duy sản xuất từ tự cung tự cấp sang hàng hóa, thị trường. Họ làm ra sản phẩm nông nghiệp bán được, có tiền sẽ là nguồn động viên khuyến khích họ ham làm giàu...

Và nhằm giúp cho bà con nơi đây có chỗ buôn bán ổn định lâu dài, giảm bớt khó khăn, nhất là trong những ngày mưa lũ vừa qua ở miền Trung vừa qua, UBND huyện Tây Giang đã tiến hành hành xây chợ “kiên cố” cho bà con. Nền chợ được bê tông hóa, mái vòm lợp tôn, khung sắt kiên cố, tổng diện tích trên 100m2, đủ chỗ cho trên 50 hộ buôn bán.

Huyện cũng có chủ trương sẽ đem một số mặt hàng đặc sản địa phương bán tại chợ này như củ đẳng sâm, sâm ba kích, mật ong, củ cun, nấm lim xanh, nấm ngọc cẩu và bán cả các mặt hàng thủ công như các loại áo, quần truyền thống Cơ Tu, gùi, các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp truyền thống của địa phương như mây, tre, đan lát, cuốc, rựa… do chính bà con làm.

Ông Bhling Mia - Chủ tịch huyện Tây Giang - cho biết, huyện đã thống nhất đặt tên chợ là “chợ chiều 5 ngàn” và giá bán này sẽ không thay đổi. Huyện đã cùng với Chi cục Thuế huyện thống nhất không thu thuế buôn bán của bà con, tạo mọi điều kiện tốt nhất để bà con làm ăn. “Chợ chiều 5 ngàn ra đời đã kích thích sự tò mò của nhiều người và nó đã dần trở thành một thương hiệu riêng của Tây Giang.

Chợ chiều 5 ngàn không chỉ thu hút khách du lịch, kích thích ngành dịch vụ phát triển và điều ý nghĩa nhất là thay đổi dần tư duy của đồng bào Cơ Tu từ thói quen chỉ biết làm nương rẫy sang một ngành nghề mới nhưng thu nhập cao…”, ông Bhing Mia nói.

Hoài Thu

Chiều 30/4, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về việc Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 12 phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Bình Dương khám phá vụ án cướp tài sản táo tợn xảy ra trên địa bàn quận 12, đồng thời trao khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân tham gia phá vụ án này.

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn dường như đã hết hy vọng sau nhiều năm kết hôn vẫn không có con, dù đã chạy chữa nhiều nơi. Nhưng cơ duyên và may mắn, kết hợp với sự tiến bộ của y học hỗ trợ sinh sản, họ đã thực hiện được giấc mơ làm cha, làm mẹ.

Một khối không khí lạnh cuối mùa tràn về gây mưa rào và giông từ đêm nay (30/4), chấm dứt đợt nắng nóng kéo dài ở miền Bắc bốn ngày nay. Khoảng từ ngày 3-4/5, nắng nóng có khả năng quay trở lại ở Tây Bắc Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây kêu gọi Israel vẫn phải làm nhiều hơn nữa để tăng dòng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh sẽ tận dụng chuyến thăm đến Trung Đông lần này để giải quyết vấn đề đó với các nhà lãnh đạo Israel.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文